Du học tự túc khi cha mẹ không phải… đại gia

0

SSDH – Ở Việt Nam vừa kết thúc mùa thi đại học, cũng là lúc nhiều bạn trẻ lên đường đi du học. Làm thế nào với số tiền ban đầu khoảng 10-15 ngàn đô-la/năm, sinh viên có thể du học tại Mỹ?

 

Bài viết này được đúc kết từ kinh nghiệm của một số sinh viên du học tự túc với sự trợ giúp một phần của cha mẹ và nỗ lực của bản thân để đạt được những mục đích mà có nhiều tiền chưa chắc đã làm được.

 

Để tiết kiệm chi phí, thông thường sinh viên đi theo hai bước: Theo học một trường cao đẳng cộng đồng, sau 2 năm sẽ chuyển sang học ở một trường đại học 4 năm. Trong quá trình đi học, sinh viên phải tìm việc làm để trang trải các chi phí cuộc sống.

 

Du học tự túc khi cha mẹ không phải... đại gia

 

Lựa chọn số một: Trường cao đẳng cộng đồng

 

Trường cao đẳng cộng đồng (Community College – CĐCĐ) là cơ sở đào tạo 2 năm thuộc hệ thống giáo dục đại học. Ở Mỹ có 1.655 trường CĐCĐ, trong đó 1.047 là trường công và 415 trường tư, với chức năng chính là: đào tạo hai năm đầu đại học, đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên, cung cấp các khóa dự bị đại học, các khóa đào tạo cho các cơ sở công nghiệp và đào tạo từ xa.

 

Sau hai năm học, sinh viên có thể nộp đơn vào các trường đại học bốn năm để học tiếp, lấy bằng cử nhân, hoặc được cấp bằng Associate Degree và tham gia vào thị trường lao động.

 

Ưu điểm đầu tiên khi theo học CĐCĐ là tiền học phí rất thấp so với trường bốn năm. Một năm học ở trường Bunker Hill Community College chỉ khoảng 10.000 đôla, trong khi các trường đại học công 4 năm tại tiểu bang Massachusetts là 20-30 ngàn đô-la. Trường tư thì một năm có thể lên tới 40-50 ngàn đô-la.

 

Số tiền học phí thấp như vậy không có nghĩa là chất lượng đào tạo kém hơn so với các trường bốn năm. Hai năm học đầu, các khóa học cơ sở ở cả hai loại hình trường là như nhau. Giá trị của các đơn vị tín chỉ cũng được tính tương đương khi bạn chuyển từ CĐCĐ sang trường bốn

 

Lợi thế thứ hai của trường CĐCĐ là môi trường học tập. Tại đây sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới có hoàn cảnh chung như khó khăn ban đầu về tiếng Anh, khả năng hòa nhập với nền văn hóa Mỹ. Chính vì đặc điểm đó, giáo sư biết rõ sinh viên yếu ở điểm nào, cần bổ trợ kiến thức gì, và họ đáp ứng đúng yêu cầu của sinh viên ngoại quốc.

 

Nếu học ở trường bốn năm, phần lớn giáo sư coi sinh viên ngoại quốc đương nhiên phải đủ trình độ tiếng Anh để theo học ở đại học Mỹ, nên đó sẽ là thách thức rất lớn với những ai khả năng tiếng Anh còn hạn chế.

 

Có rất nhiều cơ hội, dịch vụ và các nguồn tài nguyên phong phú ở trường CĐCĐ mà không phải sinh viên nào cũng biết. Ví dụ, có nhiều học bổng không chỉ dành riêng cho sinh viên Mỹ mà cho cả sinh viên ngoại quốc. Tìm được những học bổng này và có ý chí phấn đấu thì cơ hội giành nó cho các học kỳ tiếp theo không phải là khó. Như vậy, bố mẹ sẽ đỡ một phần khoản tiền học phí như đã nêu ở trên.

 

Trường CĐCĐ thường ít sinh viên hơn so với trường bốn năm, nên giáo sư và sinh viên, sinh viên với sinh viên có cơ hội tương tác với nhau để trau dồi ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, sự hiểu biết, cảm thông và tương trợ lẫn nhau. Khả năng tạo dựng mối quan hệ tốt với giáo sư và cơ hội được họ chú ý và hỗ trợ là rất cao nếu nỗ lực, học giỏi, và trở thành sinh viên xuất sắc.

 

Môi trường của CĐCĐ khá là mở. Là trường do cộng đồng và vì cộng đồng, nên sinh viên đa dạng, phong phú về tuổi tác, ngành nghề, hoàn cảnh kinh tế, kinh nghiệm và nền tảng văn hóa. Nó không giống như hình dung về một trường đại học như ở Việt Nam là hầu như sinh viên ở độ tuổi từ 18-22.

 

Sinh viên ở CĐCĐ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, gồm cả cựu binh I-rắc, bà mẹ đơn thân, người khuyết tật, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người mới nhập cư, người vừa đi làm vừa đi học. Môi trường mở tạo cơ hội cho bạn quen biết nhiều người và học hỏi được nhiều điều nếu bạn biết cách hòa đồng với cộng đồng đa dạng đó.

 

Có nhiều việc làm để trang trải chi phí cuộc sống

 

Cơ hội việc làm có thể ở ngay trong trường: phụ đạo một số môn học mà học sinh Việt Nam khá như toán, tiếng Anh, tiếng Việt cho sinh viên khác; làm việc trong thư viện, trực văn phòng cho một số bộ môn, trung tâm nghiên cứu; trợ giúp phòng tuyển sinh vào những mùa nhập học; bán cafe trong căng-tin, nhà ăn, và cả rửa bát, dọn dẹp nhà ăn trong các trường nội trú. Những công việc này sinh viên được làm tối đa là 20 giờ/tuần trong năm học và có thể đến 40 giờ trong thời gian hè.

 

Đội ngũ cán bộ cơ hữu của CĐCĐ thường rất mỏng nên hay bị quá tải vào các mùa tuyển sinh. Vì thế trường dựa vào nguồn lực là sinh viên trong các công việc như làm thủ tục hành chính, phụ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên mới, hoặc sinh viên học yếu. Linh Tâm, người đã học tại CĐCĐ, chuyển lên trường Mount Holyoke cho biết, có những lúc cao điểm trong mùa tuyển sinh, cô làm đến 4 công việc cùng một lúc.

 

Cơ hội việc làm cũng có thể tìm thấy ở ngoài trường. Sinh viên thường làm thêm sau giờ học hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Đó là công việc chạy bàn trong các quán ăn, nhà hàng; làm trong hiệu giặt đồ và bán hàng trong các siêu thị, chợ và quán cafe. Với số tiền công trung bình là 10 đôla/giờ, sinh viên có thể trang trải tiền nhà, tiền ăn và chi phí tối thiểu cho cuộc sống.

 

Điều cần thiết nhất là ngay từ đầu kỳ học, họ phải tìm hiểu các cơ hội việc làm có sẵn trong trường, nộp đơn xin vào làm các công việc đó. Để làm người phụ đạo, họ cần phải có thư giới thiệu của giáo sư dạy môn học đó khẳng định họ có khả năng làm được việc. Với các cơ hội việc làm bên ngoài, cũng đòi hỏi một quy trình tương tự là tìm kiếm thông tin việc làm qua mọi phương tiện thông tin và các mối quan

 

Những công việc ngoài trường có thể được trả thù lao, lại cũng có công việc không thù lao như làm từ thiện trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm văn hóa cộng đồng. Tuy công việc này không kiếm được “tiền mặt”, nhưng những kinh nghiệm thu gom được không chỉ làm đẹp cho hồ sơ xin chuyển tiếp lên trường bốn năm, mà còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng sống như chăm sóc đến cộng đồng, giao tiếp trong các môi trường làm việc thực sự.

 

“Vừa học, vừa làm” mang lại nhiều lợi ích hơn “chỉ học, không làm”

 

Vừa đi học vừa đi làm là một thử thách không nhỏ đối với sinh viên. Quỹ thời gian có hạn, vậy làm thế nào để cân bằng giữa việc học và làm để vẫn đạt kết quả học tập tốt và đảm bảo sức khỏe. Nếu biết quản lý thời gian, sắp xếp công việc hợp lý, lợi ích của việc đi làm sẽ là một đền bù xứng đáng cho nỗ lực của bạn

 

Lợi ích đầu tiên dĩ nhiên là có thêm thu nhập và cơ hội tốt để kiếm được việc làm sau này. Nhiều bậc phụ huynh có khả năng lo cho con em cả tiền học và chi phí sinh hoạt tại Mỹ với mong muốn con cái mình tập trung vào học và đạt điểm trung bình tối đa là 4,0. Điều này chưa chắc đã tốt, nhất là trong môi trường năng động như nước Mỹ.

 

Cho dù sinh viên có đạt được điểm trung bình tối đa là 4,0, nhưng do thiếu kinh nghiệm làm việc trong những năm đi học thì khả năng kiếm việc làm không cao bằng những người chỉ học được 3,0 nhưng có kinh nghiệm. Những kinh nghiệm thu được khi đi làm chính là điều mà các nhà tuyển dụng sau này cần đến.

 

Lợi ích thứ hai là phát triển kỹ năng sống và trưởng thành nhanh. Phần lớn học sinh phổ thông ở Việt Nam thụ động trong giao tiếp, khi gặp phải vấn đề khó khăn họ thường tìm cách né tránh hoặc im lặng. Nhưng đã đi làm thì phải biết cách giải quyết vấn đề. Không có cách nào khác là phải quan sát, lắng nghe ý kiến về nhiều giải pháp khác nhau, chọn lựa cho mình giải pháp tối ưu.

Ví dụ, làm công việc phụ đạo về môn toán, sinh viên phải học được phương pháp sư phạm, giảng giải thật dễ hiểu, tìm ra cách trình bày đơn giản, dễ tiếp thu, có như thế công việc của mình mới được người học đánh giá cao và tiếp tục giới thiệu mình cho các khóa học

 

Đi làm ở các công ty chính là nơi thử sức để áp dụng ngay những kiến thức từ sách vở vào môi trường thực tiễn giải quyết những vấn đề mới, phức tạp hơn và có những đặc thù riêng mà sách vở chưa chắc đã đề cập

 

Đi làm còn tạo ra một môi trường mới và các mối quan hệ xã hội mới, tăng thêm tầm hiểu biết. Linh Tâm đã có cơ hội phụ đạo cho cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, qua đó cô hiểu biết hơn về lịch sử Mỹ và quan hệ Việt – Mỹ. Cô cũng đã phụ đạo cho người nhập cư từ các quốc gia khác nhau, qua đó mở rộng tầm hiểu biết về văn hóa thế giới. Làm việc trong mùa tuyển sinh với cán bộ trong trường, cô cũng có dịp quan sát và học hỏi cách quản lý hành chính và tạo dựng mối quan hệ với cán bộ trong trường

 

Mối quan hệ với đồng nghiệp là một “vốn xã hội” không nhỏ. Linh Trang, người đã từng học CĐCĐ, sau đó chuyển lên Đại học Suffolk cho biết, khi cô đi thực tập ở một tổ chức y tế, cô làm cùng với một bạn người Hoa. Trong quá trình làm việc cô nêu ý tưởng tạo ra nhóm thiết kế nhỏ. Bạn người Hoa sau này là chuyên viên chính ở một công ty tài chính vẫn nhớ đến ý tưởng đó và mời cô tham gia nhóm thiết kế tờ rơi cho công ty.

 

Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh vô cùng quan trọng khi đi làm ở Mỹ. Chính chỗ làm việc là nơi rèn rũa kỹ năng đó. Giao tiếp ở đây không chỉ gồm kĩ năng nghe và nói, mà còn viết email, gọi điện thoại trao đổi công việc và tiếp xúc với khách hàng. Đi làm, người lãnh đạo thường hướng dẫn cho bạn biết cách trình bày ý tưởng của mình thế nào, trả lời đối tác ra sao. Những câu nói nào nên nói hoặc nên tránh để làm vừa lòng đối tác.

 

Nhà tuyển dụng luôn luôn nhìn vào lý lịch của bạn với những kinh nghiệm tích cóp được trong những năm tháng học tập để có thể đi đến quyết định có nhận bạn hay không.

 

“Số tiền học phí 10.000 đôla cho một năm học có thể sẽ phù hợp với khả năng tài chính của nhiều bậc phụ huynh, tuy không phải là “đại gia” nhưng quyết tâm đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tuy nhiên, chi phí cho ăn, ở, đi lại và nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì sao? Đa số sinh viên học ở Mỹ đều phải tìm việc làm để đỡ đần bố mẹ phần chi phí cho cuộc sống.”

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Giáo Dục

 

 

Share.

Leave A Reply