Rất ít khi có chuyện một cậu bé 12 tuổi vào đại học, và chuyện một cậu bé học tiểu học được mời thỉnh giảng tại trường đại học lại càng hiếm hoi hơn. Cậu bé người Mỹ gốc Việt Nguyễn Tường Khang đã làm được điều “động trời” như thế!
Thông tin về thần đồng nhí gốc Việt này đang được lan truyền với tốc độ cực nhanh trên trang YouTube. Một số tờ báo đưa tin Nguyễn Tường Khang, 12 tuổi, được một trường đại học ở bang Virginia – Mỹ mời làm giáo viên thỉnh giảng từ đầu năm 2011, dạy môn thuyết trình mỗi tuần 4 giờ. Mỗi giờ thuyết giảng, Khang nhận được 250 USD.
Nguyễn Tường Khang và em trai
Trong cuộc thi tài năng diễn thuyết tổ chức vào năm 2010 với chủ đề giáo dục giành cho lứa tuổi từ 11 – Idol, do Hiệp hội Thăng tiến cho người da màu (NAACP) tổ chức tại thành phố Suffolk (bang Virginia), Nguyễn Tường Khang đã gây ấn tượng với ban giám khảo và khán giả bởi tài hùng biện, cái nhìn sâu sắc cũng như lối suy nghĩ chín chắn.
Cậu bé 12 tuổi đã lọt vào top 4 trong vòng chung kết và xuất sắc giành chiến thắng với bài thuyết trình “Hòa bình có ý nghĩa thế nào với tôi”. Khang cho biết có 3 bài dự thi của em được đăng trên trang YouTube, gồm các chủ đề: “Sự tự nhận thức”, “Hòa bình có ý nghĩa gì với tôi” và “Cảm hứng trong giáo dục”.
Bài thuyết trình được nhiều người xem nhất là “Cảm hứng trong giáo dục”, mặc dù bài này không đoạt giải. Bài thuyết trình đưa ra một thông điệp khuyến khích các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học hành của con cái, đồng thời giúp con cái nhận thức được tầm quan trọng của học tập trong cuộc sống.
Những ý tưởng của Nguyễn Tường Khang được xem là đáng giá để bổ sung vào bài phát biểu về giáo dục của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nguyễn Tường Khang và ban giám khảo tại cuộc thi thuyết trình hồi năm 2010
Nguyễn Tường Khang sinh năm 1999, là học sinh lớp 6 của trường tiểu học Hunters Woods ở Fairfax. Năm lên 8 tuổi, cậu bé được cha ghi danh cho học về diễn thuyết trước công chúng tại Câu lạc bộ những diễn giả trẻ (YSC) kéo dài 8 tuần.
Khang thổ lộ: “Lúc đó, cháu không biết gì về lớp này và cũng không biết gì về diễn thuyết. Cháu đăng ký học vì cha bảo rằng lớp này rất quan trọng. Sau này, cháu nghĩ ông nói đúng vì những gì cháu làm sẽ ảnh hưởng đến tương lai mình”.
Theo Người Lao Động