SSDH – Nguyễn Thu Trà, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhận ra hiệu quả của việc nghe podcast sau khi điểm IELTS lên nhanh.
- Cách luyện tiếng Anh giao tiếp và Thi IELTS Speaking
- 7 câu hỏi thường gặp trong IELTS READING
- Những sai lầm cần tránh khi học IELTS
Nguyễn Thu Trà đạt 7.5 IELTS, trong đó Listening và Reading cùng được 8.5, ở kỳ thi hồi tháng 1. Ba năm trước, khi còn học lớp 10, Trà làm thử đề thi thử IELTS, được 4.0-5.5 Listening. Ngoài kỹ năng này, điểm Speaking và Writing của nữ sinh cũng thấp.
Năm lớp 11, Trà bắt đầu nghe podcast trên Spotify và nhận ra hiệu quả rõ rệt khi điểm Listening lên nhanh, dù thời gian dài không luyện làm thử các đề IELTS.
Theo Trà, podcast là công cụ học tiếng Anh hiệu quả và cung cấp kiến thức xã hội khá chất lượng. Độ dài đa dạng, từ 3 phút đến 1,5 tiếng, tùy thể loại, hợp cho các bạn không có nhiều thời gian rảnh để xem những bộ phim dài.
“Bạn có thể nghe podcast như nghe nhạc, tức là nghe ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần tải về và phát như playlist nhạc những lúc ngồi đợi xe buýt, đứng rửa bát, đứng lau nhà”, Trà cho biết.
Khác với radio, podcast có thể phát đi phát lại nhiều lần, nội dung cũng được chuẩn bị kỹ, đa dạng thể loại, từ bản tin thời sự, kiến thức xã hội, truyền cảm hứng đến giải trí, kể chuyện.
Hiện Trà là sinh viên năm nhất khoa tiếng Anh Thương mại của Đại học Ngoại thương, cơ sở Hà Nội. Cô cùng các bạn trong CLB tiếng Anh của trường xây dựng trang podcast The Far Side, nằm tạo thêm nguồn học ngoại ngữ bổ ích, dễ truy cập và hoàn toàn miễn phí.
Trà gợi ý 5 bước nghe học tiếng Anh trên podcast. Nếu chỉ để quen với việc nghe tiếng Anh, bạn có thể dừng lại ở bước 2. Nếu muốn tận dụng nghe podcast toàn diện nhất, nữ sinh Ngoại thương khuyên xem tiếp từ bước thứ 3.
Bước 1: Sắp xếp ít nhất 5-10 phút mỗi ngày để nghe
Thời gian nghe podcast rất linh hoạt nhưng nếu không rảnh, bạn chỉ cần dành ra 5-10 phút để tạo thói quen nghe.
Trà hay tranh thủ nghe podcast khi đang rửa bát, dọn dẹp nhà cửa hay ngồi trên xe bus. Nền tảng Trà hay sử dụng là Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts hoặc Facebook và YouTube.
Bước 2: Lựa chọn topic phù hợp
Nghe về những chủ đề mình hứng thú vừa không gây nhàm chán cho việc học vừa cung cấp kiến thức bổ ích về vấn đề bạn đang quan tâm. Hồi mới học, Trà hay nghe TED Talks Daily vì nội dung kiến thức phong phú và dung lượng cũng chỉ khoảng 10 phút/podcast.
Bước 3: Lần đầu nghe không đọc transcript (bản podcast bằng chữ).
Nếu muốn học tiếng Anh hiệu quả nhất khi nghe podcast, bạn nên chọn những kênh có kèm transcript. Ở bước này, bạn hãy tập trung hết khả năng nghe và nắm được ý chính. Bạn cũng nên lưu ý những chỗ khó nghe hoặc không hiểu nội dung.
Bước 4: Vừa đọc transcript vừa nghe lại podcast
Lưu ý những vấn đề được phát hiện ở bước trước. Ghi lại những từ mới cũng như cấu trúc ngữ pháp lạ được sử dụng trong bài. Bạn hãy chú ý ngữ cảnh mà chúng được áp dụng, vì có một số idioms hay từ vựng chỉ dùng trong ngữ cảnh nhất định.
Bước 5: Tận dụng shadowing để luyện phát âm cùng podcast
Cũng như việc đọc transcript ở bước 4 giúp tăng khả năng đọc hiểu thì ở bước này bạn có thể luyện phát âm bằng cách nhại theo những gì người ta nói dựa trên nội dung của transcript (shadowing). Việc shadowing như thế này giúp bạn nhớ phát âm tốt hơn và cũng để tăng khả năng Speaking.
SSDH (theo vnexpress)