Cách viết thư giới thiệu ấn tượng

0

SSDH – Đợt vừa rồi bên cạnh win suất học bổng GREAT duy nhất của British Council và trường Westminster cho người Việt, mình còn được trao suất học bổng cũng khá bự là Học bổng Think Big 10,000 bảng Anh của trường ĐH Bristol.

ĐH Bristol thì ranking cao, trường nằm trong Russell Group – top các trường ĐH chất lượng hàng đầu tại Anh. Thấy trường gửi mail cho mình mời chào thiết tha, ý là: “sao mày không học trường tao đi, ĐH Bristol đứng thứ 10 tại UK và top 61 đại học trên toàn thế giới (QS Rankings 2022)”.
Trong top các trường ranking cao Russell Group thì mình cũng nhận được offer tương tự của ĐH Exeter. Chưa kể là ĐH Anglia Ruskin (Cambridge), ĐH Huddersfield, ĐH Nottingham Trent đều offer cho mình các suất học bổng Excellence Scholarship khá hấp dẫn.
Mình nghĩ chắc đầy bạn khác cũng nhận được học bổng tương tự như trên của mình. Nhưng em tư vấn bảo không phải đâu, chị là hơi bị outstanding xuất sắc mới được học bổng vậy đó. Cách chị làm hồ sơ rất cuốn hút và thuyết phục, dù chị viết cũng đơn giản và thật thà.
Hôm rồi mình vừa gặp một em cũng IELTS 8.0 và đang là giáo viên trường trong một trường siêu xịn ở Việt Nam. Em bảo thích chương trình học của ĐH Westminster và đầu tư đi học, mặc dù chả đạt suất học bổng nào của trường. Trong khi đó mình cứ tưởng suất kiểu 2000 bảng của Westminster là dễ chứ. Thế mới thấy là mấy trường ĐH ở các nước Tư Bản cũng khá là khét trong việc cấp học bổng, trừ các trường khát sinh viên.
Thế chứng tỏ là hồ sơ của mình viết cũng ngon nghẻ. Kể ra để mọi người biết mình đã nỗ lực như nào trong việc tìm trường, viết các kiểu hồ sơ để apply. Và chứng tỏ việc sáng tạo trong viết hồ sơ, nhất là viết thư giới thiệu của mình cũng có tác dụng ra phết.
Ví dụ phía dưới là bức thư giới thiệu của Mark – một người bạn thân người Mỹ của mình. Anh ấy một năm thường sống ở VN mấy tháng, còn lại là bay đi khắp thế giới. Cũng hơi ngại khi public, nhưng thôi, không giữ làm của riêng, chia sẻ để anh em tham khảo.
Mọi người thường bảo là thư giới thiệu chỉ nên là của thầy cô hoặc sếp/đồng nghiệp ở cơ quan, và chỉ cần 2 thư là đủ nhưng mình viết tận 3 thư, à không 4 thư. Cái thư thứ 3 chính là của Mark. Mark không là thầy cô dạy trực tiếp mình nhưng Mark nhìn thấy quá trình hơn 10 năm mình nỗ lực tự học tiếng Anh thế nào. Mark cũng không là sếp của mình nhưng Mark thấy được sự trưởng thành của mình hơn 10 năm qua, ở cả việc phát triển bản thân và phát triển trên con đường mà mình theo đuổi. Còn cái thư thứ 4 là của một đồng nghiệp cùng dạy IELTS, lá thư này do trường ĐH Bristol yêu cầu thêm (lúc trường yêu cầu thêm mình cũng thắc mắc, nhưng thôi cũng được, cho mình học bổng cao là được), nên mình lại hăm hở viết lá thư thứ bốn.
———–
Giờ mình sẽ chia sẻ 1 số kinh nghiệm “sương máu” về cách viết LOR. Mong là có thể gợi ý cho ai đó về cách viết 1 bức thư giới thiệu gây ấn tượng, để hội đồng xét duyệt vừa đọc vừa gật gù.
I. LOR LÀ GÌ?
Thư giới thiệu (Letter of recommendation – LOR) là một bức thư xác nhận khả năng hoặc kết quả học tập của người muốn đi học, thường được viết bởi giáo viên, hoặc quản lý tại nơi làm việc. Lý thuyết là vậy mà đa phần là các thầy cô, các sếp bận trăm công nghìn việc, ít khi tự tay viết. Ngầm hiểu là mình phải tự viết, rồi người giới thiệu sẽ review, rồi ký vào cuối thư.
II. MỘT SỐ ĐIỂM NHẤN VỀ CÁCH VIẾT LOR
1. Đọc nhiều sẽ viết hay
Ai cũng nói là muốn viết hay phải đọc nhiều. Bạn nên đọc nhiều LOR từ sách, từ các cao thủ đạt các học bổng xuất sắc. Khi viết thì không nên copy cách họ viết, mà nên viết những thứ là unique về bản thân. Mình cũng đọc khá kỹ trong sách và các tài liệu hướng dẫn viết LOR hiệu quả, và đã đọc khá nhiều các bài hay của các sinh viên xuất sắc vào Harvard các thứ. Mình thì không giỏi bằng họ nên không “được” giới thiệu hay bằng họ, nhưng thôi, chân thực và tình cảm, có nào dùng nấy.
2. Người ấy là ai?
Khi bắt tay vào viết thư giới thiệu thì mình chả nghĩ lâu, trong đầu mình đã nảy ngay ra những ai sẽ mời để giới thiệu. Đó chính là cô giáo và sếp cũ của mình hồi xưa, bên cạnh Mark người bạn Mỹ lâu năm và cũng là một thầy giáo.
Mình có nhiều thầy cô và cũng nhiều sếp tốt, nhưng mình sẽ chọn người không chỉ giỏi mà còn thân với mình nhất, hiểu mình nhất và thường xuyên giữ liên lạc. Một dấu hiệu tích cực là người đó hay like và comment tích cực trên Facebook của mình, thế là được ủng hộ quá rồi.
Như cô giáo mà mình nghĩ ngay đến là cô Dieu Thai NGuyen – cô giáo dạy tiếng Pháp cho mình hồi học ở ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Dù cô không dạy mình nhiều tiết nhưng cô Thái vừa xinh đẹp, vừa là cô Phó Khoa Pháp trẻ trung đáng yêu, nhất là mình và cô vẫn thường xuyên giữ liên lạc khi mình trở về thăm trường cũ, khi cô trò mình hay like bài của nhau trên Facebook. Cô thấy được hình ảnh của mình thường xuyên trong nhiều năm qua kể từ khi ra trường, cô còn rất hay động viên mình bằng các comment tích cực trên Face, nên khá dễ để khi viết thư có gì kể nấy một cách chân thực nhất. Đúng là cô quá tuyệt, dù bận mấy nhưng cô vẫn hay dõi theo và ủng hộ các trò. Ngay cả khi bọn mình đã ra trường nhiều năm.
3. Dàn đều, bày binh bố trận
Khi tìm được người giới thiệu rồi thì mình đọc kỹ lại xem các tiêu trí mà đơn vị xét duyệt họ mong muốn từ ứng viên là gì, rồi bắt đầu liệt kê các điểm mạnh của mình ra và dàn đều các tiêu chí và phẩm chất ở các thư giới thiệu khác nhau.
Kiểu cô mình thì khen mình xinh, đùa thôi haha. Cô giáo thì sẽ tập trung vào năng lực và thái độ trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động và quẩy mạnh ở trường thế nào. Có thành tích nào là tranh thủ khoe ra một cách tinh tế.
Sếp cũ ở ngân hàng thì đương nhiên viết liên quan đến năng lực làm việc, và nêu phẩm chất tốt của một người trưởng thành. Những thói quen dù nhỏ, như dậy sớm, luyện tập đều đặn. Rồi là mình thường chăm chỉ hết mình với công việc nên được giấy khen là chuyên viên xuất sắc của CEO ngân hàng. Con bé cũng là người sống tích cực luôn nhìn vào điểm tốt của mọi người, làm việc nhóm xông xáo, kết nối mọi người cả người tích cực và tiêu cực thành một tập thể đoàn kết xích lại gần với nhau. Đặc biệt là không nói xấu đồng nghiệp.
Thêm những chi tiết về việc hồi làm ở ngân hàng cùng nhau Thảo tích cực làm từ thiện thế nào: tham gia dự án dạy miễn phí cho trẻ em làng trẻ SOS này, dạy tiếng Anh miễn phí giúp đỡ mọi người này, rồi là bao chương trình nhặt rác của ngân hàng bảo vệ môi trường, chương trình đi về các trung tâm người tàn tật và trẻ mồ côi nó đều xung phong đi hết.
Định là nêu cả việc Thảo có tửu lượng tốt, sếp và sếp Phó Tổng giám đốc SeABank đi đâu cũng muốn lôi đi cùng, đi với sếp đến làm việc và giao lưu các Giám đốc chi nhánh thì uống rượu ác quá, cho các anh ra bờ ao li-vơ-phun cả cơ số :)). Đấy là định thôi, chứ dại gì nêu cái này vào.
Rồi sếp Tuấn cũng là một tấm gương về việc tự học ngoại ngữ, nên đương nhiên là khen mình kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm để học tiếng Anh và theo đuổi mục tiêu. Kiểu con bé này nó mà đã làm gì thì chỉ có nhiệt tình, hết lòng trở lên. Nó mà được vào học trường của ông/bà thì đấy là cũng may mắn của trường vì có được học trò tích cực như nó :))
Với thư của Mark thì tả Thảo là bạn tốt, luôn nồng nhiệt, trong sáng và chân thành, biết giúp đỡ bạn những lúc khó khăn, cả lúc không khó khăn cũng giúp haha. Bằng chứng là chỉ cần ngồi uống cafe chém gió cùng, nhìn Thảo cười tươi là tôi lại thấy cuộc đời này toàn điều tích cực thôi. Chưa kể mấy lần tôi gặp vấn đề với công an, cơ quan hành chính hoặc trục trặc điện nước nhà ở các thứ, ới phát là Thảo gọi điện thoại tứ tung khắp nơi để liên hệ, hoặc phi trâu đến giúp chả ngại nắng mưa.
Các thành tích về thể thao thì để ở thư này do Mark viết là hợp lý. Vì Mark rất hay đi cổ vũ mình trong các cuộc đua marathon. Cứ mỗi lần mình đi chạy địa hình ultra trên núi, bơi dài ở sông hồ biển, đi đua IRONMAN về và kể chuyện là ngài ấy cứ há hốc mồm, bảo ý là: Mày thật là khoẻ và là một trong những người có nhiều năng lượng tích cực nhất trong số những người mà tao từng gặp. Hẳn là vậy nên Mark rất thích nói chuyện với mình. Cứ thỉnh thoảng lại ới Thảo đi ăn bún chả và uống cafe.
4. Show, don’t tell!
Đây chính là câu thần chú khi viết các bài luận và hồ sơ học bổng. Thay vì chỉ liệt kê cách tính từ trong thư giới thiệu, thì hãy biết kể chuyện và nêu ra các con số cụ thể để minh hoạ. Viết như vậy sẽ gây ấn tượng, giúp lá thư đáng nhớ và cũng đáng tin hơn.
Ví dụ, với thư của cô giáo thì nêu ra các con số kiểu: Thảo trong đội đạt Giải 3 trong cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” – cuộc thi danh tiếng của ĐH Ngoại Thương, ẵm ngay phần thưởng cash 200.000 nghìn yên Nhật. Rồi Thảo là cầu thủ trong đội bóng đá nữ của lớp và lớp Thảo từng đạt cúp Vô địch trong giải bóng đá “Nữ hoàng Ngoại Thương” toàn trường. Còn nhiều các con số và chữ cái in hoa lắm. Mình gửi kèm phía dưới là thư giới thiệu của Mark để các bạn tham khảo thêm. Cũng là để thấy rằng mình viết câu từ đơn giản, có khi cũng có lỗi nữa đó. Nhưng Mark đã đọc và ký tức là ok.
Tóm lại, không cần viết những lời hay ý đẹp, nhưng cần chân thực và tình cảm nhất, thể hiện mối quan hệ và sự gần gũi của người giới thiệu và ứng viên. Luôn có những example, ví dụ cụ thể về những nét tính cách/phẩm chất nêu ra. Ví dụ, ví dụ và ví dụ…Hãy nêu ví dụ của riêng bạn.
5. Nên có phần giới thiệu chi tiết hơn về thầy cô/sếp.
Chi tiết ấy có thể là về học vị, chức vụ, thành tích học thuật hoặc điểm nhấn của người giới thiệu để người xét duyệt hồ sơ đọc sẽ thấy được rõ hơn “vị trí” của người viết. Mình học được điều này trong 1 cuốn sách. Mình nhấn mạnh điểm này vì mình cũng đã đọc nhiều thư giới thiệu của các bạn khác, và của các học trò của mình ở VN. Đa số các bạn chỉ viết người đó tên gì, chức vụ gì qua loa, chứ không nói chi tiết hơn về thành tích học thuật của người đó.
Ví dụ đây là đoạn trích trong phần giới thiệu trong thư của sếp Tuấn, làm cùng mình ở ngân hàng hồi xưa. Anh Tuấn vừa là sếp trực tiếp của mình vừa là người bạn mà mình vô cùng trân trọng. Hồi còn trẻ anh Tuấn cũng chinh chiến đi học ở Nga và Úc với 2 học bổng toàn phần siêu xịn xò. Mình học được ở anh rất nhiều, nhất là khả năng tự học, số sách khổng lồ anh đọc sách, và sự kiên trì đồng hành học ngoại ngữ cùng con của anh. Dù không làm cùng nhau nữa nhưng hầu như Tết năm nào mình cũng đến nhà anh chơi. Chém gió với anh là mình lại học hỏi được ở anh rất nhiều. Mọi người thường sợ sếp, nhìn thấy sếp là người co rúm lại, còn mình thì ngược lại. Sếp nào dù nghiêm khắc cũng có nhiều phần dễ thương ahihi, và mình may mắn là hay được các sếp quý và coi như bạn. Lại dài dòng rồi, đoạn giới thiệu ấy đây:
“I am currently the Regional Head of Corporate Banking of a commercial bank in Vietnam, and worked with Thao for about two years while I was a Director of Corporate Banking Division at SeABank. By way of background, I have spent over 20 years in the banking and finance field and, more recently, worked in the English language training and running an English school. I earned my Master’s Degree in Banking and Finance at the University of Sydney with a full-ride scholarship from the Australian Government (AusAID). Before that, I graduated from Odessa National Economics University in Russia with a Bachelor’s Degree in the same subject”.
Đấy, mình nhấn mạnh là đấy, tôi (sếp) cũng nhiều học bổng xịn, cũng giỏi ra gì và này nọ lắm đấy. Tôi lại trực tiếp quản lý Thảo nên những lời bên dưới tôi viết các quý ông bà cứ tin ở tôi.
Như Mark thì mình nhất mạnh là Mark là giảng viên cao cấp dạy MBA tại các trường top đầu ở VN như RMIT, CFVG và dạy ở cả các nước khác trên thế giới. Chưa hết, có một điểm mà khác hẳn các giáo viên khác, điều không phải nhiều người làm được, đó là Mark đã đặt chân đến khoảng 100 nước trên thế giới. Đây hẳn là người thích vi vu, hiểu biết sâu rộng và có một triết lý sống rất thú vị:
“I’ve traveled to almost 100 countries across the world lecturing in many, but a cultural experience is the area of most interest. I share with my Graduate students, “complex issues require a vast knowledge of diverse understandings of peoples”, and why travel is at the top of my list of life-long-learning philosophies”.
6. Viết LOR và in trên giấy letterhead hoặc in màu
Có mỗi sếp mình làm ở Ngân hàng là có sẵn giấy letterhead có logo màu sắc thì sếp đọc xong, sửa, duyện và in luôn trên đó. Ký xong sếp scan gửi mình luôn. Còn lại thì mình tự tìm logo rồi chèn vào đầu trang rồi đi in màu. Sau đó thì đến mời cô giáo ký là xong. Có thư của Mark là không in màu do hiện tại thầy là freelancer, đang đi du lịch khắp nơi, chưa nhận về dạy cho trường ĐH nào.
————
Tóm lại, trong thực tế cuộc sống, bạn quen biết ai thực chất rất quan trọng, thậm chí điều đó có thể thay đổi vận mệnh cuộc đời bạn, quyết định mọi thắng bại trong cuộc sống của bạn. Ví dụ như những người viết thư giới thiệu cho mình ở trên, mình thực sự rất yêu quý và cảm ơn họ. Không chỉ vì lá thư, mà chính là vì họ đã là bạn của mình trong những năm qua, luôn dõi theo và ủng hộ, hỗ trợ mình theo cách này hay cách khác. “Bạn là ai không quan trọng, quan trọng là ai ở bên cạnh bạn”. Mình may mắn có rất nhiều người tốt, sống tích cực ở xung quanh nên mình học hỏi được rất nhiều.
Ở cùng với người chăm chỉ, bạn sẽ không lười biếng. Ở với người tích cực bạn sẽ không tiêu cực. Bên cạnh người thông minh, bạn cũng nhận được những ảnh hưởng tốt… Các nhà khoa học cũng bảo rồi: “Con người là động vật duy nhất tiếp nhận các gợi ý”. Gợi ý tích cực, ảnh hưởng rất tốt tới tinh thần và trạng thái sinh lý của con người, kích thích mọi tiềm năng nội tại, phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi người, khiến họ trở nên tiến bộ, hưng phấn và vui vẻ. Người bạn tốt, người tích cực giống như ánh mặt trời vậy, chiếu đến nơi đâu nơi ấy liền sáng bừng lên. Ngược lại thì đọc nhiều những tin tiêu cực, nói chuyện với người hay ca thán và bất bình thì ta cũng bị ảnh hưởng những trường năng lượng đó, có thể sẽ làm ta bất an và không vui.
Cũng còn nhiều thứ muốn viết thêm quá, vì cái bệnh của mình là viết dài. Cũng vì nhiệt tình viết mà viết xong là mắt mờ đi rồi. Mình tạm dừng bài này ở đây.
Mong là bài viết có thể giúp được các bạn có ý định đi du học hoặc các bạn không đi du học nhưng cần viết LOR để nộp hồ sơ gửi các trường ĐH lớn lớn có tính quốc tế ở Việt Nam.
Bạn nào không đi du học mà đọc bài viết này thì cũng thấy yêu đời hơn, rồi sẽ sống tích cực, tốt bụng với mọi người xung quanh, những người đang chơi cùng, học cùng và làm việc cùng. Vì trái đất này rất tròn, rồi ai cũng biết nhau cả. Nếu ta tốt bụng và cố gắng thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến.
Surround yourself with the dreamers and the doers, the believers and thinkers, but most of all, surround yourself with those who see greatness within you, even when you don’t see it yourself.
I’m just thankful I’m surrounded by all those good people.
SSDH (nguồn: scholarship hunters)
Share.

Comments are closed.