SSDH – Lượng du học sinh đến nước Úc ngày một đông cung cấp một lực lượng lao động các shop Tàu và Việt với mức lương chết đói 10 AUD/h, nhưng bạn vẫn có thể kiếm được những công việc làm thêm tốt với mức lương bằng người bản địa nếu chịu khó tìm kiếm, dưới đây là một số kinh nghiệm của mình và từ một số bạn bè xung quanh.
Xin nói thẳng luôn là mình không nói đến những công việc trồng “cần”, trồng “cỏ” hay những công việc bất hợp pháp tại Úc mà các bạn được biết, đây là những công việc hợp pháp 100%, được trả đầy đủ các khoản lương hưu cũng như bảo hiểm.
Đầu tiên, ngay khi đặt chân đến trường trong những ngày đầu tiên, bạn hãy đến Trung tâm hỗ trợ việc làm của trường.
Đa phần các bạn sinh viên thực sự đánh giá thấp khả năng hỗ trợ của những nơi này, dĩ nhiên là sự thật thì cũng rất khó kiếm việc làm thêm thông qua các trung tâm này nhưng họ sẽ tìm rất nhiều cách để giúp đỡ bạn vì nước Úc là nơi “muốn được giúp thì mở mồm ra mà hỏi”, họ có thể tư vấn xem bạn nên kiếm việc ở đâu, viết CV như thế nào,v.v…
Tiếp theo hãy chú ý đặc biệt đến các buổi Hội thảo (Seminar) được tổ chức bởi Trung tâm hỗ trợ việc làm, có thể có những buổi hội thảo liên kết với các công ty tuyển dụng của Úc để tìm nhân viên bán thời gian. Ví dụ như công việc casual đầu tiên của mình đến từ buổi hội thảo do Đại học Swinburne hợp tác với Hoban Recruiment tuyển nhân viên casual cho các dự án điều tra lượng người lên xuống tàu của Public Transport Victoria (PTV) tại Melbourne.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là chả có mấy người biết đến buổi Seminar nên mặc dù gần như Hoban tuyển 100% người tham dự cho công việc với mức lương 23$/giờ, vậy mà mình nhẩm tính chắc chỉ cỡ 30 người đến dự.
Có một điểm cần chú ý là những công việc như trên thường khá ngắn, ví dụ như dự án của PTV chỉ kéo dài 3 tuần, 2 lần 1 năm, mỗi tuần khoảng 2 ngày làm việc.
Nhưng nếu bạn cho rằng chỉ có thế mà phải tốn công thì bạn hơi bị nhầm, một khi đã nằm trong danh sách nhân viên tiềm năng của các công ty tuyển dụng tại Úc bạn sẽ được đánh giá và xếp hạng theo thời gian, nghĩa là làm càng nhiều bạn càng có nhiều cơ hội nhận được nhiều ca hơn và thậm chí nếu sau này bạn đã tốt nghiệp, đó cũng chính là nơi sẽ giới thiệu cho bạn công việc như ý.
Thí dụ như sau 1 năm rưỡi thì lượng việc của mình gần như tăng lên gấp đôi, được ưu tiên sắp xếp nhiều ca làm việc hơn, còn làm trong lễ hội pháo hoa Melbourne với mức lương 29$/giờ và 50$/giờ cho ca đêm. Như vậy, hãy chú ý gửi CV cho các công ty tuyển dụng tại Úc hoặc tạo ra cho mình một hồ sơ tại các công ty trên.
Còn một cách khác đó là hãy nộp CV tại các nhà hát, rạp hát hoặc trung tâm giải trí hoặc hỏi trực tiếp các supervisor tại đó, hãy chú ý nộp cho các supervisor vì có thể họ thuộc về các công ty thầu lại các công việc tại nhà hát, những nơi này thường xuyên cần lượng nhân viên rất lớn cho các công việc bán thời gian quản lý người ra vào và dọn dẹp sau các buổi diễn.
Bạn mình nhận được việc với mức lương tới 23$/giờ ngay khi vừa đặt chân tới Úc nhờ lang thang và nộp hồ sơ tại 1 nhà hát ở Melbourne và được nhận ca làm việc sau đó 1 tuần. Cho nên hãy chịu khó đi nộp thật nhiều CV tại các điểm tiềm năng trong khu vực CBD cũng như gần chỗ bạn làm để kiếm được việc part-time như ý.
Cuối cùng là hãy nhờ giới thiệu của bạn bè hoặc người thân, trái ngược với suy nghĩ “kiếm việc ở Úc thì không cần quan hệ” thường thì tỷ lệ những công việc bán thời gian lương cao tại các siêu thị lớn hoặc công ty lớn ở Úc tới tay những người nộp hồ sơ tại quầy là khá thấp.
Muốn có việc tại những siêu thị như Coles hay K-mart nhanh hơn, bạn cần phải có “tay trong” và được giới thiệu trừ khi gặp được trực tiếp giám đốc, mà thật ra với tư cách là nhà tuyển dụng, chắc cũng chẳng ai muốn tuyển một đứa “ất ơ” nào đó mà mình không biết rõ vào làm trong khi có đầy những mối quan hệ bạn bè từ nhân viên của mình.
Xin chúc bạn kiếm được thật nhiều nhiều tiền!
Thái Hải (SSDH) – Theo Long Gà / Oz Du học