Chia sẻ gây bão của bạn du học sinh về cuộc sống du học

0

Sẵn sàng du học – Tất cả là ý kiến cá nhân, cảm nhận cá nhân của mình không áp đặt lên toàn bộ du học sinh vì cái gì cũng có ngoại lệ. Không phải đọc xong là thay đổi được quyết định đi hay ở của mỗi người. Và đương nhiên mình cũng tìm hiểu rồi, cũng đọc nhiều cái tiêu cực và tích cực của nơi mình đi, cũng xác định đi là không hoàng nhoáng để không thất vọng rồi.

Du học cái giấc mơ của hàng trăm, hàng nghìn ông bố bà mẹ hay là chính giấc mơ của biết bao nhiêu sinh viên, học sinh ngoài kia. Sang một đất nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Anh, Pháp,… để được sống trong bầu không khí phát triển, tiếp xúc với người da trắng (mà tự con người ta phong cho là chủng tộc phát triển nhất, thông minh nhất và đẹp đẽ nhất), được nói được viết ngôn ngữ toàn cầu, và ty tỷ thứ tự chúng ta huyễn hoặc là nó tốt đẹp.

du-hoc

Gần đây, trong hội sinh viên nơi tôi đang học có một topic vô cùng hot của một chị nọ phân vân không biết về hay ở lại đây. Nếu về có gia đình, gần gũi nền văn hoá, quê hương của mình, còn nếu ở hàng ngày mệt mỏi đi làm rồi về chăm chồng con (cái đức tính mà người phụ nữ Việt Nam nào cũng có, mà cũng là điều mà thu hút mọi anh tây xứ này), khác biệt văn hoá không thể hoà nhập được với câu chuyện bọn nó nói, cười nói lấy lệ dù ở khá lâu và quá hiểu nền văn hoá của cái xứ này. Tôi có lướt vài cái page fb dạng như blog có bài một anh nọ đi du học vẫn vui cười lướt fb, chia sẻ học bổng này kia, nhưng cuối cùng tự tử vì trầm cảm. Rồi có bài báo "Người Việt ở Canada: Thiếu tiếng nói, cô đơn, đong đầy những nuối tiếc nơi xứ người", cái tít bài nói lên tất cả. Du học sinh ở đâu cũng thế thôi Canada, Mỹ, Pháp, Anh, Nhật,… đều được người trong nước tán dương hay ghen tỵ, người nhà thì được tự hào, tương lai sáng chói mở ra trước mắt, tháng kiếm nhiều tiền lắm đúng không, đã hốt được anh tây/em tây nào chưa. Nhưng thật ra họ đâu biết rằng du học sinh (trừ những người nhà thực sự có điều kiện cho con đi học) đang phải đánh đổi những gì, cô đơn trong 4 bức tường nhà, trong những căn phòng 10m2 với cái giá hàng chục triệu đồng, để tiết kiệm tiền ăn uống thì thấy đồ ăn còn 1 tháng hết date tranh nhau mà mua, chen chúc trên những chuyến tàu điện ngầm mất hàng giờ hàng giờ để di chuyển, đi làm bưng bê, dọn dẹp, trông trẻ, cuốn nem, giúp việc (cái nghề ở Việt Nam bị rẻ rúm nhưng kiếm được tiền mà thì cũng tranh nhau mà làm) đâu có chuyện đi học đại học mà được làm đúng cái nghề như ở Việt Nam. Rồi những người đã học xong, bám trụ ở lại phải làm lụng vất vả, đôi khi phải cố giả nghèo, giả khổ, không dám công bố mức thu nhập, chỉ để dành dụm để gửi về Việt Nam, rồi chờ hai chữ "quốc tịch" sẽ quay lại Việt Nam an hưởng tuổi già… Tán dương làm gì cái lũ chúng tôi.

Rồi hôm qua ở không sợ chó có bài tâm sự của một bạn du học sinh mới sang bị phân biệt chủng tộc, đi chợ khó khăn, cô đơn không có bạn, lạnh giá không đủ ấm. Có hai luồng ý kiến: 1 của những bạn ở Việt Nam mơ ước đi du học nghĩ đi du học màu hồng bảo mấy ngày thôi là hết là không muốn về Việt Nam, 2 là của những đứa du học sinh đứa nào đứa đấy chỉ mong muốn một chữ “Về”, đả kích người ở Việt Nam chửi chế độ, cổ xuý Tây, đề cao Tây vì đang sống ở nơi dễ dàng mà không biết hưởng. Và cái “máng lợn” Việt Nam thân yêu đối với lũ thứ 2 là thiên đường theo nghĩa đen.

Tôi may mắn được quen một vài anh chị học rất giỏi ở Anh, thậm chí còn là từng làm chủ tịch hội sinh viên ở đó nhưng rồi anh chị ý về nước và bây giờ vẫn giỏi. Những người thầy cô dạy tôi ở đại học cũng từng học ở nước ngoài rồi họ cũng về nước. Trước khi đi tôi chẳng nghĩ cũng chẳng để ý là sao họ lại về đây. Cái đất nước người ta ca thán về chế độ, mệt mỏi về dịch vụ công, hạ tầng xã hội; họ lại rời bỏ cái nơi đáng mơ ước kia để quay về "cái máng lợn" như người ở Việt Nam vẫn gọi. Thật ra khi người ta có tất cả người ta không biết trân trọng cái mình đang có.

Vậy mới thấy du học sinh hay Việt Kiều dù ở nước ngoài 6 tháng, 6 năm hay 60 năm vẫn mong từng ngày tích góp tiền bạc để ít nhất là được về thăm, về chơi hoặc về hẳn đây. Ngay đến phản động, người phe chế độ Cộng Hoà làm đủ mọi hành động không mấy hay ho nhưng suy đến cùng họ vẫn muốn về Việt Nam đường hoàng trên cái đất nước này.

"Bạn muốn khởi nghiệp và sau đó làm giàu? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn. Bạn muốn có một vị trí, chỗ đứng trong xã hội và nhận được sự kính trọng? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn.
Bạn thích cuộc sống sôi động hàng ngày, gần gũi và gắn kết gia đình và người thân? Điều đó bạn tìm thấy ở Việt Nam, không phải ở đây. Những điều này có thể bạn đã đọc hay nghe qua, và không tin lắm. 
Nhưng đó chính là sự thật, và nhiều người trong cuộc đã dũng cảm nói lên sự thật ấy."

Đúng. Bản thân tôi thấy đúng. Ở Việt Nam, tôi 22 tuổi tôi có không đủ nhiều như những người giàu có ngoài kia, nhưng tôi có tất cả những điều mà theo cái thước đo hạnh phúc và đủ đầy của xã hội. Có gia đình, có bạn bè, có người tôi yêu thương, có tiền để dành dụm, có công việc, có thu nhập, có cơ hội. Mọi thứ ở Việt Nam đều mở và dễ dàng cho một người biết chăm chỉ, biết phấn đấu. Thôi đi tư tưởng về việc học đại học nhưng không biết mình đang học gì vì học 12 năm đủ rồi đại học là nơi mở ra quan hệ xã hội, chỉ dạy người ta phương pháp thôi còn giỏi hay không phụ thuộc vào năng lực bản thân bạn. Đừng lấy con số hàng nghìn người đang học xong thất nghiệp để áp lên bản thân, đừng bảo tỷ phú bỏ học đại học vẫn giàu sao không hỏi tại sao người ta đỗ được vào các trường đại học danh tiếng. Thôi oán thán ông cảnh sát giao thông hay bác sĩ, hay cái chế độ dễ dãi của ta, mức thuế tăng hay gì vì chính những cái bất cập đấy mới giúp người ta thoải mái đầu tư bất động sản, ngoại tệ, vàng, bán hàng online,… và giàu có. Tôi không biết ở các nước khác thế nào nhưng ở Pháp không phải là cái Paris hoa lệ mà các bạn nhìn thấy qua tivi, qua các bức ảnh của những người đi du lịch. Paris là 2 thế giới với cái vỏ bọc hào nhoáng, cổ kính, một chính phủ xây dựng xã hội đa văn hoá, hội nhập, bình , nền kinh tế đang gồng gánh cho cái khối EU nhưng thế giới thứ hai tồn tại song song ngay trên những con đường ngõ phố, và ngay phía dưới mặt đất. Phải có một thần kinh thép để sống tại một quốc gia chậm chạp, kiên nhẫn, và bảo thủ như Pháp.
– Homeless rất nhiều ở ngoài đường, người hút thuốc lá cực nhiều, tắc đường hàng giờ liền, cứt chó ở đầy đường.
– Paris đẹp chỉ đẹp ở những quận trung tâm, đẹp một cách đồng nhất với kiến trúc gothic và quy hoạch theo lối kiến trúc Haussman. Khi bạn đặt chân tới quận 13, quận 14, khu vực ile de France thì nó chẳng khác nào các khu đô thị ở Việt Nam. 
– Nơi khủng khiếp và phản ánh hiện thực nhất là những bến tàu cũ kĩ, hệ thống tàu điện ngầm cũ kĩ nhất hiện nay là ở đây. Nơi mà bốc lên cái mùi khai nồng, mốc meo, ẩm thấp, tàu liên tục travaux, chật kín người, không thang máy hiện đại, homeless la liệt trên bến tàu, trên tàu. Homeless còn phát tờ rơi để xin tiền. Những bãi nôn két khô lại trên tay nắm mở tàu. Vẫn có người dọn vệ sinh, thay túi rác nhưng nếu để so với tàu điện của các nước mình đã từng đi qua như Sing, Hàn, Thái, Malaysia chắc nó chỉ sạch hơn tàu trên cao của Malaysia.
– Hệ thống hành chính công chậm chạp, nhiều tầng lớp. Gửi một lá thư tới thì không biết bao giờ hồi đáp. Mọi thì trì trệ tắc nghẽn.
– Người ta bảo con người ở đây sống chậm và nghĩ cho bản thân nên chỉ đi làm từ 8h30/9h sáng đến 4h chiều đã về, đình công lên sẵn lịch (những ngày đình công của nhân viên tàu thì ngày hôm đấy tốt nhất là nằm nhà khỏi đi đâu). Hàng quán đóng cửa lúc 7h tối. Quán cafe trung tâm thì may mắn hơn sẽ mở cửa đến 8h30, đồ ăn nhanh là 9-10h, vẫn có bar, pub hay một số thứ mở xuyên màn đêm nhưng về đa phần là đóng. Lấy đâu ra chuyện ra đường ăn một bát phở nóng, rồi đi uống cốc cafe tán chuyện cùng bạn bè đến 11h đêm. Thành phố sau 7h nó buồn hiu hắt. Vậy là chậm hay là đang trì trệ. 
– Ở Việt Nam thì oang oang lo sợ về những quả táo, quả lê nhập khẩu để 10 ngày vẫn đẹp chắc là do bơm thuốc. Nhưng thực ra ở bên này đầy táo để cả tháng vẫn tươi xanh, cam để cả tháng vẫn vàng rụm. Vâỵ có thật sự đồ Tây là an toàn. 
– Kinh đô thời trang bởi nơi đây hội tụ những nguồn cảm hứng về thời trang bất tận. Còn về phần người Paris ăn mặc không đẹp, phần lớn đi ra ngoài đường là các áo choàng đen, xám, ghi, tối màu, đơn giản, chẳng cầu kì. Nên ngưng kì vọng và ảo ảnh về Tây mặc đẹp.
– Zara à? HM à?… toàn những món đồ hàng hiệu bình dân và với thiết kế chẳng mấy đặc sắc nhưng là điều giá trị với người ở Việt Nam. Thực sự với đồng tiền đó những bộ quần áo đó là chúng ta đang bị mua hớ. Nếu có khả năng hãy mua đồ ready-to-wear của các brand đình đắm, còn không đồ may mặc trong nước biết kết hợp vẫn là rất tốt.
– Và đừng tưởng ở cái châu Âu không có mỹ phẩm, nước hoa fake mà chỉ có ở Hàn. Nhiều lắm, còn vào mời làm CTV, làm giả được cả bill chứ đừng nói là châu Âu là chuẩn nhất. Nên thấy hàng ở châu Âu mà về Việt Nam còn rẻ hơn giá web thì cũng phải đề phòng. Ở đâu cũng có đồ fake cả thôi.

Người ta đang tự đề cao Tây quá, mà coi nhẹ cái dân tộc mình sinh ra, lớn lên và rồi đi. Người không sống ở thành phố lớn như ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng muốn ở lại đây dù cuộc sống có vất vả nhưng còn tốt hơn vùng quê họ đang sống. Giống như những bạn học đại học xong muốn bám trụ nơi phố thị xa hoa và mệt mỏi Các chị lấy chồng Tây đặc biệt là lần đò thứ 2 cũng thích anh chồng Tây này hơn vì lý do rất quan trọng anh này không gia trưởng và yêu một cách dịu dàng và lãng mạn hơn. Nhưng với sự giáo dục Việt Nam hiện giờ, thế hệ đàn ông, con trai mới cũng khác nhiều rồi. Người lao động thì thích ở lại đây vì về Việt Nam với khả năng ấy sẽ không có mức lương đang giá trị như ở đây. Đi làm phụ bếp, làm nail,… cũng có thể kiếm 1500eu/ tháng và đi kèm là phúc lợi xã hội tốt vì luật bắt buộc người sử dụng lao động phải tính toán để đóng một mức thuế cao cho người lao động rồi. Vậy nên 1 bữa ăn ngoài tiệm ở đây không bao giờ có giá 30k-50k như ở Việt Nam. Rẻ nhất cũng là 4,95eu cho 1 suất Mc Donald.

Đúng đóng nhiều thuế hưởng nhiều là đúng, cơ sở hạ tầng tốt là đúng, phúc lợi xã hội, trợ cấp xã hội tốt nhưng có đôi khi dùng tiền thuế của mình làm những cái khỉ gì cũng không biết luôn. Đặc biệt vì xã hội công bằng nên thuế sẽ của mình đôi khi dùng để nuôi người vô gia cư, người thất nghiệp… và nhiều người đấy ì ra vì vẫn được ăn trong khi không phải làm. Còn Việt Nam không đóng thuế nhiều, tiền vào tay người sử dụng rồi đóng vào lúc đi bệnh viện hay sử dụng hệ thống hạ tầng công âu nó cũng là một dạng đóng thuế. Chỉ là đóng trước hay sau thôi. Người lao động thì ca tụng Tây, có thể luật ở đây ưu tiên họ hơn ở Việt Nam, công bằng với họ hơn ở Việt Nam, còn tôi chỉ muốn học thật nhanh, đi làm đủ tiền học không phải xin ai, có thêm tý vốn về với cái máng lợn tôi yêu. Ở đây đôi khi chúng tôi thiếu tiếng nói, xa lạ, không thể leo tới những nơi có địa vị xã hôi, đôi khi còn thua xa cả nhưng anh Rệp.

Khi mọi người nhìn những bức ảnh tôi lượn lờ ở vài cái bảo tàng, vài khu di tích, các kiến trúc cổ,… mặc lên vài bộ đồ bóng bảy nhưng đâu biết rằng để có thể tự an ủi bản thân mình, để có thể vơi bớt đi cái cảm giác là người vô dụng từ một đứa có khả năng kiếm tiền và địa vị xã hội bây giờ không kiếm ra đồng nào, để không cảm thấy hối hận với quyết định của mình, để vẫn thấy rằng phút giây nào đó không bị cuốn vào cái cảm giác giống như bao người xa xứ khác nên phải chụp, phải đăng lên tìm kiếm con người của mình trước đây. Chứ thực ra là ngày ngày năm dài trong cái phòng 10m2, lười di chuyển vì phụ thuộc vào tàu, bán những món đồ ăn Việt và những ngày đi lấy hàng mẹ gửi sang là vác 14-15 kg trên lưng đi bộ 2-3 cây số rồi lại ngồi tàu đến 1 tiếng-2 tiếng, là cái lúc đi về đói meo được cô cùng nhà cho cái gỏi cuốn mà lòng thấy vui sướng. Mặc dù trong đấy có rất nhiều loại rau tôi không biết ăn, những loại rau tôi từng sợ phải ăn, lúc đấy nhét vào mồm cũng thấy ngon hết. Tưởng rằng sang rồi sẽ thoả mãn được cái chân hay đi của tôi, cái mộng mơ của tôi nhưng tôi bị lây bệnh lười của cái xứ này, lười kết giao, lười tất cả mọi thứ mà trước đây tôi từng thích làm. Tỉnh dậy chỉ mong sao gọi được về nhà nghe giọng người ở nhà, lên mạng, xem tin tức ở nhà, đến cái mức ngày Việt Nam đá bóng cả nước hân hoan, mình cũng hân hoan ngồi đọc tin quên cả ăn cơm và giờ giấc.

Có hối hận đấy, có cô đơn đấy, có chùng chình, có lạc lõng đấy. Nhưng rồi lại tư nhủ rằng: Tuổi trẻ như cơn mưa rào. Dẫu biết sẽ cảm lạnh nhưng vẫn muốn tắm mưa và phải tắm thật lâu, ốm thật nặng thì mới trân trọng lúc khoẻ. Còn thực tế rằng tuổi trẻ như cơn mưa rào, mình không khôn nên mình ướt. Đi du học cũng như dùng tất cả tuổi trẻ, thanh xuân, gia đình, bạn bè, tiền bạc làm vốn liếng đánh một canh bạc. Và kết quả chung cuộc là thua phải gắng mà kiếm lại để bù. Rồi nhận ra kiếm được bao nhiêu, học được bao nhiêu thứ, đi được bao nhiêu nơi thì nhưng cái mình đã có đều thua sạch rồi. Tôi tự hỏi "Mình có ổn không?" nhưng người luôn giúp tôi trả lời lại là những người xung quanh tôi "Sẽ ổn thôi vì đây là ước mơ của cả nghìn người khác mà, cũng là ước mơ mày đã từng ước mà, hiện thực rồi, được nói ngôn ngữ toàn cầu rồi, được học hỏi văn hoá, được nâng cao kiến thức, và sẽ có một tấm bằng giá trị, tiêu những đồng tiền giá trị mà."

Ừ thì…

"Mai đào nở khắp nơi trong mắt con chúng không màu
Phố thị đèn kết hoa không đâu bằng nhà ta.

“Ở cái xứ sở mà từ đó họ đã ra đi, thực ra lại có mọi thứ và lại là nơi giữ mảnh hồn cuối cùng của họ. Lật đật ra đi, để rồi quay trở và rồi muốn khi già yếu và chết đi được đưa về Việt Nam.

Nếu bạn không là ai, không có gì ở Việt Nam, Pháp, Canada, Mỹ, Anh, Úc,… sẽ cho bạn một cuộc sống tạm đủ, nhưng nếu bạn đã có một cương vị, một cuộc sống tốt, hãy cân nhắc cho thật kỹ.”

Thái Hải (SSDH) – Theo Facebook Kang Phạm

Share.

Leave A Reply