Film Marketing học ở đâu ? Có gì vui ?

0

SSDH- Nếu bạn muốn theo đuổi lĩnh vực Marketing trong tương lai và là một mọt phim chính hiệu thì tại sao không chọn dấn thân vào công việc film marketing? Phim là sản phẩm văn hóa có nhiều đặc thù nên công việc film marketing cũng hứa hẹn có nhiều thử thách và trải nghiệm thú vị. Nếu bạn chưa hình dung được film marketing có gì khác so với những lĩnh vực thông thường thì hãy tham khảo bài viết dưới đây ngay lập tức.

1. Film marketing là làm gì?

Mục đích duy nhất của film marketing là để lôi kéo khán giả đến rạp và mua vé xem phim nhằm đem lại doanh thu cho nhà sản xuất. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được điều đó bạn sẽ phải thực hiện nhiều bước như xác địch khách hàng mục tiêu, lên kế hoạch chiến lược, phân bổ ngân sách, thực hiện kế hoạch và đánh giá mức độ hiệu quả. Nếu kết quả không như mong đợi thì bạn có thể sẽ phải xin thêm ngân sách để chạy phương án dự phòng nhằm “cứu” phim.

Các sản phẩm thông thường không bị giới hạn về thời gian chạy marketing nhưng phim chỉ có thể trụ rạp trong khoảng thời gian tối đa từ 1 đến 2 tháng. Đó là thời gian dành cho những phim ăn khách còn các tác phẩm ít sức hút hơn có thể sẽ rời rạp ngay tuần đầu tiên. Với một sản phẩm nước uống đóng chai, bạn có thể thử nhiều cách marketing từ năm này qua tháng nọ để biết phương pháp nào là hiệu quả nhưng bạn không thể làm vậy với một bộ phim. Những chiến lược đưa ra trong quá trình marketing phim phải có tiềm năng hiệu quả cao nhất vì không có nhiều cơ hội thử và sai. Như vậy có nghĩa film marketing sẽ có áp lực về thời gian nhiều hơn cũng như rủi ro thất bại cao hơn so với những sản phẩm thông thường.

2. Làm film marketing có gì vui?

Công việc marketing phim có nhiều khó khăn và thử thách nhưng bù lại cũng có những đặc thù thú vị đáng để trải nghiệm:

  • Làm việc với người nổi tiếng

Diễn viên là bộ mặt của bộ phim và là nhân tố quan trọng bậc nhất để bán được vé nên trong suốt quá trình marketing phim bạn sẽ phải làm việc trực tiếp với diễn viên để đưa ra các chiến lược marketing hiệu quả. Những đầu việc cho bạn cơ hội tiếp xúc với người nổi tiếng có thể kể đến như thực hiện các buổi phỏng vấn, tổ chức sự kiện họp fan, sản xuất clip hậu trường và vô vàn các hoạt động khác. Cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng với người nổi tiếng chắc chắn sẽ cho bạn góc nhìn và trải nghiệm mà người thường không có được.

  • Sản phẩm thay đổi liên tục

Nếu bạn làm trong bộ phận marketing cho một sản phẩm dầu gội đầu thì từ năm này qua tháng nọ bạn sẽ chỉ quảng bá cho đúng một sản phẩm đó nên đôi khi sẽ cảm thấy nhàm chán. Nhưng đối với việc marketing phim thì những đầu phim bạn phải thực hiện chiến dịch quảng bá cực kỳ đa dạng. Chỉ cần ra rạp xem phim là bạn có thể thấy cứ cuối tuần là có 3 đến 4 phim mới được phát hành. Điều này có nghĩa bạn sẽ có cơ hội được thử sức với nhiều thể loại phim ảnh từ trong đến ngoài nước suốt năm mà không sợ chán. Kể cả có chán thì một dự án phim chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian giới hạn nên không thành vấn đề.

  • Cơ hội tham dự các sự kiện sang chảnh

Phim ảnh nói chung là một lĩnh vực hào nhoáng nên thường có nhiều sự kiện sang trọng được tổ chức như liên hoan phim hoặc buổi công chiếu trong nước lẫn quốc tế. Nếu bạn đang giữ vai trò chủ chốt trong đội ngũ marketing cho một bộ phim bom tấn của Hollywood thì bạn hoàn toàn có cơ hội được nhà sản xuất tài trợ một suất đến tham dự buổi công chiếu ở khu vực Châu Á hoặc thậm chí ở Mỹ để phỏng vấn diễn viên hoặc lấy tin để lên kế hoạch chiến lược.

3. Cần có điều kiện gì để làm film marketing?

  • Niềm yêu thích phim ảnh

Khi làm film marketing, bạn không chỉ tiếp xúc với bản thân sản phẩm mà còn cọ xát với tất cả mọi khâu liên quan để tạo nên một bộ phim. Chẳng hạn như bạn có thể sẽ phải thường xuyên có mặt ở trường quay để tìm kiếm thông tin cho việc quảng bá phim hay phải dành thời gian đọc nhật ký phim trường dài trăm trang từ nước ngoài gửi về để lọc ra chi tiết có tiềm năng tạo sức hút với khán giả Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tốn nhiều công sức nên bạn phải thực sự yêu thích phim ảnh thì mới có thể “chiến đấu” hàng ngày.

  • Đa nhiệm

Mỗi tuần có khoảng 4 đến 5 phim ra rạp, vị chi hàng tháng có đến 20 phim được phát hành. Điều đó có nghĩa bạn sẽ phải chạy cùng lúc nhiều dự án film marketing khác nhau trong từng giai đoạn cụ thể để mọi thứ diễn ra đúng tiến độ. Làm nhiều việc cùng lúc là kỹ năng hết sức quan trọng để bạn có thể tồn tại trong nghề.

  • Giao tiếp

Không chỉ giao tiếp với người nổi tiếng, làm film marketing bạn còn phải chủ động tiếp cận và xây dựng mạng lưới mối quan hệ ở tất cả các kênh truyền thông có tiềm năng giúp ích cho việc quảng bá phim. Việc có mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí, thời gian thương thảo và công sức lên kế hoạch chiến lược. Vì số lượng phim ngoại quốc được phát hành ở Việt Nam khá lớn nên bạn cũng phải biết tiếng Anh để trao đổi hiệu quả với nhà sản xuất nước ngoài.

4. Muốn làm film marketing thì học ở đâu?

Marketing phim là một chuyên ngành trong lĩnh vực marketing rộng lớn nên hiện tại không có trường đại học chính quy nào chỉ dạy về marketing phim mà chỉ có các lớp ngoại khóa ngắn hạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách học chương trình Cử nhân Marketing chính quy tại các trường đại học Việt Nam rồi chọn lĩnh vực phim ảnh để làm việc và học hỏi chuyên môn.

5. Mặt trái của công việc film marketing là gì?

  • Vẫn phải marketing cho phim… dở

Không phải phim nào ra rạp cũng có chất lượng cao nên tất nhiên phận làm marketing phim chắc chắn không ít thì nhiều vẫn phải nhận những dự án phim dở. Việc phải nói tốt cho một bộ phim mà bản thân bạn đánh giá không hay là một phần của công việc bạn buộc phải chấp nhận.

  • Áp lực doanh số lớn

Chi phí để đầu tư sản xuất một bộ phim Việt Nam có chất lượng ít nhất là 20 tỷ đồng còn phim Hollywood đạt mức trăm tỷ đồng là bình thường. Số tiền đầu tư lớn nên bắt buộc lợi nhuận thu về phải cao hơn gấp nhiều lần thì mới có lời. Thời gian phim trụ rạp thường ngắn nên áp lực doanh số cho những người làm film marketing không hề nhỏ.

  • Di chuyển nhiều

Các cụm rạp chiếu phim trải dài khắp cả nước nên để lôi kéo nhiều khán giả đến rạp hết mức có thể thì bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải đích thân đến các cụm rạp từ Bắc chí Nam để tổ chức sự kiện hoặc các hoạt động tương tự để quảng bá phim. Việc được đi đây đi đó có thể là điểm cộng trong mắt những người năng động nhưng sẽ là điểm trừ với các đối tượng chỉ thích ngồi một chỗ để làm việc.

6. Cơ hội nghề nghiệp của film marketing như thế nào?

Nếu muốn dấn thân vào công việc film marketing, bạn có thể chọn đầu quân vào công ty sản xuất phim, nhà phát hành phim hoặc các cụm rạp chiếu phim. Đội ngũ film marketing ở mỗi nơi sẽ có cách vận hành khác nhau nên bạn có thể thử trải nghiệm ở cả ba chỗ để chọn ra môi trường phù hợp với mình nhất.

7. Thu nhập của người làm film marketing ra sao?

Thu nhập của người làm film marketing thường phụ thuộc vào kinh phí đầu tư của từng dự án phim nhất định. Nhưng nhìn chung chi phí để sản xuất một bộ phim Việt Nam lẫn Hollywood là rất lớn nên thù lao của vị trí film marketing thường rất hấp dẫn. Vì lương bổng phụ thuộc vào từng dự án nên có thể bạn không nhận lương tháng như thông thường mà sẽ được chi trả lương trọn gói theo dự án.

Trong film marketing có nhiều vị trí công việc khác nhau nên cách tính lương và mức thù lao sẽ có sự khác biệt lớn. Nếu bạn làm ở vị trí quản lý của đội ngũ film marketing thì thu nhập chắc chắn cao hơn so với bộ phận làm công việc kiểm tra lưu lượng khán giả đến rạp xem phim. Theo Zip Recruiter, thu nhập cho các công việc liên quan đến film marketing dao động từ 18,000 USD đến 111,500 USD/ năm. Mức thu nhập trung bình là 50,360 USD/ năm.

Tham khảo :

Food Stylist học gì và làm gì ? 

Data Analytics học gì và làm gì? 

Du học Úc nghành phi công 

 

Nguồn: hotcourses.vn

Share.

Leave A Reply