Đi College Fair ở Mỹ thì hỏi gì?

0

SSDH – Đi College Fair ở Mỹ thì hỏi gì? Bạn đã biết chưa. Nếu có chuẩn bi đi một fair nào đó, hãy đọc bài viết dưới đây nhé.

Đ𝐢 𝐂𝐨𝐥𝐥𝐞𝐠𝐞 𝐅𝐚𝐢𝐫 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐡𝐨̉𝐢 𝐠𝐢̀?

Hơn 2 tháng trước, Khương đến tham gia một “college fair,” một hội chợ giới thiệu đại học, ở một trường cấp ba gần nhà để giới thiệu 𝐖𝐚𝐛𝐚𝐬𝐡 𝐂𝐨𝐥𝐥𝐞𝐠𝐞, đại học cũ của Khương. Nhiều bạn, kể cả bạn trong hình (hiii), vẫn còn khá ngây ngô về khái niệm học đại học và nhiều lúc không biết hỏi gì, nói gì. Có lẽ các bạn còn nhỏ, mới 16 và 17 tuổi, nên chưa biết nhiều về môi trường đại học và không biết mình không biết gì (“they don’t know what they don’t know”). Một lý do nữa có lẽ là nhiều bạn không chuẩn bị, không nghiên cứu trước gì hết, chỉ đến để đi vòng vòng cho vui vì tò mò thôi.

Thực ra thì các bạn muốn tham dự college fair cho vui thôi cũng được, vì từ giờ đến tháng 11, các đại học sẽ tổ chức hàng chục sự kiện khác nhau để tương tác với học sinh. Nhưng đến một thời điểm nào đó, những bạn nghiêm túc về việc học đại học sẽ cần phải nghiêm túc trong mảng tìm hiểu trường.

Hè này, nhiều đại học Mỹ sẽ cử thành viên ban tuyển sinh đến college fair ở Sài Gòn, Hà Nội, và có thể cả Đà Nẵng, để chào mời học sinh Việt Nam. Một số trường cũng sẽ dùng sinh viên hiện tại, hoặc cựu sinh viên, của họ đang ở Việt Nam để tham dự college fair. Ngoài ra, cách tiện nhất và dễ nhất để tương tác với thật nhiều đại học Mỹ là tham gia “virtual college fair.” Nó không thân mật như offline college fair, nhưng sẽ phù hợp hơn với các bạn sống ngoài các thành phố lớn. Độc giả có thể tham khảo thông tin về virtual college fair tại đây (https://www.nacacfairs.org/virtual/).
Dù tham gia offline fair hay virtual fair, đây là một số câu hỏi mà các bạn học sinh và phụ huynh có thể suy ngẫm để tìm hiểu kĩ các lựa chọn của mình:

𝐂𝐚̂𝐮 𝐡𝐨̉𝐢 𝐯𝐞̂̀ 𝐦𝐨̂𝐢 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐡𝐨̣𝐜 𝐭𝐡𝐮𝐚̣̂𝐭

1. Em muốn học ngành X; trường của anh chị tạo những cơ hội ngoại khóa như thế nào cho sinh viên ngành này?
(Cơ hội ngoại khóa như networking trip, excursion, study abroad, research, competition, conference là những thứ giúp sinh viên tạo mối quan hệ để tìm thực tập và công việc sau này, hơn là chỉ đơn giản vô giảng đường ngồi học)

2. Trường của anh chị hỗ trợ sinh viên, đặc biệt sinh viên quốc tế, tìm thực tập hè như thế nào?
(Thực tập hè là yếu tố tiên quyết khi tìm việc ở Mỹ; đọc bài ở đây để rõ hơn: https://bit.ly/3QBPTA2)

3.  Giáo sư ở trường anh chị có dễ tiếp cận không? Ví dụ, mỗi học kì anh chị trao đổi riêng với giáo sư trung bình bao nhiêu lần? Anh chị có được giáo sư mời đi ăn thường xuyên không?
(Lập một mối quan hệ vững với giáo sư là yếu tố quan trọng đối với những bạn muốn học lên thạc sĩ và tiến sĩ sau này, vì thư giới thiệu khi nộp đơn vào bậc cao học được đánh giá cao nhiều hơn bậc đại học. Đó là lý do Khương giành được học bổng toàn phần vào 𝐍𝐨𝐭𝐫𝐞 𝐃𝐚𝐦𝐞, nhờ thư giới thiệu xuất sắc. Ngoài ra, giáo sư cũng có thể là người định hướng nghề nghiệp và giới thiệu các cơ hội thú vị khác)

𝐂𝐚̂𝐮 𝐡𝐨̉𝐢 𝐯𝐞̂̀ 𝐭𝐢𝐞̂̀𝐧

1. Trường của anh chị có chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính như thế nào cho sinh viên quốc tế?
(Lưu ý rằng học bổng và hỗ trợ tài chính là hai khái niệm khác nhau. Gần như trường nào cũng có học bổng, nhưng tương đối ít có hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế)

2. Trường của anh chị có buộc sinh viên quốc tế phải đóng được một mức tiền tối thiểu không?
(Ví dụ, Lake Forest College chỉ cân nhắc sinh viên quốc tế có thể đóng ít nhất 35.000 USD / năm, Union College 7.500 USD / năm; những trường như Harvard và MIT không có yêu cầu tối thiểu này. Biết được thông tin này sẽ giúp bạn thu gọn danh sách trường dễ dàng hơn)

3. Trường của anh chị có học bổng toàn phần hoặc toàn học phí mà sinh viên quốc tế có thể ứng cử vào không?
(Câu này dành cho những cá nhân vượt trội với nhu cầu tài chính cao; năm ngoái Khương có công bố danh sách những học bổng như thế này ở đây và sẽ cập nhật lại vào tháng 9 năm nay: https://bit.ly/3OhTGAT)

𝐂𝐚̂𝐮 𝐡𝐨̉𝐢 𝐯𝐞̂̀ 𝐦𝐨̂𝐢 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐬𝐨̂́𝐧𝐠

1. Sinh viên quốc tế được phép làm việc gì trên trường? Có công việc nào liên quan đến ngành học X không?
(Ví dụ học comp sci thì có thể có công việc trong IT Department; học math thì có thể làm quantitative tutor; học HR thì có thể làm trong Career Service. Công việc trên trường càng liên quan đến ngành học càng tốt vì nó củng cố resume tìm thực tập, tìm việc sau này)

2.  Trường của anh chị có đủ ký túc xá cho sinh viên năm nhất không?
(Rất nhiều trường, đặc biệt các trường nằm ở thành phố lớn, chật vật trong việc sắp xếp chỗ ở cho sinh viên vì không có đủ phòng)

3. Sinh viên của trường anh chị thường là những người như thế nào?
(Mỗi trường thường có stereotype về sinh viên của họ. Ví dụ như University of Southern California được biết đến như trường của con nhà giàu với sinh viên đến từ gia đình của những người nổi tiếng trong làng giải trí; Georgetown University đào tạo sinh viên hàng đầu trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quan hệ quốc tế)
Còn nhiều câu hỏi khác các bạn có thể tự nghiên cứu. Nhưng hỏi gì thì cũng đừng quên cho đại diện trường thông tin của mình, để ban tuyển sinh biết mình đã từng tương tác với họ.

SSDH ( tác giả : Khuong Nguyen)

Share.

Leave A Reply