SSDH – Có lẽ, vì sinh vào năm con ngựa (1990) và lớn lên ở vựa lúa của đồng bằng sông Hồng, không có núi đồi nên niềm đam mê leo núi và chinh phục những đỉnh cao đã ăn sâu trong tâm trí của chàng du học sinh Trương Văn Phúc.
Nhìn vóc người không mấy cao lớn của Phúc, ít ai nghĩ rằng chàng trai Thái Bình này lại là người đã từng chinh phục “nóc nhà Đông Dương” và cả đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á, Kinabalu. Những ngọn núi đã xuất hiện trong đầu cậu từ ước mơ ngày bé, còn đi chân đất, học trường làng.
Khi đã trở thành sinh viên Đại học Mỏ – Địa chất, “phượt” trên những cung đường xa xôi hiểm trở, Phúc càng nhận ra rằng, mình thực sự yêu những miền đất xa xôi, nguyên sơ và đẹp đến sững sờ đó. Cậu tâm niệm: “Leo núi không chỉ là để rèn luyện sức khỏe, hay khẳng định bản thân, đó là sự tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi đặt chân lên đỉnh núi, phóng tầm mắt xa vượt tầm mây”.
Trương Văn Phúc và cờ Việt Nam trên “nóc nhà Đông Nam Á” – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bên cạnh việc chinh phục những ngọn núi có thật, Phúc cũng là một “nhà leo núi” xuất sắc trong học tập khi từng tham gia cuộc thi kiến thức “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 8 của Đài Truyền hình Việt Nam và là một trong 5 sinh viên trên cả nước nhận học bổng toàn phần tại trường Đại học Công nghệ Petronas của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia vào năm 2011.
Lúc đã ghi dấu chân mình lên Fansipan, Phúc hướng tới những đỉnh núi cao hơn, và Kinabalu – “nóc nhà Đông Nam Á” – là mục tiêu đầu tiên của cậu. Sau khi sang Malaysia học một thời gian, Phúc đã tổ chức một nhóm sinh viên quốc tế cùng nhau chinh phục độ cao 4095 m này. Bảy giờ sáng ngày 18/1/2012, quốc kì ba nước: Việt Nam, Malaysia, Ai Cập cùng tung bay trên ngọn núi cao nhất ASEAN, và Phúc chính là người cầm trong tay lá cờ của Tổ quốc mình.
Đôi mắt của Phúc như sáng lên khi cậu hào hứng kể về ước mơ của mình, đó là ghi tên Việt Nam vào danh sách những nước có người leo thành công 7 Summits, 7 đỉnh núi cao nhất ở 7 châu lục trên thế giới. Cậu chia sẻ: “Ước mơ 7 Summits của mình, theo nhiều người nói là “rất điên rồ”. Đó là một chuyến đi rất tốt kém và nguy hiểm. Mình có thể sẽ không trở về, nhưng mình tin là mình sẽ làm được. Người Việt Nam từng leo lên Everest, người Việt Nam dẻo dai, ưa mạo hiểm, và người Việt Nam sẽ leo được 7 Summits, như một vài nước châu Á khác”.
Hiện tại, Phúc đang ấp ủ một chuyến leo núi Fansipan cho các bạn sinh viên quốc tế tại đại học Công nghệ Petronas, nơi cậu theo học. Không chỉ thiết lập kỉ lục Việt Nam về “chuyến leo đỉnh Fansipan có nhiều quốc gia tham gia nhất”, Phúc muốn cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao.
Phúc và các bạn của mình trong một chuyến leo núi – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đây là một phần trong dự án từ thiện Phúc đang tiến hành với mục đích kêu gọi sinh viên Petronas giúp đỡ cho bữa ăn của trẻ em miền núi phía bắc Việt Nam. Với việc mỗi sinh viên tại trường đại học mà Phúc đang học nhận bảo trợ cho một em học sinh, cùng sự trợ giúp từ phía tập đoàn Petronas, cậu hi vọng ban đầu sẽ quyên góp được 20.000 đô la Mỹ để có thể làm được một điều gì đó cho những gương mặt trẻ thơ nghèo đói từng ám ảnh tâm trí trên những cung đường mà cậu đi qua. Sinh ra ở đồng bằng, nhưng cùng những ngọn núi, Phúc đã và đang lớn dần lên, ngày càng trưởng thành hơn và chắc chắn sẽ thành công.
Bài: Sơn Bình
(Từ LB Nga)