SSDH – Có rất nhiều điều sẽ khiến bạn cảm thấy mới mẻ khi đi du học Hà Lan: thời tiết, phong cách sống, giao thông, ẩm thực, thời trang hay tôn giáo chẳng hạn. Phương pháp học tập ở đây có lẽ cũng sẽ khá đặc biệt và lạ lẫm với bạn.
Cô giáo môn Expression của tôi từng nói “Khoảng thời gian ở trường Đại học là khi sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp cận với thế giới sách nhất”. Cho nên, dù tính chất và mức độ “gắn bó” với sách có khác biệt qua từng quốc gia, nhưng nhìn chung sinh viên châu Âu rất quen thuộc với hình thức tự học qua việc đọc sách ngoài giờ lên lớp.
Mỗi một môn học, đọc một quyển sách
Đến Hà Lan sau hai năm học tại Pháp, tôi cũng có đôi chút bất ngờ với thói quen đọc sách của sinh viên nước này. Ở Pháp, vào tiết học đầu tiên bao giờ thầy cô cũng giới thiệu những đầu sách có liên quan để tham khảo, nhưng vì không mang tính bắt buộc nên phong trào đọc sách không thực sự phổ biến. Một phần cũng vì ở Pháp, các thầy cô có thói quen phát tài liệu cho sinh viên ngay tại lớp để cùng thảo luận, bài kiểm tra cũng thường được ra ở dạng câu hỏi mở, nên sinh viên không nhất thiết phải đọc cả quyển sách mới làm bài được.
Còn tại Hà Lan, đọc sách trở thành một yêu cầu mang tính bắt buộc trong thời gian học tập tại đây. Hầu như môn học nào cũng có một đầu sách mà giáo viên khuyến khích mua và đọc kĩ nội dung từ A đến Z. Với việc mỗi học kì được chia làm hai khóa (6 tuần/khóa) tương ứng với sáu bài diễn thuyết ở lớp, thầy cô không thể chuyển tải hết nội dung trong vỏn vẹn 1h30 phút lên lớp mỗi tuần, vì thế sinh viên buộc phải đọc sách để nắm được nội dung bài học và chuẩn bị đủ kiến thức cho kì thi. Thầy Peter dạy môn “Introduction to Communication” nhắn gởi sinh viên của mình trước kì thi cuối khóa: “Để làm tốt bài thi, các em phải xem lại power point bài giảng, đọc ghi chú trong mình và nhất là tham khảo sách. Nếu bọn em lười đọc sách thì… chúc may mắn vậy!” Quả thật, để làm tốt bài tập viết luận và phần thi trắc nghiệm cuối khóa của thầy Peter, nếu chỉ đoán mò, viết và “tick” theo cảm tính, bạn chắc chắn sẽ bị đánh trượt không thương tiếc.
Đọc sách với sinh viên Hà Lan là một trong những công việc điển hình của hình thức tự học (self-study). Thầy giáo môn “Organistional Behaviour” chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở lớp vào tiết học đầu tiên để đưa yêu cầu của môn học này. Yêu cầu của thầy B.C. van der Sluijs là sinh viên phải trả lời toàn bộ những câu hỏi cuối các chương mục trong sách. Nếu không có sách, bạn sẽ không thể biết câu hỏi để trả lời. Hay Penpisut, sinh viên trường Université Complutense de Madrid, kể, chuyện phải nghiên cứu 2,3 quyển sách cho một bài luận thuộc chuyên ngành “Quan hệ quốc tế” mà cô đang theo học, là chuyện hết sức bình thường.
Hay nhất là, tất cả các đầu sách được giới thiệu trong chương trình học ở các trường Đại học tại châu Âu đều là những đầu sách uy tín của các NXB lớn hoặc của các trường Đại học danh tiếng, chẳng hạn Oxford University Press. Biết tôi phải đọc quyển “But is it Art” của tác giả Cynthia Freeland cho môn “Art&Globalization”, họa sĩ Jean Cabane nhận xét đó là một quyển sách quan trọng, bởi “chỉ cần đọc quyển sách đó, sẽ thông hiểu về thế giới nghệ thuật”. Một khi hiểu được giá trị kiến thức mà sách mang lại, nhất là khi nó ảnh hưởng trực tiếp với kết quả học tập, sinh viên châu Âu không thể nói không với việc đầu tư thời gian và tài chính cho sách. Mới đặt chân tới The Hague chưa đầy tuần, Phương Vi, sinh viên ngành Luật Châu Âu và Chính sách (The Hague University of Applied Sciences) đã truy lùng các hiệu sách chuyên ngành trong thành phố để tìm mua quyển Luật Châu Âu. Vi cho biết, bởi vì nội dung ngành học xoáy vào trọng tâm trong sách nên không thể không mua quyển sách này được, mặc dù giá của nó lên tới 50 Euro.
1001 cách tiếp cận sách
Sách ở châu Âu cực kỳ đắt đỏ, một quyển sách mới có giá bằng cả nửa tháng tiền ăn, nên chỉ những quyển sách thực sự có giá trị sử dụng lâu dài (sách gắn liền với chuyên ngành đang theo học) mới được sinh viên đầu tư mua mới. Nếu không, họ có hàng tá những cách khác để tiếp cận với sách.
Vì ở thư viện thường chỉ có 1,2 đầu sách, thời hạn mượn sách lại kéo dài trong 2,3 tuần, nên bạn sẽ không có nhiều cơ hội mượn được sách nếu không nhanh chân. Quốc Định, đã lanh trí mượn trước quyển “But is it Art” một tuần trước khi khóa học bắt đầu, khi những sinh viên khác còn chưa được thầy thông báo về đầu sách cần mua, chính vì thế mà anh bạn không phải mất tiền mua quyển này.
Nếu không, sinh viên châu Âu còn có thói quen lập thành nhóm 2,3 người rồi mua chung sách để đảm bảo vẫn được đọc sách mà không phải trả quá nhiều tiền. Những trang web bán hàng second-hand như www.usedbooksearch.co.uk, www.oxfam.org.uk, www.amazon.com… là trang web thường xuyên được sinh viên châu Âu ghé thăm vào mỗi đầu khóa học. Chưa kể, một số trường học có hệ thống thư viện online giúp sinh viên đọc được các đầu sách trên máy tính.
Ngoài ra, họ cũng có thói quen lùng sục các quầy giảm giá, thông thường trong hiệu sách nào cũng có một quầy chuyên sách giảm giá hoặc sách bị lỗi. Ở một số hiệu sách cho sinh viên ở khu vực gần trường cũng thường có các kệ sách chuyên mua và bán lại những đầu sách second-hand của sinh viên khóa trước.
Cuối cùng, tham gia các ngày hội trao đổi đồ cũ, tìm kiếm “đồng minh” trên các trang Facebook của hội sinh viên để đăng tin tìm mua sách, hỏi mượn bạn bè… cũng là những cách mà sinh viên Âu châu sử dụng để có được sách.
Đông Đức (SSDH) – Theo Sime