Sẵn sàng du học – Na Uy là đất nước luôn chào đón du học sinh. Hiện có 15.000 sinh viên quốc tế đang nhập học tại các cơ sở giáo dục bậc cao. Nếu lựa chọn Na Uy làm điểm đến học tập, dưới đây là những điều bạn cần biết:
1. Hệ thống giáo dục
Hệ thống giáo dục bậc cao của Na Uy gồm 7 viện đại học đa ngành, 9 viện đại học chuyên ngành, 22 trường đại học chuyên ngành, 2 viện nghệ thuật, cùng một vài cơ sở giáo dục tư thục. Đa số các cơ sở giáo dục đại học bậc cao đã được công nhận. Hầu hết các cơ sở giáo dục bậc cao tại Na Uy đều có cả chức năng giảng dạy và nghiên cứu.
Từ năm 2003, Na Uy tham gia tiến trình Bologna, nghĩa là giáo dục bậc cao được tổ chức thành 3 giai đoạn theo cấu trúc 3+2+3 (Cử nhân 3 năm – Thạc sĩ 2 năm – Tiến sĩ 3 năm)
Một năm học ở Na Uy được quy đổi ra tối thiểu là 60 ECTS (cũng gần giống hệ thống tích luỹ tín chỉ ở Việt Nam).
Thang điểm ở Na Uy là từ A(cao nhất) đến F(thấp nhất-rớt)
2. Học phí
Hầu hết các cơ sở giáo dục bậc cao ở Na Uy đều không thu học phí. Sinh viên thường chỉ đóng một khoảng phí 300-600 NOK/học kì (tương đương khoảng 35$ – 70$). Khoản phí này là bắt buộc. Nếu không, sinh viên sẽ không được tham dự các kì thi. Tuy nhiên, với khoản phí này, sinh viên sẽ được cấp thẻ sinh viên và hưởng các chính sách phúc lợi dành cho sinh viên, sử dụng các cơ sở vật chất của trường.
Mặc dù các cơ sở tư thục có thu học phí nhưng so với các nước khác thì mức phí này cũng rất thấp. Hơn nữa, sinh viên quốc tế không phải đóng học phí cao hơn sinh viên bản xứ.
3. Hồ sơ xin nhập học
Thời gian nộp đơn cho các khoá học tại Na Uy là từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 3 cho kì nhập học mùa thu (tháng 8 – tháng 9).
Một số trường còn có thời gian nộp đơn riêng, bạn nên vào trực tiếp website trường để kiểm tra
Để theo học bậc cử nhân tại Na Uy, sinh viên Việt Nam phải tốt nghiệp THPT và hoàn thành 1 năm đại học. Mỗi trường có yêu cầu tiếng Anh khác nhau, tuy nhiên, mức tối thiểu cho bậc Đại học là IELTS 5.5; còn bậc thạc sĩ là 6.5.
Để theo học bậc thạc sĩ tại Na Uy, sinh viên Việt Nam phải tốt nghiệp đại học. Điều đáng lưu ý là chuyên ngnafh đăng kí tại bậc Thạc sĩ phải tương đồng với chuyên ngành bậc đại học (phải có tối thiểu 1 năm rưỡi học về chuyên ngành đó)
4. Ngôn ngữ
Na Uy có 2 ngôn ngữ viết chính(Bokmal và Nynorsk) và rất nhiều ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, tin vui là: không như mọi người nghĩ, tiếng Na Uy không quá khó – nó không khó hơn các ngôn ngữ châu Âu khác. Ngoài ra, bạn không cần học cả 2 loại chữ viết – người viết chữ Bokmal có thể hiểu những gì mà người sử dụng chữ Nynorsk. Tin vui hơn nữa là một khi bạn đã có thể giao tiếp bằng tiếng Na Uy thì bạn có thể du lịch đến Thuỵ Điển và Đan Mạch rất dễ dàng mà ít gặp những khó khăn về ngôn ngữ.
5. Học bổng
Trước đây, sinh viên tại một số trường đại học ở Việt Nam được nộp xin học bổng Quota. Tuy nhiên, học bổng này không còn nữa.
Hiện nay, nếu không tính đến học bổng từ các trường tư thục, thì không còn học bổng nào dành cho sinh viên Việt Nam cả.
6. Bảo hiểm sức khoẻ
Sinh viên quốc tế học tại Na Uy từ 3 đến 12 tháng có thể nộp đơn xin tham gia Norwegian National Insurance Scheme. Đơn gởi đến phòng y tế tại các cơ sở chính quyền địa phương. Còn các sinh viên quốc tế học tại Na Uy lâu hơn 1 tháng thì sẽ được hiển nhiên bảo hiểm theo Norwegian National Insurance Scheme.
Các trường học tại Na Uy cũng có phòng y tế. Sinh viên trường được điều trị miễn phí tại đây. Tuy nhiên, riêng tiền thuốc thì sinh viên sẽ phải tự chi trả, trừ khi bị các bệnh nghiêm trọng phải nhập viện thì bảo hiểm sẽ chi trả tiền thuốc men.
7. Cuộc sống sinh viên
Các cơ sở giáo dục bậc cao tại Na Uy có rất nhiều tổ chức, câu lạc bộ sinh viên. Một khi bạn đã là sinh viên tại trường, thì bạn được cấp thẻ sinh viên và hưởng các quyền lợi của sinh viên (giảm giá các phương tiện giao thông công cộng, thể dục, y tế, căn tin…)
Ngoài ra, hãy tận dụng cơ hội tại Na Uy để đi du lịch. Hệ thống giao thông tại Na Uy rất tốt – hầu hết các thành phố, lớn và nhỏ, tại Na Uy đều có các tuyến giao thông
8. Sinh hoạt phí
Chi phí sinh hoạt tại Na Uy khoảng 1000 USD/ tháng (ước tính). Trong đó, nhà ở tốn 300-400 USD/ tháng; đi lại gần 50 USD/ tháng; tiền sách vở khoảng 500 USD/ học kì; tiền ăn uống tầm 300 USD/ tháng.
Cá Domino (SSDH) – Theo The Tree Academy