Du học sinh làm thêm: Chuyện không đơn giản

0

SSDH – Dù bạn có đi theo diện tự túc hay học bổng thì cũng đều phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Có đi làm thì chúng ta mới thấm thía được giá trị đồng tiền cực khổ kiếm được là như thế nào.

 

Cuộc sống cơ cực

Một khi đã dự định đi du học, thì bạn nên xác định rằng nó không hề màu hồng như bạn nghĩ. Những lời nói có cánh, hứa hẹn về một vùng đất mới sẽ nhanh chóng vụt tắt khi bạn đối mặt với sự bất đồng ngôn ngữ, chi phí tiền bạc ăn ở, nổi nhớ nhà da diết và vô vàng những thứ không tên khác.

 

Có lẽ hầu hết dân du học tự túc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm thêm. Thế nên bạn cần phải chuẩn bị chu đáo tiền bạc trong vài tháng đầu trước khi bắt tay tìm việc.

 

muon-neo-chuyen-di-lam-them-cua-du-hoc-sinh1.jpg

H.Anh (du học sinh Nhật) cho hay: “Mình đi theo diện học tự túc nên ban đầu số tiền phải bỏ ra gần 300 triệu đồng. Trước khi qua Nhật thì mình được tư vấn là qua đó sẽ có việc làm thêm liền với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy, vì trình độ tiếng Nhật vẫn chưa đủ nên không thể kiếm được việc làm. Tiền mang theo thì cứ cạn dần, đi học lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đuổi học lúc nào không hay, ngày mai tương lai của mình thế nào, tiền đâu chi trả học phí. Nhà mình cố gắng vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền cho mình du học, mong qua đó mình đi làm phụ giúp gia đình. Chưa hết một năm mà tiền thì gần hết, không dám điện thoại về nhà.”

Một số trường hợp khác may mắn tìm được việc làm nhưng không phải bất kỳ ai cũng tìm được một công việc thích hợp với bản thân.

Mr Shaun thành viên diễn đàn Voz (du học sinh Úc) nói rằng: “Em tìm dc 1 công việc là làm phụ bếp ở 1 quán Noodle, làm thứ 5,6,7 từ 5h đến 9h , hôm đi gặp ông chủ em nói dối là sang đây dc 6 tháng + đã đi làm ở 1 nhà hàng trước rồi (nói dối thế vì người ta cần người có kinh nghiệm) thấy em tướng cao to nên ổng nhận liền, ổng chỉ em cách xào cơm, nhìn dễ thôi mà làm khó kinnh khủng, em xào đen cơm, cái chảo xào cơm nó ko nhỏ như chảo ở nhà đâu ạ, bự lắm, nặng phải đến 5kg, cầm chảo mà hất cho thức ăn nó chín đều, hôm đầu đi làm về cả cánh tay em đau nhức, như bị bong gân đó dần dần mới hiểu cách cầm chảo: không được hất chảo bằng cổ tay, phải hất kéo bằng bắp tay cơ.

Sau 1 tuần nghỉ, em đi xin việc ở 1 tiệm phở của người việt, tiệm này khá bự, nổi tiếng, lúc nào cũng đông khách, em xin dc việc làm từ 4h pm đến 10h pm, 10$/h, em đứng bốc đồ rồi chan nước phở, cũng dễ thôi nhưng đến lúc đông khách quá loạn luôn. rồi em chạy ra phụ lau dọn, bê thực phẩm đổ vào nồi, vớt mỡ bò, đổ rác…rất nhiều việc, làm ko được thở luôn  giờ mới thấm thía lao động chân tay vất vả như thế nào, khác với hồi em ở VN, cả ngày chỉ đi học, ăn, chơi. Giờ sang đây đi làm + đi học rất mệt, chân tay rã rời mà vẫn phải lết đi học, làm bài tập,cầm đồng lương mà vừa khóc vừa cười.”

 

muon-neo-chuyen-di-lam-them-cua-du-hoc-sinh2.jpg
Những công việc đa số dân du học thường làm là giao phát báo, làm chân phụ vụ nhà hàng, công nhân nhà máy, bưng bê, tạp vụ, quét rác…

 

Ở một số nước như Nhật Bản thì được cho phép đi làm thêm khoảng 4 tiếng mỗi ngày, tạo điều kiện cho sinh viên kiếm việc làm để có tiền trả việc học. Tuy nhiên ở một số quốc gia như Singapore thì tuyệt đối không cho phép sinh viên đi làm, một số bạn phải lén lút làm chui, bất cứ lúc nào cũng sợ bị cảnh sát bắt và bị đuổi về nước.

Rút kinh nghiệm cho bản thân

Có đi du học mới thấy được vốn hiểu biết của mình thật nhỏ bé, được tiếp xúc với đủ thể loại người, được thấm thía đồng tiền mồ hôi cơ cực mình làm ra. Khi đi rồi mới nhận ra rằng lúc ở VN mình sống sướng như thế nào, qua đó một thân một mình bương chãi vừa phải lo kiếm tiền, vừa phải lo học, cực đủ đường.

Khi đi du học nghĩa là mình đang mang bộ mặt của đất nước mình đến một vùng đất mới, bất kỳ hành động nào của bản thân đều ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của quốc gia.

 

Dạo gần đây tin tức về người Việt trộm cắp trên nước Nhật đang “going” lên một hồi chuông cảnh báo về nạn “đem con bỏ chợ” của một số phụ huynh. Khi chưa tìm hiểu kỹ về đất nước mình dự định du học mà nghe quảng cáo của những công ty môi giới thì hậu quả rốt cuộc là những học sinh, con em của chính mình. Vì cuộc sống đắt đỏ, không có việc làm thêm, nên nhiều bạn phải chui lủi, lén lút đi làm, phải đá vé tàu, trộm cắp trong siêu thị, sống vật vờ trong nổi sợ. Đến khi bị phát hiện bị đuổi về nước học hành bị bỏ dở, mang tiếng xấu về cho đất nước, tốn thời gian, công sức tiền của rốt cuộc về tay không.

 

Mai (du học sinh Mỹ) cho hay: “Khi xác định du học thì bạn trước hết phải thông thạo ngôn ngữ, nhiều bạn đi du học mà chữ nghĩa còn bập bẹ, không giao tiếp được, sự chuẩn bị kỹ càng về ngôn ngữ lúc ở VN càng chu đáo bao nhiêu thì khi đi du học sẽ đỡ vất vả bấy nhiêu. Chỉ cần bạn thông thạo ngôn ngữ nước đó thì yên tâm bạn sẽ kiếm được việc làm thêm. Những công việc như bưng bê đâu cần bạn phải có bằng cấp, chỉ cần bạn giao tiếp để họ hiểu được mình nói thì chắc hẳn bạn sẽ có việc làm.”

Một điều nữa là bạn có thể nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt nơi đó nhưng không phải bất kỳ ai bạn cũng có thể tin tưởng được. Hiện nay có rất nhiều trường hợp bị lừa đảo mà người chủ mưu lại là người Việt, vậy nên bạn cần phải chú trọng hơn.

Một số bạn đi du học mách rằng khi đi xin việc làm thêm thì không nên xin ở những cửa hàng người Việt, Ấn, Thái. Nơi này họ bóc lột sức lao động rất nhiều, lương lại không bao nhiêu, nếu làm tích lũy kinh nghiệm trong thời gian ngắn thì được chứ đừng làm lâu dài.

Tạm kết

 

Sự chuẩn bị ngôn ngữ trước khi đi du học thật sự rất quan trọng để giúp bạn có được một công việc làm thêm như ý. Bên cạnh đó chủ động tìm kiếm thông tin, liên hệ với anh chị đi trước sẽ giúp ích cho bạn phần nào tìm việc. Xác định đi du học nghĩa là bạn phải xác định phải chịu khổ rất nhiều, nhưng nếu cố gắng kiên trì được thì sau này bạn sẽ rất sung sướng.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Dân Việt

 

Share.

Leave A Reply