Sẵn sàng du học – Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành nhân tố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Đây là xu thế tất yếu mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Ngành giáo dục của đất nước đông dân nhất thế giới này đang có những bước đi thích hợp trong việc đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực này.
Nhiều hứa hẹn
Liu Mengyuan bắt đầu nghề nghiệp trong mơ của mình về thương mại điện tử xuyên biên giới sau khi cô hoàn thành khóa học hai năm tại Trường chuyên nghiệp Ngoại thương Zhenhua ở Thượng Hải. “Tôi có được kiến thức chuyên môn trong ngành, liên quan đến sản phẩm trực tuyến, tính toán cước phí quốc tế, thị trường nước ngoài và khách hàng. Thật khó khăn nhưng hấp dẫn. Qua nghiên cứu các nền tảng thương mại điện tử, tôi có thể học cách cải thiện dịch vụ khách hàng ở các thị trường khác nhau”- Liu Mengyuan cho biết.
Cô gái 16 tuổi này là một trong những sinh viên đầu tiên học chuyên về thương mại điện tử xuyên biên giới, sau khi trường cô thí điểm chuyên ngành cùng với Trường Bách khoa Sipo Thượng Hải vào năm 2017.
Theo ông Dong Yonghua – Hiệu trưởng trường thương mại, chuyên ngành được thiết kế để giúp sinh viên phát triển các kỹ năng đòi hỏi bởi công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các trường học cũng hợp tác với các công ty môi giới khách hàng và thương mại điện tử địa phương để tạo cho sinh viên cơ hội thực hành.
“Nhu cầu về chuyên gia trong thương mại điện tử xuyên biên giới đang tăng lên khi ngành công nghiệp này phát triển nhanh chóng trong nước với việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường và các khu vực thương mại tự do”, Dong nói, “Sinh viên trong các chuyên ngành khác như thương mại quốc tế hoặc tiếng Anh thương mại có thể thiếu các kỹ năng thực tế về thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Vào tháng 6, thương mại điện tử xuyên biên giới đã chính thức được liệt kê là một trong 46 chuyên ngành mới tại các trường trung học chuyên nghiệp. “Đó là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và tôi rất vui vì đã có một sự lựa chọn nghề nghiệp tốt”, Liu Mengyuan nói.
Theo báo cáo của 100 EC, một trung tâm truyền thông và nghiên cứu thương mại điện tử, tại Trung Quốc, tổng giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 9 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,3 nghìn tỷ USD) trong năm 2018, so với 3,15 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2013.
Thị trường mới nổi trên cũng được phản ánh bởi những động thái mang tính chiến lược của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Chẳng hạn, tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế được tổ chức tại Thượng Hải cuối năm 2018, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba công bố sẽ đạt mục tiêu 1,43 nghìn tỷ nhân dân tệ trong lĩnh vực nhập khẩu trong vòng 5 năm. Kế hoạch cho thấy tiềm năng to lớn về nhu cầu chuyên gia thuộc lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới trong tương lai.
“Trong tình hình này, các chuyên ngành tại những trường dạy nghề cần được thành lập để có thể kết nối hiệu quả giữa trường học và thị trường”, ông Yao Dawei, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Sipo Thượng Hải nói.
Mở rộng đào tạo
Trên thực tế, trong những năm gần đây trên toàn quốc, việc đào tạo các tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới đã được thực hiện.Theo hiệu trưởng Yao, thương mại điện tử xuyên biên giới đã được đưa vào như các chuyên ngành tại một số trường dạy nghề ở Trung Quốc, chẳng hạn như Học viện Ngoại ngữ và Kinh doanh Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, Trung tâm Dạy nghề Yinzhou ở Ningbo, tỉnh Chiết Giang và Trường thương mại Thượng Hải.
Ông Dong nói: “Chương trình giảng dạy thương mại xuyên biên giới phải phù hợp với thực tiễn của ngành công nghiệp và nhu cầu xã hội, bao gồm dịch vụ khách hàng, theo dõi hợp đồng và luật thương mại quốc tế. Ngoài ra, khả năng sử dụng tiếng Anh thương mại và vận hành các nền tảng thương mại điện tử song ngữ là rất quan trọng trong việc giao dịch với khách hàng toàn cầu. Nói cách khác, kiến thức về thương mại quốc tế và thương mại điện tử là rất cần thiết”.
Ý kiến của ông Dong được tán đồng bởi Liu Junbin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy thương mại điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Chiết Giang: “Xuất khẩu thương mại điện tử, liên quan đến thủ tục hải quan, logistic quốc tế, tính toán tỷ giá hối đoái và nhiều vấn đề liên quan đến đa văn hóa, phức tạp hơn so với nhập khẩu thương mại điện tử và thương mại điện tử truyền thống trong nước, đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn”.
Ông Liu cũng lưu ý, công nghệ tiên tiến, bao gồm Internet và các thiết bị dịch thuật hỗ trợ giáo dục cũng giúp cho việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề bậc trung học dễ dàng hơn nhiều. Mặc dù nhu cầu cao, ngành giáo dục đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghiệp. Tại Thượng Hải, chỉ có một số trường dạy nghề Cao đẳng và Trung cấp đã thiết lập các khóa học liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Chúng tôi cần nhiều giáo viên có cả kinh nghiệm trong công việc lẫn kiến thức lý thuyết về thương mại điện tử xuyên biên giới”, Dong nói, “Sự hợp tác giữa các trường và các công ty trong ngành công gnhiệp cần được tăng cường hơn nữa để mang đến cho sinh viên cơ hội thực hành những gì đã học”.
Cho rằng thương mại điện tử xuyên biên giới là một chuyên ngành thực tiễn, nhưng ông Liu cho rằng không phải tất cả các trường dạy nghề ở Trung Quốc đều phù hợp để thành lập ngành học này. Ông đề nghị các trường dạy nghề mở khóa đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa của các nước nằm trong mục tiêu xuất khẩu để học viên thuận lợi hơn khi đăng ký theo học chuyên ngành mới này.
Tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế được tổ chức tại Thượng Hải cuối năm 2018, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba công bố sẽ đạt mục tiêu 1,43 nghìn tỷ nhân dân tệ trong lĩnh vực nhập khẩu trong vòng 5 năm. Kế hoạch cho thấy tiềm năng to lớn về nhu cầu chuyên gia thuộc lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới trong tương lai.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress