Du học sinh Việt: Học bài bên nồi chè, mỗi ngày bán hơn 150 suất

0

Sẵn sàng du học –  Khách hàng của cô chủ “gánh” chè 9X đa phần là du học sinh Nhật xa quê thèm vị chè Việt. Mỗi ngày, Thảo dành từ 2-3 tiếng đứng bán ở các nhà ga tàu điện. “Gánh” chè của Thảo có chè đậu đen, đậu hà lan, đậu xanh, thạch dừa, chè chuối nước dừa và cả sữa chua nếp cẩm.

“Vui thì cười một cái. Buồn thì cười hai cái. Còn nếu cảm thấy mệt mỏi quá thì trùm chăn ngủ. Cuộc sống cứ thế mà đơn giản trôi qua. I’ m Fine”, Bùi Phương Thảo (sinh năm 1997, tại Bắc Giang) kể về cuộc sống của mình ở Nhật Bản trong vòng hơn 1 năm qua như thế.

Thảo là con gái đầu trong gia đình làm nông ở Bắc Giang. Với mong muốn có một cuộc sống mới mẻ xa vòng tay bố mẹ và cơ hội đổi đời, Thảo lên đường sang Nhật du học. Cô là sinh viên khoa tiếng Nhật của trường SAMU Japanese Language School (Tokyo, Nhật Bản).

Du học tự túc nhiều vất vả. Thảo quay cuồng với công việc làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Một tuần, cô bạn đến lớp 5 buổi (có thể đều là ca chiều, hoặc đều là ca sáng). Thời gian còn lại, Thảo tranh thủ đi làm thêm. Hai tuần gần đây, Thảo mày mò tập nấu chè rồi mang đi bán ở các ga tàu điện hoặc nhận đơn đặt hàng của khách trên mạng. 

“Gánh chè” chưa có lãi nhưng nữ du học sinh Việt trông đợi một ngày gần đây, nó sẽ trở thành nơi để cô kiếm tiền chi trả cho cuộc sống đắt đỏ ở Tokyo. Ngoài bán chè, Thảo còn tranh thủ làm thêm tại một khách sạn tiệc cưới suốt 2 ngày cuối tuần. 

Thảo và “gánh” chè vừa ra đời 2 tuần của mình.

Thảo và “gánh” chè vừa ra đời 2 tuần của mình.

Tranh thủ học bài khi canh nồi chè, bán hơn 150 suất/ngày

Thảo đang sống trong khu ký túc xá của trường. Khi bắt tay thực hiện ý tưởng nấu chè mang đi bán cho du học sinh Việt ăn đỡ nhớ quê, Thảo đối diện với nhiều khó khăn. 

Đầu tiên là không gian nấu nướng hạn chế. Sinh viên dùng chung bếp ăn ở khu ký túc xá nên cứ đến giờ Thảo mang nồi ra nấu chè, thì bạn khác cũng có nhu cầu dùng bếp. Mọi người phải xếp hàng hoặc nhường nhau sử dụng.

“Buổi sáng không đi học mình thường dậy sớm để nấu chè. Mình mất khoảng 5 tiếng để nấu xong nồi chè. Mình có các loại chè gồm đậu đen, đậu hà lan, đậu xanh, thạch dừa, dừa khô, dừa tươi, nước dừa, chuối, hạt trân châu. Một món khác cũng được các bạn du học sinh yêu thích là sữa chua nếp cẩm. Nấu chè xong mình mang tới cửa ga để giao cho các bạn trên đường đi học về. Đây là những khách hàng đã nhắn tin order chè từ tối hôm trước”, 9X chia sẻ.

Ngoài các suất chè được đặt trước, Thảo cũng nấu nhiều hơn một chút để bán thêm cho những người có nhu cầu mua trực tiếp ở ga tàu điện. Hiện tại, Thảo bán chè vào các sáng và tối thứ 4, thứ 5 và tối chủ nhật hàng tuần. Sau khi đứng 2 hoặc 3 tiếng ở ga Shinokubo, 9X Việt bán được khoảng 80 cốc chè/buổi. 

Một cốc chè thập cẩm của Thảo có giá 300 yen (hơn 60.000 đồng), trong khi nếp cẩm đắt hơn một chút là 350 yen (khoảng 72.000 đồng).

Khi có thời gian, bạn bè Thảo phụ cô bán chè ở các ga tàu điện.

Khi có thời gian, bạn bè Thảo phụ cô bán chè ở các ga tàu điện.

“Mình mua nguyên liệu nấu chè ở các cửa hàng bán đồ ăn châu Á hoặc nhờ mẹ gửi từ Việt Nam sang. Mình chọn kinh doanh chè vì đây là món ăn đặc trưng của người Việt. Các bạn du học sinh đi học xa nhà thường thèm món ăn này. Ở đây cũng có các quán chè Việt nhưng nhìn chung giá cả rất đắt, phải vào quán ăn mất thời gian. Các du học sinh thích đặt chè online hoặc mua ở các ga tàu cho nhanh và tiện”, nữ sinh viên nhanh nhạy nắm bắt thời cơ kinh doanh.

“Phi vụ” bán chè không làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập của Thảo. Trong 5 tiếng canh chè chín, cô bạn tranh thủ học bài. Ngoài ra, 9X vẫn còn buổi tối thứ 2, thứ 3, thứ 6 rảnh cả ngày để ôn luyện bài vở.

Thấy “gánh” chè của Thảo mới mở mà có vẻ đắt khách, hai người bạn cùng phòng đề nghị hỗ trợ cô nàng một tay. Sau những ca làm thêm bên ngoài, các nữ du học sinh bê các hộp chè đã được đóng gói cẩn thận đi bán. Ngày nào các bạn bận quá không phụ được, Thảo phải cáng đáng công việc một mình.

Những mâm chè cũng có thể coi là “startup” nho nhỏ của nữ du học sinh.

Những mâm chè cũng có thể coi là “startup” nho nhỏ của nữ du học sinh.

Hỏi Thảo vì sao không kiếm việc làm thêm ở các quán ăn đến tháng lãnh lương như các du học sinh khác cho đỡ cực, cô bạn bảo: “Có thể việc bán chè của mình không kiếm được nhiều tiền như các bạn đi làm thêm nhưng mình vẫn làm vì đơn giản mình thích. Mình muốn tự có trách nhiệm phát triển công việc của bản thân, không bị chi phối bởi ai khác”.

Bài học đầu đời: Trầy vi tróc vẩy mới kiếm được tiền!

Nhìn cách Thảo tháo vác khuấy nồi chè thập cẩm siêu khó, rồi tự mình đóng gói mang đi bán ngày hai buổi kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, tôi thầm nghĩ chắc cô bé này vốn khéo tay, hay làm từ bé.

Trái ngược với suy nghĩ ấy, Thảo thật thà nói: “Hồi xưa khi còn ở nhà, mình còn không phải nấu cơm đâu. Bà nội mình lo tất cả mọi thứ. Đến khi sang đây cuộc sống khác nhiều, vất vả hơn ở nhà nên việc gì cũng lăn ra làm. Đến ngay chuyện nấu chè này, mình phải gọi về Việt Nam hỏi xin công thức của bác hàng xóm. Mặc khác, mình cũng tìm hiểu cách nấu chè ngon trên mạng rồi tự mày mò làm theo”.

“Phải tự kiếm tiền thôi! Bố mẹ cho tiền được năm đầu nhưng không thể lo mãi cho mình. Mình còn may mắn hơn nhiều bạn đang sống ở đây. Có nhiều bạn phải làm việc để sống và tích góp gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ ngân hàng nữa đấy”, cô bạn tự nhủ.

Nguồn động viên để Thảo vượt qua những vất vả là luôn có bạn bè ở cạnh.

Nguồn động viên để Thảo vượt qua những vất vả là luôn có bạn bè ở cạnh.

Chẳng việc gì dễ dàng, nấu chè cũng thế. Những lần đầu chưa có kinh nghiệm, nồi chè của Thảo không ngon cô phải đổ đi nấu lại toàn bộ. Những hôm đó coi như lỗ trắng. Còn những bữa chè ế, bạn bè phải “giải cứu chè” bằng cách qua nhà lấy về ăn dùm. 

Thất bại rồi lại cố gắng, nấu chưa ngon lần đầu thì lần sau phải nấu ngon hơn! Nhiều lúc cô gái Việt cũng nản lòng lắm nhưng lại tự nhủ không được bỏ cuộc vì bên mình vẫn còn sự giúp đỡ, động viên của những người bạn chân thành.

“Khách hàng của mình đa số là du học sinh. Các bạn ở xa đặt chè nhiều lắm, mình phải gửi chuyển phát nhanh đến. Nhiều người khen chè ngon nhưng lời chê thì cũng không ít. Mỗi người một khẩu vị khác nhau mà. Lúc đầu mình chưa có kinh nghiệm, một số bạn sau khi ăn xong còn gửi tin nhắn góp ý. Họ cũng thông cảm cho mình. Có những bạn trẻ tới mua chè ăn rồi còn đứng bán hộ mình nữa. Đáng yêu lắm”, động lực để Thảo tiếp tục duy trì “gánh” chè của mình.

“Ngủ có mơ thấy chè không con?”, mẹ Thảo nửa đùa nửa thật hỏi con gái như thế mỗi lần cô bạn gọi điện về nhà. Người mẹ nào cũng thương con, không muốn con vất vả nhưng khi đặt trong tình thế cuộc sống cần con phải cố gắng tự lập, mẹ Thảo đành chấp nhận cho con vừa học vừa bán chè ở xứ người.

Cô bạn không để trống thời gian nào trong ngày. Không học thì ra ngoài kiếm tiền, không kiếm tiền thì lại chú tâm học.

Cô bạn không để trống thời gian nào trong ngày. Không học thì ra ngoài kiếm tiền, không kiếm tiền thì lại chú tâm học.

Những người bạn cùng phòng thường xuyên “giải cứu” chè ế cho Thảo.

Những người bạn cùng phòng thường xuyên “giải cứu” chè ế cho Thảo.

Trước Thảo, nhiều du học Việt tại Nhật đã chọn cách bán chè để kiếm tiền trang trải cuộc sống tự lập. “Gánh” chè “sinh sau đẻ muộn” của cô bạn vì thế mà phải đối diện với sức ép cạnh tranh để tồn tại. Theo Thảo, chỉ có cách phải nấu chè ngon hơn và chất lượng hơn thì mới có thể thu hút khách hàng về phía mình và tồn tại lâu ở thành phố nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức như Tokyo.

Tháng 4/2018, Thảo sẽ tốt nghiệp trường tiếng, cô bạn dự định sẽ học ngành điều dưỡng tại Nhật. 9X đặt mục tiêu gắn bó với đất nước này dù cuộc sống có vất vả, vất vả nhưng tiền lương xứng đáng!

Thái Hải (SSDH) – Theo Trí Thức Trẻ

Share.

Leave A Reply