Điều kiện du học Đức hệ Bachelor và Master

0

SSDH – Bạn đang tìm hiểu về Điều kiện du học Đức hệ Bachelor và Master đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.

Xin chào các bạn,
Mình là du học sinh Đức, đã tốt nghiệp cử nhân và đang đi làm. Hiện nay ở Đức đa số các chương trình công vẫn miễn học phí nhưng nhiều bạn hay hỏi mình là điều kiện đầu vào có khó không? Mình học bằng tiếng Đức và cũng đã đọc khá nhiều quy chế xét tuyển của các đại học Đức, cả bậc cử nhân và thạc sĩ. Bởi vì các quy chế này thường chỉ có trong tiếng Đức dẫn đến việc nắm bắt thông tin có phần khó khăn nên mình mong muốn chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn trong post này.

Quy chế xét tuyển của đại học Đức thường chia thành 2 hướng: NC và non-NC.

NC hiểu nôm na là giới hạn giấy mời nhập học. Nói một cách đơn giản là những chương trình không có NC thì chỉ cần đạt điều kiện cần là có thể bảo đảm được việc nhận được giấy mời nhập học. Những chương trình có NC thì ngoài điều kiện cần vì trường sẽ xét từ trên cao xuống thấp nên bạn phải đạt điều kiện đủ nữa.

Vậy điều kiện du học Đức hai bậc học này cần là gì?

1) BẬC CỬ NHÂN

Đối với bậc cử nhân thì có 2 điều kiện cơ bản:
  1. Chứng minh về trình độ đầu vào đại học bậc cử nhân (Hochschulzugangsberechtigung – HZB)
  2. Chứng minh về trình độ ngôn ngữ (Anh hoặc Đức, tùy theo chương trình học bằng tiếng gì)
Để chứng minh HZB thì có nhiều cách:
  • Thi tốt nghiệp 6 môn được 36 điểm, không môn nào dưới 4 và 4 môn trên 6, tùy vào khối thi (KHTN hoặc KHXH tùy nhóm ngành), có giấy mời nhập học của một đại học VN vào một ngành cùng nhóm ngành của ngành bạn muốn học ở Đức + làm thủ tục thẩm tra APS của Đại sứ quán Đức Hà Nội → đủ để chứng minh về trình độ đầu vào dự bị đại học (bị giới hạn nhóm ngành) → xin giấy mời thi đầu vào dự bị đại học theo khối của nhóm ngành, tất cả các trường dự bị công đều học bằng tiếng Đức nên sẽ yêu cầu trình độ tiếng Đức B1 đến B2 → (sang Đức) thi đầu vào dự bị → đậu thì học dự bị 1 kỳ đến 2 kỳ (tùy vào ngành bạn muốn học thì sẽ học theo 1 khối: W, T, M, G/S) → hoàn thành đầu ra dự bị (kì thi FSP) → HZB (giới hạn nhóm ngành) và chứng minh về trình độ ngôn ngữ Đức
  • Thi tốt nghiệp 6 môn được 36 điểm, không môn nào dưới 4 và 4 môn trên 6, tùy vào khối thi (KHTN hoặc KHXH tùy nhóm ngành) + hoàn thành thêm 4 kỳ ở đại học VN một ngành cùng nhóm ngành của ngành bạn muốn học ở Đức → làm thủ tục thẩm tra APS của Đại sứ quán Đức Hà Nội theo diện 4 kỳ đại học → HZB (giới hạn nhóm ngành)
  • Hoàn thành đại học VN + làm thủ tục thẩm tra giấy tờ APS của Đại sứ quán Đức Hà Nội theo diện sau đại học (sẽ có bao gồm phỏng vấn) → HZB (không giới hạn nhóm ngành)
  • Một số bằng cấp của các nước khác cũng có thể dùng để chứng minh các trình độ đầu vào mà mình liệt kê ở trên. Để kiểm tra thì bạn có thể google [uni-assist check university admission].
  • Một số cách khác như học cao đẳng và chi tiết về các cách trên thì các bạn có thể lên web của DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức) và trang web của Bộ phận kiểm tra học vấn (APS) để kiểm tra lại, mình không tiện đăng link nên các bạn nhớ kiểm tra kỹ là có phải web chính thống không nhé.
Một số ít chương trình có yêu cầu các điều kiện cần khác như:
  • Thực tập ngắn hạn (Vorpraktikum)
  • Điểm sàn dựa trên điểm các loại bằng cấp dùng để chứng minh HZB

2) BẬC THẠC SĨ

Đối với bậc thạc sĩ du học Đức thì cần có 3 điều kiện cơ bản:
  1. Chứng minh về trình độ đầu vào bậc thạc sĩ (Masterzugangsberechtigung – MZB),
  2. Chứng minh về trình độ ngôn ngữ (Anh hoặc Đức tùy vào chương trình học bằng tiếng gì)
  3. Sự tương thích tín chỉ từ chương trình bạn đã học ở bậc cử nhân.
Cách chứng minh MZB:
  • Bằng tốt nghiệp đại học tương đương (hoặc hơn) bằng cử nhân (Bachelor) ở Đức từ một trường đại học được công nhận. Để tra trường nào được công nhận thì chính xác nhất là tra cứu trên anabin kmk (google và bỏ vào google dịch nhé).
  • Nếu bằng tốt nghiệp đại học của bạn từ Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ thì phải làm thêm quy trình thẩm tra APS sau đại học, có gồm cả phỏng vấn về kiến thức đã học ở bậc cử nhân.
Điều kiện thứ 3 là do các chương trình công bậc thạc sĩ ở Đức hầu hết là liên thông từ cử nhân lên (konsekutiver/weiterführender Studiengang). Điều này làm cho việc học master trái ngành ở Đức khá là khó. Ví dụ bạn muốn học thạc sĩ ngành kinh tế thì phải chứng minh số lượng tín chỉ nhất định đã học ở bậc cử nhân về kinh tế như kinh tế vi mô, vĩ mô, toán, xác suất thống kê,… môn nào và phải chứng minh bao nhiêu tín chỉ thì bạn phải xem kỹ trên web trường. Một số trường có chính sách cho học bù một số lượng tín chỉ nhất định nên việc chuyển sang ngành liên quan vẫn khả thi, ví dụ: học bachelor ngành điện tử -> master CNTT, bachelor ngành kỹ thuật → master kỹ thuật lai kinh tế (Wirtschaftsingenieurwesen),…
Đa số các trường sẽ yêu cầu thêm các điều kiện cần sau:
  • Điểm sàn. Theo kinh nghiệm của mình thì những ngành kỹ thuật và KHTN thường sẽ có điểm sàn thấp hơn, mình nghĩ từ 7.0 trở lên là ổn. Các ngành mà cạnh tranh cao hơn theo mình thấy nên từ 7.5.
  • Thực tập tầm 3 tháng trở lên khi học bachelor.

Điều kiện đủ là gì?

Điều kiện đủ quan trọng nhất mà trường dùng để xét từ trên cao xuống thấp là điểm từ các bằng cấp dùng để chứng minh HZB và MZB. Ví dụ nếu bạn muốn học cử nhân và theo đường học dự bị thì là điểm tốt nghiệp 6 môn và điểm tốt nghiệp dự bị. Đối với MZB thì là điểm tốt nghiệp đại học.

Các dạng đại học ở Đức, ranking và chất lượng giảng dạy

Ở Đức có 2 dạng đại học chính là đại học hàn lâm (Uni) và đại học khoa học ứng dụng (FH). Định hướng giảng dạy của Uni thiên về lý thuyết còn ở FH thì thiên về thực tiễn hơn. Nhưng mà học ở cả 2 loại hình thì vẫn sẽ được học lý thuyết lẫn thực hành. Về cơ hội nghề nghiệp thì theo mình việc so sánh khá là khó bởi vì còn chủ yếu còn dựa vào người học nên theo mình bạn nên tìm hiểu kỹ càng về 2 loại hình đại học rồi chọn loại hình để học mà bạn có thể phát triển bản thân nhiều nhất.
Ở Đức các trường công đều được tiêu chuẩn hóa nên chất lượng giảng dạy của các trường có thể nói là đều tốt tương tự nhau. Ranking của một trường cao là do trường mạnh về mặt nghiên cứu.

Khi nào thì một chương trình có NC?

Một số ngành đặc thù như y khoa, dược, tâm lý học, luật thì có NC trên toàn nước Đức. Các ngành khác mà có NC ở một số trường thường nguyên nhân là số lượng người nộp vượt chỉ tiêu của trường khá nhiều (Örtlich-NC). Điều này có nghĩa là không hẳn trường top là sẽ có NC ở mọi ngành. Thông thường các trường top cũng là các Uni lớn tuyển số lượng sinh viên nhiều hơn do có quy mô lớn hơn so với các trường FH nên sẽ có nhiều ngành NC-frei (non-NC). Ngược lại, các FH nằm ở các thành phố lớn thường sẽ lấy điểm đầu vào rất cao vì số lượng thí sinh cao mà chỉ tiêu lại ít.

Mình có cần xin học bổng để học ở Đức không?

Khi mà nói về học bổng thì mình hay làm rõ đây là học bổng sinh hoạt phí vì ở Đức đa số các chương trình công đã được miễn học phí rồi. Chính vì vậy nên theo mình các bạn cũng không cần đặt nặng việc phải có học bổng lắm. Các loại học bổng mà xin trước khi qua Đức rất hiếm, đối với bậc cử nhân thì hơn hiếm hơn. Khi nhập học ở Đức và đã có bảng điểm 1 2 kỳ thì bạn có thể thử apply học bổng cấp trường hoặc học bổng cho học kỳ trao đổi. Ngoài ra thì luật đi làm thêm ở Đức rất tốt và cũng có rất nhiều công việc trợ lý nghiên cứu (HiWi-Job) và việc làm chuyên nghiệp của các công ty cho sinh viên (Werkstudentenjob) nên việc đi làm để cover sinh hoạt phí vẫn khá khả thi.

Điều kiện cần và đủ đều không cần HĐNK và nghiên cứu khoa học, vậy tích lũy những thứ này có lợi ích gì không?

HĐNK, kinh nghiệm đi làm và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học có thể giúp các bạn xây dựng CV đẹp để apply vào các Werkstudentenjob và HiWi-Job mà mình nhắc đến ở trên.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Bài này của mình mang tính chất định hướng để bạn đọc qua có thể hiểu sơ sơ là việc xét tuyển ở Đức thường dựa vào các tiêu chí nào, đương nhiên là cũng sẽ có trường yêu cầu thêm những thứ khác mà mình không liệt kê ở đây. Nên để có chính xác các thông tin nhất thì phải đọc trên web trường nha các bạn, nếu không thì bạn cũng có thể gửi mail để nhờ họ giải thích
SSDH Team
Share.

Leave A Reply