SSDH – Chủ nghĩa xê dịch bắt buộc trong vòng 2 năm là đặc trưng hấp dẫn nhất của các chương trình Thạc sỹ Erasmus Mundus, nhưng với những sinh viên ngoài châu Âu, đặc quyền ấy cũng gắn liền với những nhọc nhằn thủ tục giấy tờ.
Xem thêm:
- Câu chuyện Erasmus Mundus (Kỳ 1): Khu kí túc không Giáng sinh
- Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật
- Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 3): Thủ lĩnh ký túc
Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48.000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).
Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).
Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 – 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.
Mới quen hơi bén tiếng một đất nước vài tháng thôi, tôi lại rục rịch lo tìm chỗ ở và xin visa cho đất nước tiếp theo. Visa Pháp 1 năm không cho phép tôi ở Pháp 1 học kỳ rồi yên ổn học tập tại Đức kỳ tiếp theo, cho dù hai nước đều thuộc khối Schengen. Tôi phải xin visa dài hạn khác khi đến Đức. Học bổng Erasmus Mundus có dự trù chi trả cho phí visa, nhưng trên thực tế, tôi không phải đóng phí visa cho bất cứ quốc gia nào.
Tôi chỉ mất 20 phút tại Đại Sứ quán Đức ở Paris, bởi lẽ giấy chứng nhận học bổng giống như một tấm vé thông hành, với đầy đủ thông tin về bảo hiểm, tài chính, thời gian khoá học, và đó là những chi tiết mà nhân viên visa quan tâm nhất.
Tôi đến Paris vào sáng sớm và trở về Strasbourg cùng ngày. Chọn hãng xe buýt Megabus, tôi chỉ trả 10eu cả đi lẫn về thay vì 100eu nếu đi tàu TGV (ngay cả khi có thẻ giảm giá cho người dưới 26 tuổi), chỉ cần cho lái xe xem vé bằng file pdf qua điện thoại, rồi từ giây phút bước lên xe cho tới khi xuống xe, chẳng ai hỏi tôi vé nữa. Tôi có thể ung dung yên giấc trong vòng 7 tiếng đồng hồ.
Xe xuất phát lúc 23h30 từ Paris, dừng ở hai thành phố nhỏ Rheims và Metz đón khách trước khi về tới Strasbourg. Lên xe rồi tôi mới nhận ra có rất nhiều đồng chí cùng ký túc cũng đi đêm về hôm như mình. Phần lớn người trên xe là người trẻ.
Khoảng 3 giờ sáng, khi xe đến thành phố Rheims, lực lượng hải quan Pháp (douaniers) yêu cầu dừng xe để kiểm tra an ninh. Cả xe bừng tỉnh. Tôi bực mình, nhưng không ngạc nhiên. Kể từ vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11/2015, chính phủ Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp (l’état d’urgence). An ninh siết chặt ở khắp nơi trên đất Pháp và hải quan có thể ngẫu nhiên kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của hành khách trên xe buýt liên quốc gia, liên tỉnh hay nội thành.
Sau khi kiểm tra hộ chiếu của tôi, nhân viên hải quan bắt đầu hỏi:
– Chị đến Paris làm gì?
– Tôi đến làm thủ tục xin visa ở đại sứ quán Đức.
Nói rồi, tôi chìa ngay đơn xin visa viết hỏng tôi vẫn còn giữ. Viên hải quan gật đầu tỏ ra tin tưởng, rồi lịch sự nói:
– Được rồi, cảm ơn chị.
Đến lượt Ka-li, cậu bạn cùng ký túc ngồi đằng sau tôi, một sinh viên khoa triết người Guinea. Sau khi kiểm tra giấy tạm trú ở Strasbourg gắn trong hộ chiếu của Ka-li, nhân viên hải quan chất vấn:
– Anh đến Paris làm gì?
– Tôi đến thăm người cô của tôi.
– Cô anh sống ở Paris?
– Vâng.
– Anh ở lại Paris trong bao lâu?
– 3 ngày.
– Anh ở cùng ai?
– Cùng gia đình của cô tôi.
– Nhà cô anh ở đâu?
– Ở quận 3.
– Cô anh sống ở đó lâu chưa?
– Được 20 năm rồi.
– Lúc đến Paris anh cũng đi bằng xe buýt của hãng này?
– Vâng, đúng vậy.
– Anh có thể cho tôi xem vé chiều đi không?
– Đây thưa ông.
Sau đó, hải quan yêu cầu cậu đứng lên, và dùng máy dò kim loại (détecteur de métaux)khám người và áo khoác của cậu. Rõ ràng cái áo khoác của tôi còn dày gần gấp đôi của cậu, mà tôi không bị kiểm tra. Vẫn chưa hết, hải quan yêu cầu cậu xuống xe, và kiểm tra tất cả hành lý mà cậu mang theo.
1 cậu hàng xóm khác người Ma-rốc bị xoay những câu riêng tư bởi 1 nhân viên hải quan khác:
– Anh đến Paris làm gì?
– Tôi đi thăm bạn gái.
– Bạn gái anh sống ở Paris?
– Vâng.
– Bạn gái anh đi học hay đi làm?
– Cô ấy đi làm rồi.
– Cô ấy là người Ma-rốc?
– Không, là người Pháp.
– Anh ở lại nhà bạn gái của anh?
– Đúng vậy.
– Anh làm gì trong những ngày đó?
– Tôi chẳng làm gì cả, chỉ đến thăm bạn gái tôi.
Và sau đó, màn khám người và hành lý tiếp tục diễn ra.
Ra-nia cũng là người Ma-rốc nhưng nhập quốc tịch Pháp hơn 1 năm sau khi có bằng Thạc Sỹ ở Pháp, và hải quan chẳng hỏi gì thêm sau khi xem chứng minh nhân dân của cô bạn.
Tịnh Hoa là người cuối cùng bị kiểm tra trên xe. Tịnh Hoa đến Strasbourg học Thạc sỹ Kinh Doanh bằng tiếng Anh và không nói tiếng Pháp.Tôi cũng không rõ do rào cản ngôn ngữ, hay do đã quá mệt mà hải quan chỉ hỏi vài câu đơn giản:
– Chị đến Paris làm gì?
– Tôi đi chơi – Tịnh Hoa thản nhiên đáp.
– Chị đi đâu?
– Tôi đi thăm tháp Eiffel. – Cô bạn vừa cười vừa đáp.
Thế là giấc ngủ của chúng tôi bị gián đoạn 1 giờ đồng hồ. Ra-nia quay xuống nháy mắt với các bạn ngay sau khi xe bắt đầu lăn bánh.
– Xin lỗi những bạn đang có ý định ghen tị với tớ. Nếu theo kịch bản của các vụ khủng bố gần đây, kẻ tấn công thường là công dân Pháp gốc Ả-rập thì đáng nhẽ tớ phải là kẻ bị tình nghi nhất. Thế mà họ lại ưu ái tớ nhất. Là con gái sướng quá! Cái từ Nationalité français (Quốc tịch Pháp) bé tí trên chứng minh thư hoá ra cũng ghê gớm phết.
Tôi cũng hùa vào:
– Có cái mặt châu Á như tớ hoá ra cũng sướng thật.
2 bạn bị kiểm tra kỹ lưỡng bèn bảo chúng tôi:
– Về đến Strasbourg nhớ khao đấy.
Ngay cả khi bác lái xe đã cảnh báo trước: “Tranh thủ ngủ đi, đến Metz hải quan có thể kiểm tra lần nữa đấy.”, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện rôm rả, cho tới khi về đến Strasbourg vào đúng lúc bình minh. Ai cũng tấm tắc khen mùa xuân Strasbourg đẹp hơn tranh.
Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet