Du học sinh Việt tại Mỹ khuyên nhau ‘từ từ hãy về’

0

Sẵn sàng du học – Chuyến bay về Việt Nam hôm 22/3 bị hủy, Nguyễn Quỳnh, 24 tuổi quyết định ở lại Mỹ, lập nhóm kết nối phụ huynh, du học sinh nhằm hỗ trợ nhau.

Không ngủ 24 giờ qua, Nguyễn Quỳnh, sinh viên năm ba của một trường đại học tại bang Indiana, liên tục cầm điện thoại kiểm tra toàn bộ bài đăng, đọc hết tin nhắn ở các nhóm do em lập ra trên Facebook. Những nhóm này gồm du học sinh đã đặt vé về Việt Nam nhưng bị hủy chuyến, mắc kẹt ở một thành phố xa lạ, phụ huynh của các bạn bị kẹt, phụ huynh có con du học Mỹ, người Việt ở Mỹ và cả người Việt đi du lịch nhưng chưa thể trở về do ảnh hưởng của Covid-19.

Vừa đọc tin nhắn, Quỳnh vừa theo dõi website của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và cơ quan chức năng ở Việt Nam để cập nhật tình hình. Hễ có thông báo mới, em lại đăng tải để mọi người cùng theo dõi.

Quỳnh cũng hỗ trợ lên danh sách du học sinh hiện còn ở Mỹ nhưng có nguyện vọng về nước với lý do bất khả kháng để chuyển tới Đại sứ quán theo thông báo của cơ quan này; thu thập thông tin những bạn bị mắc kẹt tại các thành phố của Mỹ như San Francisco (bang California) để gửi tới những người đang sống ở bang đó, nhờ tìm người hỗ trợ chỗ ăn ở và phòng dịch hiệu quả.

Những việc làm này đều do Quỳnh tự nguyện. Sau chuyến bay bị hủy, mắc kẹt ở sân bay nhiều giờ, Quỳnh hiểu khó khăn du học sinh Việt đang phải trải qua.

Nguyễn Quỳnh ngồi ôm máy suốt ba ngày nay để cập nhật thông tin, kêu gọi sự hỗ trợ đối với du học sinh mắc kẹt tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Quỳnh ngồi ôm máy suốt ba ngày nay để cập nhật thông tin, kêu gọi sự hỗ trợ đối với du học sinh mắc kẹt tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quỳnh chia sẻ đã đắn đo ở lại Mỹ hay về suốt thời gian qua. Học ở bang Indiana, hiện Quỳnh thực tập tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania). Vì vậy, em phải thuê trọ cùng vài bạn khác. Ở trong nhà rất an toàn, nhưng khi ra ngoài mua thức ăn, em bị kỳ thị do đeo khẩu trang và là người châu Á. Quỳnh lo nếu nhiễm nCoV, không biết có được nhập viện hay không.

Quỳnh biết nhiều trường hợp có triệu chứng nhiễm nCoV chỉ bị yêu cầu tự cách ly chứ không được xét nghiệm hay cách ly tập trung. "Người Mỹ còn như vậy, em là người nước ngoài liệu có thể dám chắc được gì khi mình bị nặng", Quỳnh nói. Gia đình thống nhất để Quỳnh về Việt Nam, thực hiện đúng quy định cách ly vì "đó là lựa chọn an tâm nhất".

Tối 19/3, Quỳnh mua vé về Việt Nam với lịch trình Philadelphia – Dallas – Tokyo – TP HCM. Khi bay tới Dallas (bang Texas) hôm 22/3, hãng hàng không thông báo chuyến bay từ Tokyo tới TP HCM bị hủy. Dù đã liên hệ và được đại sứ quán giúp đỡ, Quỳnh vẫn không thể về nước theo đúng lịch trình.

Mắc kẹt ở sân bay 6 tiếng, Quỳnh nói chuyện với các du học sinh rơi vào hoàn cảnh như em. Rất nhiều bạn không còn chỗ ở do ký túc xá đóng cửa. Nhiều trường tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại, nhưng khuyến khích rời trường vì nếu bang ra lệnh phong tỏa, trường sẽ không hỗ trợ ăn uống được nữa.

Với một số sinh viên các trường ở vùng ngoại ô như Quỳnh, không có phương tiện cá nhân, siêu thị ở rất xa, nếu thành phố bị phong tỏa, du học sinh sẽ không biết mua đồ ăn thế nào. Có bạn bảo hiểm không hỗ trợ chi phí kiểm tra và kiểm dịch, ở lại lỡ nhiễm bệnh không biết sẽ ra sao. Có người đi du lịch bị mắc kẹt do dịch và rất nhiều trường hợp khác, ai cũng tha thiết được về nhà.

May mắn có người quen ở bang Texas, Quỳnh qua ở nhờ. Nghĩ đến những câu chuyện ở sân bay, Quỳnh không thể ngủ yên. "Em lo cho các bạn, đặc biệt học sinh THPT hay sinh viên mới qua năm đầu. Cuối cùng, em nghĩ cách lập một nhóm để mọi người thông tin, giúp đỡ nhau", Quỳnh nói.

Từ thông tin mọi người chia sẻ ở sân bay, Quỳnh nhắn tin cho từng người xin Facebook rồi tạo nhóm. Sau đó, em tìm kiếm một số phụ huynh trên nhóm của hội phụ huynh có con du học Mỹ và thêm vào. Người này thêm người kia, nguồn hỗ trợ rất nhiều và tất cả đều nắm thông tin cùng lúc. Ngoài cập nhật thông tin các chuyến bay, cách liên hệ đại sứ quán các nước, nhiều người chủ động tìm nhà hỗ trợ các em ăn ở và phòng chống dịch.

"Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng nhanh, Chính phủ đang oằn mình hỗ trợ. Các khu cách ly dần quá tải. Du học sinh về, chỗ cách ly chưa được sắp xếp sẽ gây áp lực lớn cho nhà nước và các bạn. Chưa kể, chuyến bay bị hoãn, hủy, nhỡ không may bị kẹt ở đất nước khác, phải lang thang ở sân bay sẽ rất nguy hiểm", Quỳnh nói.

Nữ sinh kêu gọi các bạn "từ từ hãy về" và được phụ huynh, du học sinh khác ủng hộ. Lãnh sự quán và đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng chung sức hỗ trợ thuê nhà cho những bạn bị kẹt ở sân bay. Tin nhắn cập nhật không ngừng bất kể ngày hay đêm. Những du học sinh từ không quen biết nhau bỗng trở nên thân thiết. Từ tên nhóm "Hội mắc kẹt", có người đề xuất đổi thành "Hội ở lại".

Một du học sinh viết: "Chúng con cảm ơn rất nhiều. Không phải bố mẹ ruột nhưng cô, chú vẫn lo lắng cho chúng con và các bạn bị kẹt như con mình. Cô chú đã giúp chúng con yên tâm". Một phụ huynh đáp lại: "Mấy ngày qua thật đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, chúng ta đã là một đại gia đình, cùng nhau bước tiếp nhé". Có phụ huynh còn chia sẻ cách làm nước chanh, gừng, mật ong để uống mỗi sáng giúp tăng sức đề kháng.

Những tin nhắn giúp du học sinh bình tĩnh và mạnh mẽ hơn. Ảnh chụp màn hình.

Những tin nhắn giúp du học sinh bình tĩnh và mạnh mẽ hơn. Ảnh chụp màn hình.

Quỳnh rất vui vì nhóm do em lập ra đã kết nối được mọi người. Nữ sinh hy vọng những bạn đang bị mắc kẹt, gặp khó khăn về chỗ ở, ăn uống và phòng dịch ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ có thể tìm tới nhóm để được mọi người hỗ trợ kịp thời. Em cũng mong du học sinh không liều lĩnh ra sân bay thời điểm này bởi nhiều nước đang đóng cửa, nhiều chuyến bay bị hủy vào phút chót.

"Khi dịch trong nước bớt căng thẳng, khu cách ly không bị quá tải, em hy vọng những trường hợp bất khả kháng phải về nước sẽ được hỗ trợ", Quỳnh nói.

Hiện Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, trong đó ở Mỹ nhiều nhất – 29.000. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hôm 23/3 khuyến cáo công dân Việt Nam hiện cư trú tại Mỹ nên tuân thủ biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại, hạn chế tối đa việc di chuyển và về nước trong thời điểm này do rủi ro lây nhiễm trên các phương tiện giao thông công cộng là rất lớn, đồng thời giúp tránh quá tải cho hệ thống y tế trong nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đối với công dân Việt Nam tại Mỹ thực sự có nhu cầu về nước vì lý do bất khả kháng, nếu không còn đường bay để về Việt Nam, Đại sứ quán đề nghị đăng ký nhu cầu. Trên cơ sở thông tin đăng ký, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Mỹ chuyển thông tin về cơ quan chức năng trong nước để cân nhắc phương án bố trí đường hàng không (theo các chuyến bay thương mại). Công dân có thể lựa chọn và tự chịu phí vận chuyển của hãng hàng không, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần cho việc cách ly tập trung.

Đến sáng 25/3, Covid-19 xuất hiện ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm bệnh là gần 423.000, trong đó, gần 19.000 người tử vong. Mỹ có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới (gần 55.000 ca), chỉ đứng sau Trung Quốc và Italy. Hiện có khoảng 29.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Hầu hết trường đại học ở quốc gia này đã đóng cửa, chuyển sang hình thức học online.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply