SSDH – Ngô Di Lân – chàng du học sinh điển trai với nhiều giải thưởng hùng biện và thể thao, từng gây chú ý với bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục vừa được ĐH Brandeis, bang Massachussetts, Mỹ cấp học bổng Tiến sĩ toàn phần (45.000 USD/năm).
Thông tin cá nhân Họ và tên: Ngô Di Lân Ngày sinh: 7/7/1994 Hiện là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ quốc tế, trường ĐH College Maastricht (Hà Lan). Thành tích học tập và ngoại khóa:
|
1 trong 5 ứng viên xuất sắc được ĐH Brandeis cấp học bổng Tiến sĩ
Sinh năm 1994 tại Hà Nội, Ngô Di Lân sớm bộc lộ khả năng và đam mê hùng biện. Cùng ước mơ trở thành một nhà ngoại giao giỏi, anh chàng 9X nhanh chóng trở thành một “thợ săn” các giải thưởng “khủng” hùng biện.
Lớp 9, Di Lân sang Thụy Điển học; sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lân giành học bổng toàn phần theo học ngành Quan hệ quốc tế ở ĐH College Maastricht (Hà Lan). Năm 2014, Ngô Di Lân gây chú ý với bức thư gửi Bộ trưởng bộ Giáo dục nói lên thực trạng sinh viên Việt kém “tư duy phê phán”.
Khi xác định được, về lâu dài sẽ nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung Quốc, Lân bắt đầu ấp ủ “giấc mơ Mỹ” – nơi có môi trường học thuật tốt với nhiều học giả nổi tiếng và cơ sở vật chất thuận tiện.
Hè 2014, chàng du học sinh quyết định chuẩn bị hồ sơ và “apply” thẳng bậc tiến sĩ (không qua thạc sĩ – gộp cả thạc sĩ và tiến sĩ làm 1 chương trình lấy bằng).
Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Vừa đây, Ngô Di Lân vinh dự được trường ĐH Brandeis gọi tên cấp học bổng Tiến sĩ toàn phần cho 5 năm học. Được biết, mỗi năm ĐH Brandeis chỉ cấp 2 – 5 học bổng cho những ứng viên xuất sắc nhất.
Chia sẻ về thành công mới đạt được, Di Lân còn nguyên cảm xúc vui mừng: “Tỉ lệ “chọi” nhiều năm lên đến trên 1/30 nên giành được học bổng của trường cũng không dễ. Ít nhiều mình cũng vui và tự hào. Quan trọng hơn, mình cảm thấy mình có động lực để vượt qua những thử thách phía trước và chinh phục những đỉnh cao mới”.
Lân có tài diễn thuyết sắc sảo, tự nhiên.
Nhớ lại quá trình chinh phục giấc mơ tiến sĩ, 9X tài năng chia sẻ: “Mỗi lá thư giới thiệu bản thân mình viết đi viết lại và chỉnh sửa không dưới chục lần trong vòng 2 tháng, mình đã ôn luyện một cách gấp rút để thi chứng chỉ GRE và TOEFL – trong áp lực vừa phải lo bài vở ở trường, vừa phải chuẩn bị hồ sơ và liên lạc với thầy cô để viết thư giới thiệu, vừa phải điều hành từ xa công việc của tổ chức VYCO ở nhà, và vừa phải cân bằng cuộc sống hàng ngày.
Mình biết là họ sẽ xét học bổng hoàn toàn dựa trên năng lực chứ không phải gia cảnh nên luôn phải nỗ lực 200% để đảm bảo mọi thứ trong hồ sơ được đẹp nhất”, Lân nói.
“Bật mí” về bí quyết giành học bổng tiến sĩ đất Mỹ, Di Lân cho rằng có 3 yếu tố quyết định thành – bại: “Thứ nhất, thư giới thiệu bản thân do bạn tự viết phải ấn tượng. Thứ hai, hãy chọn thầy cô có uy tín để viết thư giới thiệu cho mình, tên tuổi của họ rất quan trọng.
Thứ ba, phải nghiên cứu kĩ về đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH mà mình muốn nhập học. Điều này vô cùng quan trọng, bởi bạn cần phải biết rằng những người ở đó có quan tâm đến những vấn đề mà bạn muốn nghiên cứu hay không. Cũng như hai người không có điểm chung sẽ khó lòng yêu nhau được, nếu trường ĐH và bạn không hợp nhau, họ sẽ không nhận bạn”, Lân nhấn mạnh.
Bản lĩnh tuổi trẻ “tìm đường”, kết nối
Ở tuổi 20, Ngô Di Lân không ngừng “tìm đường”, đóng góp sức lực để thế hệ trẻ Việt “vươn xa hơn, bay cao hơn” với những dự án cộng đồng của mình.
Ước mơ lớn nhất của một người trẻ như Lân đến hiện tại, không dành riêng cho bản thân mà dành cho “mạng lưới” người trẻ Việt.
“Mình biết hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tài năng hơn mình nhiều, thế nên điều quan trọng nhất là làm thế nào để tạo một sân chơi, một mạng lưới kết nối các bạn với nhau, tạo thành một “mặt trận đoàn kết” giữa các thanh niên ưu tú Việt Nam. Có như vậy mới có sự phát triển được.
Ngoài ra, Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc (MUN) đang là một trong những hoạt động thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ các bạn trẻ trên toàn thế giới nên mình muốn tại Việt Nam, MUN cũng sẽ phát triển rộng khắp và nhận được sự quan tâm từ giới trẻ trong nước”, Di Lân bày tỏ.
Mang suy nghĩ rằng, trong một thế giới toàn cầu hoá với sự cạnh tranh khắc nghiệt, để tồn tại và phát triển, thanh niên Việt Nam cần thích nghi bằng cách phát triển tư duy toàn cầu và kĩ năng ngoại giao xuất sắc, Lân đang nỗ lực “tìm đường” tập hợp những bạn trẻ tài năng, khát khao được cống hiến cho đất nước, mong muốn đưa tiếng nói của thanh niên Việt Nam ra thế giới.
Với những mong ước ấy, Di Lân dù bận rộn với công việc học hành ở trời Tây vẫn chưa hề dừng lại trong hành trình lãnh đạo, dẫn dắt tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO) với vai trò người sáng lập kiêm Chủ tịch.
Tuổi đời còn trẻ nhưng anh chàng đã nhận thức sâu sắc được sức mạnh của sự kết nối. Để đạt những thành công đến thời điểm hiện tại, Lân đã thực hiện nghiêm túc các gạch đầu dòng: “Thứ nhất là luôn phải tự suy xét bản thân một cách thẳng thắn và nghiêm khắc để đúc rút kinh nghiệm sau mỗi bước đi.
Thứ hai là luôn biết trân trọng bạn bè, người thân và những người từng giúp đỡ mình. Khi bạn luôn có những người tuyệt vời sẵn sàng kề vai sát cánh với bạn thì dù có gặp khó khăn lớn đến mấy, mọi chuyện rồi vẫn sẽ ổn thoả. Cuối cùng, không ngừng vươn lên và đừng tự mãn”.
Học tập10 năm ở nước ngoài, từng trải nghiệm 5 nền giáo dục, có khả năng “sải cánh” ở trời Tây, Di Lân vẫn dự định sẽ quay về quê hương làm việc: “Mình học ngành quan hệ quốc tế và muốn trở thành cán bộ ngoại giao. Mình là người Việt, mình có được ngày hôm nay cũng là nhờ Việt Nam thế nên việc mình muốn về nước và làm việc trong Bộ Ngoại giao của Việt Nam là điều khá tự nhiên”.
Nguồn: Dân Trí