SSDH – Cái gì cũng thế, biết nguyên nhân thì mới mong có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, bạn hãy tự soi bản thân xem đang có “vấn đề” gì với những môn học thuộc lòng hay không nhé.
Nguyên nhân gây ra bệnh là gì?
Có thể là do trong quá trình học bạn không tập trung, chưa nắm chắc cốt lõi của bài học, không có hứng thú với việc ngồi đọc và cố thuộc những con chữ, hay đơn giản là vì bạn… nuốt không vào.
Như M.Trang (18 tuổi) chia sẻ: “Mình học bài rất lâu thuộc, cũng không biết lý do vì sao. Đã thử học nhiều cách nhưng vẫn không cải thiện được là bao. Vì thế, những môn về lý thuyết này nọ tớ không thích học vì điểm lúc nào cũng thấp lè tè”.
Cái gì cũng thế, biết nguyên nhân thì mới mong có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, bạn hãy tự soi bản thân xem đang có “vấn đề” gì với những môn học bài hay không.
Hãy học một cách nghiêm túc nhất
Hầu hết lý do khiến bạn không thuộc được bài chính là bạn không tập trung vào việc học của mình. Khi học, hãy bỏ qua tất cả mọi thứ xung quanh đi, như là nhắn tin, check Facebook… Những việc vặt như thế sẽ làm quá trình tiếp thu bài vở bị ngưng giữa chừng nên bạn sẽ khó “nuốt” được sau đó nữa. Nếu muốn tiếp tục thì phải “nhai” lại từ đầu.
Thêm vào đó, là bạn không nên “học chay”. Có nghĩa là chỉ ngồi đọc và đọc như một cái máy. Như thế sẽ rất nhàm chán và… buồn ngủ. Đọc càng nhiều thì càng khó và lâu thuộc vô cùng. Hãy vẽ ra sơ đồ tư duy, viết ra giấy các ý chính bắt buộc phải nhớ, còn lại những chi tiết lan man không cần thiết nhớ thì bạn chẳng cần phải nhớ để làm gì đâu.
Nghe giảng nhiều hơn
“Tớ biết tớ chậm thuộc bài, nhất là Sinh, Sử…Nên trong quá trình cô giáo giảng bài, tớ cố gắng nghe cô nói những chi tiết quan trọng và ghi nháp vào giấy. Sau đó, tối về nhà sẽ đọc lại những gì ngày hôm đó đã được học trên lớp, hôm sau có lại môn đấy thì lại tiếp tục học 1 -2 lần nữa, vài lần như thế thì con chữ sẽ thành quen thôi” – Phương (17 tuổi) cho biết.
Đôi khi, nghe giảng chỉ nửa giờ đồng hồ còn tốt hơn cả mấy lần so với việc bạn ngồi đọc bài hàng giờ đấy. Nghe giảng chính cũng chính là thuốc bổ cho căn bệnh này. Vì trong quá trình nghe giảng, những gì cần nhớ sẽ được giáo viên nhấn mạnh và cụ thể hơn. Với cả việc nghe giảng chính là bước đầu của quá trình học bài, và khi ở nhà, chính nó làm nền tảng để bạn có thể đọc lại những gì đã được nghe, từ đó giúp bạn thuộc bài nhanh hơn, vì khi mãi nhai đi nhai lại một thứ gì đó sẽ khiến bạn dễ ghi nhớ hơn.
Không ghét việc học bài
Bạn khó thuộc bài nên bạn ghét việc học bài, ghét luôn cả môn học đấy là dễ hiểu. Nhưng đó chính là điều sai lầm. Vì khi bạn ghét nó, khi học bạn sẽ chẳng bao giờ thấy hứng thú cả. Mà đã bị khó thuộc rồi lại thêm không hứng thú gì nữa thì nguy cơ bị tạch là rất cao. Hãy rèn luyện cho mình tính kiên trì bạn nhé, người ta nhanh thuộc thì họ chỉ cần đọc qua đôi ba lần. Còn mình chưa thể “nuốt” trôi ngay thì có thể “nuốt” từ từ, 5 lần chưa được thì có thể lên 10 lần. Chỉ cần bạn cố gắng là được. Chậm là chắc luôn là khẩu hiệu đứng đầu.
Không có khái niệm học đối phó
Những bạn chậm thuộc bài gọi học đối phó là phương pháp học tập của mình. Nhưng, học đối phó thì rất dễ, và cũng rất dễ để quên ngay sau đó. Vì thế, đừng bao giờ học đối phó với thầy cô, hãy hiểu cốt lõi bài trước khi học để nắm bài chắc chắn. Để khi nhắc đến một vấn đề nào đó bạn đã từng được học thì bạn sẽ nhớ ra điều ấy ngay. Nhưng khi học đối phó thì tất cả núi lý thuyết bạn “nuốt” vào tối nay, sáng mai trả bài xong, trưa tan lớp là sẽ “rơi” đâu mất hết. Thế là bạn phải mất công học lại từ đầu, mất thời gian và công sức vô cùng và còn tự hại bản thân mình.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Kênh 14