Du học Mỹ: Hành trình cùng con từ UC Berkeley đến NVIDIA

0

SSDH – Hòa cùng không khí năm học và kì nhập học mùa thu sắp tới tại Mỹ, SSDH gửi tới các phụ huynh và các du học sinh Mỹ câu chuyện hành trình đến Mỹ của hai mẹ con học sinh Emi, mời mọi người cùng nghe nhé. 

 

tong-hop-cau-hoi-phong-van-du-hoc

HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU Ở TUỔI 15

Khi Emi mới bắt đầu từ lớp 8 lên lớp 9, tôi cho con đi du học Mỹ. Sau một học kỳ, trong chuyến trở về Việt Nam, Emi nói với gia đình rằng: “Con muốn ở lại Mỹ sau khi học xong.”Đó là lúc tôi biết mình cần phải bắt tay vào chuẩn bị cho một hành trình rất dài.

Vào thời điểm ấy gia đình tôi không quen biết ai ở Mỹ cả. Không có người quen, không hiểu biết về thị trường Mỹ, không có ai đưa đường dẫn lối… vậy nên khi con nói muốn ở lại Mỹ, tôi không thể biết chắc con mình sẽ ra sao trong tương lai. Nói cách khác, tương lai của con đang hoàn toàn phụ thuộc vào cách gia đình tôi lên chiến lược và kế hoạch từ bây giờ. Thế là tôi bắt đầu làm quen với những phụ huynh có con thành công ở các trường top và trong khối Ivy League của Mỹ để học hỏi kinh nghiệm. Tất cả những kiến thức, những kế hoạch tìm hiểu được tôi đều viết ra giấy và chia sẻ cho con.

Xem thêm: Nên cho con du học Mỹ từ lớp 9, vì sao?

Học sinh Mỹ có một may mắn hơn học sinh ở Việt Nam mình là các con đã được định hướng nghề nghiệp ngay từ những năm trung học. Rất nhiều trường sẽ cân nhắc đến thế mạnh và sở thích của học sinh để định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Sau đó họ sẽ tư vấn cho học sinh của mình một lộ trình đàng hoàng, phải học môn nào, nên đăng ký vào trường Đại Học nào để có thể làm được nghề đó sau khi ra trường.

Thế nên từ khi Emi mới sang Mỹ, tôi đã hỏi con thích ngành nào. Lớp 9-10 Emi chọn Hoá Sinh nhưng thấy không hợp nên sau đó đã chuyển sang ngành Toán Lý và Nghiên cứu khoa học. Tôi khuyến khích và chia sẻ với con rằng nếu muốn làm nghiên cứu khoa học thì con sẽ cần tham gia vào những dự án khoa học ngay từ những năm trung học. Emi tham gia rất nhiều câu lạc bộ về Robotic, Programing, Toán học, Debate… để vừa tập trung xây dựng nền tảng khoa học cho bản thân, vừa làm quen với những thầy cô chuyên về nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy Emi đã có cơ hội làm việc với một giáo sư đại học cho một số dự án của NASA ngay từ khi còn đang học trung học.

Có thể nói, để đến được NVIDIA ngày nay, tôi và Emi đã đi một con đường dài nhưng thẳng tắp. Trong bộ hồ sơ của con, đường đi và mục tiêu làm về khoa học thể hiện vô cùng rõ ràng.

KẾT HỢP NĂNG LỰC BẢN THÂN VỚI SỨC MẠNH CỦA CÁC MỐI QUAN HỆ

Có lộ trình, có chiến lược nghề nghiệp là một chuyện, nhưng người đồng hành để hướng dẫn con đi đúng đường cũng quan trọng không kém. Tôi nghĩ để trở thành một ứng cử viên xuất sắc sau này, các học sinh Việt mình cần hai yếu tố: một là năng lực bản thân mạnh và hai là môi trường xung quanh tích cực ủng hộ, giúp đỡ mình. Năng lực bản thân có thể được thể hiện qua điểm GPA, kỹ năng chuyên ngành… Còn yếu tố môi trường là những mối quan hệ, những kiến thức mềm, những người hướng dẫn con đi đúng đường. Đây là những người sẽ mang lại sự giúp đỡ rất lớn cho con, bởi vì nếu chỉ đi một mình, con sẽ mất rất nhiều thời gian để thử và sai.

Tôi thấy rất nhiều phụ huynh khi cho con sang Mỹ học CS, Data hoặc Finance… nhưng nếu hỏi con học xong rồi sẽ làm nghề gì, cần kiến thức nào để dễ apply công việc thì hầu như mọi người đều không trả lời được. Nguyên nhân một là do lạ nước lạ cái, thị trường Mỹ rất khác Việt Nam, hai là do những kiến thức này quá chuyên sâu, nhiều khi ngay cả người bản xứ còn mơ hồ chứ nói gì đến du học sinh.

Do đó, để con phát triển tốt ở Mỹ, chắc chắn con phải cần người rành rẽ về thị trường Mỹ hướng dẫn. Ở mỗi giai đoạn phát triển, con sẽ cần đến những người hướng dẫn khác nhau. Nghĩa là con phải xác định rất rõ 4 năm trung học mình làm dự án gì, với ai, thầy cô nào. Sau đó lên Đại học ngay từ năm nhất con đã cần cần xây dựng các mối quan hệ để hỗ trợ mình trong cuộc sống và nghề nghiệp. Các mối quan hệ này có thể là bạn học, bạn cùng câu lạc bộ, thầy cô, giáo sư… tất cả mọi người đều có thể trở thành cầu nối cho con và công việc mơ ước của con.

Tôi có một may mắn là khi Emi vừa kết thúc THPT và nhận được kết quả vào UC Berkeley, tôi đã tình cờ biết đến Học viện hướng nghiệp Career Pass Institute USA. Các anh chị CPI đã hỗ trợ rất nhiều về kiến thức, kỹ năng và chuyên ngành cho Emi. Hơn nữa mạng lưới network của CPI có ở cả Mỹ và ở Việt Nam đều có nên Emi đã được giới thiệu và quen biết để học hỏi rất nhiều. Nhờ vậy nên từ năm 1, Emi đã chăm chỉ luyện tập chuyên môn, xây dựng networking và tham gia rất nhiều dự án có lớn của trường Berkeley.

Xem thêm: Du học Mỹ: Lộ trình nào cho học sinh đang học phổ thông

ĐI THỰC TẬP TỪ NĂM 1 ĐỂ LẤY KINH NGHIỆM LÀM VIỆC

Nhiều bạn sinh viên mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc vì lý do kinh nghiệm. Các bạn hay nghĩ rằng còn đi học thì chuyện thiếu kinh nghiệm là đương nhiên. Nhưng nếu như lật ngược vấn đề, các bạn hoàn toàn có thể có rất nhiều kinh nghiệm nếu đi thực tập từ năm 1. Rất nhiều người Việt mình có quan điểm là đến năm 3, năm 4 Đại học mới cần phải đi thực tập. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu đi với tốc độ đó thì lúc ra trường, con sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt.

Emi đã đi làm từ hè năm lớp 12. Tôi cũng đề nghị con là ngay từ năm thứ 1 con đã cần tham gia vào tất cả các câu lạc bộ hoặc dự án lớn nhỏ trong ngành học. Emi đã ứng tuyển thực tập cho rất nhiều công ty. Đương nhiên, rất nhiều lần tôi thấy con phỏng vấn đến 3 vòng nhưng sau đó không được nhận, hoặc gửi hồ sơ mà không nhận được phản hồi nhiều tháng liền… Những lúc đó tôi hay động viên con là con đang đi trên một con đường rất dài. Mình mệt, mình thất bại ở đây không có nghĩa sẽ không đến được đích. Có thể ở học kỳ này mình không đạt được mục đích vào thực tập ở công ty mình muốn, nhưng đó là một trải nghiệm. Càng có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm thì tới khi con lên năm 3, 4 con sẽ có rất nhiều kinh nghiệm. Thà con thất bại từ năm thứ nhất, năm thứ hai nhưng thành công ở năm thứ 3 thứ 4 còn hơn là để đến lúc đó mới bắt đầu cố gắng. Càng có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, sau này con sẽ càng có sức cạnh tranh và nắm bắt cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Tôi cũng nói Emi là bất cứ cơ hội nào dù công ty lớn hay nhỏ, có lương thực tập hay không mình đều phải nắm bắt hết. Thứ các công ty quan tâm là con có kinh nghiệm hay không, con xử lý kinh nghiệm thế nào và những dự án con làm thành công ra sao… Tất nhiên nếu đi làm công ty to với mức lương và dự án tốt thì tốt, nhưng điều đó không có nghĩa những dự án con làm năm 1, năm 2 với các công ty nhỏ sẽ không được đánh giá cao.

QUAN TRỌNG NHẤT, “ĐỪNG NẢN LÒNG”

Tôi nhớ những ngày sắp tốt nghiệp cấp 3, Emi không hề có khái niệm về việc làm thế nào để thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp. Khi đó con chưa có nhiều kỹ năng mềm và rất lúng túng trong việc thể hiện bản thân với mọi người. Nhưng giờ đây, sau một thời gian cùng các anh chị Mentor (người cố vấn) trau dồi kỹ năng chuyên ngành và các kỹ năng phỏng vấn, làm Resume (hồ sơ), tôi thấy con như lột xác thành người khác. Trước mỗi buổi phỏng vấn, Emi đã tự tìm kiếm thông tin nhà tuyển dụng trên Linkedin xem họ đang nói gì, quan tâm gì, chia sẻ gì… để từ đó có một cuộc hội thoại giàu tính kết nối khi phỏng vấn. Con cũng tự tập luyện nói trước gương liên tục, có kế hoạch networking không ngừng nghỉ và biết rõ kiến thức mình bị hổng ở đâu để không ngừng cải thiện. Là một người mẹ chứng kiến tất cả những điều này, tôi tin rằng Emi đang đi trên con đường đến thành công độc nhất vô nhị của riêng con.

SSDH (nguồn: PH Yhuong Tran)

Share.

Leave A Reply