SSDH – “Có thực mới vực được đạo”. Ngoài việc học tập, chỗ ở, thời tiết… thì chuyện ăn uống cũng là một mối quan tâm lớn, đặc biệt là đối với du học sinh Việt Nam đang “tầm sư học đạo” nơi xứ người.
Bài viết xin chia sẻ với các bạn đọc những trải nghiệm thực tế về phong cách, kỉ niệm đặc biệt liên quan đến chuyện “thực” (ăn uống, nấu nướng, chợ búa)… của các chàng trai, cô gái Việt đang học tập ở nhiều nước trên thế giới.
Ẩm thực Mỹ và nỗi nhớ Việt Nam
Sang Mỹ đi du học, mọi người dặn dò tôi đủ thứ điều. Từ chuyện học hành cho cẩn thận giữ cái GPA từ 3.2 để không bị cắt học bổng trở lên cho đến chuyện đừng tiêu pha quá đáng, tôi phải nghe cho đến phát chán cả đầu. Tôi thầm mong cái ngày đến Mĩ nó tới nhanh nhanh để tôi không phải ngồi nghe đống giáo lý cũ xì này nữa.
Thế rồi cái ngày đó cũng đến. Tôi vác hai vali nặng trịch tổng cộng 46 kg đến sân bay. Lên máy bay, đến Hàn Quốc transit xong lại bay tới Chicago. Mọi chuyện trôi qua thật yên lành, chỉ có điều tôi không nuốt được bất kì thứ đồ ăn Hàn trên đường. Đống đồ ăn trên máy bay tôi đổ đi gần hết. Ở sân bay mùi thức ăn Hàn nồng nặc bốc lên và tôi cảm ơn Trời Phật là ở giữa cái thứ mùi Hàn khủng khiếp đó có một quán fast food KFC. Tôi chạy vào đó và ngồi ăn ngấu nghiến cho bõ việc nhịn đói 3 tiếng bay liền.
Tôi thầm nghĩ, đến Mỹ tôi sẽ nốc vào mồm cả đống đồ ăn “Mĩ” vào chứ không ăn thêm bất cứ đồ châu Á nào nữa. Và rồi hết 5 tiếng ở sân bay, tôi chạy lên máy bay tiếp tục một chuyến 14 tiếng, chuẩn bị tinh thần cho những “món ăn Hàn Quốc đóng hộp máy bay nấu sẵn có mùi kinh khủng”. Họ phục vụ tôi ba bữa và tôi bỏ đến… hai. Tôi cầu trời khấn phật: “Đến Mỹ, đến Mỹ đi, đồ ăn Hàn dở tệ.”
Nhưng ai ngờ mọi chuyện không như tôi tưởng. Đến Mỹ rồi và tôi cũng chả nuốt được thứ gì vào mồm mà cảm thấy ưng ý. Ở Chicago, tôi được chị dẫn đi làm debit card. Xong xuôi mọi thứ chị tôi đưa tôi cái debit card rồi bảo đừng quẹt nhiều quá để rồi bị từ chối lúc đi mua hàng. Xong chị lại bảo tốt nhất là em đừng quẹt kiểu đến mấy cửa hàng bảo mật nó kém, hacker tấn công lấy thông tin card của mình thì lúc đấy mất hết cả tiền. Chị còn dặn tôi đừng dạo qua mấy nhà hàng để rồi trong năm không có tiền mà tiêu.
Ôi nhà hàng ở đây toàn McDonald với Subway không thì lại Chinese Food Restaurants. Nhìn những thứ này mà tôi cảm thấy phát ốm đi mất. Sau khi đến Chicago, tôi có làm một tour đi Washington DC và thác nước Niagra. Lúc đó tôi được tận hưởng cái gọi là “ẩm thực Mỹ”. Trên các trạm dừng chân trên đường, hành khách toàn được dẫn vào McDonald hoặc Chinese Buffet để ăn. McDonald lúc đầu tôi còn hào hứng lắm nhưng sau thì thật sự kinh khủng. Không ai có thể ăn fast food 5 ngày đi tour liền. Còn Chinese Buffet ăn cũng chả ngon lắm.
Các đồ ăn ở đấy cũng như các tiệm ăn nhanh toàn khoai tây chiên, mì xào, đùi gà rán và một vài ăn phiên âm từ Trung Quốc ra tiếng Anh mà tôi không nhớ. Có một số lúc tôi được dẫn vào nhà hàng gọi là ăn tử tế nhưng cũng không thể chịu được. Người Mỹ ăn quá ngọt. Vào đấy ăn toàn pancake rồi lại nước sốt táo. Ngoài những món ăn ngọt đó là những món như bacon với ham. Ăn uống thế này khiến tôi chẳng mấy chốc đã mất niềm tin vào các nhà hàng Mỹ. Chị tôi dặn không dặn thì tôi cũng không đi ăn ngoài. Tôi tự nhủ đã tự ăn mà còn tệ thế này thì không biết đồ ăn campus như thế nào???
Nỗi nhớ đồ ăn Việt trong lòng tôi ngày càng tăng. Đi siêu thị ở đây không có rau muống, món luộc quen thuộc của tôi. Tôi thèm một bát nước rau muống luộc sấu nhưng mà hình như ở đây còn không có cả sấu. Nước mắm ăn không ngon mà siêu thị toàn bán loại nước mắm pha sẵn ăn rất tệ. Xì dầu ở đây ăn cũng chẳng hơn gì nước mắm. Tôi nhớ những lúc ở nhà ngồi chê nước mắm Phú Quốc với xì dầu Chin-su! Cuối cùng tôi cũng xin chị đi ăn hàng Việt Nam. Ăn đồ ăn Việt ở đây, không ngon bằng đồ ăn Việt ở nhà, mùi của món ăn có gì đó đã bị phai đi, đã bị chế đi để “Tây” hơn. Nhưng tôi cũng không thể trách người đầu bếp được. Họ còn nấu cho bao thực khách Mỹ chứ có phải phục vụ mỗi tôi đâu. Dù gì được ngửi thấy hơi Việt Nam tại đất Mỹ này là tôi đã vui rồi, cho dù chỉ là một tẹo thôi và có thể không được như hàng gốc. Đi xa tưởng chừng như có thể chuẩn bị đủ hết những gì tôi cần nhưng có lẽ đồ ăn thức uống là cái mà tôi không ngờ nhất. Ở đất Mỹ này có cô đơn đến mấy thì chỉ cần ăn vài món ăn Việt thôi là bạn cũng thấy như đang ở nhà rồi.
“Sốc” với đồ Tây Khi ở Việt Nam
Các du học sinh của chúng ta được bố mẹ chăm lo cho từng ly, từng tý, ngày ăn ba bữa và có rất nhiều bữa phụ. Đôi khi, chán cơm ở nhà có thể la cà quán sá cùng với bạn bè, thưởng thức những món ăn ngon, hợp khẩu vị… Nhưng khi sang xứ người, một đất nước hoàn toàn xa lạ, những món ăn thường ngày của Việt Nam chỉ là trong giấc mơ.
Ao ước một bát canh chua, một đĩa rau muống là cái ước mơ rất xa vời đối với các bạn. Những thức ăn hầu hết ở đây là những đồ ăn nhanh như hamburger, hot dog, khoai tây chiên… những món ăn rất dễ ngán, nhanh chóng tăng cân và không có lợi cho sức khỏe.
Vân Anh ở Bolivia nói nhiều khi cô thèm rau muống, rau ngót… cũng chẳng biết đào đâu ra vì ở đây không bán. Còn ở Đức, chỉ có mùa Đông nước này mới nhập rau từ các nước khác nên giá cả phải chăng, còn mùa hè chủ yếu là rau tự trồng nên rất đắt. Tại Anh, các cửa hàng châu Á chủ yếu chỉ bán xì dầu, nước mắm, các loại gia vị… còn rau, thịt thì vẫn mua chủ yếu ở các siêu thị.
Hoàng Hiền ở Moscow, Nga chia sẻ: “Từ Moscow đến Maxt (nơi có chợ Vòm) hay Salut của người Việt rất xa nên chủ yếu cuối tuần các sinh viên Việt Nam mới đi chợ và bỏ tủ lạnh ăn cả tuần”. Nếu không chọn những thứ ăn nhanh như thế này thì các bạn du học sinh của chúng ta không còn cách lựa chọn nào khác.
Lạ nước, lạ văn hóa nên việc giao lưu, học cách tính toán chi tiêu hợp lý để có những món ăn ngon, bổ, rẻ đậm chất Việt Nam với các bạn là rất khó. “Sốc” nên phải “lăn”… Muôn vàn chuyện dở khóc dở cười về chuyện “thực” của du học sinh Việt Nam ở nước ngoài kể ra cũng chẳng khác gì mấy chuyện ăn uống đã thành giai thoại của sinh viên kí túc xá là mấy.
Giải pháp lâu dài và tiết kiệm mà hầu hết du học sinh lựa chọn là tự nấu ăn. Chính vì phải đối mặt với việc “học nấu ăn để sinh tồn” mà không ít bạn du học sinh đã thay đổi tay nghề nấu nướng lên trông thấy, tới mức chính “thân chủ” còn ngạc nhiên và có nhiều câu chuyện đã trở thành giai thoại. Biết tính toán, chi tiêu hợp lý trong việc mua thực phẩm và tìm đến những khu chợ của người Việt, các du sinh viên có nhiều lựa chọn hơn do vậy mà những bữa ăn của họ cũng được cải thiện.
Có rất nhiều bạn du học sinh trước đây chưa bao giờ biết cầm đến con dao thái thịt gà là gì, không cắm nổi nồi cơm hay không thể phân biệt nổi đâu là xà lách và bắp cải thì nay đã tự tin gọi điện về nhà “mẹ ơi con tự nấu được phở để ăn rồi nhé…” dù sự thay đổi này phải đánh đổi bằng không ít thời gian, công sức và “cân nặng”. Trong các dịp lễ Tết nếu không có điều kiện về nhà sum vầy bên người thân các du học sinh thường tụ tập và cùng nhau làm những món ăn truyền thống mà khi ở Việt Nam, không ít bạn không biết hoặc “quên” làm như bánh chay trong dịp Tết hàn thực hay gói bánh chưng, đồ xôi gấc… Có thực mới vực được đạo và có “lăn” vào bếp thì những du học sinh của chúng ta mới có những trải nghiệm, những kỉ niệm thú vị. Và qua đó cũng quảng bá được hình ảnh, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè thế giới, một đất nước mến khách, đa dạng ẩm thực với nhiều những món ăn ngon, nổi tiếng.
Đông Đức (SSDH) – Theo Kênh tuyển sinh