Sẵn sàng du học – Đặc quyền của ngày Cá tháng Tư đó là được "sản xuất" ra những cú lừa mà không phải hứng chịu cơn giận của “nạn nhân”, bất kể bạn từ nơi nào trên thế giới.
Pháp và những chú "cá"
Theo người Pháp, chỉ những chú cá ngốc nghếch mới bị bắt vào ngày này. Chính vì vậy, mọi người thường trêu đùa bạn bè bằng cách dán hình cá làm từ giấy vào sau lưng họ. Tất nhiên, nạn nhân của trò đùa chỉ nhận ra sau khi nếm đủ những tràng cười từ mọi người xung quanh. Ngoài ra, người Pháp còn có truyền thống tặng kẹo chocolate hình cá cho bạn bè của mình.
Ở Anh, chơi khăm cũng cần để ý thời gian
Một trong những truyền thống của nước này là bạn chỉ được bày ra những trò chơi khăm hay nói đùa trong vòng nửa ngày. Với nửa ngày còn lại, đừng lừa hay trêu ai đấy nhé, vì nếu làm thế bạn sẽ trở thành “Kẻ lừa đảo tháng Tư” ngay lập tức.
Chào cá tháng Tư bằng bột màu ở Ấn Độ
Người Ấn Độ đón cá tháng Tư thông qua lễ hội Holi được tổ chức vào ngày 31/3. Người tham gia sẽ ném bột màu và nước vào nhau, đồng thời dành thời gian để thực hiện những trò nói dối của mình.
Hơn nữa, Cá tháng Tư khá phổ biến ở Ấn Độ và thậm chí còn có một bộ phim mang tên April Fool cũng rất nổi tiếng ở nước này.
Người Iran sẽ bị ăn quả lừa ngay dịp năm mới?
Lý do là ngày nói dối sẽ được tổ chức vào ngày thứ 13 của năm mới Ba Tư – năm mới truyền thống của Iran. Ngày này được gọi là Sizdah Be-dar, cũng là ngày nói dối truyền thống tồn tại lâu nhất trên thế giới. Chính vì vậy, Iran thường bị hiểu lầm là cội nguồn của ngày Cá tháng Tư.
Ngày nói dối ở Ả Rập Xê-út chỉ dành cho những người không đáng tin
Thực tế, Ả Rập Xê-út cho rằng người Hồi giáo nên kiêng đón ngày Cá tháng Tư. Theo họ, nói dối chỉ dành cho 3 trường hợp đặc biệt, trong đó không bao gồm chuyện chơi khăm bạn bè như truyền thống ngày Cá tháng Tư.
Scotland dành hai ngày để săn những "kẻ ngốc"
Ngày nói dối là một ngày lễ lớn ở Scotland, còn có tên riêng là Hunt the Gowk Day – Ngày săn những kẻ ngốc và được tổ chức trong hai ngày liên tiếp là 1 – 2/4. Ngày thứ nhất, người Scotland sẽ lừa hoặc chơi khăm để đẩy ai đó vào tình huống vô cùng xấu hổ. Ngày thứ hai, "nạn nhân" sẽ bị dán tờ giấy có ghi chữ “đá tôi” và nhận những cú đá vào mông.
Người Đan Mạch và Thụy Điển cũng cảm thấy một ngày Cá tháng tư là không đủ. Họ dành ngày cuối cùng của tháng Tư hoặc ngày đầu tiên của tháng Năm để làm ngày Cá tháng Tư thứ hai.
Trò đùa ở Mỹ La-tinh mà thật lâu sau bạn mới biết
Ở nước này, mọi người sẽ chơi khăm nhau bằng cách hỏi mượn tiền một ai đó. “Nạn nhân” sẽ không biết mình đang bị chơi khăm cho đến khi đòi lại tiền vào một ngày khác và nhận được câu trả lời rằng đó chỉ là trò đùa trong Ngày nói dối. Tất nhiên là số tiền nhỏ xíu, không làm ảnh hưởng đến bất cứ điều gì đâu nhé!
Cá Domino (SSDH) – Theo hoahoctro