‘Cẩm nang’ của bà mẹ hai con du học Vương quốc Anh

0

Sẵn sàng du học – Hiện đang du học tại Vương quốc Anh, chị Nguyễn Quỳnh Trang đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ cẩm nang ấy tới nhiều ông bố, bà mẹ.

Trong thời gian du học tại trường Đại học Tổng hợp Greenwich (Vương quốc Anh), chị Nguyễn Quỳnh Trang – Giảng viên trường Sân khấu điện ảnh, đã có được cẩm nang du học thú vị.

Là người đã dạy học hơn chục năm, đi làm, đi du lịch gần 20 nước trên thế giới, chị Quỳnh Trang hoà nhập cuộc sống mới, hiểu văn hoá nước ngoài, giao thông, ẩm thực… của nước bạn nhanh chóng. Nhưng khi bước chân vào môi trường du học, chị Trang cũng không tránh khỏi những chống chếnh.

chi-quynh-trang.2jpg

Thứ nhất, chuyện ăn uống: Chị Quỳnh Trang kể, khi sang Anh du học, chị thấy các bạn sinh viên trẻ đến từ các nước kêu than rất nhiều vì không ăn được thức ăn ở đây, ăn hàng thì đắt mà nấu ăn thì không biết nấu vì trước đây, khi ở nhà, sống cùng gia đình, bố mẹ làm hết để con có thời gian học.

Vì vậy, theo chị Trang, nếu ai có ý định cho con đi du học, thay vì bao bọc thì ngay từ hôm nay các bố mẹ nhớ dạy con biết nấu ăn, biết chọn ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe, biết giặt quần áo, biết dọn nhà, dọn giường, biết tự chăm sóc bản thân…

Thứ 2, chuyện sức khỏe: Sức khoẻ là quan trọng nhất. Đi nước ngoài thời tiết thay đổi, nhiều khi khắc nghiệt hơn nước mình, chưa kể ăn uống thất thường, không ai chăm sóc. Ở đó, cường độ làm việc cao, đi lại nhiều, thuốc thì không phải cứ thích là ra hiệu thuốc mua được.

Ở nước Anh, bệnh không nặng thì phải đặt lịch đến bác sĩ riêng kiểm tra trước, không cấp cứu thì cũng phải chờ vài ngày… nên việc cho con luyện đi bộ, chạy, bơi, tập thể dục hàng ngày như một thói quen là điều vô cùng cần thiết.

Dạy con thói quen rèn luyện thể thao ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị thể lực cho con trước khi đi du học. Luyện cho con ham mê một môn thể thao (của Tây) nữa là điều rất tốt. Chỗ chơi thể thao là nơi các con kết bạn nhanh nhất. Bên này học sinh thể dục thể thao phong trào rất mạnh.

Thứ 3, chuyện đi lại: Chị Quỳnh Trang tiết lộ bản thân là một người đã từng trải nghiệm qua rất nhiều loại phương tiện giao thông như tàu bè, ô tô, tàu điện ngầm, skytrain… nhưng khi đi học cũng có vài hôm nhầm tàu.

Chính vì thế, các bậc phụ huynh nhớ dạy con cách xem bản đồ, định hướng định vị, sử dụng các công nghệ, tải các loại app ứng dụng trên smartphone kiểu app cho xe bus, tàu điện, uber… để biết cách đi lại. Nếu ai đi du lịch Thái Lan, Trung Quốc, Singapore thì cũng cho con tự mày mò học cách đi xe bus, tàu điện ngầm, skytrain, tự đặt khách sạn, check in, check out… tự học cách đi lại, con sẽ vững tin hơn khi sang nước ngoài một mình. Cứ cho tự làm hết thì sang nước ngoài sẽ đỡ khổ.

Thứ 4 là độc lập, tự chủ: Biết cách chăm sóc bản thân là một kĩ năng quan trọng vì ở nước ngoài ai cũng phải tự lập, tự lo hết. Nếu có người thân, bạn bè thì cũng chỉ giúp được chừng mực vì nhịp sống bên này rất hối hả, ai cũng tất bật với công việc của mình. Cũng đừng ai nghĩ mọi thứ tiện như Việt Nam, thích gì có ngay.

Chị Quỳnh Trang cho biết, chị mở tài khoản ngân hàng thôi mà phải đặt lịch đợi một tuần. Khi đến nơi, giấy xác nhận của trường tên viết trước họ viết sau, không khớp với tên trong hộ chiếu lại phải đặt lại lịch, sửa giấy tờ, chờ thêm tuần nữa. Nếu ở Việt Nam chỉ mất vài ba chục phút là có tài khoản ngân hang thì ở Vương Quốc Anh, nơi chị Quỳnh Trang đang du học thì phải mất nửa tháng.

chi-quynh-trang

Thứ 5, hiểu rõ về đất nước mình sẽ đến: Về văn hoá thì mỗi nước mỗi kiểu. Nhưng nhìn chung, với các bạn chưa đi nước ngoài bao giờ hoặc chỉ đi du lịch vài ngày thì chắc chắn vẫn bị sốc văn hoá.

Nên nếu có kế hoạch cho con học ở đâu thì nên tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, con người, thời tiết, danh lam thắng cảnh, món ăn, kinh tế, chính trị… nước đó ngay từ bây giờ.

Nếu bố mẹ nào có điều kiện thì cho con đi du lịch trước gọi là “tiền trạm” để cảm nhận về vùng đất mới xem thấy mình có thích, có hợp, có ổn không? Tuy nhiên, nếu có đi đừng đi vào mùa thời tiết rực rỡ mà nên đi vào lúc tiết trời lạnh lẽo, khắc nghiệt nhất. Nếu thấy ổn thì mới tốt.

Các bố mẹ cứ tưởng tượng mình muốn chuyển nhà đến đâu ở cũng phải cân nhắc chọn lựa. Ở đây lại không phải chuyển sang thành phố khác mà đưa con sang hẳn nước khác, văn hoá khác, ngôn ngữ khác, lại một mình thì khó khăn như thế nào.

Chị Quỳnh Trang chia sẻ rằng, trước khi sang Anh học, bản thân chị cũng phải đi trước hai lần, tìm hiểu rất nhiều về xứ sở ấy mới quyết định sang. Nếu các con thực sự hiểu về vùng đất đó thì sang học sẽ rất lợi thế, không chỉ dễ hoà nhập mà khi học tập, giao lưu, hiểu biết rộng cũng rất rất có ích.

Bởi lẽ, sang nước ngoài mà xả rác, nói cười to, đi cầu thang cuốn không biết đứng bên nào, hoặc đơn giản hỏi bạn bao nhiêu tuổi, lương bạn bao tiền một tháng, vô tư nhận xét bạn dạo này hơi béo thì sẽ rất không ổn.

Thứ 5, giao tiếp, ứng xử: Ngoài việc phải giỏi ngoại ngữ thì học cách giao tiếp, ứng xử như người nước ngoài cũng là việc phải học sớm. Ở nước Anh học nhóm, thảo luận nhóm, hội thảo rất nhiều, rồi còn phải đi làm, giao lưu kết bạn… Chính vì thế, kĩ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng.

Ở nước Anh chị Quỳnh Trang thường thấy sinh viên Việt Nam hay co cụm, chơi với người cùng quốc tịch hoặc người châu Á là chính, sẽ khó có những cơ hội mở cho học hành, làm ăn, phát triển trong tương lai. Nên cho các con va chạm, tiếp xúc, nói chuyện với nhiều người nước ngoài nhiều nhất có thể. Chịu khó đi học thầy Tây, có cơ hội nên nói chuyện với người nước ngoài, đi làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện hoặc tham gia các hoạt động xã hội…

Cố gắng cho các con tiếp xúc với người nước ngoài nhiều nhất có thể. Cho con xem nhiều talk show của nước ngoài, các chương trình thời sự, tin tức của nước đó, vừa học ngoại ngữ vừa xem các chương trình hài để biết văn hoá và cách nói chuyện cười họ. Bên cạnh đó cũng nên cho con đi làm thêm, đừng sợ vất vả. Đi làm thêm thì sẽ biết cách ứng xử, giao tiếp, quản lý chi tiêu, ý thức được giá trị cuộc sống.

Thứ 6, chuyện nhớ nhà: Về nỗi nhớ nhà thì có thể mức độ của chị Quỳnh Trang cao hơn nhiều bạn sinh viên trẻ khác vì chị có con, có môi trường làm việc tốt ở Việt Nam, họ hàng bạn bè nhiều, đông vui thân thiết…

Nhưng các bố mẹ kiểm tra xem nếu con cái mình có tính cách hướng nội, hoặc quen được bao bọc chăm bẵm, hoặc sợ ma không dám ở một mình thì du học sẽ gặp vấn đề lớn nhé. Trong 2 tuần đầu khi mới sang nước Anh học, chị Quỳnh Trang gần như ngày nào cũng khóc từ tầu này sang tầu khác. Các bố mẹ thử tưởng tượng nếu con mình một mình thì sẽ thế nào? Nên luyện cho con một mình, tư lập, biết chăm sóc bản thân. Việc chuẩn bị tâm lý để con hiểu những gì con sẽ phải đối mặt là vô cùng cần thiết.

Thứ 7, học kĩ năng học: Khoá học chính thức của chị Quỳnh Trang tháng 9 mới bắt đầu nhưng vì chuyển sang học kinh tế (MBA International Business) nên chị Quỳnh Trang phải học chuyển đổi, bổ sung kiến thức và học thêm tiếng Anh chuyên ngành.

Đã từng đi dạy học khi còn ở Việt Nam nhưng sang đây học chị Quỳnh Trang mới thấy những kiến thức căn bản, những kĩ năng về nghiên cứu, tìm thông tin, viết luận kiểu Academic hàn lâm… bản thân chị chẳng biết gì. Nói để thấy giáo dục của mình thực sự thiếu căn bản. Nên việc đầu tiên các bố mẹ cần trang bị cho con là kĩ năng, ý thức tự học, tự nghiên cứu. Search mạng, tìm thêm sách kĩ năng học cho các con sớm học kiểu của nước ngoài.

Ở nước Anh, học trên lớp chỉ có 25%, chủ yếu 75% thời gian phải tự học. Nếu chỉ muốn học nhàng nhàng cho qua, cũng có thể qua nhưng nếu không muốn phí thời gian, tiền bạc, muốn thực sự ra cái gì sau khi nhận bằng thì phải học rất nhiều. Đành rằng đi du học được rất nhiều thứ nhưng thêm một quan điểm chị Quỳnh Trang muốn đưa ra với các bố mẹ là, đừng nghĩ cứ được đi du học là thiên đường mà phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Tựu chung lại, chị Quỳnh Trang đúc rút: Các con phải hoà nhập được, phải học được, phải học ở môi trường tốt, bạn bè tốt, ngoan ngoãn, phải chọn ngành phù hợp… Càng bao bọc con càng khó trưởng thành. Các bố mẹ nhớ cho con luyện tập thật kĩ trước khi rời xa vòng tay mình. Không cần đợi đến lúc con đi du học mới làm điều ấy, con học ở gần nhà cũng nên rèn luyện để con trưởng thành và sống tự chủ, mạnh mẽ hơn.

Bên nước Anh nói riêng và nhiều nước châu Âu nói chung, đẹp hơn, cao hơn, nhiều kĩ năng hơn, nếu mình muốn bước nhanh bằng họ, mình phải có sức khoẻ, có kĩ năng, phải sải chân nhanh hơn gấp đôi. Còn muốn phấn đấu vươn lên, thì phải cố 300%, phải trường sức nếu không sẽ đuối.

“Mỗi khi nhớ nhà, buồn bã cô đơn, khóc nhè hoặc chạy cho kịp giờ tầu, tôi lại nghe đi nghe lại ca khúc “Try everything”, đây là bài hát trong bộ phim Zootopia mà 3 mẹ con tôi rất thích để có thể tự cố gắng mỗi ngày, bước nhanh mà vẫn phải ngẩng cao đầu, ung dung, tĩnh tại”, chị Quỳnh Trang tâm sự.

Thái Hải (SSDH) – Theo vietnammoi.vn

Share.

Leave A Reply