Sẵn sàng du học – Đại học Pomona – top 6 trường Liberal Art College (giáo dục khai phóng) của Mỹ – vừa có thư chấp thuận tuyển sinh sớm với Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001). Em cũng nhận được gói hỗ trợ tài chính 71.900 USD/năm từ ngôi trường này.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cho biết, Đại học Ponoma (Mỹ) có hai đợt tuyển sinh trong năm. Trong đó, đợt tuyển sinh sớm rơi vào tháng 12/2018 và tuyển sinh thường vào tháng 3/2019. Đỗ Nhật Nam được nhập học sớm vào trường trước 3 tháng, khiến gia đình rất hạnh phúc.
Được biết, đây là ngôi trường hơn 130 tuổi, ở tiểu bang California. Cùng với Stanford University, California Institute of Technology…, trường được đánh giá là đại học tư thục phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới.
Theo US News, ở Pomona, cứ 8 người học sẽ có một giảng viên. Điều này sẽ tạo thuận lợi không nhỏ cho Nhật Nam sau khi theo học.
Mẹ Nhật Nam cho biết, khoảng 8h20 phút sáng 15/12, con gửi hình ảnh thư chúc mừng của Trường ĐH Ponoma, chấp nhận tuyển sinh sớm với Đỗ Nhật Nam. “Chúc mừng Nam! Chúng tôi đã nhận được hồ sơ của bạn và câu trả lời của chúng tôi là: “Yes!” và số tiền mà Nam được nhận: 71.900$/năm”, bức thư viết.
“Được biết, đây là trường đã mua vé máy bay mời em đến thăm để cùng dự các hoạt động của sinh viên, để gặp gỡ nói chuyện với thầy cô vào tháng 11/2018 vừa qua.
Đợt đó, em được đi thăm nhiều trường nhưng khi ra về, em đã quyết định, mình nhất định sẽ trở thành sinh viên của trường này. Vì chỉ nộp hồ sơ vào duy nhất trường này nên Nam vô cùng căng thẳng”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Theo gia đình, năm nay tỉ lệ chấp thuận cho sinh viên vào trường rất thấp nên em cũng lo. Tuy nhiên, bằng tất cả những nỗ lực có được, Nhật Nam đã được chấp thuận vào trường sớm 3 tháng. Và người đầu tiên được em báo tin vui là mẹ.
Theo Nhật Nam, kết quả này bù cho bao nhiêu giọt nước mắt mẹ đã rơi vì em từ ngày em đi học xa đến giờ. “Quả thực, từ khi Nam sang Mỹ học, tôi khóc âm thầm thì nhiều nhưng khóc trước mặt con, chỉ có 3 lần.
Lần một, đó là khi tôi đi thăm con và về đến Việt Nam, bật màn hình lên, muốn ôm con vào lòng mà không thể. Lúc đó, tôi khóc tu tu như gió như mưa.
Lần hai, là lúc kết thúc năm học thứ nhất, con cho mẹ xem những bằng khen con đạt được trong một năm đầy gian khó. Và lần ba, là lúc Nam báo tin vào đại học”, chị Điệp xúc động nói.
Cũng theo gia đình, những gì Nam đạt được, quá bé nhỏ so với nhiều nhiều bạn khác. Mùa tuyển sinh đại học Mỹ, có nhiều em ở nhiều nơi khác nhau được vào các trường với số tiền học bổng cao "ngất ngưởng". Các em đó thực sự xuất chúng.
Điều hạnh phúc nhất với gia đình là từ nay, em thực sự thành “người lớn”. Và quan trọng, em được gắn bó với ngôi trường mà mình đã rất yêu thích.
Tuy nhiên, theo mẹ Nhật Nam, thành người lớn, em phải nhớ ba điều:
Tự chịu trách nhiệm cho bản thân: Đừng đổ lỗi cho ai nếu có sai lầm, đừng mong đợi ai đó sẽ gánh thay mình phần trách nhiệm.
Thứ hai, đưa ra những quyết định độc lập: Điều này thì Nam đã đang làm tốt và Nam sẽ tiếp tục làm vậy. Đưa ra quyết định về con đường học vấn, sự nghiệp, về nơi mình sống, về người mình yêu. Nhưng Nam đừng sợ, không phải ai cũng dễ dàng ra quyết định đúng ngay từ đầu. Thông thường đến năm 30 tuổi người ta mới định vị được bản thân và quyết định cũng vì thế mà chính xác hơn.
Và cuối cùng, Nam độc lập về mặt tài chính: “Mẹ tin chắc Nam sẽ biết cách chi tiêu hợp lý, không chạy theo những đồ xa xỉ, biết tích lũy và cả biết đầu tư khi cần. Những điều này mẹ dốt nhất, đến tận giờ này mẹ vẫn học không xong và mẹ mong Nam tránh được lối mòn của mẹ”, mẹ Nhật Nam nhắn gửi con.
Chia sẻ thêm về con trai, chị Điệp cho hay: “Có lần Nam đã nói với tôi, mẹ ơi, khi người ta làm khóa thì chắc chắn đã làm cả chìa. Chỉ có điều, mình cần tìm ra chìa đó. Mọi việc đều sẽ “mở” thôi mẹ ạ.
Ừ hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Mong Nam cũng như muôn vàn bạn trẻ có đam mê, có khát vọng khác sẽ bắt đầu từ những bước chân bé nhỏ mà vững chắc”.
Cá Domino (SSDH) – Theo dantri