SSDH – Từ năm 3 tuổi, Minh Khuê đã được tiếp xúc với văn hóa các nước qua chuyện cổ tích, phim hoạt hình, món ăn; sau đó là những khóa học tiếng Anh, hội họa, âm nhạc, múa… để có thể hòa nhập tốt trong môi trường quốc tế.
Là bà mẹ nổi tiếng trong việc nuôi dạy con, chị Hồ Thị Hải Âu (tác giả cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu) cho biết, du học không phải là con đường trải thảm đỏ. Để con gái nhận được học bổng 320.000 USD (tương đương 7 tỷ đồng) của Đại học Havard, mẹ con chị đã có hơn 14 năm chuẩn bị.
Ngay từ khi con 3 tuổi, thay vì chỉ xoay quanh câu chuyện cổ tích Việt Nam, chị kể cho con gái Minh Khuê chuyện cổ tích của nhiều nước, xem những bộ phim hoạt hình của Wal Disney… Chị cũng dẫn con đi thưởng thức các món ăn, giới thiệu tập tục văn hóa của nhiều nước. Những câu chuyện nước ngoài dần ngấm vào cô bé, khơi gợi hứng thú khám phá những miền đất mới.
Xác định để hội nhập với bạn bè quốc tế, con cần phát triển toàn diện, ngoài kiến thức ở trường, chị Hải Âu khuyến khích con gái học thêm hội họa, âm nhạc, nhảy múa, cờ vua, cờ tướng. Tới năm lớp 6, khi Minh Khuê tham gia chuyến học 10 tuần ở Anh, cô bé đã thực sự mơ ước được quay lại Anh du học.
Chị Hải Âu cũng chủ động cho con gái theo học tiếng Anh ở trường và ở trung tâm từ nhỏ. Lên cấp 2 Minh Khuê được mẹ định hướng theo học lớp chuyên Anh của THCS Giảng Võ. Ở môi trường này, con gái chị đã giành được rất nhiều giải thưởng từ cấp trường tới cấp thành phố về tiếng Anh.
Sau hơn 14 năm chuẩn bị, hai mẹ con chị Hồ Thị Hải Âu gặt được không ít thành quả khi Minh Khuê con gái chị được nhận vào Đại học Havard học. Ảnh: NVCC
Khi con xác định được hướng du học, chị Hải Âu luôn nhắc nhở rằng đó không phải là con đường trải thảm đỏ, con sẽ gặp rất nhiều thử thách và áp lực ở môi trường mới. “Nhiều bạn khi du học nhưng không hòa nhập được nên chỉ xoay quanh việc lên lớp và ký túc xá, chỉ chơi một nhóm với vài người Việt thôi thì việc giao tiếp sẽ bị thu hẹp lại”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Nhằm rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực, bản lĩnh đối phó với những khó khăn khi du học, chị Hải Âu cho con tham gia hàng trăm cuộc thi lớn bé từ cấp trường tới cấp quốc tế. Là học sinh chuyên Toán nhưng Minh Khuê được mẹ khuyến khích học đều tất cả môn và tham gia tranh tài trong nhiều lĩnh vực khác như Văn, Sử, Địa, hội họa, âm nhạc…
“Phần lớn khi tham gia các cuộc thi Minh Khuê không giành được giải thưởng nào, nhưng thay vì buồn rầu tôi dạy con biết bình tĩnh, kiên nhẫn và không nên chủ quan, chỉ xem các kỳ thi là những cuộc tập dượt cho những kỳ thi quan trọng sau này”, người mẹ chia sẻ.
Khuê cũng được học bơi, nhảy Latinh để rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai. Việc học nhảy Latinh đều đặn giúp thân hình con gái trở nên mềm mại, tăng sức bền và giúp Minh Khuê tự tin hòa nhập được với bạn bè trong các cuộc vui.
Với sự chuẩn bị bài bản suốt 14 năm, Minh Khuê (học sinh chuyên Toán trường THPT Hà Nội – Amsterdam) trở thành nữ sinh giỏi toàn diện. Về âm nhạc và hội họa, em từng đạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc năm 2010. Cô bé sau đó thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật của mình là đêm hòa nhạc “Giai điệu mùa hạ” và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác.
Cũng mong muốn cho con được tiếp thu nền giáo dục quốc tế, chị Quỳnh Mai (TP HCM) ngoài việc hướng dẫn con trai học tốt để đạt thành tích cao ở lớp còn chuẩn bị nhiều kỹ năng cần thiết. Quan trọng nhất theo chị là khả năng tự lập. Cha mẹ thường xuyên đi công tác nên từ lúc 3 tuổi, Nguyễn – con trai chị đã ở nhà một mình, cậu bé được mẹ dạy những gì được phép làm. 5 tuổi Nguyễn được mẹ hướng dẫn tự giặt áo quần của mình, dọn sách vở, đồ chơi, đồ ăn uống… Lên cấp 2, mặc dù trường học cách nhà khá xa nhưng Nguyễn được mẹ dạy cách tham gia giao thông an toàn và tự đi xe đạp tới trường.
Lên 10 tuổi, Nguyễn đã có thể một mình đi máy bay từ TP HCM ra Hà Nội. Đặc biệt mỗi lần công tác nước ngoài, chị Mai thường cho con đi theo để “huấn luyện”. Thay vì lo hết thì chị để Nguyễn tự thu xếp đồ đạc, làm thủ tục ở sân bay. Nguyễn được đi tham quan các trường học ở Mỹ để tìm hiểu về nền giáo dục nước này. Khi lớn hơn chút nữa, cậu bé được mẹ dạy nấu ăn và làm việc nhà.
Để hòa nhập quốc tế, không thể thiếu khả năng ngoại ngữ. Ngay từ khi học mầm non, Nguyễn đã được tiếp xúc với tiếng Anh. Đầu tiên chị Mai hướng dẫn con học những từ đơn giản, khi được 6 tuổi cho theo học ở trung tâm gần nhà. Sau đó với khả năng vượt trội, những trung tâm gần nhà không đáp ứng được, chị Mai xin cho con theo học ở trung tâm lớn. Thậm chí, khi hết lớp tiếng Anh dành cho thiếu nhi, Nguyễn vào học chung với các anh chị lớn tuổi. Nguyễn sau đó nhiều lần đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh của quận.
Cũng như chị Hải Âu, chị Mai rất quan tâm tới sự phát triển năng khiếu của con để tăng khả năng hòa nhập trong môi trường quốc tế. Ngay từ khi 4 tuổi, thấy con thích nghe piano và có năng khiếu âm nhạc, chị Mai quyết định cho con trai học. Với đam mê và năng khiếu đặc biệt, 9 tuổi cậu bé thi đậu vào Nhạc viện TP HCM. Song song với việc học ở lớp, Nguyễn phải sắp xếp thời gian đều đặn tới Nhạc viện để theo học piano.
“Việc cùng lúc học nhiều thứ như vậy cả con và tôi đều rất vất vả, nhưng thực sự không còn lựa chọn nào khác vì muốn học được ở Mỹ thì con bạn cần phát triển toàn diện và đặc biệt là phải có một năng khiếu nào đó”, chị Mai tâm sự.
Sau khi chuẩn bị các khoản cần thiết, từ năm lớp 8 chị Mai hướng dẫn con thi tìm học bổng. Với bộ hồ sơ được chuẩn bị khá đẹp từ điểm số ở trường, khả năng ngoại ngữ, năng khiếu cũng như các hoạt động xã hội, Nguyễn được khá nhiều trường đồng ý cho 50-70% học bổng. Tuy nhiên, phải đầu năm lớp 10 (15 tuổi), Nguyễn mới quyết định chọn trường nội trú Riverside Military Academy School (bang Georgia, Mỹ) để theo học bậc THPT.
Được chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày nhập học Nguyễn một mình xách balo từ Việt Nam bay sang Mỹ nhập trường.
Nguồn: Vnexpress