Sẵn sàng du học – "Ruột ơi là ruột" của tác giả Giulia Enders là cuốn sách khoa học thường thức mời gọi độc giả khám phá một trong những cơ quan phức tạp nhất trong cơ thể.
Qua cuộc hành trình của miếng bánh đi từ miệng, thực quản, dạ dày xuống ruột non, ruột già rồi dừng chân ở một luống rau nào đó, cùng những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh và ví dụ gần gũi, Ruột ơi là ruột cung cấp những thông tin hữu ích về quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, tầm quan trọng của vi khuẩn tốt với trẻ sơ sinh…
Con người biết gì về ruột?
Chúng ta biết gì về ruột – cơ quan tiêu hoá và nơi chuyển hoá năng lượng vật chất từ tự nhiên và nhân gian giúp nuôi sống chúng ta? Có vẻ như ngoài tiếng kêu lục bục từ bụng và những cơn đau do viêm hay co thắt, hay câu chuyện đại tiểu tiện hàng ngày chúng ta vẫn ngại nhắc đến, thì hầu như ruột với chúng ta là một thế giới khá mờ mịt và “u tối”.
Ruột ơi là ruột – cuốn sách của Giulia Enders – cho thấy bức tranh tổng thể về ống tiêu hoá của chúng ta. Theo tác giả, đó là một trong ba ống cơ bản tạo thành chỉnh thể con người: ống thứ nhất là hệ tim mạch, ống thứ hai là hệ thần kinh tỏa và ống thứ ba – ống ruột, tạo nên nhiều nội tạng trong cơ thể chúng ta, và kiệt tác cuối cùng của nó chính là đường ruột mà cuốn sách sẽ nói đến.
Hoặc bạn sẽ thất vọng, hoặc bạn sẽ thích thú. Nếu muốn có một sơ đồ chi tiết như trong sách sinh học thời phổ thông, với những đường kẻ kéo đến một dòng chú thích bên ngoài thì bạn sẽ thất vọng.
Nhưng có thể bạn sẽ phát hiện ra đây là lần đầu tiên bạn thực sự biết ruột nằm ở đâu mà ko cần ngồi lẩm nhẩm, và thực sự thông qua lớp da muốn chạm vào túi dạ dày – kho tạp phế lù chứa hết thảy những gì chúng ta ăn vào sau khi bị tống qua ống thực quản dài ngoằng.
Ở phần này, tác giả cuốn sách tập trung vào những chủ đề thực sự thực dụng theo nghĩa khi biết về chúng, chúng ta có thể ý thức hơn một chút về những gì chúng ta tống vào miệng. Cơn lục bục khó chịu trong ruột có thể là hệ quả của chứng không dung nạp lactose hay đường fructose.
Có thể chúng ta chế tạo ra chiếc bồn cầu như hiện tại thay vì ngồi xổm là để khi đứng lên không bao giờ phải cúi nhìn những thứ vừa tống xuất khỏi cơ thể, dù chúng là một phần của chúng ta.
Cuốn sách cũng nhắc nhở: Xin nhớ rằng nếu bạn phớt lờ đám phân thì chúng sẽ thực sự nổi giận về những điều chúng muốn báo với bạn về sức khỏe của bạn.
Hay đơn giản, chúng chỉ muốn nói: "Hây, chúng tôi là đội quân chiến binh vi khuẩn hùng mạnh, thiện chiến và nhiệt huyết đã chiến đấu đến phút cuối cùng và hy sinh để giúp anh/chị tiêu hoá thức ăn, bảo vệ niêm mạc ruột của anh/chị khỏi sự tấn công của những chất độc do anh chị tống qua miệng vào đây. Vĩnh biệt".
Vậy thì ít ra cũng nói lời tạm biệt và tỏ lòng thương tiếc và biết ơn chúng – đội quân thiện chiến nhất trong ruột chúng ta.
Con người với bản thân mình là gì?
Ruột ơi là ruột cho chúng ta biết, ngay cả khi sự liên hệ giữa não bộ và thần kinh ruột bị gián đoạn, đường tiêu hoá vẫn hoạt động một cách vui vẻ như không có chuyện gì diễn ra. "Đây là đặc tính độc nhất vô nhị của hệ thần kinh ruột mà không một nơi nào trên cơ thể con người có được”.
Chúng ta được làm quen với quan điểm cực kì thú vị về não và ruột. Câu chuyện về chú hải tiêu ăn não của chính mình sau khi tìm được chỗ trú ẩn an toàn dưới biển khiến chúng ta “hơi sốc một tí”.
Còn các nhà khoa học đã bình tĩnh và lạnh lùng đi đến một giả thuyết cho rằng: Lí do duy nhất não tồn tại là tạo ra sự vận động. Sự vận động là bước phát triển phi thường nhất của sinh vật sống – trong đó có con người.
Thế thì, thêm một bước nữa thôi – Giulia dấn tới: Vậy bộ não có phải là thứ duy nhất trong cơ thể chịu trách nhiệm cho toàn bộ trải nghiệm của con người trước cuộc sống? Câu trả lời – nằm ngoài sức tưởng tượng – đến từ ruột của chúng ta. Ruột e dè lên tiếng biện luận cho vai trò của mình.
Thứ nhất, ruột không chỉ sở hữu một số lượng dây thần kinh khổng lồ và đặc biệt so với dây thần kinh ở các nơi khác trong cơ thể. Mạng lưới này được gọi là "não của ruột": nó đa dạng, rộng lớn và phức tạp về mặt hoá học ngang với chất xám trong đầu chúng ta.
Tín hiệu từ ruột có thể đến các vùng sau trên não: Thùy đảo – ý thức về bản thân, Hệ viền – cảm xúc, Vỏ não trước trán – đạo đức, Hạch hạnh nhân – sợ hãi, Hồi hải mã – trí nhớ, Vành đai phía trước – động lực.
Những gì chúng ta ăn thực sự tạo nên con người chúng ta, và những gì con người ở một vùng đất ăn làm nên văn hoá (ẩm thực) của chúng ta – theo nghĩa đen.
Con người cần cảm thấy một chút hổ thẹn khi cứ khoa trương mãi về sự uyên thâm tuyệt vời của triết học, khoa học, sự đẹp đẽ vô song của nghệ thuật và sự cao cả của trí tuệ đến từ tòa lâu đài lộng lẫy của bộ não; và về những xúc cảm sâu sắc, tinh tế mà chúng ta tưởng là đến từ trái tim thổn thức, hay cái mà chúng ta gọi là bản ngã.
Tin tức thú vị nhưng khó chấp nhận mà cuốn sách cho biết: bản ngã không chỉ đến từ chất xám mà còn đến từ ruột của chúng ta – từ những gì chúng ta ăn vào, từ phần năng lượng mà ruột chúng ta có thể lấy được và ngay cả việc chúng ta thải bã của chúng ra ngoài như thế nào.
Con người với tự nhiên là gì?
Ở phần gần gũi với tự nhiên nhất, Ruột ơi là ruột cho biết chúng ta đánh bạn với vi khuẩn – vi khuẩn là bạn và vi khuẩn cũng là kẻ thù của chúng ta. Hay theo ngôn ngữ của ruột thì chúng ta và vi khuẩn là một hệ.
Để đến với những vấn đề thực dụng mà bạn quan tâm: vi khuẩn và chuyện chúng ta béo thì có can hệ gì, vi khuẩn tác động đến cơ chế stress của chúng ta ra sao…, xin mời bạn đi tiếp con đường này (tác giả Giulia đã làm biển chỉ lối cho bạn). Cả một thế giới vi khuẩn mênh mông đang háo hức chờ đón bạn.
Ruột ơi là ruột chúc bạn có một cuộc phiêu lưu vui vẻ trong thế giới của ống tiêu hóa – một trong những khởi thủy của xác thân này.
Với một cuốn sách về khoa học, Giulia Enders đã dùng một giọng văn thực sự thú vị, hài hước và dễ hấp thu. Những tri thức về ruột dưới ngòi bút của tác giả chính xác là một cuộc phiêu lưu trong vương quốc của ống ruột.
Tất nhiên, nữ tiến sĩ trẻ – tác giả Giulia Enders – không tham vọng mang toàn bộ tri thức về ruột để chúng ta nhồi nhét trong chút thời gian bận rộn của mình. Cuốn sách đơn giản là dành cho ruột một cơ hội nói lên vai trò của nó trong cơ thể chúng ta, chí ít thì cũng là trước não và tim.
Giulia Enders khi còn là một thiếu nữ từng mắc một chứng viêm da không rõ nguồn cơn, cô đã đến lớp trong tình trạng những bọc mụn nước nổi khắp người, phải nai nịt kín mít… và không tìm ra thuốc chữa triệt để. Tự đi tìm câu trả lời cho mình, cô đã đến với y học và với thế giới của ruột.
Với những con người chỉ biết khoa học còn chưa đạt mức thường thức, thì một cuốn sách như vậy chỉ đem lại chút xíu vui vẻ, vài mẹo vặt cỏn con áp dụng cho giảm cân, vài bí kíp nuôi “thú cưng” vi khuẩn tốt… thì không giải quyết gì hơn.
Nhưng ở khía cạnh khác, với nhiều người khác, có nhiều điều để nghĩ về hơn là một bộ ruột.
Cá Domino (SSDh) – Theo news.zing.vn