Du học miễn phí tại Đức (Phần 2)

0

SSDH- Hằng năm, nước Đức thu hút một lượng lớn các du học sinh và được biết đến với nền giáo dục vô cùng tiên tiến và hiện đại. Bạn muốn đi du học miễn phí ở Đức ? Hãy cùng SSDH tìm hiểu qua bài chia sẻ của bạn Da Nguyen dưới đây nhé !

1. Học phí ở Đức

Tính đến hiện tại thì đa số các trường công ở Đức vẫn có chính sách miễn học phí cho sinh viên ngoài EU. Tuy vẫn có 2 bang bạn cần lưu ý:

  • Bang Baden-Württemberg thu học phí 1500e/kỳ đối với toàn bộ sinh ngoài EU trong bang. Đối với các chương trình công thì bạn chỉ phải đóng 1500e/kỳ. Chương trình tư thì phải đóng 1500e cộng với học phí của trường.
  • Bang Bayern cho phép các trường trong bang thu học phí đối với sinh viên ngoài EU. Việc thu hay không là quyết định của trường.
  • 14/16 bang còn lại thì miễn là học trường công, bất kể tiếng Anh hay Đức thì vẫn được miễn học phí (trừ một số trường âm nhạc ở thành phố Leipzig).
  • Theo kinh nghiệm của mình, các chương trình cử nhân tiếng Anh ở Đức khá ít, việc chứng mình trình độ đầu vào mà không có tiếng Đức cũng khá khó, vì các bạn tốt nghiệp cấp 3 từ VN muốn học đại học ở Đức thì phải học dự bị đại học, mà chương trình dự bị học miễn phí ở các trường công chỉ giảng dạy bằng tiếng Đức. Chương trình thạc sĩ tiếng Anh thì phổ biến hơn nhiều.

2. Những nghành nghề có mức lương cao ở Đức

Câu này khá là tốn thời gian để trả lời nên mình xin chỉ các bạn một số nguồn để tìm hiểu về các thông tin này. Về các ngành nghề đang cần nhân lực thì web của chính phủ Đức đã có liệt kê ra. Trong các nghề này thì có ngành kỹ thuật, IT, điều dưỡng, các ngành nghề liên quan đến y khoa y tế, các ngành nghề nghiên cứu khoa học và thợ thủ công.

Về việc học ngành nào lương cao thì bạn có thể xem các thống kê của stepstone bằng cách google [gehalt nach studiengängen stepstone], tuy nhiên chỉ có tiếng Đức. Thực ra theo report khác của stepstone thì lương được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nữa như: địa điểm, độ lớn công ty, branch của công ty,… → google [stepstone gehaltsreport].

3. Nên học ở FH hay Uni ?

Lúc đầu mình học ở Uni cũng thấy hơi nghi ngờ về quyết định cuộc đời bởi vì mình phải học khá nhiều lý thuyết hàn lâm. Nhưng kể từ khi lúc đi thực tập và tiếp tục đi làm thì lại thấy mình được học nhiều thứ thực tiễn ở công ty rồi thì đi học ở Uni tập trung vào học các lý thuyết và các nghiên cứu thì thấy lại thích hơn. Theo mình một điều các bạn nên chắc chắn là chỉ nên học ở các Uni nếu bạn thực sự muốn học sâu, học cặn kẽ về lý thuyết vì thực tế đây cũng là định hướng giảng dạy của nhà trường. Còn về học ở FH thì mình cũng chỉ nghe từ các bạn khác là ở các FH giảng dạy thiên hướng thực tiễn hơn

4. Chọn nghành học ở Đức bậc cử nhân

Theo ý kiến cá nhân của mình thì bạn nên chọn một ngành học cử nhân mà khá rộng. Vì dù ngành hẹp hay ngành rộng thì chương trình đào tạo 3 4 kỳ đầu vẫn rất là giống nhau. Học ngành rộng thì có cơ hội chọn nhiều chuyên ngành ở học kỳ cao hoặc master nên bạn chẳng mất mát gì. Ngoài ra thì khi học lên những học kỳ cao thì bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn về ngành, lúc đó thì bạn sẽ biết bạn thích gì hơn so là lúc mới học xong cấp 3. Ví dụ:

Thay vì học kỹ thuật ô tô hay kỹ thuật hàng không thì bạn có thể học kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật cơ điện tử,… Vì thực tế thì một cái máy bay hay xe hơi thì vẫn có rất nhiều bộ phận khác nhau. Một nhóm kỹ sư phát triển thì cũng chỉ tập trung vào một bộ phận nên bạn học bất cứ ngành rộng nào ở trên thì sau này vẫn có thể làm việc gì đó liên quan đến thứ bạn đam mê. Ví dụ học cơ khí thì bạn có thể chọn chuyên ngành về vật liệu để cải tiến khung xe. Học điện thì có chuyên ngành động cơ điện để phát triển xe điện. Học vật lý thì có thể làm về pin xe hơi. Học cơ điện tử như mình thì có thể làm về những bộ phận vừa cơ vừa điện như hệ thống phanh điện tử.

Lời khuyên của mình là bạn nên cân nhắc xem là bạn có thực sự thích các môn học mà sẽ học trong ngành không. Các trường ở Đức lúc nào cũng đăng tải mô-đun môn học rất là chi tiết lên web trường hết.

5. Chất lượng giảng dạy ở trường Uni

Theo mình điều quan trọng nhất các bạn cần phải hiểu về văn hóa giảng dạy ở các Uni Đức là bạn tới nghe giáo viên giảng bài (Vorlesung) chứ giáo viên không có nhiệm vụ làm bạn hiểu bài, nghĩa là bạn có phải tự có trách nhiệm cho việc hiểu bài của bạn, phương pháp thì mỗi bạn mỗi khác nhưng phổ biến là đọc bài trước ở nhà, học nhóm, đi giờ tiếp sinh viên (Sprechstunde), đi giờ tự làm bài tập (Tutorium), đọc thêm tài liệu (sách ở thư viện trường mình có thể mượn không bị tính phí),…

Nhiều bạn chưa hiểu điều này thì có thể sẽ thấy chất lượng giảng dạy ở Uni Đức không tốt. Giáo viên ở các Uni đều có research output rất cao nên rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn tuy nhiên khả năng truyền đạt lại là chuyện khác. Ngoài ra thì việc giảng dạy ở Uni cũng định hướng lý thuyết, hàn lâm nên nội dung có thể khó hiểu và trừu tượng. Nói chung là học phải rèn luyện tính tự giác cao. Học xong rồi về nhà nên đọc và tìm hiểu thêm tài liệu để hiểu bài.

6. Cơ cấu đại học KIT và việc làm (chuyên nghiệp) cho sinh viên

Hệ thống ở KIT cao nhất thì có các khoa (Fakultät) như khoa điện, khoa cơ khí, khoa toán,… Khoa thì có nhiều viện (Institut). Việc giảng dạy từng môn thường là được viện tổ chức. Hiện ở KIT có 148 viện, mỗi viện lại có vài team nghiên cứu về một chủ đề nào đó và thông thường đảm nhận dạy vài môn, tổ chức các seminar và đưa ra các đề tài cho sinh viên viết luận văn.

Chính vì các môn được tổ chức như thế nên mỗi khi học môn nào thì các viện sẽ giới thiệu luôn về các nghiên cứu họ đang làm. Nhiều viện chỉ tập trung vào các nghiên cứu hàn lâm nhưng cũng có nhiều viện khác có hợp tác với các công ty bên ngoài để làm các project. Thế nên là ngoài việc được học các kiến thức cơ bản ra sinh viên còn được tiếp cận các “state-of-the-art” của một chủ đề nào đó hoặc các vấn đề mà công ty đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển. Điều đáng nói là mình thấy từ kì 4 trở lên thì lúc nào các môn mình học thì ngoài việc giới thiệu về viện và các nghiên cứu thì các thầy cô cũng giới thiệu về các HiWi jobs (dịch nôm na là công việc làm trợ lý nghiên cứu). Ngoài làm HiWi cho trường bạn, thì bạn thậm chí có thể làm HiWi cho trường khác hoặc các viện nghiên cứu (Fraunhofer, Max-Plank, DLR, FZI,…).

Ngoài các HiWi jobs thì cũng có nhiều câu lạc bộ sinh viên (Hochschulgruppe) và cũng trải dài nhiều chủ đề khác nhau như kỹ thuật, tình nguyện viên, khởi nghiệp. Về mảng kỹ thuật thì có 2 ví dụ ở KIT là nhóm tự lắp ráp máy bay người lái (nhóm Akaflieg) hoặc là xe đua F1 Student (nhóm KARaceIng). Các câu lạc bộ kỹ thuật ở trường mình thì thường làm việc trực tiếp với các viện nên có nghiên cứu mới gì là các bạn sinh viên có thể ứng dụng để làm prototype. Và các bạn ấy cũng được các công ty lớn tài trợ để làm sản phẩm rất nhiều. Một số câu lạc bộ lớn như 2 cái mình nêu trên còn được trường cấp xưởng và máy móc để chế tạo trên khuôn viên trường.

Ở Đức khi các công ty thuê sinh viên thì không những là họ chỉ phải trả lương ít hơn (người đi làm fulltime) mà còn trả thuế ít hơn. Vì thế các việc làm chuyên nghiệp cho sinh viên (Werkstudentenjob) và internship (Praktikum) khá nhiều mà lại không đòi hỏi (nhiều) kinh nghiệm. Chính vì vậy nên sinh viên học ở Đức thường ra hay trường không đúng hạn để tích lũy thêm kinh nghiệm khi còn đi học.

Vì vậy nên khi học ở KIT (hoặc ở Đức nói chung) thì bạn có 3 cách để tích lũy kinh nghiệm: việc làm chuyên nghiệp cho sinh viên (Werkstudentenjob và Praktikum – Internship), trợ lý nghiên cứu (HiWi) và tham gia các Hochschulgruppe.

Đối với sinh viên (kể cả sinh viên nước ngoài) thì theo luật được làm 120 ngày full-time hoặc 240 ngày part-time mỗi năm, tương đương với tổng là 960 tiếng. Trong kỳ (Vorlesungszeit) thì chỉ được làm tối đa 20h/tuần. Ngoài kỳ (Vorlesungsfreie Zeit) thì có thể làm tới 40h/tuần. Thời gian làm HiWi jobs và thực tập bắt buộc (Pflichtpraktikum) thì không bị tính vào 960 tiếng đối đa này. Với lương cơ bản sắp tới ở Đức lên 12e thì nếu bạn tận dụng được hết thời gian này thì có thể kiếm được 960x12e = 11520e brutto (trước thuế). Con số này là rất đủ cho sinh hoạt phí. Tuy nhiên thì mình đưa số này ra để các bạn tham khảo chứ các bạn đừng ham mà đi làm nhiều quá. Không lo học thì bị trường đuổi như chơi (đọc tiếp đi).

7. Quy trình chọn lọc trong 3 học kỳ đầu tiên (bậc cử nhân)

Ở Đức dù các Uni dù có nổi tiếng đến mấy thì cũng có khá nhiều ngành không có NC (Numerus clausus – không có NC nghĩa là không giới hạn số lượng giấy mời nhập học), cộng thêm việc miễn học phí (trừ bang BW đối với sinh viên ngoài EU) nên miễn là ai đủ điều kiện là có thể vào học. Đối với các bạn VN thì phải bỏ thêm công sức học tiếng Đức và thi đầu vào và đầu ra dự bị, nhưng đối với mấy bạn Đức thì đa số trường hợp là nếu có Abitur (bằng tốt nghiệp cấp 3 ở Đức) là có thể vào học ngành không có NC. Nghĩa là chung chung thì điều kiện đầu vào khá là dễ. Nhưng mà theo trải nghiệm của mình thì đầu ra khá là khó. Vì sao?

Nhiều môn không có điểm chuẩn để qua môn mà điều này sẽ dựa vào một tỉ lệ rớt được giáo viên đặt ra. Ở các Uni Đức thì thường các môn chỉ thi một bài thi cuối kì để tính điểm cho toàn môn. Mình vẫn nhớ trong các học kỳ đầu thì một câu hỏi hay được sinh viên đặt ra cho các giáo viên là: em cần đạt bao nhiêu điểm trong bài thi để qua môn? Giáo viên: điều đó các em sẽ biết sau khi tôi và đồng nghiệp chấm bài xong . Nghĩa là nhiều môn sẽ có “chỉ tiêu rớt”, các thầy cô chấm bài xong và thống kê điểm mới chọn mốc điểm để cho phép sinh viên qua môn. Thường là để biết một môn khó đến cỡ nào thì bạn phải nhìn vào tỉ lệ rớt của những năm trước đó.

Số lượng các môn dùng để lọc sinh viên như trên ở 3 học kỳ đầu tiên là rất nhiều. Một số môn ở trường mình được chọn làm môn định hướng (Orientierungsprüfung) và những môn này thì bắt buộc phải hoàn thành trước học kỳ thứ 3.

Giới hạn số lượng thi lại của một môn. Ở Đức thì ở các trường công đều có quy định về số lần thi tối đa của một môn. Nghĩa là nếu bạn rớt một môn quá nhiều thì sẽ bị mất quyền được thi (Prüfungsanspruch) của môn đó và hậu quả là bị thôi học và bạn không được phép học bất cứ ngành nào mà môn đó là môn bắt buộc nữa (trên toàn nước Đức).

Trường mình thì quy định sinh viên được phép thi viết lại một lần, nếu vẫn rớt tiếp thì được thường là được thi nói một lần nữa, rớt tiếp thì mất Prüfungsanpruch, nếu đậu cũng chỉ được điểm qua môn (4.0). Mình thấy việc chỉ được phép thi viết lại một lần cũng khá là gây ra nhiều áp lực.

Các bạn cũng lưu ý là không phải trường nào cũng làm thế đâu nha các bạn và cũng tùy mức độ, theo mình thấy thì trường nào tuyển đầu vào càng nhiều thì lọc lại cũng càng gắt.

8. Cơ cấu của ngành mình học

Ngành của mình tên đầy đủ là Mechatronik und Informationstechnik, đây là ngành lai (interdisziplinärer Studiengang): cơ khí (Maschinenbau), điện tử (Elektrotechnik) và kỹ thuật thông tin (Informationstechnik). Thời gian học tiêu chuẩn (Regelstudienzeit) của chương trình này là 6 kỳ nhưng đa phần thường tốt nghiệp sau 8 – 9 kỳ.

3 kì đầu thì mình tập trung học các môn đại cương, từ kì 4 trở đi thì có một vài môn chuyên sâu hơn tí cũng như là khá nhiều môn tự chọn từ các khoa là cơ khí, điện, tin học và kinh tế. Ngoài ra thì còn có thực tập bắt buộc (Pflichtpraktikum), nhiều project/workshop, một project khá lớn và cuối cùng là luận văn tốt nghiệp.

Vì ngành cơ điện tử ở KIT là ngành khá linh động nên bạn có thể tha hồ xây dựng profile mà bạn muốn hướng đến sau này. Mình thấy có bạn mình theo động cơ điện, hiện đang làm cho Audi. Có bạn lên master lại chuyển về học cơ khí chế tạo máy. Có bạn theo hướng kỹ thuật y sinh (Medizintechnik). Riêng mình thì mình theo hướng robotics và kỹ thuật tự động hóa.

9. Kỳ 1 – 3: Học đại cương, sốc tiếng, đề thi khó và học nhóm

Tính đến thời điểm học kỳ 1 thì mình mới tiếp xúc tiếng Đức khoảng 18 tháng kể từ lúc học từ con số 0, dù là đủ để qua các kì thi nhưng việc sử dụng thực tế thì vẫn còn rất kém. Lúc học trường dự bị thì mình thấy các thầy cô giảng bài chậm và dễ hiểu, mục đích là cho sinh viên nước ngoài hiểu. Lúc mà lên giảng đường trên Uni học thì các thầy cô mặc định là giảng bài cho người bản ngữ nên tốc độ nói nhanh gấp 2 3 lần và tốc độ truyền đạt kiến thức cũng rất nhanh, chưa kể đến việc giọng địa phương của bang mình cũng được xếp vào hàng tốp “dễ nghe” nhất Đức. Thời điểm đó thì mình thực sự rất sốc vì không thể hiểu bài. Phương án lúc này của mình là lúc take note trên giảng đường thì mình tập trung vào ghi lại các keywords rồi sau đó lúc học nhóm thì nhờ các bạn Đức giải thích lại hoặc đi giờ tiếp sinh viên (Sprechstunde) của các thầy cô để hỏi bài. Các môn mà học trên giảng đường lớn thì hiếm khi thầy cô chịu giảng bài lại dù cho sinh viên không hiểu.

Đại cương của ngành mình gồm các môn cơ bản như là toán cao cấp (Höhere Mathematik), cơ kỹ thuật (Technische Mechanik), cơ cấu máy (Maschinenkonstruktionslehre), các môn về mạch điện và sóng điện từ (Lineare elektrische Netze, Elektrische Schaltungen, Felder und Wellen) và cuối cùng là một số môn về kỹ thuật thông tin (Digitaltechnik, Informationstechnik). Các môn này không phải là môn riêng của ngành mình mà là của các khoa khác tổ chức. Vì thế tụi mình học chung với cả các ngành khác khá nhiều và việc này cũng tạo nhiều điều kiện để connect hơn.

Ngoài ra mình thấy một điểm “lợi” nữa là tụi mình phải tham gia vào cả workshop của cả ngành cơ khí (Maschinenbau) và cả điện (Elektrotechnik). Điều này cũng có nghĩa là tụi mình được thực hành khá nhiều hơn các ngành khác nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Mình thấy các workshop dù rất có lợi trong việc truyền đạt kiến thức cơ bản nhưng có vấn đề là làm nhiều nhưng lại cho tín chỉ khá ít, không tương xứng với thời gian mình bỏ ra cho lắm. Nhưng tất cả đều là bắt buộc nên cũng phải làm thôi. Các workshop của ngành cơ khí là phân tích các linh kiện máy móc hoặc là hộp số và động cơ nên phải học rất nhiều từ chuyên ngành. Còn workshop của ngành điện thì tụi mình được thực hiện thí nghiệm và ráp nhiều loại mạch điện khác nhau, cái cuối cùng là mình làm về mạch nhúng.

Về độ khó thì các môn có tỉ lệ rớt cao là môn toán cao cấp và môn cơ kỹ thuật. Mình vẫn nhớ môn cơ kỹ thuật 2 chỉ cần 14/60 điểm là đủ để qua môn vậy mà tỉ lệ rớt vẫn hơn 60%, chưa kể để được phép dự thi thì phải hoàn thành bài tập giáo sư giao. Ngoài ra môn kỷ lục là sóng điện từ với tỉ lệ đậu chỉ có khoàng 30%. Thống kê điểm thi mấy kỳ đầu thì toàn là exponential distribution với cột cao “chót vót” là 5.0 (điểm rớt ở Đức).

Việc “lọc” sinh viên thực ra cũng đã diễn ra từ trước khi thi bởi vì đối với hầu hết các môn đại cương thì bạn phải tích đủ điểm làm bài tập thì mới được đăng kí dự thi cuối kì. Một số đại cương thì lại phải bắt buộc hoàn thành trước 3 kỳ nếu không thì cũng sẽ bị cho thôi học. Những bài tập này mình thấy rất khó để có thể hoàn thành một mình. Nên việc lập nhóm để học rất là quan trọng (thậm chí một số thầy cô còn biết điều này và cho nộp bài tập theo nhóm). Lập nhóm xong thì các bạn có thể chia ra người này làm bài này, người còn lại làm bài kia. Mỗi tuần thì lại có thể hẹn nhau học để bàn luận những vấn đề trong bài giảng.

Cái khó: Điều khó nhất không phải là việc phải làm workshop nhiều, phải nộp đủ điểm bài tập hay là đề thi khó mà là sự kết hợp của 3 cái lại với nhau. Và cộng thêm rào cản ngôn ngữ. Vì có rất nhiều thứ phải làm nên mình nghĩ việc tối ưu hóa thời gian cho từng bước là việc cực kì thiết yếu.

Lời khuyên: Nếu bạn đã xác định đi Đức thì mình khuyên nên học tiếng Đức càng sớm càng tốt. Đối với bạn nào mà muốn vừa làm vừa học hoặc tham gia các hoạt động khác thì mình nghĩ nên sắp xếp lịch học cẩn thận. Ví dụ 1 kì tiêu chuẩn là 30 tín chỉ thì học rồi lấy khoảng 20 tín chỉ thôi, mặc dù làm thế sẽ kéo dài thời gian ra trường ra nhưng thực tế thì các công ty sau này cũng không quan tâm việc này lắm (bởi vì hầu hết sinh viên đều ra trường không đúng hạn), quan trọng hơn là khi thi môn nào thì phải chắc đậu môn đó (vì bị một môn bị giới hạn số lần thi). Ở đây thì mình cũng phải nhấn mạnh là phải xác định VIỆC HỌC VẪN LÀ TRÊN HẾT. Nên bạn nào đi sang học STK rồi bachelor mà tài chính yếu (ví dụ như funding chỉ đủ chứng minh tài chính lần đầu tiên) thì mình khuyên nên tìm hiểu về học nghề (Ausbildung), hệ đại học vừa học vừa làm (Duales Studium) hoặc học ở đại học Việt Đức – VGU. Một điều quan trọng khác nữa là tùy môn mà phải có chiến lược ôn tập hợp lý. Môn nào học thuộc nhiều thì phải ôn kiến thức cho vững, môn nào tính toán nhiều thì phải tập giải bài cho nhanh. Tip của mình là hãy đi tới các hội sinh viên của khoa (Fachschaft). Ở đó thì ngoài việc cung cấp đề thi cũ ra, họ còn có các Protokoll, nôm na là ghi lại việc các bạn trước đã ôn tập môn đó ra sao, trong đề thi có ra câu hỏi nào (đối với các môn không có đề thi cũ hoặc là chỉ có thi miệng).

10. Kỳ 4: Học môn chuyên ngành

Về việc chọn môn thì mình phải chọn 3 mô-đun và các môn bổ sung để đủ 37 tín chỉ. Mô-đun đầu tiên là một số môn từ khoa cơ khí. Mô-đun thứ 2 là từ khoa điện. Mô-đun thứ 3 thì có thể chọn từ khoa cơ khí, điện, tin học và kinh tế. Mình thấy đây là phần hay nhất của ngành mình vì nó tạo điều kiện để mình tạo “profile” theo ý mình muốn. Ví dụ các bạn có thể chọn nhiều môn liên quan đến kỹ thuật ô tô, chip máy tính hoặc thậm chí là AI, Operation Research,…

Tuy nhiên thì mình thấy những môn này đều là những môn chuyên sâu của các khoa khác tổ chức cho sinh viên của họ nên mình vì học ngành lai nên vẫn hơi thiếu một vài kiến thức khi học các môn chuyên sâu. Kết quả là khi học các môn này, mình phải đầu tư thêm nhiều thời gian nữa để xem lại phần kiến thức còn thiếu. Những môn cơ bản của những khoa khác thì thường lại rơi vào trường hợp các môn dùng để lọc sinh viên nên cũng khá “khoai”.

11. Kỳ 5: Project (quá) lớn

Đây là học kỳ mà tụi mình được học một môn dành riêng cho ngành của tụi mình. Môn này thực chất là một cái Workshop rất lớn mà tụi mình phải làm việc nhóm để hoàn thành một sản phẩm cơ điện tử. Mình làm việc với 4 bạn khác và 1 nhóm 5 người khác.

Nhóm mình 5 người thì mỗi bạn được chia một việc khác nhau. Mình muốn làm phần lập trình vì mình đã học một môn về lập trình trước đó. Trong nhóm cũng có một bạn đã học môn tự chọn về chế tạo máy nên bạn đó có thể làm phần CAD. Tuy nhiên thì sau khi bàn luận tụi mình quyết định đi theo con đường: làm project này quan trọng là phải học được thứ mới. Nên thế là mình làm CAD còn bạn kia làm lập trình.

Mình thấy project này rất hay vì tụi mình được tự làm mọi thứ từ A đến Z. Từ việc tạo ra concept đến việc đánh giá và kết hợp lại các ý tưởng với nhau để thành sản phẩm thực tế. Nhưng cũng vì vậy mà tốn thời gian rất nhiều. Mình đã dành gần như toàn bộ thời gian của mình trong kì đó để hoàn thành tốt những gì mình được giao cho project này nhưng chỉ nhận được vỏn vẹn mỗi 8 ECTS (1 kỳ tiêu chuẩn là 30 ECTS). Một phần thì cũng có thể mình ôm việc mà mình không có nhiều kinh nghiệm làm. Nhưng tóm lại là kết quả là kỳ đó mình chỉ hoàn thành được môn đó và thi được 2 môn khác.

12. Học kỳ 6: Đi thực tập

Ở Đức thì việc thực tập bắt buộc không được trả lương tối thiểu nhưng thông thường vẫn đủ chi trả sinh hoạt phí. Trường mình quy định là thực tập chỉ cần 13 tuần cho 15 tín chỉ. Nhưng bạn nào mà từng đi kiếm thực tập ở bất cứ đâu rồi thì sẽ thấy con số này cũng không thực tế cho lắm. Thông thường là công ty chỉ nhận thực tập 6 tháng thôi. Mình thấy đây cũng là một yếu tố lớn dẫn đến việc khó mà ra trường đúng hạn vì cho dù mình có làm 6 tháng, nghĩa là làm cả học kỳ, thì cũng chỉ nhận được 15 ECTS (1 học kỳ tiêu chuẩn là 30 ECTS).

Sau 2 tuần kiếm thực tập thì mình được nhận vào một công ty mà CEO và CTO là 2 thầy từng là trưởng bộ môn của viện nghiên cứu robot và robot hình người ở KIT. Công ty của 2 thầy tất nhiên là làm về mảng robot luôn, đặc biệt là về robot công nghiệp và kỹ thuật tự động hóa.

Mình được xếp vào phòng kỹ thuật tự động hóa. Công việc của mình và đồng nghiệp là nhận các project từ các công ty sản xuất khác rồi tự động hóa bằng robot công nghiệp. Mặc dù công ty mình cũng nhỏ nhưng nhận được khá nhiều project outsource từ các công ty “siêu” lớn khác. Đây là khoảng thời gian mình thấy việc học ở Đức mới có giá trị như thế nào bởi vì mình nhận được nhiều project rất hay. Làm việc ở đây mình vừa được tham gia vào nhiều project nghiên cứu (Forschungsprojekt) và cả project cho khách hàng (Kundenprojekt).

Các môn tự chọn kỳ này mình chọn thì liên quan đến robotics và kỹ thuật điều khiển. Bởi vì trên công ty mình cũng đã học được nhiều thứ liên quan đến các môn này nên cho dù vừa học vừa làm, mình vẫn hoàn thành được thêm 3 môn nữa.

13. Học kỳ 7: Làm luận văn ở công ty

Sau khi làm ở đây được 6 tháng thì các “sếp” thấy mình làm tốt và mình cũng thích công việc ở đây nên mình xin viết luận văn ở công ty và cũng được chấp nhận luôn. Mình thấy việc viết luận văn ở một công ty thì lợi ích là có lương và đẹp CV nhưng cũng có rủi ro là nhiều khi advisor của bạn ở công ty hoàn toàn không có chỉ dẫn theo hướng khoa học mà chỉ làm kỹ thuật là chính. Ý mình khi viết luận ở đây thì phải xác định rõ các đóng góp học thuật – contributions là gì. Cũng may là công ty mình toàn là các PhD nên việc này cũng không phải là vấn đề vì họ định hướng cho mình rất rõ ràng. Chứ mình thấy bạn của mình sau 4 tháng viết luận miệt mài thì bị trường từ chối do không đủ tính học thuật, kết quả là bạn đó phải làm lại mọi thứ rồi tốn thêm 4 tháng nữa.

Ngoài advisor ở công ty ra thì bạn cần một advisor khác ở trường đại học nữa. Phần này mình cũng may mắn là được công ty giới thiệu do các PhD ở công ty mình có rất nhiều contact với các giáo sư ở KIT.

Ngoài việc viết luận văn ở các công ty thì tất nhiên bạn cũng có thể viết cho các viện trong trường (hoặc các viện nghiên cứu ngoài trường). Bạn có thể chọn đề tài mà các viện có sẵn hoặc nghĩ ra đề tài riêng rồi kiếm viện phù hợp và thuyết phục họ nhận đề tài của bạn. Một người bạn của mình làm startup nên bạn đó viết luận văn về công ty và sản phẩm đó luôn.

14. Học kỳ 8: Vừa học vừa làm, cuối cùng cũng tốt nghiệp

Sau khi viết luận văn xong thì mình vẫn chưa tốt nghiệp được ngay vì vẫn còn thiếu vài chỉ. Mình vẫn ở công ty làm Werkstudent 20h/tuần. Vừa thi xong môn cuối là mình ký hợp đồng đi làm với công ty luôn và dự định của mình là đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm và tài chính rồi sau đó vào học master tiếp.

15. Học thạc sĩ thì có khó không?

Câu này thì mình cũng không thể trả lời chung chung được nhưng theo thống kê của DHZW thì tỉ lệ bỏ học ở bậc thạc sĩ ít hơn bậc cử nhân nhiều. Theo trải nghiệm của mình thì những môn kỳ cao cũng ít có tỉ lệ lọc sinh viên này hơn mà sẽ có điểm sàng cụ thể. Có lẽ là vì đầu ra của bậc cử nhân đã khó rồi nên các trường không “lọc” lại ở bậc thạc sĩ nữa, nhưng theo mình học vẫn sẽ khó theo nhiều cách khác.

16.  Đi làm PhD ở Đức

Ở Đức theo mình bạn không có đi “học” PhD nữa mà là đi “làm” PhD. Thường PhD có 2 dạng để lấy kinh phí, một thì vẫn gọi là học bổng, hai là ký hợp đồng lao động ăn lương. Mình thấy dạng thứ 2 phổ biến hơn nhiều nhưng thực ra 2 cái về mặt tiền bạc cũng khá như nhau. Thông thường ký hợp đồng lao động PhD cho trường thì bạn sẽ được trả theo TV-L E13, để tìm hiểu thêm thì các bạn có thể google. Tuy nhiên thì số lương còn được đi theo một số phần trăm nữa, trừ thuế nữa thì lương thật có thể sẽ thấp hơn khá nhiều. Ví dụ ở các đại học thì dạng E13 50% cũng khá phổ biến, lương sau thuế (Netto) khoảng 1500e. Con số này khá bèo so với lương của các công ty bên ngoài trả nhưng vẫn dư dả để cho sinh hoạt phí cho một người. Làm PhD ở Đức thì theo mình kiểu gì cũng sẽ có đủ tiền nuôi sống bản thân. Ngoài ra còn có dạng đi làm PhD ở công ty với advisor của một trường đại học thì vì công ty trả lương, chứ không theo TV-L nữa nên có thể deal lương cao hơn mức bình thường. Ngoài các công ty lớn ra thì các loại công ty mà thường tìm PhD là các startup của các trường đại học (ở Đức còn hay gọi là spin-off + tên trường). Việc kiếm được các vị trí PhD “ngon” thì theo mình phụ thuộc khá nhiều vào networking.

SSDH ( Tác giả: Da Nguyen, Scholarship Hunters)

Share.

Leave A Reply