Du học tại chỗ: Nên hay không?

0

Sẵn sàng du học – Năm học mới cận kề nhưng nhiều phụ huynh vẫn loay hoay trong quyết định cho con đi du học hay du học tại chỗ.

du-hoc-sinh

Du học sinh trở về – những điều đáng suy ngẫm

Lâu nay, du học luôn được xem là mơ ước, là cánh cổng mở ra chân trời tri thức mới tạo nên sự thành công trong học vấn và nghề nghiệp. Chính vì thế, số lượng du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài càng tăng.

Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, năm 2016 có khoảng 130 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách Nhà nước, học bổng của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Du học tự túc chiếm đến 90%.

Theo con số thống kê mới đây được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại phiên chất vấn Kỳ họp Quốc hội ngày 6.6 cho thấy, hàng năm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu rất nhiều. Chi phí ước tính khoảng 3 – 4 tỉ USD dưới dạng các chi phí khác nhau.

Như vậy, 90% số học sinh du học tự túc, cùng nghĩa với mỗi năm gia đình các em phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng học phí, lo chi phí nhà ở, ăn mặc, đi lại… Đó là chưa kể còn những khó khăn khác như du học sinh phải làm quen với cuộc sống tự lập ở nước ngoài với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Một thực trạng nữa khiến các du học sinh trở về nước gặp khó khăn đó là khả năng hòa nhập và thích nghi với môi trường công việc. Theo khảo sát của công ty nhân sự SHD, 87% du học sinh quyết định trở về nước sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập và thích nghi với văn hóa cũng như môi trường làm việc tại các doanh nghiệp đa quốc gia, liên doanh và Việt Nam.

Con số đáng suy nghĩ này báo động một thực trạng các du học sinh thường không được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, về môi trường sống, khả năng hoà nhập khi trở về Việt Nam. Các du học sinh thường mất nhiều thời gian trong việc làm quen và củng cố kiến thức về thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian qua, liên tiếp các thông tin về du học sinh thiệt mạng ở nước ngoài đang là một nỗi lo không hề nhỏ đối với nhiều bậc phụ huynh. Những vấn đề trên đã làm dấy lên một câu hỏi lớn: Liệu du học có phải là lựa chọn toàn diện, nhất là đối với sinh viên có định hướng quay về nước lập nghiệp?

Học phí Việt Nam, trải nghiệm toàn cầu

Khắc phục những nỗi lo của du học, du học tại chỗ đang được đông đảo phụ huynh quan tâm. Thay vì phải gửi con đi học nước ngoài, phụ huynh cho con theo học giáo dục quốc tế ngay trong nước.

Hiện có rất nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh với các mức học phí cùng chương trình học tại nhiều trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điểm mạnh của các chương trình này là sự vượt trội về trình độ Anh ngữ cũng như định hướng phát triển đầy đủ phẩm chất “công dân toàn cầu” của học sinh.

Ngoài ra, các trường sẽ có sự dung hòa tính “quốc tế” và “hiểu biết về thị trường địa phương”, giữ vững được bản sắc văn hóa Việt, có sự kết hợp hài hoà thời lượng cho Chương trình quốc tế và thời lượng cho các môn Việt Nam học.

Đại diện RMIT Việt Nam, trường đại học quốc tế 100% vốn đầu tư nước ngoài Đại học RMIT (Úc) bày tỏ: Học trong nước nhưng vẫn có thể trải nghiệm chương trình học tại các trường đại học khác trên thế giới với mức học phí không đổi là hoạt động khá phổ biến với các trường đại học trên toàn cầu nhưng vẫn còn khá mới với sinh viên Việt Nam.

Để có thể trở thành sinh viên RMIT, thí sinh tại Việt Nam cũng sẽ phải tuân thủ các quy định đầu vào chặt chẽ do RMIT “mẹ” quy định như tiếng Anh đạt IELTS từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương), điểm trung bình lớp 12 phải đạt từ 7.0/10.0 trở lên, và tùy vào yêu cầu từng ngành cụ thể các bạn có thể phải nộp thêm hồ sơ năng lực khi đăng ký nhập học.

Bên cạnh những quy định của Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT Việt Nam, trường còn phải thỏa mãn được các quy định chặt chẽ của TEQSA – Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học cao đẳng Úc. Sau một năm làm quen và hòa mình vào môi trường học chuẩn quốc tế, nếu sinh viên RMIT muốn thử “tung cánh” đến những chân trời mới, các bạn có thể tham gia chương trình trao đổi sinh viên đến các trường đối tác hoặc chương trình chuyển tiếp sang RMIT Úc.

Dương Tuấn Anh – cựu sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp RMIT Việt Nam chia sẻ đã có những trải nghiệm quốc tế ngay tại Việt Nam: “Ngay từ ban đầu mình đã định sẽ làm việc ở Việt Nam, nên cần thấu hiểu môi trường trong nước càng nhiều càng tốt. Nhưng mình đặt mục tiêu làm sao vẫn có thể trải nghiệm môi trường quốc tế để hiểu về khách hàng nước ngoài. Vì thế, mình đã chọn học RMIT để có thể trải nghiệm môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam một cách trọn vẹn”, Tuấn Anh vui vẻ chia sẻ.

Tuấn Anh cho biết thêm, chi phí học cả chương trình ở Việt Nam trung bình khoảng hơn 700 triệu đồng. Chi phí này chỉ tương đương khoảng một năm học phí và chi phí sinh hoạt nếu mình học tại Úc.

“Nếu muốn có được trải nghiệm quốc tế thật sự, sinh viên học tại Việt Nam có thể tham gia chương trình trao đổi sinh viên tối đa một năm học tại một trong hơn 200 trường đối tác trên toàn cầu, với mức học phí bằng học phí đóng tại Việt Nam. Đây là điểm rất hấp dẫn đối với học tập chương trình quốc tế tại Việt Nam”, Tuấn Anh nói.

Cảnh giác với các trường “ma”, trường kém chất lượng

Đó là chia sẻ của ĐBQH khoá XIII Bùi Thị An. Bà An nhận định: “Trước hết, nhắc đến du học tại chỗ thì chắc chắn kinh tế sẽ ít tốn kém hơn. Về mặt kiến thức, nếu liên kết với trường tốt, học sinh có điều kiện tiếp cận với thầy cô giáo có kiến thức chuyên môn giỏi, phương tiện thiết bị học hiện đại, tiếp cận công nghệ mới… từ đó các em có kiến thức mới.

Ngoài ra, việc giao lưu trong môi trường quốc tế khiến cho học sinh năng động, tự tin và sáng tạo hơn”.

Tuy nhiên, không phải trường nào ở nước ngoài cũng có chất lượng cao, thậm chí có trường không bằng chất lượng đại học tại Việt Nam. ĐBQH Bùi Thị An cũng nhắc đến vụ việc hàng loạt các trường học ở Việt Nam mới đây có liên kết đào tạo chương trình và cấp bằng quốc tế với Trường quốc tế George Washington (GWIS). Đây là ngôi trường đang dấy lên nghi vấn là trường học “ma” khi Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận… nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Đáng nói, đơn vị này vẫn được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Điều này gây tâm lý xấu, ảnh hưởng tới phụ huynh, học sinh tin tưởng theo học và làm xấu đi việc du học tại chỗ.

“Du học tại chỗ hay đi học ở nước ngoài thì đều phải đảm bảo chất lượng đầu ra, đều cần phải chọn lựa những cơ sở đào tạo uy tín, được cơ quan quản lý cấp phép hay công nhận bằng cấp, chứng chỉ tại Việt Nam. Nhà nước cũng cần quản lý thật chặt các trường liên doanh hoặc các trường quốc tế đặt tại Việt Nam”, bà An nhấn mạnh.

Trong vấn đề quản lý con khi du học, bà An nhấn mạnh: Với hình thức du học tại chỗ sẽ giúp cho cha mẹ có thể quản lý, chăm sóc con tốt hơn bởi du học tại chỗ sẽ ít có khoảng cách xa. Cha mẹ có thể quan sát xem con sinh hoạt như thế nào, thời gian, giờ giấc ra sao, bạn bè chơi với ai… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hình thức. Quản lý người trẻ phải quan tâm, để ý và nắm bắt được về tâm lý, sự phát triển, đó là phương pháp của từng gia đình, thuộc nghệ thuật quản lý con cái.

Mỗi năm người Việt chi 3 đến 4 tỉ USD đi du học

Theo ông Nhạ, hàng năm số HSSV ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nhiều, với khoảng 3 – 4 tỉ USD dưới dạng các chi phí khác nhau. Giờ làm sao để thu hút được học sinh, gia đình có điều kiện, học ngay tại trong nước? Việc này bộ đã tham mưu, có chính sách khuyến khích thành phần cho giáo dục, tập trung cho giáo dục cơ bản, chất lượng cao. Điều này rất trông đợi vào các nhà đầu tư, theo hướng chuẩn quốc tế để tăng đóng góp của tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực với ngân sách. Khi sửa luật tới đây bộ rất ưu tiên vấn đề xã hội hóa.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao động

Share.

Leave A Reply