Du học – khó khăn hàng đầu là ngôn ngữ

0

SSDH – Khó khăn lớn nhất của một du học sinh khi bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, có lẽ, chính là ngôn ngữ. Ngày đầu tiên tới lớp, dù tiếng Anh cũng không phải hạng “xoàng”, nhưng chúng tôi vẫn bị “sốc” trước bài giảng của các giáo sư. Không hiểu gì cả!!!

 

Tôi lên đường sang La Trobe sau khi hưởng những ngày Tết âm lịch ấm cúng cùng gia đình, những ngày ấm áp ấy sẽ như món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong những ngày xa xứ. Bố mẹ tôi không muốn xa con trai chút nào, nhưng nghĩ về khoảng thời gian dài mà tôi đã phấn đấu để có đủ điểm IELTS, khoảnh khắc người ta thông báo tôi nhận được học bổng của Chính phủ Úc dành cho sinh viên Việt Nam, và cả một tương lai rộng mở phía trước…, tôi biết, bố mẹ tự hào vô cùng.

 

Du học - khó khăn hàng đầu là ngôn ngữ 

 

Dành học bổng…

 

Vẫn còn nhớ, ngày mới bước chân vào học tại Chương trình Hợp tác Đào tạo Quốc tế (ITP), Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi rất hạnh phúc, nhưng khi đọc điều kiện để chuyển tiếp sinh sang học tiếp tại Trường đối tác, tôi đã không khỏi lo lắng. Vốn tiếng Anh của tôi kém cỏi lắm; để đỗ vào ITP, tôi chỉ dành thời gian cho Toán, Lý, Hoá, không tập trung vào ngoại ngữ. Vậy mà bây giờ điều kiện tiên quyết lại là ngoại ngữ, IELTS 6.0. Tôi hoang mang.

 

May mắn thay. Lúc đó, tôi được chị quản ngành tư vấn về phương pháp học ngoại ngữ và giới thiệu tôi đi học thêm tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ của ITP. Tôi được tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh ITP miễn phí, kết hợp học nhiều giờ tiếng Anh trên giảng đường. Qua lần đó, tôi đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm học ngoại ngữ. Và nếu bạn cũng giống như tôi, đã từng bắt đầu đến với ngoại ngữ từ con số 0, thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Chỉ cần sự kiên trì và quyết tâm, trong một thời gian ngắn, chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả không ngờ.

 

Cuối năm 2008, tôi tình cờ đọc được một thông báo về học bổng của Chính phủ Úc dành cho sinh viên Việt Nam, trong đó có sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Yêu cầu là điểm trung bình chung cao nhất trên 6,0 và đạt 6 điểm IELTS. Tôi thấy mình cũng có đủ những điều kiện đó nên nộp hồ sơ để thử sức. Và thật bất ngờ khi chị quản ngành gọi điện thông báo tôi đã dành được một suất học bổng. Khỏi phải nói, lúc ấy tôi hạnh phúc thế nào. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được một thành công lớn lao đến thế. Tên tôi được xướng lên cùng với 4 cái tên nữa cả các anh chị thuộc các khoa Điện tử Viễn thông, Ngoại ngữ, Công nghệ Thông tin, Toán – Tin ứng dụng. Năm chúng tôi chuẩn bị sang đất nước tươi đẹp Australia để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành những kỹ sư, những người giảng viên tương lai.

 

Cuộc sống xa nhà

 

Cảm giác của tôi và các anh chị khi bước chân xuống sân bay đều giống nhau: Buồn. Nhớ nhà khủng khiếp. Thêm cả cảm giác xa lạ với mọi thứ xung quanh nữa. Cũng may, chúng tôi được đại diện trường La Trobe ra đón tận sân bay và dẫn về nhà khách của Trường. Dù khá mệt sau một chuyến đi dài, nhưng chúng tôi cũng kịp nhận ra đó là một khu nghỉ ngơi rất đẹp và tiện nghi. Quan trọng hơn, những người có mặt ở đó đều tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình và thân thiện. Chỉ sau một ngày, chúng tôi đã thuê được phòng trọ và sớm ổn định nơi ăn chốn ở.

 

Năm sinh viên Việt Nam chúng tôi được dành cho vài ngày để nghỉ ngơi và tìm hiểu môi trường xung quanh và các thông tin về trường (chủ yếu là trên trang web của đại học La Trobe. Ở đó, thông tin rất đầy đủ và được cập nhật thường xuyên); sau đó bắt đầu làm thủ tục nhập học. Mọi việc đều diễn ra một cách suôn sẻ và tốt đẹp.

 

Nơi chúng tôi sống là thành phố Melbourne, thủ phủ của bang Victoria – bang có đông dân cư và mật độ dân số lớn nhất đất nước. Đây là một thành phố đa văn hóa, mang đậm màu sắc quốc tế với những nhà hàng lớn và các trung tâm mua sắm, những khu vui chơi giải trí hiện đại bậc nhất. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng ở đây rất văn minh, có tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện chạy tới mọi điểm trong thành phố và ra các vùng ngoại ô.

 

Khó khăn lớn nhất của một du học sinh khi bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, có lẽ, chính là ngôn ngữ. Tôi và các anh chị trong đoàn cũng vậy. Ngày đầu tiên tới lớp, dù tiếng Anh cũng không phải hạng “xoàng”, nhưng chúng tôi vẫn bị “sốc” trước bài giảng của các giáo sư. Không hiểu gì cả!!! Những câu chữ bập bõm trong cả một giờ học không thể giúp chúng tôi hiểu được một chút gì, dù là mơ hồ.

 

Nhưng nhờ có “anh quân sư” Lê Khánh Phương – sinh viên LTU05, chuyển tiếp sang La Trobe năm 2007, một trong số ít những sinh viên Châu Á được nhận học bổng danh dự toàn phần của La Trobe, chúng tôi đã có một số phương pháp học tập tại nước ngoài, cách thức nghiên cứu tài liệu, cách lắng nghe giáo viên giảng bài… Sau 3 tuần áp dụng , đến nay tôi đã khá yên tâm để đối đầu với kỳ thi đầu tiên tại La Trobe.

 

Thấm thoát đã hai tháng  kể từ khi đặt chân lên xứ sở Kangaroo này! Tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Không những tự chăm lo cho bản thân mình, tôi còn thu lượm được biết bao kiến thức. Giờ đây, ngôi trường này, thư viện này, thảm cỏ, và hàng cây râm mát này đều đã trở thành thân thuộc quá đỗi. Tôi biết, trường Đại học La Trobe dành rất nhiều ưu ái và sự quan tâm, giúp đỡ cho sinh viên Việt Nam, cũng bởi theo các giáo viên ở đây, sinh viên Việt Nam chăm chỉ, ngoan ngoãn và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Cho nên, chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng học hành và phấn đấu để làm rạng rỡ thêm những thành tích mà rất nhiều sinh viên Việt nam đã xây dựng tại La Trobe.

 

Nguồn: Học Bổng Hay

Share.

Leave A Reply