SSDH – Là người sống ở Mỹ nhiều năm và với niềm đam mê du lịch ngấm vào trong máu, dự án mang một cái tên rất Việt Nam “Ăn nhờ ở đậu” của Nguyễn Minh Hiển đã được sinh ra trên đất Mỹ giúp ích cho nhiều bạn trẻ.
Gieo duyên lành nơi đất khách
“Trong thời đại Internet, ở nhà cũng có thể kết bạn qua mạng xã hội, ngắm cảnh đẹp qua màn hình. Nhưng thực tế việc gặp mặt nhau trực tiếp, ăn với nhau bữa cơm, ngồi trò chuyện cùng nhau thâu đêm giữa những người không cùng quốc tịch, văn hóa… sẽ rất khác. Bạn sẽ hiểu và có liên hệ với một con người chứ không chỉ biết và thấy con người từ xa qua dòng chữ thoại”, anh Hiển chia sẻ cảm nhận về lợi ích của việc đi du lịch.
Được sự động viên, “đặt hàng” của Ban điều hành Hội Thanh niên du học sinh Việt Nam ở Mỹ, anh Hiển bắt tay vào thực hiện dự án du lịch “Ăn nhờ ở đậu” với hai người bạn của mình là anh Dũng ở Boston và anh Nhân ở Penn State.
Ngày 12/3, dự án xây dựng mạng “Ăn nhờ ở đậu” được hoàn thiện và chính thức lên mạng. “Ăn nhờ ở đậu” là một dự án giúp cho việc đi du lịch ở nước Mỹ của du học sinh Việt Nam trở nên dễ dàng hơn nhờ sự giúp đỡ của các “thổ công, thổ địa” nơi đây.
Anh Minh Hiển (trái) và người bạn Mỹ
Đi du lịch đối với du học sinh ở một đất nước mà mình chưa quen thuộc hay khi kinh phí eo hẹp mà phải tính đến việc thuê khách sạn, xe cộ đi lại, tìm những địa điểm vui chơi… đã kìm chân không ít bạn trẻ.
“Chính vì cái tên dự án dân dã nên ban đầu khi bọn mình giới thiệu để các bạn dùng thử hệ thống với tên “Ăn nhờ ở đậu” cũng gây ra một số hiểu lầm. Một số bạn hiểu ăn nhờ, ở đậu theo nghĩa “ăn vạ, ở vật” và có sự e dè, anh Hiển giải thích về ý nghĩa cái tên của dự án.
Sau anh Hiển giải thích cặn kẽ với các thành viên: “Ăn nhờ ở đậu” mang ý nghĩa gieo duyên lành và tự do, những con chim lành bay đến báo tin vui. Dự án thể hiện sự tin tưởng có sẵn của cộng đồng, nương tựa vào cộng đồng trong hành trình trải nghiệm”.
Hệ thống cộng đồng “Ăn nhờ ở đậu” hoạt động theo nguyên tắc đơn giản và tiện dụng. Mỗi thành viên trong cộng đồng du học sinh có thể dùng facebook, yahoo hoặc gmail để đăng ký trên hệ thống của dự án mà không cần tạo tài khoản và mật mã đăng nhập (account/password).
Trên trang web của “Ăn nhờ ở đậu” có bản đồ nước Mỹ và mỗi du học sinh sẽ đăng ký “xây nhà” trên bản đồ đó. Khi có dự định đi đâu chỉ cần nhìn vào đó bạn có thể biết chủ nhà là ai (họ là những người đồng ý tham gia dự án) và từ đó kết nối xin ở nhờ hoặc hẹn gặp gỡ giao lưu.
Nếu chủ nhà không thể tiếp đón bạn vì lý do đột xuất, họ có thể cung cấp thông tin về khu vực bạn đến, về chỗ ăn đặc sản ngon giá rẻ, chỗ ở an toàn và những điểm đi chơi thú vị…
“Sự tin tưởng và an toàn luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu” – anh Hiển nói – “Sự tin tưởng được xây dựng từ hai phía khi các bạn trao đổi với nhau còn sự an toàn sẽ được dự án “Ăn nhờ ở đậu” bảo đảm.
Không phải ai cũng được xây nhà trên trang và không phải ai cũng có thể đăng ký để tham gia du lịch. Phải có một người quen biết đứng ra bảo lãnh và xác nhận chắc chắn thông tin các bạn mới được chấp nhận và sử dụng dịch vụ”.
Ý tưởng từ tuần trăng mật dài 11.000 dặm
Chủ dự án “Ăn nhờ ở đậu” Nguyễn Minh Hiển là cựu sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh đến Mỹ du học năm 2005 chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại University of Vermont.
Là một người thích đi du lịch, anh Hiển cùng vợ là chị Hoàng Khánh Hòa đã có dịp hành trình trăng mật dài 11.000 dặm vòng quanh nước Mỹ bằng ô tô vào năm 2010. “Bọn mình đã từng cắm trại ngủ giữa trời mưa ở Utah, nướng thịt trong rừng quốc gia Yellowstone, lạc và mất phương hướng giữa sa mạc cát vào buổi tối ở công viên quốc gia Great Sand Dunes ở Colorado, lái xe trong bão tuyết ở Ohio”, anh Hiển kể lại.
Trong gần chục năm ở Mỹ, anh Hiển đã đi tới 46 tiểu bang và chỉ còn 4 bang anh chưa đặt chân đến. Anh Hiển tâm sự: “Kể từ khi sang Mỹ một mình ở Vermont hiu quạnh, tôi nhận ra một điều: Thế giới xung quanh thật rộng lớn và có quá nhiều điều để khám phá.
Cuộc sống là một quá trình trải nghiệm bằng đầy đủ những giác quan và gặp gỡ những con người chứ không chỉ sống trên những trang sách và những giả định có sẵn trong đầu mình”.
Với mong muốn tạo ra một nền tảng công nghệ tốt, tiện dụng và thân thiện nhằm nhân rộng mô hình ra toàn thế giới, “Ăn nhờ ở đậu” đang không ngừng phát triển là cầu nối an toàn, tin tưởng cho mọi người.
“Hãy tham gia và kết nối khu vực của bạn với Ăn nhờ ở đậu”, đó là thông điệp mà những người thực hiện dự án muốn gửi tới tất cả các bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ và các bạn có mong muốn đi du lịch nói chung.
Nguồn: Tiền phong