Sẵn sàng du học – Vì Covid-19 nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn về tránh dịch nhưng vẫn đảm bảo được việc học tập tại các trường Đại học trong nước. Tuy nhiên, các em sẽ gặp một số khó khăn. Đó là gì, hãy cùng SSDH xem những chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này nhé!
Du học sinh về nước học tập, khó khăn lớn nhất của các em là một số ngành học chưa có chương trình đào tạo tại Việt Nam và việc công nhận và việc công nhận văn bằng giữa các trường ĐH trong nước và nước ngoài.
Tìm chương trình phù hợp: Không khó!
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong trường hợp các ngành học mới chưa có ở Việt Nam, các em phải tìm kiếm thông tin xem trường nào cung cấp ngành, chuyên ngành, khối ngành gần nhất đối với ngành mình đang theo đuổi. Phải xem xét đầy đủ, vì nhiều khi tên ngành là vậy, nhưng mỗi trường lại sắp xếp vào các khoa khác nhau. “Tôi tin rằng, các thầy cô, nhà trường sẽ tư vấn cụ thể cho các em khi có nhu cầu”, PGS Nguyễn Thu Thủy nói.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Trừ trường hợp mang tính chất định hướng giáo dục trong một ngành cụ thể, ở một quốc gia hay phục vụ nguồn nhân lực đặc biệt, chương trình đó mới không có tính phổ cập. Còn nếu đã đào tạo để thu hút sinh viên quốc tế, nghĩa là họ tuyển dụng nguồn nhân lực có tính chất toàn cầu. Do vậy, đối tượng đi học rất rộng và mức độ phổ cập chương trình đó phải công bố quốc tế. “Với hơn 200 trường ĐH tại Việt Nam không khó khăn gì để các em tìm kiếm một chương trình đào tạo phù hợp”, GS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.
Giải tỏa nỗi lo văn bằng
Liên quan đến việc công nhận văn bằng, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) thông tin: Việc này tùy thuộc vào thỏa thuận của hai trường và đó là cả một quá trình về công nhận tín chỉ. Các em về Việt Nam và được công nhận vào học tiếp phải có hội đồng chuyên môn xem xét, để biết các em được công nhận những môn gì và phải học môn gì. Khi đáp ứng được các yêu cầu về tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhà trường cấp bằng. Theo PGS Nguyễn Phong Điền, khả năng sinh viên được cấp bằng tại trường nước ngoài phụ thuộc vào việc ký kết, hợp tác ở cấp độ nào. Có nhiều cấp độ khác nhau, cấp độ thấp nhất là trao đổi giảng viên, sinh viên trong thời gian ngắn, cho đến cấp độ có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau trong một phạm vi kiến thức nào đó. Và cấp độ cao nhất là công nhận toàn bộ chương trình và cấp song bằng, hai văn bằng ở hai nơi.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Tiến Thảo phân tích: Sẽ có các trường hợp: Trường ĐH ở Việt Nam hoặc trường ĐH ở nước ngoài cấp bằng, hoặc cấp bằng song song tại nước ngoài và Việt Nam. Sinh viên chỉ cần chọn chương trình và nhà trường sẽ có tư vấn.
Trường hợp thứ hai, sinh viên năm cuối trở về nước và theo học ở Việt Nam thì nơi nào cấp bằng. Về vấn đề này, một số nước quy định sinh viên phải học bao nhiêu phần trăm thời gian ở trường ĐH người ta mới cấp bằng. Trong trường hợp này, đối với ĐH Quốc gia Hà Nội, những sinh viên năm thứ tư, nếu đăng ký chuyển trường hẳn và học chương trình đào tạo chuẩn mà ĐH Quốc gia cấp bằng là khó vì trong quy chế đào tạo đầu ra không cho phép sinh viên chuyển trường năm cuối.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Tiến Thảo, chúng ta không nên phức tạp hóa vấn đề. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các trường đều ủng hộ sinh viên, khi trường sở tại chấp nhận, các em chỉ cần lấy kết quả tại trường ĐH ở Việt Nam nộp sang trường sở tại là hoàn thành khóa học. Ở các trường ĐH, chưa nói đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đối với bậc cử nhân, hầu hết sinh viên kết thúc các học phần là tích lũy đủ tín chỉ và có thể tốt nghiệp. “Tôi tin các trường sẽ kiểm tra thứ hạng, mức độ quốc tế hóa của trường ĐH để công nhận chứng chỉ tương đương và các em vẫn nhận được bằng tốt nghiệp ở các trường mà mình đăng ký”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, việc công nhận văn bằng còn tùy thuộc vào chương trình du học sinh và sinh viên quốc tế lựa chọn để vào học. Sau đó phía nhà trường xem xét mức độ tiếp nhận như thế nào và tùy vào chương trình liên kết các em đang muốn lựa chọn. Có trường hợp, chương trình do trường đối tác cấp bằng, có trường hợp trường ở Việt Nam cấp bằng và cũng có trường hợp cả hai trường cùng cấp song bằng. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên thông qua hợp đồng cũng như thỏa thuận hợp tác.
“Trong trường hợp sinh viên muốn được cấp bằng của trường nước ngoài đã học gần hết, tôi nghĩ các em phải làm thủ tục bảo lưu đối với trường nước ngoài nếu như hai trường chưa có thỏa thuận. Thời gian ở Việt Nam có thể tích lũy thêm tín chỉ để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, có thể quay trở lại nước sở tại hoàn thiện nốt chương trình đó.
Vì vậy, sinh viên phải chủ động liên hệ với trường nước ngoài để có tư vấn. Đồng thời liên hệ với Bộ GD&ĐT, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước sở tại để có đầy đủ thông tin và đưa ra quyết định đúng đắn nhất” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Có khoảng 78% các ngành gần hoặc ngành phù hợp. Trong quá trình chuyển tải dịch thuật, có những chương trình, ngôn từ dịch không sát nghĩa. Vì vậy, sinh viên có thể liên lạc với trường ĐH, đội ngũ cán bộ tư vấn tuyển sinh để được thông tin thêm nội hàm chương trình đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo… GS.TS Nguyễn Tiến Thảo
Theo GDTĐ