Được đi du học cùng nửa kia là cả một đặc ân!

0

Sẵn sàng du học – Không còn cảnh lủi thủi một mình dưới bầu trời nước Pháp của 10 năm về trước, năm học này, mình đã cùng chồng sang Bỉ hiện thực hóa ước mơ thạc sĩ của cả hai. Và trải nghiệm đi du học cùng “better half” khác (rất khác!) so với quãng thời gian mình từng phải “sắm vai” du học sinh độc hành.

Sóng đôi từ vòng… gửi xe

Andy chồng mình là người Mỹ và không nói tiếng Pháp, do đó tiêu chí đầu tiên tụi mình đưa ra khi lựa chọn điểm đến du học là ngôn ngữ.

Phải chọn được quốc gia nào có mức học phí dành cho sinh viên quốc tế không quá cao, nơi cả hai vợ chồng đều có thể thỏa sức theo học bằng ngôn ngữ mình thông thạo, và quan trọng là uy tín về chất lượng đào tạo. Những điểm đến tụi mình ban đầu cho vào tầm ngắm là New Zealand, Na Uy, Pháp và Bỉ, để rồi Bỉ là lựa chọn cuối cùng vì đáp ứng được cả ba yếu tố ngôn ngữ (Andy học bằng tiếng Anh, mình học bằng tiếng Pháp), học phí (chỉ khoảng 4.000 euros/năm cho sinh viên quốc tế) và chất lượng đào tạo ở cả hai ngôi trường ULB và VUB đều lần lượt thuộc nhóm #51-100 và #101-150 xếp hạng đại học hàng đầu thế giới về đào tạo Chính trị, theo QS năm 2020.

Chưa kể còn một lợi thế đáng kể là Bỉ được biết đến như thủ phủ chính trị của châu Âu, là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế (Liên minh châu Âu, NATO…) nên sẽ có nhiều lợi thế cho cơ hội ngoại khóa, phát triển mạng lưới và trải nghiệm cuộc sống ở một trong những thành phố đa văn hóa nhất toàn cầu.

myhc_48157

Thống nhất địa điểm du học thật ra mới chỉ là bước khởi động của cuộc hành trình không hề đơn giản mang tên ứng tuyển và xin visa. Vì Andy học tập và làm việc trong lĩnh vực trái ngành, nên VUB đã yêu cầu Andy phải chứng minh năng lực học thuật và trải nghiệm bản thân trong lĩnh vực chính trị toàn cầu trước khi đưa ra quyết định tuyển sinh cuối cùng. Khi đó, tụi mình đã kề vai sát cánh cùng nghĩ lý lẽ để thuyết phục ban tuyển sinh. Hay, chỉ riêng việc cùng dắt nhau đi chụp ảnh thẻ, làm hồ sơ xin visa, và cùng nhau trả lời những câu hỏi của đại sứ quán Bỉ về động lực học tập cũng là những trải nghiệm đáng nhớ của hai vợ chồng.

Vì trục trặc giấy tờ chứng minh tài chính, mình đã phải đợi đến 4 tuần mới nhận được visa. Đã có những lúc mình muốn buông bỏ vì bất mãn và nhụt chí, nhưng khi Andy nói rằng “nếu em không sang học cùng, thì anh sẽ không sang Bỉ học một mình”, mình đã nhận ra mình không hề đơn độc trên hành trình thạc sĩ. Và Andy đã đưa ra lựa chọn cuối cùng : không có vợ cạnh bên thì sẽ không học hành gì cả! 

Ngày đầu tiên đi học, chồng… “dắt tay từng bước (và dỗ dành yêu thương)”

Dù là tác giả của hơn 1000 bài viết về đề tài du học cho Hotcourses Vietnam và từng có kinh nghiệm du học Pháp và Hà Lan, nhưng đặt chân đến một thành phố lạ và nhập học khi bạn bè cùng lớp đã bước sang tuần học thứ 4 cũng khiến mình gặp không ít áp lực.

Chính Andy là người đã cùng mình bắt tramway đến trường và cùng mình xếp hàng làm thủ tục nhập học hôm đầu tiên. Khi nỗi lo được chia đôi, sự bỡ ngỡ cũng nhờ vậy mà được giảm thiểu.

myhc_48156

So với năm 19 tuổi “ù ù cạc cạc” chỉ có thể hiểu được phân nửa nội dung bài giảng, ở tuổi 29, tuy ngôn ngữ đã không còn là rào cản lớn nhất, áp lực bằng cấp và bài vở có lẽ vẫn là tâm trạng chung của những ngày đầu theo học. Nhưng, ít nhất là đã có một người ngồi đó lắng nghe những tâm tư của mình mỗi tối, và buông những lời an ủi rất-chồng, đại loại : “Nếu trường không phát bằng cho em thì chỉ là vì người ta không muốn phát cho em một mẩu giấy thôi ấy mà”, hay “Không có bằng cũng không có gì thay đổi. Em mà không có bằng thì em vẫn có tình yêu của anh”. Haha.

Nhà ở một nơi xa nhà

Bạn có để ý thấy từ “nhà” trong nghĩa ngôi nhà cũng được dùng để thay thế cho nghĩa vợ/chồng trong tiếng Việt? Đi du học cùng chồng, mình nhận ra ý nghĩa thực sự của cách dùng từ này. Có chồng cạnh bên, nước Bỉ lần đầu đặt chân đến bỗng hóa thân quen.

Không còn cảnh thui thủi một mình đi chợ, nấu ăn tạm bợ hay qua loa “điệp khúc mì tôm” mỗi khi biếng lười. Đi du học cùng chồng (nhất là một người chồng khoái nấu ăn như Andy), chính là dịp để cả hai thỏa sức sáng tạo trong khâu nấu nướng, để rồi mỗi tối trên quãng đường đi bộ từ bến tàu điện về nhà, mình luôn hăm hở “không biết hôm nay chồng mình nấu gì nhỉ ?”

myhc_48158

Hoặc mỗi lần thèm hương vị Việt Nam, sẽ là một dịp để cùng nhau tìm tòi các video hướng dẫn nấu ăn, chỉ nhau từng cách pha nước chấm, ới nhau đi siêu thị châu Á để rồi mừng rỡ phát hiện người ta có bán rau muống, loại mắm nêm có thể dùng cho món bánh tráng cuốn thịt heo, hay đòn bánh tét dịp Tết gần kề…

Đi du học cùng chồng, tức là không còn phải đơn độc với những nỗi lo giấy tờ hành chính, bảo hiểm, thẻ cư trú, hay trăn trở làm thế nào để tìm bạn chia nhà hợp cạ. Những phân công việc nhà đơn giản chỉ cần được “copy & paste” vào cuộc sống mới. Tất nhiên sẽ có những thay đổi nho nhỏ về hoàn cảnh, chẳng hạn nếu ở Việt Nam chỉ cần cho đồ vào máy giặt và mang ra sân phơi, thì giờ đây bọn mình phải mang đồ đi giặt và sấy ở ngoài tiệm giặt công cộng – nhưng mọi công việc riêng-chung trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi không phải tự mình loay hoay.

Tạm biệt những bức bối vì cô đơn, nhớ nhà, hay bất mãn vì xung đột lối sống với những người bạn chia nhà. Cuộc sống du học với người thương kề cạnh nghĩa là mọi khó khăn, chùn bước, xa lạ đều bị “ngó lơ”, bỏ lại ngoài kia cánh cửa nhà.

Du học cùng chồng, mọi thứ chi phí được cưa đôi, và luôn có một người ở đó để “nhân đôi” nghi hoặc khi bạn muốn mua một đầu sách đắt đỏ. Nếu ở lần du học trước mình luôn tự bỏ tiền ra mua sách tham khảo, thì giờ đây, Andy sẽ giúp mình tìm hiểu liệu trên mạng hay tiệm sách cũ có ai bán sách đã qua sử dụng, hay liệu ở thư viện trường Andy có đầu sách mình cần tìm… Hai vợ chồng cùng nhau du học với một ngân sách chung, nên chuyện tài chính cũng sẽ có người sẻ chia lo lắng. Chồng sẽ chọn loại bia rẻ hơn, vợ không còn sắm mua tùy hứng, để rồi sau mỗi lần trải nghiệm một món Thái, món Ấn, món Hàn mới toanh, khi bước ra khỏi cánh cửa nhà hàng, sẽ cùng hẹn nhau “tuần tới không ăn nhà hàng nữa, tiết kiệm nha!”

Du học cùng chồng là “quá khứ và cả tương lai”

Mình và Andy đã có hơn một năm hôn nhân và chung sống tại Việt Nam trước khi cùng nhau đi du học, nhưng cuộc sống dưới bầu trời nước Bỉ đã giúp mình hiểu hơn về khả năng thích nghi của Andy khi sống ở một đất nước mới, về phông kiến thức phổ thông của chồng trong lĩnh vực chính trị quốc tế, về tài nghệ nấu nướng, khả năng sáng tạo những công thức ẩm thực riêng có, và quan trọng hơn cả, là có một người ở đó, thường trực 24/7, nhắc nhớ lý do chúng mình đang ở đây và phấn đấu vì điều gì.

Chẳng hạn, những hôm mình có quá nhiều bài vở cần chuẩn bị cho bài kiểm tra, Andy sẽ là người pha cà phê sữa cho vợ vào buổi sáng (dù bình thường mình là người làm công việc này), hay chốc chốc hỏi vợ có cần chồng giúp đỡ gì thêm. Những ngày bận rộn vì thi cử, Andy luôn là người chuẩn bị từng bữa ăn và lo lắng dặn mình đừng thức quá khuya. Hôm mình đi thi học kỳ một về muộn, Andy cũng đến trường đợi vợ thi ra, để là người hỏi han xem mình đã làm bài thi như thế nào. Con đường đêm về nhà trong cái rét căm căm của châu Âu vì thế mà ngắn lại.

Đi du học cùng chồng là dịp hay để đổi trao về kiến thức. Dẫu chuyên ngành cụ thể của hai vợ chồng có sự khác nhau, nhưng may mắn là tụi mình vẫn có những môn chung đụng để trao đổi với nhau. Là vợ, là chồng, tất nhiên tụi mình đều biết người còn lại quan tâm đến lĩnh vực nào, đề tài nào sẽ phù hợp để thực hiện luận văn thạc sĩ. Biết mình lo lắng về những bài kiểm tra hàng tuần của môn Bình luận thời sự chính trị, hễ đọc báo có tin tức liên quan đến chính trị toàn cầu, Andy sẽ gọi mình lại nhắn nhủ “Em đã đọc tin này chưa, có thể nó sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra cuối tuần này của em đó !”  

Những trải nghiệm học hành trước đây của người kia, đôi khi cũng là động lực phấn đấu của người còn lại ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, có lần mình biếng lười vì bài luận 15 trang cho môn “Diệt chủng”, Andy kể rằng hồi còn học cử nhân ở Mỹ, Andy từng phải viết tổng cộng 150 trang bài luận cho một học kỳ, trong khi số trang bài luận phải viết cho cả năm học ở Bỉ là 80 trang. Thế là “người vợ” thấy mình chăm chỉ trở lại.

Đúng vậy, đi du học cùng chồng là khi năng lực thích nghi và kết bạn sẽ được nhân đôi. Những người bạn cùng lớp của chồng sẽ trở thành bạn của vợ, và ngược lại. Và đó là khi những mặt tiền xinh xắn nơi kinh đô Art Nouveau của thế giới, những hoàng hôn rực sáng màu trời, những hứng khởi bé nhỏ mỗi ngày mà nguyên cớ đôi khi chỉ là một món lạ vị, một quán ăn ngon, một hàng cây giữa chừng trút lá hay đơn giản là một nụ cười của ai đó xa lạ trên đường… đều có người thương sẻ chia, chứng kiến, trải nghiệm cùng.

Và dẫu sắp tới đây bạn sẽ lên đường du học trong tình trạng “single”, “in relationship” hay “married”, mình và Andy cũng xin chúc bạn một hành trình du học hạnh phúc !

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply