Các sinh viên quốc tế tại trường Đại học Melbourne tháng 4/2011. (Bay Vút)
Nhìn từ các bảng xếp hạng Đại học
Mới đây, tổ chức The Times Higher Education Reputation Supplement đã xếp hạng Đại học Melbourne là đại học hàng đầu của Úc, đồng thời là cơ sở giáo dục Úc duy nhất nằm trong hàng top 50 của thế giới.
Trong bảng xếp hạng này, Đại học Melbourne được xếp vào hàng thứ 36 của thế giới. Điều đáng nói là so với bảng xếp hạng năm 2010, đại học này đã bị tụt 9 hạng.
Các đại học khác của Úc có mặt trong bảng xếp hạng với vị trí như sau: Đại học Quốc gia Úc (ANU) hạng 43, Đại học Sydney hạng 71, Đại học Adelaide hạng 73, Đại học Queensland hạng 81, Đại học New South Wales (UNSW) hạng 152 và Đại học Monash hạng 188.
Ngoài bảng xếp hạng của Times Higher Education Reputation Supplement còn có bảng xếp hạng của nhiều tổ chức khác cũng rất uy tín như của Đại học Thượng Hải Bảo Tống (Shanghai Jiao Tong University-SHJT) tại Trung Quốc.
Nếu căn cứ trên bảng xếp hạng của SHJT thì Đại học Quốc gia Úc được xếp vào hàng thứ 59 của thế giới và hàng đầu của Úc, Đại học Melbourne hàng 62 thế giới và thứ nhì của Úc, Đại học Sydney hạng 92 thế giới và hạng ba của Úc.
So với năm trước, căn cứ trên bảng xếp hạng của SHJT, Đại học Melbourne đã tăng 13 hạng (từ hạng 75 của thế giới lên hạng 62).
Vì sao các bảng xếp hạng khác nhau?
Phóng viên Bay Vút đã tìm hiểu ý kiến của một số người đang làm trong lĩnh vực giảng dạy ở Úc.
Theo Tiến sĩ Phan Lê Hà thuộc Đại học Monash và Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng hiện giảng dạy tại hai Đại học Melbourne và Swinburne, việc đánh giá chất lượng một trường đại học được căn cứ trên rất nhiều yếu tố chứ không chỉ tin vào các bảng xếp hạng đại học của nhiều tổ chức khác nhau thực hiện.
Tiến sĩ Hà cho hay đôi khi tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức xếp hạng tạo sự ‘ưu ái’ cho các đại học lớn, thuộc loại top của thế giới và những tiêu chuẩn này chưa hẳn đã có lợi cho các đại học khác không vào loại có bề dầy lịch sử lâu đời.
Do đó, theo bà Hà, “các trường thành lập sau này thường bị thiệt thòi”.
Tiến sĩ Dũng thì cho rằng khi công bố bảng xếp hạng, các tổ chức chú trọng vào nhiều lãnh vực khác nhau và cho hệ số điểm khác nhau ở mỗi lãnh vực: bằng cấp, kinh nghiệm của nhân viên giảng dạy, cơ sở, trường lớp… Chính vì vậy mà kết quả xếp hạng của tổ chức này khác với tổ chức khác.
Đại học ở Úc đang ‘xuống cấp’?
Mặc dù các bảng xếp hạng có khác biệt nhau về sự đánh giá và thứ tự, song nhìn chung một số nhà quan sát cho rằng trong những năm gần đây chất lượng giảng dạy của các Đại học ở Úc có chiều hướng ‘xuống cấp’.
Thực hư ra sao?
Theo các nhận định này, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chất lượng giáo dục kém hơn so với trước đây là vì các đại học ở Úc đã thu nhận sinh viên nước ngoài một cách ‘ồ ạt’ nhằm chạy theo lợi nhuận.
Việc thương mại hóa giáo dục đã trở thành làn sóng ở Úc lâu nay. Đây cũng là chủ trương của nhiều quốc gia, không phải chỉ ở Úc.
Theo đó, các đại học thu nhận càng nhiều càng tốt sinh viên, đặc biệt là sinh viên nước ngoài. Họ dùng nguồn tiền học phí khổng lồ do những sinh viên này đóng góp để duy trì chất lượng giảng dạy, tuyển lựa giáo sư, giảng viên, xây dựng mới hoặc tân trang các cơ sở, phòng ốc, dụng cụ, phương tiện giảng dạy…
Dù vậy, như một số người bi quan nhận định, việc thu nhận sinh viên ồ ạt có mặt trái là do khâu ‘đầu vào’ thả nổi, kém chất lượng nên ‘đầu ra’ cũng bị ảnh hưởng lây.
Theo các Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng và Phan Lê Hà, quả là đã có dư luận đặt câu hỏi và nghi ngờ về vấn đề chất lượng của các đại học Úc.
Tuy nhiên hai Tiến sĩ này đều cho rằng không có bằng chứng cũng như nghiên cứu nào cho thấy vấn đề này là đúng hay sai một cách rõ ràng.
“Úc vẫn chặt chẽ trong giảng dạy”
Tiến sĩ Hà cho biết các trường Đại học ở Úc hiện vẫn rất chặt chẽ trong vấn đề giảng dạy, chấm bài, cho lên lớp hoặc ra trường.
Theo bà Hà, sự đòi hỏi về chất lượng giảng dạy và học tập của các Đại học Úc vẫn tương đối đồng nhất như từ trước tới nay.
Trong khi đó, khi nhìn ra bên ngoài nước Úc, Tiến sĩ Dũng nêu ví dụ khi Đại học Yale, một trong những đại học lừng danh của Hoa Kỳ, dự tính mở thêm chi nhánh ở Singapore thì giới lãnh đạo trường gặp nhiều phản ứng.
Một trong những lý do những người chống đối nêu ra là nếu nhận ồ ạt để có đông sinh viên với mục tiêu thu học phí nhiều thì tiêu chuẩn sẽ thấp đi và uy tín của Yale sẽ giảm.
Tương tự, bà Hà cho hay nhiều nước, đặc biệt trong khu vực Châu Á như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào giáo dục và xem việc đón nhận sinh viên từ nước ngoài là một nguồn thu quan trọng.
Tiến sĩ Dũng thừa nhận hàng năm số học phí mà Đại học Melbourne nhận được từ sinh viên nước ngoài là ‘rất cao’ và Đại học Swinburne ‘còn cao hơn nữa’.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hà, ngoài nguồn lợi về học phí, việc tiếp nhận sinh viên quốc tế đã tạo ra sự đa dạng và thế cạnh tranh rất tốt giữa đại học ở Úc.
Việc này cũng giúp các đại học Úc góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều quốc gia chứ không hẳn nhìn sinh viên quốc tế như ‘gà đẻ trứng vàng’.
Dấu hỏi về chất lượng giảng dạy ở cơ sở tại Úc và cơ sở ở nước ngoài
Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết một số đại học Úc như RMIT, Swinburne, Monash… đã mở chi nhánh ở nước ngoài.
Monash có chi nhánh ở tận Johannesburg (Nam Phi) còn RMIT đã và đang rất thành công tại thị trường Châu Á – tiêu biểu như chi nhánh Đại học RMIT ở Việt Nam hiện có tới 16.000 sinh viên theo học.
Ông Dũng cho hay chưa có cuộc khảo sát hoặc thống kê nào để so sánh trình độ sinh viên theo học tại cơ sở ở Úc và cơ sở ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhìn chung chất lượng sinh viên xuất thân từ cơ sở ở nước ngoài thấp hơn cơ sở tại Úc mặc dù bằng cấp do hai nơi cấp phát được coi là tương đương.
Dù vậy ông Dũng cũng nhận xét thêm rằng “có những trường hợp sinh viên đơn lẻ dù học ở cơ sở tại nước ngoài song vẫn rất tài giỏi”.
Về thành phần giảng dạy, ông Dũng cho biết nhiều cơ sở tại Úc có gởi một số giảng viên cao cấp của trường sang giảng dạy ở cơ sở tại nước ngoài. Tuy nhiên, cơ sở ở nước ngoài thường có xu hướng nghiêng về sử dụng giảng viên địa phương, biết nói tiếng địa phương.
Ai cũng biết chất lượng sinh viên không chỉ được căn cứ vào số lượng bằng cấp hoặc kinh nghiệm của thành phần giảng dạy mà còn nhiều yếu tố khác như cơ sở vật chất của trường, sách giáo khoa, dụng cụ và phương tiện giảng dạy… Nếu xét chung nhiều mặt này thì dường như nhiều cơ sở ở nước ngoài không thể sánh bằng cơ sở ở Úc.
Bên cạnh đó, ngoại trừ các cơ sở mở tại Singapore, sinh viên theo học tại các cơ sở ở nước ngoài vẫn thường nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ.
Theo Tiến sĩ Dũng, điều trên dẫn đến khả năng Anh ngữ của các sinh viên cơ sở ở nước ngoài không bằng sinh viên cơ sở ở Úc. Đây là nguyên nhân có liên quan tới vấn đề sinh viên tiếp thu kiến thức được nhiều hay ít trong quá trình học tập.
Ngoài ra, có một thực tế khá rõ ràng là khi ra trường, “một sinh viên có bằng do cơ sở ở Úc cấp dễ xin được việc làm hơn một sinh viên có bằng do cơ sở ở nước ngoài cấp mặc dù hai bằng được xem là tương đương”, Tiến sĩ Dũng nhận xét.
(Theo Bay vút)