SSDH – Khác với ở Việt Nam, ở các nước phát triển các trường đại học không tuyển sinh bằng một kỳ thi đầu vào, mà dựa trên cả quá trình học tập và phát triển nhân cách của học sinh.
Tất cả những điều này đều phải được thể hiện qua một bộ hồ sơ bao gồm các chứng chỉ ngôn ngữ (đa phần là tiếng Anh), bảng điểm, một bài luận nói về bản thân và mục đích du học, kết quả thi (tùy trường) cùng với các giấy tờ liên quan khác. Tưởng chừng như quy trình này ít gây áp lực hơn việc thi cử nhưng không phải vậy.
Để vào được những trường đại học có tiếng về chất lượng, hay để “giật” được Học bổng du học, học sinh và phụ huynh cần phải vào guồng từ rất sớm, chia ra các giai đoạn chuẩn bị thật hợp lý. Tuy hiện nay có rất nhiều trung tâm tư vấn du học có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, nhưng phụ huynh và học sinh có ý định du học vẫn cần nắm bắt được những điểm cơ bản trong quy trình chuẩn bị để chuẩn bị tâm lý vào vạch xuất phát đúng thời điểm.
Chuẩn bị hồ sơ du học: chạy trước không hề thừa
Khi muốn du học, điều đầu tiên cần phải chuẩn bị chính là khả năng ngôn ngữ, vì đây chính là điều giúp các bạn tự tin vượt qua những thử thách của cuộc sống nơi xứ lạ, cả trong sinh hoạt lẫn học tập. Một lời khuyên dành cho các vị phụ huynh và các du học sinh là đừng chủ quan nghĩ rằng khi phải sống và du học tập ở nước ngoài, khả năng Anh ngữ sẽ tự tốt lên.
Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp du học sinh với khả năng ngôn ngữ hạn chế đã gặp phải những cú sốc trong cuộc sống và trên giảng đường, dẫn đến việc bị mất đà và sống co mình lại. Những sinh viên du học có bản lĩnh có thể vượt qua trở ngại này sau một thời gian, nhưng với nhiều bạn khác, việc mất đà này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập.
Để chuẩn bị đi du học khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các học sinh nên bắt đầu học Anh ngữ học thuật (Anh ngữ sử dụng trong trường học – đây cũng là dạng Anh ngữ được sử dụng trong kỳ thi TOEFL và IELTS) từ lớp 10. Đến nửa đầu năm lớp 11 thì đăng ký thi TOEFL hoặc IELTS để sau đó có thể tập trung vào ôn thi SAT (với các trường đại học tại Mỹ).
Nếu điểm đến là du học Anh, năm lớp 12 các bạn nên đăng ký học chương trình A Level tại Anh hoặc tại một trường quốc tế tại Việt Nam, có như vậy thì mới có cơ hội vào học tại những trường đại học hàng đầu. Nếu muốn nộp đơn vào những trường có yêu cầu nộp một bài luận nói về bản thân cũng như những dự định học tập của mình, du học sinh nên bắt đầu nghĩ đến những điểm mình muốn thể hiện từ đầu năm lớp 12 và bắt tay vào viết càng sớm càng tốt.
Đặc biệt là ở Mỹ – một quốc gia hỗ trợ khá nhiều Học bổng du học cho sinh viên, các trường đại học thường đòi hỏi phải nhìn thấy nhiều khía cạnh đặc biệt từ bộ hồ sơ của ứng viên.
Một lưu ý nữa cho các bậc phụ huynh là những thủ tục như bảng điểm, chứng nhận sức khỏe, kê khai tài chính… tuy là phần phụ nhưng là không thể thiếu. Đây lại là những loại giấy tờ mà chúng ta không thể chủ động được về mặt thời gian, nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Đừng đợi đến phút cuối, sẽ gây thêm những áp lực không đáng có cho giai đoạn chuẩn bị nước rút. Khi mọi thứ đã “tạm ổn”, phụ huynh phải bắt đầu ngay các bước chuẩn bị xin visa cho con em mình. Và lời khuyên là các bước này nên nhờ các trung tâm có kinh nghiệm để hoàn tất thủ tục nhanh gọn.
Những lỗi thường gặp
Theo chị Ngô Thùy Ngọc Tú – Phó giám đốc Chiến lược và Giáo dục của Yola Institute, những lỗi thường gặp trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và chọn trường là:
Thứ nhất là về vấn đề chọn trường: Trước hết phải biết lượng sức và chừa cho mình những lựa chọn an toàn. Cho dù học sinh đó rất giỏi, cũng đừng nên chỉ nộp đơn vào các trường thuộc hàng “top”. Tốt nhất là nên chọn một số trường “hơn tầm với” song song với một số trường an toàn.
Việc tự bó hẹp lựa chọn của mình cũng là một điều không nên. Ở Mỹ có hơn 4.000 trường đại học, trong đó có đến 300 trường được xếp trong top của US News, nhưng các học sinh Việt Nam chỉ biết đến và nộp đơn trong khoảng vài chục trường. Điều này là không nên vì sự cạnh tranh sẽ cao hơn. Những sự lựa chọn khác cũng tốt tương đương nhưng ít cạnh tranh hơn nhiều.
Vấn đề thứ hai là về bài luận: Không nên đợi đến phút cuối mới bắt tay vào viết bài luận của mình. Nhiều bạn cứ “nuôi” ý tưởng trong đầu, chờ khi nào nghĩ ra điều gì thật hay rồi mới viết. Đây là điều sai lầm vì bạn sẽ có rất ít thời gian để chỉnh sửa và nhận được góp ý. Hơn nữa, nhiều khi phải bắt tay vào viết thì mới có cảm hứng được.
Phần diễn đạt cũng là mặt các bạn gặp nhiều lúng túng. Nhiều học sinh Việt Nam nói quá nhiều đến điểm số trong bài luận của mình. “Tôi sẽ quyết tâm luôn đạt điểm cao như thế nào?”, “Việc không đạt được điểm số tốt trong một thời điểm nào đó ảnh hưởng đến tôi ra sao?”… không nên là những ý chính dẫn dắt bài luận của bạn. Ngoài ra, bài luận nên thể hiện suy nghĩ mạch lạc, tích cực, đừng đề cập đến quá nhiều sự phân vân, lo lắng của bạn trước xã hội hay tương lai mà cuối cùng không đề cập được những giải pháp tích cực.
Lỗi thứ ba là vấn đề thường gây căng thẳng không đáng, đó là phần chuẩn bị các hồ sơ hỗ trợ và trình bày. Các giấy tờ như bảng điểm, thư giới thiệu, chứng nhận tài chính… tuy lắt nhắt nhưng lại dễ làm các bạn trễ hạn nộp đơn nhất. Tốt nhất là nên chuẩn bị từ trước, xin chứng nhận nhiều bản để phòng xa. Đến giờ phút cuối bạn chỉ nên tập trung toàn bộ sức lực vào bài luận của mình mà thôi.
Lỗi cuối cùng mà các bạn hay gặp phải là nghe theo các thông tin “hành lang” mà không kiểm tra lại với các nguồn chính thức. Những thông tin như “năm nay trường A cho nhiều học bổng lắm”, “trường B chỉ nhận hai học sinh Việt Nam mà thôi”… có thể thay đổi lượng hồ sơ nộp vào trường và tăng giảm tính cạnh tranh một cách đáng kể. Hãy gửi email hỏi thẳng nhà trường để có được thông tin chính xác nhất.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Doanh Nhân Sài Gòn