SSDH- Nổi tiếng với những phát minh tân tiến trong lĩnh vực tự động hóa và kỹ thuật, đồng thời là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở châu Âu, Đức chính là một điểm đến du học lý tưởng dành cho sinh viên quốc tế. Bài viết nãy sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các yêu cầu đối với sinh viên trong và ngoài EU để làm việc tại Đức trước hoặc sau khi tốt nghiệp.
1. Vừa học vừa làm tại Đức
Nếu bạn muốn tìm một công việc part-time để kiếm thêm thu nhập trong khi đang học tại Đức, bạn sẽ cần lưu ý một số điều kiện khác nhau tùy thuộc vào quốc gia của bạn:
Sinh viên tới từ các quốc gia EU và Khu vực kinh tế Châu Âu (EU/EEA)
Sinh viên EU/EEA (cũng như sinh viên đến từ Iceland, Lichtenstein, Na Uy hoặc Thụy Sĩ) có quyền lợi tương tự như sinh viên Đức và được tự do tiếp cận thị trường việc làm Đức. Bạn có thể làm việc tới 20 giờ mỗi tuần trong khi học. Nếu bạn vượt quá mức này, bạn sẽ phải trả tiền cho hệ thống an sinh xã hội của Đức và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của bạn.
Sinh viên ngoài EU/EEA
Sinh viên đến từ các quốc gia ngoài EU/EEA cũng có thể làm việc tại Đức trong thời gian học, trong 120 ngày hoặc 240 ngày rưỡi mỗi năm. Nếu bạn nhận công việc trợ lý sinh viên hoặc trợ lý nghiên cứu tại trường đại học của mình, điều này thường không được tính vào giới hạn của bạn. Bạn phải thông báo cho Văn phòng Đăng ký Người nước ngoài nếu bạn đảm nhận loại công việc này.
Nếu bạn thực tập trong thời gian nghỉ giữa các học kỳ, đây được coi là công việc bình thường, ngay cả khi nó không được trả lương. Điều này có nghĩa là mỗi ngày thực tập của bạn sẽ bị trừ vào quỹ thời gian 120 ngày của bạn. Tuy nhiên, các kỳ thực tập bắt buộc trong khóa học của bạn không được tính vào giới hạn này. Ngoài ra, sinh viên ngoài EU không được phép làm việc tự do.
[Tham khảo: Hướng dẫn đăng ký du học Đức]
Sinh viên ở Đức có thể kiếm được tới €450 (~US$491) mỗi tháng chưa kể thuế. Nếu bạn kiếm được nhiều hơn mức này, bạn sẽ nhận được mã số thuế thu nhập và được khấu trừ thuế tự động từ tiền lương của bạn. Một số chủ lao động có thể khấu trừ thuế thu nhập mặc dù thu nhập thấp, nhưng bạn có thể đòi lại khoản này sau khi nộp bản kê khai thuế thu nhập.
Trong quá trình tìm việc làm, sẽ rất hữu ích nếu bạn có kiến thức tốt về tiếng Đức và/hoặc đã hoàn thành khóa thực tập trong quá trình học. Nếu bạn đang học một ngôn ngữ hoặc một khóa học dự bị (Studienkolleg), các yêu cầu sẽ nghiêm ngặt hơn. Bạn chỉ có thể làm việc trong thời gian không có tiết học và chỉ khi có sự đồng ý của Cơ quan Việc làm Liên bang và cơ quan có thẩm quyền của người nước ngoài.
2. Làm việc tại Đức sau tốt nghiệp
Nếu bạn muốn ở lại Đức để làm việc sau khi tốt nghiệp, bạn nên bắt đầu lên kế hoạch cho việc này khi còn là sinh viên. Việc thông thạo tiếng Đức để tìm việc ở đây sẽ rất có lợi, vì số lượng công việc dành cho bạn sẽ rất hạn chế nếu không có nó.
Sinh viên EU/EEA
Công dân EU có quyền tìm kiếm việc làm tại Đức mà không cần đến giấy phép lao động. Bạn sẽ được đối xử như một người dân Đức trong việc tiếp cận thị trường việc làm, điều kiện làm việc hoặc lợi ích về thuế và xã hội.
[Tham khảo: Thông tin về visa làm việc sau tốt nghiệp tại UK, Mỹ, Canada, Úc, Đức và New Zealand]
Sinh viên ngoài EU/EEA
Sinh viên đến từ các quốc gia ngoài EU muốn làm việc tại Đức sau khi tốt nghiệp có thể gia hạn giấy phép cư trú lên đến 18 tháng để tìm việc làm liên quan đến ngành học của mình. Để xin giấy phép cư trú mở rộng, bạn sẽ cần:
- Hộ chiếu
- Bằng tốt nghiệp
- Bảo hiểm sức khỏe
- Giấy chứng nhận bạn có đủ năng lực tài chính
18 tháng bắt đầu ngay sau khi bạn nhận được kết quả thi cuối kỳ, vì vậy bạn nên bắt đầu tìm kiếm việc làm trong học kỳ cuối cùng của mình. Trong 18 tháng này, bạn có thể làm việc bao nhiêu tùy thích và nhận bất kỳ loại công việc nào.
Ngay sau khi bạn tìm thấy một vị trí công việc mà bạn muốn nhận, bạn nên nộp đơn xin giấy phép cư trú của Đức hoặc Thẻ xanh EU (tương tự như Thẻ xanh Hoa Kỳ). Bạn có thể ở lại Đức trong khi đơn đăng ký của bạn đang chờ xử lý.
Thẻ xanh EU có thể thích hợp hơn nếu bạn định sống và làm việc ở một quốc gia EU khác. Bạn có thể hỏi văn phòng đăng ký cư trú nước ngoài để được tư vấn về loại giấy phép để xin và những tài liệu cần thiết. Nếu bạn quyết định đăng ký Thẻ xanh, bạn phải tìm được một công việc trả lương ít nhất €53.000 (~US$57.844) một năm, hoặc ít nhất €41.808 (~US$45.629) một năm đối với các công việc như nhà toán học, kỹ sư, nhà khoa học tự nhiên , kỹ thuật viên hoặc bác sĩ.
Nếu bạn muốn ở lại Đức và trở thành thường trú nhân, bạn có thể nộp đơn xin giấy phép định cư sớm nhất là 2 năm sau khi nhận được giấy phép cư trú vĩnh viễn hoặc Thẻ xanh EU.
[Tham khảo: Những điều cần biết khi dự bị đại học tại Đức]
3. Tìm kiếm việc làm tại Đức sau khi về nước
Nếu bạn đã trở về quê hương của mình nhưng muốn quay lại Đức để tìm việc làm, bạn có thể nộp đơn xin Jobseeker Visa. Đây là loại thị thực 6 tháng cho phép bạn tìm kiếm một công việc liên quan đến bằng cấp của bạn. Bạn phải cung cấp bằng chứng xác nhận khả năng tự hỗ trợ bản thân trong khi tìm kiếm việc làm, điều này đặc biệt quan trọng vì bạn không được phép làm việc với thị thực này. Khi bạn tìm thấy một vị trí phù hợp, bạn có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú phù hợp. Bạn nên nộp đơn xin thị thực này từ đại sứ quán Đức gần nhất ở nước bạn.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)