Chàng trai 9x sở hữu “gia tài” 9 công trình và sáng chế

0

Sẵn sàng du học – Là một trong những tác giả của 7 công trình khoa học trong nước cũng như quốc tế và “chủ nhân” của 2 bằng sáng chế trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, Đỗ Tuấn Anh hiện là Trợ lý Nghiên cứu tại Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực mà chàng trai 9x Tuấn Anh tài năng lựa chọn.

Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực mà chàng trai 9x Tuấn Anh tài năng lựa chọn.

Lựa chọn nghiên cứu khoa học, “dấn thân” vào một ngành nghề đầy thách thức, Tuấn Anh cho biết đã ấp ủ giấc mơ “theo nghề” từ khi là một cậu học sinh lớp 8. Đây cũng là tiền đề đưa Tuấn Anh bén duyên với trường Đại học Thành Tây, sau khi được biết trường có nhiều giảng viên là các GS, PGS và TS đầu ngành trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học.

“Mình nhớ nhất PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh dạy môn Độc tố học – Vệ sinh an toàn thực phẩm; TS. Trương Ngọc Kiểm dạy môn Sinh thái học, Tiến hóa & Đa dạng sinh học; TS. Nguyễn Thị Hồng Loan dạy môn Hóa sinh; TS. Lê Quỳnh Mai dạy môn Công nghệ tế bào mô. Chính các thầy cô là người truyền lửa tình yêu nghề và giúp mình có được rất nhiều kiến thức bổ ích, phong phú” – Tuấn Anh chia sẻ.

Những kiến thức nền tảng thời sinh viên là yếu tố quan trọng giúp Tuấn Anh sở hữu khối “gia tài” đáng nể như hiện nay. Bởi lẽ trong quá trình học tập tại trường, chàng trai trẻ đã luôn có cơ hội được học qua thực tế.

“Do đặc thù là ngành Công nghệ sinh học, liên quan đến kỹ thuật, nên ngoài kiến thức lý thuyết thì thực hành đóng vai trò rất quan trọng. Với các môn chuyên ngành, mình đều được thực hành các kỹ năng nghiên cứu như sử dụng kính hiển vi, lên tiêu bản, tách chiết DNA tổng số, chạy PCR…” – Tuấn Anh cho biết.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Thành Tây, Tuấn Anh “đầu quân” về Phòng Tuyến trùng học – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật với vị trí Trợ lý nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu.

Cũng tại đây, chàng trai trẻ đã có cơ hội đạt được những thành tích nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học – những công trình được đánh giá là có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế và hướng tới nhiều ý nghĩa xã hội… Tiêu biểu phải kể đến 3 bài báo nộp cho Tạp chí quốc tế thuộc ISI, 3 bài báo đăng trên Tạp chí quốc gia, 1 bài trong tuyển tập Hội nghị toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 6.

Đặc biệt là 2 sáng chế: “Chế phẩm sinh học phòng trừ ve sầu hại cà phê và quy trình sản xuất” và “Quy trình bảo tồn ex situ các chủng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng”. Những thành công bước đầu đó khiến Tuấn Anh càng say mê và tin tưởng vào con đường nghiên cứu khoa học mình đã chọn.

Hiện tại, Tuấn Anh đang tham gia nghiên cứu cùng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu với đề tài “Nghiên cứu phân loại, đánh giá các loài tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng và xây dựng mô hình bảo tồn nguồn tài nguyên tuyến trùng có ích ở Việt Nam”.

Với những thành quả đầu tiên như điều tra bổ sung và phân lập thêm 20 chủng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng (EPN) mới; xác định 8 loài tuyến trùng, trong đó có 6 loài mới cho Việt Nam, 1 loài mới cho khoa học; xây dựng quy trình xử lý tuyến trùng để bảo quản đông lạnh tuyến trùng bằng nitơ lỏng; xây dựng và triển khai thành công mô hình bảo tồn ex-situ tuyến trùng EPN tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh – Vĩnh Phúc; xây dựng cơ sở dữ liệu tuyến trùng EPN ở Việt Nam…., đề tài được đánh giá là một bước tiến mới trong lĩnh vực khoa học cơ bản mà Tuấn Anh là một thành viên nghiên cứu.

Đỗ Tuấn Anh là cựu sinh viên Trường Đại học Thành Tây

Đỗ Tuấn Anh là cựu sinh viên Trường Đại học Thành Tây

Được biết, Tuấn Anh đã có 10 bài báo công bố (bao gồm 2 bài Tạp chí ISI, 5 bài Tạp chí quốc gia, 3 bài Tuyển tập Hội nghị quốc gia) và 2 sáng chế thuộc đề tài này.

Trong thời gian tới, Tuấn Anh sẽ cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tham gia Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ phát triển KT-XH Tây Nguyên để triển khai và chuyển giao công nghệ nghiên cứu sử dụng tuyến trùng trong phòng trừ sinh học sâu hại. Đồng thời, tiếp tục tập trung vào những dự án nghiên cứu và thử sức với học bổng Thạc sĩ Tuyến trùng tại Đại học Ghent (Bỉ).

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri.com.vn

Share.

Leave A Reply