SSDH- Bước ra khỏi trường với tấm bằng giỏi trên tay ngay lập tức đã có thể nâng cao khả năng xin việc của bạn, nhưng đây không phải là điều duy nhất bạn có thể làm để trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Trường đại học thường cung cấp nhiều dịch vụ giúp nâng cao khả năng xin việc của sinh viên, chẳng hạn như hội thảo nghề nghiệp, tư vấn và cơ hội thực tập. Dưới đây là 5 loại dịch vụ do trường đại học cung cấp giúp cho sinh viên trở nên thu hút hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
1. Trung tâm nghề nghiệp của trường
Cho dù bạn đang tìm cách cải thiện CV, viết thư xin việc hay chỉ đơn giản là tìm hiểu thêm về các lựa chọn nghề nghiệp dành cho mình, việc đến thăm trung tâm nghề nghiệp của trường đại học sẽ giúp bạn tìm thấy những thông tin cần thiết.
Nhiều trung tâm nghề nghiệp của trường còn đào tạo nghề nghiệp trực tiếp, bạn có thể đặt lịch hẹn và nhận lời khuyên nghề nghiệp phù hợp từ các chuyên gia.
Tại University of Reading, sinh viên có thể được hỗ trợ nghề nghiệp trong tối đa hai năm sau khi tốt nghiệp. Sự hỗ trợ này giúp sinh viên duy trì sức khỏe trong khi tìm việc, cho phép họ tham dự hội thảo trực tuyến và có tối đa bốn buổi đào tạo nghề sau khi rời trường đại học.
Bên cạnh dịch vụ nghề nghiệp được cá nhân hóa của họ, University of Reading còn chỉ định cho mỗi sinh viên một nhà tư vấn nghề nghiệp, người sẽ giúp nâng cao kỹ năng làm việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành sinh viên đó đang theo học.
2. Chương trình tư vấn
Trong một thị trường cạnh tranh sau đại học, trò chuyện với một người từng trải có thể là một nguồn an ủi tuyệt vời. Bằng cách tham gia vào chương trình tư vấn, bạn có thể xin lời khuyên về nghề nghiệp từ một chuyên gia trong ngành bạn chọn, người biết chính xác những gì bạn đang trải qua và có thể hỗ trợ bạn trong quá trình ra quyết định và nộp đơn xin việc.
Chương trình tư vấn nghề nghiệp THRIVE của University of Reading dành cho sinh viên ở tất cả các ngành. Sinh viên được hợp tác với các cựu sinh viên, những chuyên gia thành đạt và dày dạn kinh nghiệm, đồng thời làm việc chặt chẽ với sinh viên chưa tốt nghiệp để chuẩn bị cho họ bắt đầu sự nghiệp.
“Những cựu sinh viên này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của mình và có thể cạnh tranh thành công cho các vị trí công việc,” theo Fiona Corby, nhà tư vấn nghề nghiệp tại University of Reading. Nhiều cố vấn của trường hiện đang làm việc ở khắp các châu lục.
[Tham khảo: Sinh viên tốt nghiệp nên tiếp tục học cao học hay xin việc làm?]
3. Chương trình thực tập
Ngoài việc củng cố CV, một kỳ thực tập có thể giúp bạn phát triển một loạt các kỹ năng mềm đa dạng để giúp bạn thành công trong sự nghiệp tương lai.
Thời gian thực tập thường kéo dài khoảng 1-3 tháng và là một cách tuyệt vời để thử làm việc trong các vai trò và ngành nghề mà bạn quan tâm. Kể từ đại dịch COVID-19, nhiều công ty hiện đang cung cấp các chương trình thực tập ảo, đảm bảo an toàn cho sinh viên trong quá trình tích lũy kinh nghiệm làm việc.
Chương trình Thực tập Reading là sự hợp tác giữa University of Reading và các doanh nghiệp mới thành lập trong khu vực và các tổ chức phi lợi nhuận. Sinh viên có thể lựa chọn hoàn thành chương trình thực tập chuyên nghiệp kéo dài từ 4 đến 6 tuần có trả lương tại các doanh nghiệp địa phương này trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Corby cho biết: “Chương trình Thực tập Reading của trường mang đến cho tôi cơ hội trải nghiệm làm việc cho một tổ chức mới thành lập hoặc phi lợi nhuận. Sinh viên cũng có thể kiếm thêm thu nhập và nâng cao kỹ năng cũng như hiểu biết về văn hóa bằng cách làm việc part-time trong khuôn viên trường hoặc trung tâm thị trấn”.
“Chúng tôi đã cung cấp cho sinh viên cơ hội trải nghiệm công việc ảo để bù đắp cho trải nghiệm làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng do COVID-19. Điều này có nghĩa là sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm ở bất cứ đâu,” theo Corby.
[Tham khảo: Du học Đức và câu chuyện việc làm trước và sau tốt nghiệp]
4. Bằng chứng nhận kỹ năng
Bằng chứng nhận kỹ năng đang trở nên ngày càng phổ biến đối với những sinh viên muốn thể hiện khả năng của mình trước nhà tuyển dụng.
Các khóa học LinkedIn Learning cung cấp cho sinh viên nhiều lựa chọn để nâng cao kiến thức chuyên môn về một số kỹ năng nhất định và trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, nhiều trường đại học đã cung cấp cổng trực tuyến để giúp sinh viên nâng cao kiến thức và khả năng xin việc bằng cách dạy họ về một số chủ đề nhất định.
University of Reading lại cung cấp cho sinh viên một vài cơ hội khác biệt. Chương trình Reading Employability Award (RED) giúp sinh viên tận dụng tối đa các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm được cung cấp. Chương trình yêu cầu người tham gia phải hoàn thành 35 giờ tích lũy kinh nghiệm làm việc (có thể bao gồm công việc bán thời gian, thực tập hoặc tình nguyện), cũng như 5 giờ hội thảo nhằm đào tạo và phát triển kỹ năng của sinh viên.
[Tham khảo: Top 10 công việc làm thêm bán thời gian tại trường dành cho du học sinh Mỹ]
Corby cho biết: “Chương trình RED tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm liên quan và phát triển bộ kỹ năng mà các nhà tuyển dụng hàng đầu đang tìm kiếm trên toàn thế giới”.
Đối với sinh viên đang hướng đến sự nghiệp nghiên cứu, Undergraduate Research Opportunity Programme (UROP) là một chương trình vô cùng giá trị trong việc cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm làm việc.
5. Hội chợ việc làm
Hầu hết các trường đại học đều tổ chức hội chợ việc làm trong năm học và mời các nhà tuyển dụng đến trò chuyện và giới thiệu các cơ hội làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên.
Tại các hội chợ này, sinh viên có thể tìm hiểu thêm về các lựa chọn nghề nghiệp dành cho mình và đặt bất kỳ câu hỏi cụ thể nếu có. Bằng cách thu thập thông tin về các công ty và ngành công nghiệp hiện có, sinh viên có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc xin việc của mình, tăng cơ hội việc làm.
Corby cho biết: “Thông qua các hội chợ và hội thảo trên web của trường, sinh viên có thể tìm hiểu về nhiều cơ hội nghề nghiệp và đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Ngoài ra, University of Reading cũng chạy các chương trình về cách kết nối sinh viên với các cơ hội để phát triển kỹ năng trong một môi trường an toàn. Sinh viên sẽ được tiếp cận với các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới.”
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)