Hãy hình dung như thế này: Ma Trận – bộ phim giả tưởng hấp dẫn khán giả bởi trí tưởng tượng phong phú về một thế giới ảo, nơi mà sự sống và cái chết của con người đều được điều khiển hoàn toàn bằng ý nghĩ qua một cỗ máy – một ngày nào đó sẽ không còn ở thế giới ảo nữa, mà sẽ trở thành hiện thực. Bằng một bộ điều khiển có tên gọi Emotiv EPOC, Công ty Emotiv Systems Inc (Mỹ) đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ cảm biến này, biến những giấc mơ ảo của loài người thành hiện thực.
Bộ mũ điều khiển Emotiv EPOC có thể đọc được suy nghĩ, cảm xúc và biểu cảm của con người qua việc thu tín hiệu từ vỏ não. Sản phẩm này có cấu tạo 3 phần, mỗi phần có một bộ cảm biến với chức năng khác nhau.
Bộ cảm biến thứ nhất được đặt tên là Expressiv, có nhiệm vụ nhận dạng các biểu lộ khác nhau của con người thông qua nét mặt như nhăn trán, nháy mắt, mỉm cười hay chỉ là cái nhướn mày. Dữ liệu thu được từ cảm biến này sẽ được cung cấp cho máy tính, có thể sử dụng cho các trò chơi hóa thân và nhân vật trong trò chơi đó có thể biểu lộ các cảm xúc như con người.
Bộ cảm biến thứ 2 mang tên Affectiv, có nhiệm vụ phát hiện và thu nhận các trạng thái cảm xúc của người chơi như trạng thái hưng phấn, mệt mỏi, chán nản… Những dữ liệu này cũng được máy tính xử lý nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho các ứng dụng. Lần đầu tiên máy tính hiểu được cảm xúc của con người.
Và cuối cùng, bộ cảm biến mang tên Cognitiv cho phép người chơi dùng ý nghĩ để điều khiển các thiết bị ảo. Nó hỗ trợ cho 12 hành động thông dụng nhất như tiến, lùi, rẽ trái, phải, quay đằng sau hay nâng lên, đặt xuống.
Trong năm 2010, năm đầu tiên tung sản phẩm ra thị trường, đã có hơn 20.000 doanh nghiệp trên thế giới trở thành khách hàng của Emotiv Systems. Và ngay trong năm đó, Công ty thu được hơn 10 triệu USD và chiếm trên 70% tổng sản lượng toàn cầu về sản phẩm tương đương có chức năng điều khiển cảm xúc. Hiện tại, gần như 100% các trung tâm nghiên cứu về não bộ trên thế giới từ các trường đại học như Harvard, Lomonosov, cho đến các viện nghiên cứu hàng đầu của các hãng chế tạo máy bay Boeing, Lockheed Martin đều đang sử dụng EPOC của Emotiv Systems.
Tuy nhiên, điều đáng tự hào là bộ mũ điều khiển này là sản phẩm của nhóm 4 thành viên đồng sáng lập nên Emotiv Systems, trong đó có 2 người Việt trẻ ở Úc. Đó là Đỗ Hoài Nam (tên thường gọi là Nam Do), hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty và Lê Thái Thị Tần, người từng được nhận danh hiệu “Người Úc Trẻ” tiêu biểu của năm 1998 (giải thưởng hằng năm dành cho một công dân Úc trong độ tuổi 16-25).
Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Cơ duyên với Allan Snyder
Nam Do sinh năm 197Tin tức, tốt nghiệp ngành quản lý và kế hoạch chiến lược (Đại học RMIT). Hiện nay, anh là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng. Anh cũng từng là học sinh chuyên vật lý của Trường Trung học Phổ thông Hà Nội – Amsterdam. Năm 1995, anh giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc và sang Úc theo chương trình học dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Úc).
Năm 1999, anh và Tần thành lập SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các công ty viễn thông lớn ở Úc, châu Á và châu Âu. Từ khả năng cung cấp đường truyền cho khoảng 2.000-3.000 tin nhắn/tháng, đến năm 2003, Công ty đã đạt tới con số 50 triệu tin nhắn/tháng và trở thành nhà kinh doanh đi tiên phong và lớn ở Úc chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho hệ thống viễn thông tại quốc gia này.
Đầu năm 2003, Nam Do và Tần bán SASme và thành lập Emotiv Systems cùng 2 người Úc. “Tôi muốn trải nghiệm ở một lĩnh vực khác, mang tính đột phá về công nghệ, giúp việc giao tiếp giữa máy móc và con người ngày mỗi gần hơn”, Nam Do giải thích.
Cơ duyên này đến với Nam Do vào một buổi tối tháng 3 năm đó, khi anh được mời đến ăn tối tại nhà Giáo sư Allan Snyder, một người bạn và cũng là nhà khoa học nổi tiếng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia (Viện Hàn lâm Khoa học đầu tiên trên thế giới đã từng có những tên tuổi như Isac Newton làm Chủ tịch), người đã có nhiều phát minh, khám phá quan trọng liên quan đến não bộ con người. Năm 2001, ông Snyder nhận được giải thưởng quốc tế Marconi (giải thưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ) vì đã phát hiện ra cách thức ánh sáng truyền dọc theo sợi quang học, tạo nền tảng cho cáp quang và mạng lưới viễn thông trên toàn cầu ngày nay. Trước đó, ông Snyder cũng nhận được huy chương Harrie Massey của Viện Vật lý Anh và huy chương Thomas Rankin Lyle của Viện Hàn lâm Khoa học Úc.
Tối hôm đó, họ trò chuyện về bệnh tự kỷ ở trẻ em, một đề tài ông Snyder đang nghiên cứu. Nam Do nhớ lại: “Chúng tôi nói về việc bộ não của con người thường có 2 phần là ý thức và vô thức. Vậy làm thế nào để con người và máy tính có thể tương tác với nhau bằng cả ý thức lẫn vô thức? Điều này thật thú vị vì nó tạo cảm xúc tự nhiên, trực quan và phong phú cho người dùng máy tính”. Cuối buổi trò chuyện, họ đã quyết định cùng hợp tác thực hiện giấc mơ này. “Đó là nhiệm vụ của chúng tôi: giúp con người có thể giao tiếp với máy tính ở cả 2 trạng thái đó”, anh nói.
Anh nói tiếp: “Trong một tương lai gần, máy tính sẽ hiểu được không chỉ những câu lệnh khô khan mà cả những cảm xúc của bạn. Điều đó sẽ khiến máy tính có thể phục vụ con người một cách hiệu quả và hợp lý hơn gấp ngàn lần”.
Người thứ 4 cùng tham gia vào việc sáng lập Emotiv Systems là Neil Weste, nhà thiết kế chip nổi tiếng của Mỹ (gốc Úc) và là tác giả của bộ sách Nguyên Tắc Của Thiết Kế CMOS Và VLSI, được dùng làm tài liệu giảng dạy trong hầu hết các trường đại học đào tạo về thiết kế chip và được coi như kinh thánh của các nhà thiết kế chip trên thế giới.
Những con người tài năng đó đã kết hợp với nhau và miệt mài đầu tư nghiên cứu bộ cảm biến dùng để giao tiếp giữa máy và người.
Giấc mơ thành hiện thực
Đến đầu năm 2008, họ tuyên bố nghiên cứu thành công bộ cảm biến trên. Trước đó, tháng 3-200Tin tức, tại Hội nghị Các nhà phát triển game ở San Francisco (Mỹ), Nam Do đã giới thiệu một phần sản phẩm này và được nhiều nhà sản xuất game, nhà làm phim quan tâm đặt hàng.
Avatar, bộ phim được sản xuất theo công nghệ 3D của đạo diễn James Cameron, cũng sử dụng sản phẩm của Emotiv để thăm dò thái độ của người xem trước khi cho công chiếu trên toàn thế giới. Thiết bị của Emotiv cho thấy mức độ yêu thích và đón nhận của công chúng đối với Avatar trội hơn hẳn so với các sản phẩm khác. Và quả đúng như vậy, Avatar đã phá vỡ kỷ lục doanh thu của bộ phim Titanic (cũng do James Cameron làm đạo diễn) với 1,878 tỉ USD doanh thu.
Năm 200Tin tức, Nam Do được xếp vào top 10 doanh nhân kỹ thuật số lớn nhất nước Úc với trị giá công ty lên đến hàng trăm triệu đô-la Úc. Từ năm 2008, Emotiv chính thức được Trường Kinh doanh Harvard đưa vào giảng dạy trong chương trình MBA và Nam Do thường xuyên được mời tới giảng bài tại đây. Anh cũng là khách mời danh dự của nhiều hội nghị quốc tế lớn để thuyết trình về Emotiv. Song song đó, anh tiếp tục mở văn phòng tại Mỹ để nhảy vào thị trường điện ảnh và game ở đây. Tháng 12.2009, sau 6 năm nghiên cứu phát triển, Công ty tung ra sản phẩm đầu tiên và đến năm 2010, sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi trên khắp nước Mỹ, Úc và châu Âu.
Xác định thị trường chính là Mỹ, đặt trụ sở chính tại San Francisco, song Emotiv vẫn giữ văn phòng nghiên cứu và thí nghiệm tại Úc. Nam Do giải thích: “Chính phủ Úc có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Và chúng tôi đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, nên không có lý do gì để dời văn phòng từ Úc sang Mỹ”.
Khi được hỏi về mức hỗ trợ của Chính phủ Úc, Nam Do từ chối nói con số chính xác, nhưng anh cho biết: “Đối với những dự án nghiên cứu khoa học có tầm cỡ quốc tế, nếu đầu tư vào 1 USD, bạn sẽ được hỗ trợ thêm 1 USD nữa”.
Trên thế giới, nếu một máy đo não được đầu tư tại các bệnh viện có giá từ 50.000-200.000 USD thì bộ mũ điều khiển của Emotiv có giá chỉ từ 299-2.000 USD, trong khi sản phẩm lại được đánh giá có độ chính xác vào loại cao nhất và chỉ mất 2 phút đã có thể bắt đầu đọc phản ứng của não, so với ít nhất nửa tiếng chuẩn bị của các thiết bị khác.
Nam Do cho biết, Emotiv cạnh tranh tốt nhờ sự đột phá về mặt khoa học kỹ thuật và có giá thành thấp. Thành công về mặt khoa học của sản phẩm đã được thế giới công nhận khi EPOC có mặt trong hầu hết các viện nghiên cứu về y học và não bộ trên khắp thế giới và hiện có trên 20.000 công ty đang phát triển ứng dụng cho sản phẩm này.
Trên thực tế, Emotiv không phải là công ty duy nhất sở hữu công nghệ đọc não con người. Ở Mỹ, đã có sản phẩm tương tự của OCZ và NeuroSky. Tuy nhiên 2 công ty này tập trung vào chế tạo ứng dụng trong trò chơi chứ không tập trung vào nghiên cứu khoa học. Nam Do cho biết, Công ty chưa hề gặp khó khăn về cạnh tranh tại thị trường Mỹ và đang trong tình trạng cung không kịp cầu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2010 dự kiến vào khoảng 3-5 triệu USD doanh thu nhưng Emotiv đã bất ngờ thu về trên 10 triệu USD. Anh cho biết, với kết quả kinh doanh tốt như hiện nay, Emotiv hy vọng sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 3 năm và tham vọng anh đặt ra với Emotiv là đạt doanh thu trên 200 triệu USD vào năm 2015.
Mang âm nhạc thế giới đến Việt Nam
Thành đạt ở Mỹ và Úc, nhưng Nam Do không quên trách nhiệm với quê nhà. Cuối năm 2010, Nam Do về nước mở công ty truyền thông nhằm “mang âm nhạc thế giới đến Việt Nam” ngày càng nhiều hơn. Bằng uy tín của mình, cuối tháng 3 vừa qua, anh mời được ban nhạc nổi tiếng thế giới Backstreet Boys đến Việt Nam biểu diễn.
Sau chuyến biểu diễn đó, có nhiều lời khen chê từ khán giả đối với ban nhạc này. Thậm chí những người từng nghe các giọng ca này ở thời hoàng kim của họ tỏ ra không hài lòng. Tuy nhiên, chính ngọn lửa của ban nhạc Backstreet Boys tại các đêm biểu diễn khiến giới yêu nhạc Việt Nam cho rằng họ đã có những khoảnh khắc thăng hoa trong âm nhạc.
Nam Do cho biết, với việc làm này, anh bị lỗ vốn (anh cho biết làm điều này vì niềm đam mê âm nhạc, chứ không hẳn vì mục đích kinh doanh). Theo anh, doanh thu đạt trên 1 triệu USD chưa đủ để trả cát-sê cho ca sĩ, nói chi đến các chi phí nhập nguyên dàn âm thanh, chi phí đi lại của đoàn, hoạt động quảng bá…
“Tôi hy vọng sẽ tổ chức ít nhất 4 đêm nhạc có tầm cỡ quốc tế mỗi năm, mời những ban nhạc nổi tiếng thế giới về nước biểu diễn. Sau Backstreet Boys, biết đâu có thể là Jennifer Lopez, Linkin Park sẽ đến Việt Nam”, Nam Do chia sẻ.
Ngoài niềm đam mê âm nhạc, Nam Do còn có năng khiếu hội họa. Ngôi nhà của anh ở Hà Nội đang treo những bức tranh phong cảnh bằng bút màu với những nét vẽ tinh tế. Cha của Nam Do, ông Đỗ Hoài Dương (hiện sống tại Hà Nội), cho biết: “Nam mê vẽ từ nhỏ và đã có nhiều bức tranh có cá tính, xúc cảm đẹp”.
Bạn học cũ của Nam Do tại trường Amsterdam ngày trước nhận xét anh là một học sinh thông minh hiếm thấy. “Cậu ấy học nhiều nhưng không vắng mặt ở các buổi dã ngoại của trường. Đặc biệt, Nam có khiếu hội họa và yêu thích âm nhạc”, một người bạn của Nam Do cho biết. Theo ông Dương, anh có tư duy độc lập từ nhỏ, tự tin với quyết định của mình và không nhờ cậy cha mẹ. “Ngày bé, Nam luôn có câu hỏi tại sao cho những vấn đề đơn giản nhất. Bao nhiêu đồ chơi mua về, Nam đều tháo tung ra để thỏa trí tò mò”. Anh du học bằng học bổng của Chính phủ Úc và khi lập công ty đầu tiên ở Úc, anh đã độc lập về tài chính và không hề nhờ sự trợ giúp của gia đình.
Đáp lại lời khen của chúng tôi về những việc làm và kế hoạch lớn lao của mình, Nam Do bộc bạch: “Tôi chỉ là một trong những ví dụ cho người Việt trẻ ở nước ngoài”.
Theo 24h.com.vn