Cậu học trò sáng chế máy kéo cột sống cổ để trị bệnh cho ông

0

Sẵn sàng du học – Ông nội của Luận bị bệnh thoái hóa cột sống cổ và phải điều trị kéo cột sống. Thấy ông dùng máy kéo cột sống cổ bằng tạ hay than đau, Luận mày mò nghiên cứu, cải tiến và chế tạo chiếc máy kéo cột sống cổ bằng lò xo đa năng. 

Em Nguyễn Thiện Luận hiện là học sinh lớp 12A1 trường THPT Chu Văn An (TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Em vừa đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với sáng chế "Chiếc ghế kéo cột sống cổ lò xo bằng máy đa năng". Điều đặc biệt là em nghiên cứu tạo ra sáng chế này bắt nguồn từ tình yêu thương dành cho ông nội của mình.

Luận tâm sự: “Năm 2016, ông nội em bị thoái hóa cột sống cổ và được điều trị kéo cột sống bằng điện tự động tại bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Ninh Thuận. Sau một thời gian, bệnh của ông nội em cũng thuyên giảm, nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị ngoại trú thêm một thời gian dài. Do khó khăn trong việc đi lại mỗi khi đưa ông đến bệnh viện để điều trị nên gia đình đã mua ghế kéo cột sống cổ bằng tạ để điều trị tại nhà cho ông. Nhưng sau mỗi lần sử dụng, ông nội đều cảm thấy khó chịu nên em mày mò nghiên cứu nó”.

Thương ông phải chịu đau khi điều trị kéo cột sống, Luận mày mò cải tiến chiếc máy này

Thương ông phải chịu đau khi điều trị kéo cột sống, Luận mày mò cải tiến chiếc máy này

“Em nhận thấy rằng, với một cơ thể khỏe mạnh, nếu mang vào cổ một quả tạ dù có khối lượng nhỏ đến đâu, mới đầu đều cảm thấy nhẹ không có cảm giác mệt, nhưng mang liên tục trong một thời gian mà không có thời gian nghỉ ngắt quãng, cổ cũng sẽ cảm thấy mỏi, khó chịu… Vận dụng các nguyên tắc vật lý đã được học, em nghĩ nếu thay thế lực kéo của các quả tạ bằng lực kéo lò xo để có thể dễ dàng điều chỉnh lực kéo và thời gian kéo giãn cột sống cổ có thể sẽ khắc phục được nhược điểm này. Xuất phát từ ý tưởng đó, em nảy ra ý tưởng chế chiếc máy kéo cột sống cổ bằng tạ thành ghế kéo cột sống cổ bằng lò xo”, Luận cho biết thêm.

Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn, trong đó có ý kiến của các bác sỹ chuyên ngành vật lý trị liệu và được sự giúp sức từ em gái Nguyễn Ngọc Bích Liên (hiện là học sinh lớp 10A2 trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Ninh Thuận), chiếc ghế kéo cột sống cổ lò xo bằng máy đa năng cũng đã hoàn thiện với chi phí gần 3 triệu đồng.

Em Nguyễn Thiện Luận cùng em gái Nguyễn Thị Bích Liên và thầy Nguyễn Văn Đồng bên chiếc ghế kéo cột sống cổ đa năng

Em Nguyễn Thiện Luận cùng em gái Nguyễn Thị Bích Liên và thầy Nguyễn Văn Đồng bên chiếc ghế kéo cột sống cổ đa năng

Chiếc ghế này có nhiều bộ phận như các bo vi mạch điện tử, dây cáp, trục cuốn kéo giãn lò xo được liên kết chặt chẽ với nhau, giường kéo cột sống lưng và cổ bằng máy kéo giãn lò xo… Nhờ hệ thống điều khiển tự động mà  người bệnh dễ dàng sử dụng thông qua nút bật điều khiển mà không cần đến các kỹ thuật viên hay y, bác sĩ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thiết bị còn được hỗ trợ thêm dụng cụ tập vận động tay bằng lò xo, ròng rọc, bộ phận đạp xe đạp và chèo thuyền. Nhờ đó, giúp bệnh nhân hạn chế biến chứng của bệnh và tránh bệnh tiến triển dẫn đến yếu cơ, teo cơ hoặc liệt cơ.

Em Nguyễn Thiện Luận thích làm bác sĩ nhưng cũng rất đam mê khoa học kỹ thuật

Em Nguyễn Thiện Luận thích làm bác sĩ nhưng cũng rất đam mê khoa học kỹ thuật

Với sáng chế này, Luận đã liên tục nhận được 3 giải thưởng về Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trong các năm 2017 – 2019. Trong đó, năm 2017 và 2018 em đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia. Năm 2019, Luận lại tiếp tục cải tiến và được nhận giải Ba.

Luận phấn khởi: “Chiếc máy này em đã đem ứng dụng chữa bệnh cho ông em tại nhà và một số người thân, bà con ở khu xóm em. Sau một thời gian sử dụng, mọi người đều cảm thấy khỏe hơn. Khi em cải tiến chiếc ghế thêm hoàn thiện, ông nội được điều trị tại nhà thì gia đình em một năm sẽ giảm được hơn 75 triệu đồng chữa trị bệnh thoái hóa cột sống cho ông nội”.

Thầy Ngô Văn Đồng (giáo viên trường THPT Chu Văn An, là người hướng dẫn dẫn cho Luận) cho biết: “Chiếc ghế kéo cột sống cổ này có rất nhiều uu điểm. Thứ nhất, khắc phục được những hạn chế của những chiếc máy trên thị trường. Thứ hai, giúp bệnh nhân trong quá trình luyện tập giảm được bệnh thoái hóa cột sống lưng và cổ, giúp bệnh nhân phục hồi bệnh tốt hơn. Đặc biệt là chiếc máy có giá thành thấp, phù hợp với nhiều người bệnh. Chúng tôi hy vọng sản phẩm sẽ sớm được ứng dụng vào thực tế”.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri

Share.

Leave A Reply