SSDH – Bất kì ai nhìn bảng thành tích của chàng trai 20 tuổi Lê Yên Thanh (ĐH KH-TN TPHCM) cũng không khỏi choáng váng bởi những giải thưởng về lập trình mà cậu đã đạt được.
Họ tên: Lê Yên Thanh
Sinh năm: 1994 Quê quán: An Giang Sinh viên ĐH Khoa học – Tự nhiên TP.HCM
Và hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác
|
Kiên trì với đam mê
Lập trình có sức hút với Lê Yên Thanh (SN 1994, sinh viên ĐH KH-TN TPHCM) từ khi cậu bạn còn học cấp 2 và vẫn ham mê chơi game. Chơi game chán, Thanh quay ra mày mò xem, các trò chơi hoạt động thế nào, tại sao lại như thế này mà không phải thế kia.
Yên Thanh được biết đến là chàng trai của rất nhiều các giải thưởng tin học quốc tế
Rồi những con số, những câu lệnh theo chân Yên Thanh vào lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), hồi ấy không có lớp chuyên Tin như bây giờ. Thiếu thốn tài liệu, không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ nhiều, Thanh tìm đọc thêm sách trong thư viện, “cầu cứu” bạn bè ở các trường chuyên trên thành phố để có thêm tài liệu nghiên cứu.
Cứ thế, khi còn học cấp 3, Thanh đã cho ra mắt phần mềm quản lí học sinh ứng dụng ngay trong trường. Phần mềm này giúp cho các thầy cô giáo vụ quản lý được nề nếp, công táctuyển sinh và thư viện trường. Mọi sai phạm của học sinh trong năm học đều được phần mềm cập nhật và nhắc nhở vào cuối năm.
Thanh nhớ lại: “Lúc đấy mình cũng tự hào vì phần mềm được ứng dụng trong trường nhưng mà sợ bạn bè… quy tội tiếp tay, phản bạn nên mãi sau này ra trường rồi mới dám… khoe với chúng nó”.
Thời gian đó, Yên Thanh tham gia các cuộc thi Học sinh giỏi Tin học quốc gia. Cậu bạn càng trưởng thành hơn và tự tin bước vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Như “cá về với nước”, Yên Thanh tiếp tục đạt được những thành tích, giải thưởng “khủng” trong các cuộc thi với những sản phẩm giàu tính ứng dụng của mình.
Kể về sản phẩm tâm huyết nhất của mình, Thanh hồ hởi nhắc đến Busmap, phần mềm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Tin học trẻ thành phố 2013” và “Sáng tạo ứng dụng cho điện thoại di động 2013”. Những ngày lên Sài Gòn còn nhiều bỡ ngỡ, liên tục bị lạc đường nên Thanh quyết định viết một phần mềm có những chức năng như tìm tuyến xe bus, tìm đường đi nhanh nhất, tiện nhất để giúp ích cho những bạn mới lên thành phố như mình. Thanh cho biết để hoàn thành phần mềm, cậu bạn đã mất hàng tháng trời tìm kiếm dữ liệu, nhiều khi còn bắt xe bus đi khắp nơi để sản phẩm mang lại hiệu quả cao nhất.
Một sản phẩm nữa được Thanh đặt nhiều công sức là phần mềm “Bảo tàng tương tác thông minh” đạt giải Đặc biệt cuộc thi Tin học trẻ TPHCM 2014. Làm bất cứ phần mềm nào Thanh cũng đều đặt tính ứng dụng, hiệu quả của sản phẩm lên hàng đầu bởi “mình muốn mọi sản phẩm làm ra đều có thể sử dụng rộng rãi trong đời sống”. Tính đến nay, chàng trai 20 tuổi này đã ẵm về gần 20 giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực tin học.
Phía sau những thành công là không ít thất bại. Lê Yên Thanh chia sẻ: “Người ta chỉ nhìn thấy chiến thắng của mình mà không nhìn được nhiều thứ phía sau, đôi khi kì vọng đặt vào mình quá cao khiến mọi việc trở nên rất nặng nề”. Một trong số đó là thất bại tại chung kết cuộc thi Tin học trẻ thế giới tại Nga. Đây có lẽ là kỷ niệm mà Thanh mãi không quên và quyết định sẽ… phục thù vào năm sau.
Đi xa cùng mơ ước
Chính niềm đam mê lập trình đã đưa Lê Yên Thanh đi tới nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản,… và được tiếp xúc với nhiều người để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Mỗi chuyến đi là những trải nghiệm thú vị. Cậu bạn nhớ mãi hôm phải ngủ ở sân bay Malaysia vì… quên mất giờ ở nước bạn sớm hơn giờ Việt Nam một tiếng.
“Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ các nền văn hóa và giáo dục khác nhau khiền mình học hỏi được rất nhiều, từ cách họ tự tin giao tiếp, thể hiện quan điểm, bảo vệ chính kiến”, Thanh tâm sự.
Được hỏi về những dự đinh sau này, Yên Thanh cho biết, ước mơ của cậu là có thể xin được học bổng Thạc sỹ tại Mỹ rồi quay về Việt Nam làm việc. Chia sẻ về dự định này, chàng trai quê An Giang nói rằng: “Mỗi người có cách đóng góp cho nước nhà khác nhau nhưng Việt Nam đã trở nên thân thuộc với mình, mình muốn về nước làm ra nhiều phần mềm giúp ích cho mọi người”.
Nguồn: Tiin