Chuyện du học từ 9 tuổi của nữ sinh Việt trúng tuyển ĐH Brown

0

SSDH – Năm lên 8 tuổi, Minh Thu trở về sau một tháng trại hè ở nước Anh và nói với mẹ: “Con thấy giáo dục ở Anh tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Con muốn sang đó du học từ năm sau”. Mẹ không làm thay đổi được quyết định của Thu nên cô bé lên đường du học từ năm sau đó.

 

Sống trong môi trường quốc tế…do mẹ tạo ra

 

Chuyện du học từ 9 tuổi của nữ sinh Việt trúng tuyển ĐH Brown

Phạm Minh Thu

 

Phạm Minh Thu (Minty Pham – tên ở trường Anh) sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Năm 8 tuổi, cô gái đề nghị với mẹ sang Anh du học.

 

Minh Thu chia sẻ, cô may mắn có một người mẹ vô cùng tâm huyết và nghiêmtúc trong việc dạy dỗ con gái. Mẹ Thu vốn là một phụ nữ giỏi giang, thành đạt nhưng khi sinh con, bà đã nghỉ hẳn công việc trong 2 năm để chuyên tâm vào chăm sóc, dạy dỗ con.

 

Từ trước khi sinh Thu, người mẹ này đã nghiên cứu phương pháp dạy con từ Đông sang Tây qua hàng trăm cuốn sách và những quan sát, chiêm nghiệm thực tế.Vì vậy, khi con chào đời, bà đã xây dựng riêng một kế hoạch để giúp con phát triển cả trí tuệ, đạo đức và sức khỏe trong những năm đầu đời.

 

Thu sinh năm 1998. Từ những ngày đầu tiên ăn dặm, Thu đã được mẹ cho ngồi ghế ăn và tự xử lý bữa ăn…

 

Thu được mẹ “huấn luyện” rất kỹ về sức khỏe: 3 tuổi đã học bơi, không kén chọn thức ăn, tập thể dục thường xuyên và đi chơi xa, tiếp xúc nhiều vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Mỗi ngày, mẹ cô đều dành thời gian để đọc sách cho con gái nghe.

 

Đặc biệt, mẹ cô rất chú trọng dạy con khả năng tự lập, tự chủ. Từ khi 5-6 tuổi, cô gái đã tự làm mọi việc liên quan đến bản thân. Thu kể, mẹ luôn để cô có quyền quyết định trong mọi việc, dạy cô cách suy nghĩ, tư duy vấn đề một cách sâu sắc và nhiều chiều hướng. Vì vậy, từ nhỏ, khi có việc gì xảy ra, cô luôn suy nghĩ kỹ lưỡng, đưa ra nhiều phương án để bàn bạc với mẹ, rồi tự giải quyết.

 

Trong gia đình cô, mọi thứ đều rất dân chủ. Mọi việc đều được hai mẹ con nêu ra để bàn bạc, liệt kê lên các tiêu chí để phân tích tốt xấu, lợi và hại. Vì vậy, khi hầu hết các tiêu chí của phương án đi học nội trú ở Anh đều tốt hơn các phương án khác, thì việc buộc phải đồng ý với đền ghị của Thu là chuyện dĩ nhiên.

 

Nói về tính cách tự chủ, tự quyết định, Minh Thu cho rằng, đó là hình mẫu của mẹ trong con người cô: “Mẹ là hình tượng về người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, là con người đầy tự trọng, khôn ngoan và mưu lược để cải hóa mọi việc trong cộng đồng của mình. Mẹ ảnh hưởng đến mình nhiều, nhiều kinh khủng. Câu chuyện về thành công của mẹ luôn là nguồn động viên mình mỗi ngày.”

 

Minh Thu cũng chia sẻ động lực thôi thúc cô gái trẻ du học từ nhỏ: “Du học từ sớm sẽ cho mình cơ hội thực hiện ước muốn thành người thông hiểu và khát khao tri thức. Hơn thế, mình muốn chuyển sang Anh để thực sự trải nghiệm phong cách sống mà mình được dạy: độc lập, tự chủ, chăm chỉ, tôn trọng và quan tâm đến mọi người.”

 

Những ngày ở nước Anh

 

Chuyện du học từ 9 tuổi của nữ sinh Việt trúng tuyển ĐH Brown

Phạm Minh Thu và mẹ, bà Trần Bích Hà

 

“Những ngày đầu nội trú với mình thật khó khăn. Mình là học sinh người Việt duy nhất và nhỏ hơn tất cả các bạn khác ít nhất 3 tuổi. Khi đó mình nhát lắm, nên bị các bạn lớn bắt nạt…” – Minh Thu kể lại.

 

“Những lúc khó khăn – mẹ là người giúp mình vượt qua. Dù ở cách xa ngàn dặm nhưng cảm giác mẹ luôn ở bên, lắng nghe và theo sát mọi việc để đưa ra những lời khuyên đúng lúc và can thiệp kịp thời. Ngay cả trường bên Anh cũng có lúc cư xử không công bằng. Trong những trường hợp đó, mẹ luôn ủng hộ và ở bên mình, nếu mình đúng. Mẹ cũng rất thẳng thắn và kiên quyết làm việc với trường, để yêu cầu họ đưa lại sự công bằng cho mình…” – Minh Thu chia sẻ.

 

Du học xa nhà từ nhỏ cũng khiến Thu có được những mối quan hệ bạn bè quý giá. Cô nói: “Mọi người đều nói bạn bè từ trường phổ thông là bạn cả đời. Mình thấy hoàn toàn đúng. Họ là người cùng khám phá thể giới tuổi trẻ dại dột, cùng trải qua những thách thức và khó khăn tương tự. Nhiều người thành bạn tâm giao và mình cảm thấy rất thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và những khó khăn của mình vì các bạn cũng gặp phải những điều như vậy.”

 

“Mình nghĩ khả năng thích ứng là quan trọng nhất khi muốn hòa nhập vào bất cứ cộng đồng nào” – Thu đúc kết.

 

Bởi, mỗi người đều mang theo những chính kiến và giá trị của riêng mình nhưng dứt khoát phải biết tiếp thu những nhận thức và giá trị mới mà môi trường mới đem lại. Cuối cùng thì bạn sẽ hấp thụ những điều mình thích của môi trường mới và giữ lại những gì mình trân trọng trong văn hóa vốn có.

 

Thành tích học tập “khủng”

 

Mặc dù không phải là dân Anh bản xứ nhưng thành tích học tập của Minh Thu trong suốt 9 năm ở đây vô cùng ấn tượng: ngay sau một tháng nhập học, Thu đã được đặc cách lớp 1 lên lớp 2. Ở cấp 1, điểm số của Thu hầu như đạt A*, hiếm khi có điểm A hoặc B.

 

 Lên cấp 2, Thu chuyển sang trường Wycombe Abbey, là trường nội trú nữ top 1 của Anh. Thu vẫn giữ được kết quả học hầu hết là A*. Đặc biệt 3 năm học cuối ở Anh thì kết quả toàn A* (lớp 9, 10,11). Kỳ thi GCSE (là một kỳ thi lớn tốt nghiệp phổ thông cơ bản ở Anh, Thu đạt cả 10 môn A*.  Trước khi chuyển sang Mỹ (sau khi kết thúc lớp 11), theo như nhận xét ranking (tức xếp hạng trong toàn bộ cùng lứa gồm 93 học sinh lớp11), Thu được đánh giá là đứng đầu.

 

Năm 2014, Thu chuyển sang học trường Cate ở Mỹ, hầu hết các môn học đều đạt điểm tối đa. Trong buổi lễ tốt nghiệp, Thu được nhận giải học sinh xuất sắc nhất về môn Văn học Anh và Tiếng Tây Ban Nha của năm học 2015 – 2016. Năm nay toàn trường chỉ có Thu được 2 giải này.

 

Vừa qua, Minh Thu trúng tuyển sớm vào ĐH Brown trong nhóm Ivy Languge có tỉ lệ trúng tuyển khoảng 12% tổng số thí sinh nộp hồ sơ.

 

Mặc dù, có thành tích học tập tốt như vậy nhưng Minh Thu vẫn dành thời gian cho những hoạt động ngoại khóa. “Mình muốn tham gia vào một nhóm A Cappella (“hát chay” không nhạc đệm, thường trong nhà thờ), hoặc chơi piano cho một ban nhạc nào đó. Mình cũng dự định tham gia công tác phục vụ cộng đồng. Trường Brown nổi tiếng về các hoạt động do sinh viên làm chủ, và mình dứt khoát phải có một chân trong đó.”

 

Chia sẻ bí quyết học tập ở nước ngoài, MinhThu cho biết: “Có một bí quyết có thể các bạn không ngờ: đừng cố nhiều hơn mình có thể xử lý được. Mặc dù trông như học rất nhiều, nhưng thực ra mình chọn những môn nhẹ hơn so với nhiều bạn cùng lớp, chủ yếu vì muốn thực sự phải đạt đến mức tốt nhất trong khả năng của mình và dành tối đa thời gian và sức lực cho từng môn học. Không thể đẩy đến tới hạn cho từng môn nếu bạn ôm đồm quá!”.

 

Minh Thu cũng cho hay, hiện tại, cô chưa có kế hoạch sau đại học rõ ràng. Nhưng cô rất muốn được tham gia hỗ trợ cho các bạn ở Việt Nam muốn du học cần đến sự giúp đỡ của mình.

 

Theo Thu, “giáo dục là cực kỳ, cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề hiện nay trên thế giới.”

 

Nguồn: Vietnamnet

Share.

Leave A Reply