SSDH – Chàng trai Nguyễn Khiêm nhận học bổng ASEAN Award 2016 của Chính phủ New Zealand nhờ tâm huyết với các vấn đề môi trường của đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn Khiêm hiện theo học chương trình thạc sĩ Quản lý Tài nguyên nước tại Đại học Canterbury, New Zealand.
Lý do nào giúp bạn trở thành một trong 30 sinh viên Việt Nam nhận học bổng ASEAN Award 2016?
Quyết tâm, đam mê và xác định hướng đi đúng đắn là điều quan trọng nhất. Các thành tích hoạt động, dự án xã hội và nghiên cứu chỉ để chứng minh cho quyết tâm và đam mê đó.
Đam mê của bạn là gì?
Tôi rất hứng thú về các vấn đề môi trường, đặc biệt là nguồn nước và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rất nhiều hoạt động của mình trong thời gian đi học đều do đam mê này dẫn lối.
Khi ở đại học Cần Thơ, tôi có thực hiện luận văn tốt nghiệp “Sử dụng kiến thức bản địa để thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đề tài đã nhận được tài trợ nghiên cứu khoa học cấp trường.
Ngoài việc học, tôi cũng tham gia khoá học 7 tháng tại Mekong School (Thái Lan) về các vấn đề môi trường và sông Mekong. Tôi cũng tự hào khi hiện là một trong các thành viên sáng lập của nhóm Thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Youth). Nhóm đã nhận được các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện các ý tưởng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ĐBSCL.
Bạn đã chuẩn bị như thế nào để săn được học bổng ASEAN Award?
Trước 6 tháng khi học bổng nhận hồ sơ, tôi đã bắt đầu hoàn thiện các giấy tờ, bằng cấp liên quan. Tôi cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành học và trường học phù hợp với định hướng và đam mê của mình. Sau đó là bắt tay vào viết bài luận. Khi viết, tôi luôn đặt câu hỏi “Tại sao ngành này lại quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai?” và thể hiện đam mê, quyết tâm của mình qua những dẫn chứng.
Ngoài ra, tôi cũng nhờ bạn bè đọc và góp ý cho bài luận của mình. Ở vòng phỏng vấn, vì thời gian không nhiều nên tôi đã tự tin trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ ý các câu hỏi của hội đồng.
Trong thời gian du học tại New Zealand, ngoài việc học, bạn còn những mục tiêu gì?
Gặp gỡ và kết nối với bạn bè khắp nơi trong khu vực cũng là một trong những mục tiêu của tôi khi du học. Việc này giúp dễ dàng cập nhật những tiến bộ hoặc ý tưởng phát triển của các nước. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ những người có trình độ chuyên môn cao và có cùng đam mê. Ngoài ra, tôi dự định sẽ đi vòng quanh New Zealand trong 2 năm học tập để hiểu hơn về con người, văn hóa và thiên nhiên tại đây.
Cảm nhận của bạn như thế nào khi du học tại New Zealand?
Tôi luôn nghĩ không gì là tuyệt vời hay hoàn hảo 100%. Cuộc sống du học cũng thế. Tôi thường có khối lượng bài tập rất lớn, đặc biệt là vào cuối kỳ. Nhiều lúc tôi và bạn bè phải đóng đô tại thư viện trong cả tuần để làm bài và chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên, nhờ những khó khăn này, tôi đã học được cách quản lý thời gian và lên kế hoạch học tập hiệu quả.
Dự định tương lai của bạn là gì?
Tôi mong muốn được đóng góp các kiến thức về quản lý nguồn nước hiệu quả cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Khu vực này hiện phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nước, từ việc tăng nhu cầu sử dụng nước thượng nguồn đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
New Zealand là một trong những quốc gia có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nước. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ áp dụng uyển chuyển những kiến thức trên lớp, những dự án thực hiện và các buổi thực địa tại New Zealand vào bối cảnh của ĐBSCL.
Theo: Vnexpress