SSDH- Vì sao nên học Nghệ thuật biểu diễn? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các nội dung trong chương trình giảng dạy, và triển vọng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn.
1. Cơ hội việc làm với tấm bằng Nghệ thuật biểu diễn
Đa số sinh viên theo học nghệ thuật biểu diễn ở đại học đều có chung niềm đam mê biểu diễn. Tuy nhiên, không phải mọi sinh viên tốt nghiệp đều có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trên sân khấu, màn ảnh hay truyền hình. Với niềm đam mê đối với ngành và nhiều kỹ năng được rèn luyện trong suốt quá trình học, sinh viên tốt nghiệp ngành này có rất nhiều lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp.
Một số nghề nghiệp phổ biến cho sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn bao gồm:
- Diễn viên (sân khấu hoặc màn ảnh)
- Vũ công
- Đạo diễn
- Ca sĩ
- Quản lý sân khấu
- Nhà trị liệu
- Giảng viên
2. Nghệ thuật biểu diễn là gì?
Nghệ thuật Biểu diễn là một hình thức hoạt động sáng tạo được biểu diễn trước khán giả, bao gồm kịch, âm nhạc và khiêu vũ. Các bằng cấp liên quan đến nghệ thuật biểu diễn đều có tính thực tiễn cao, giúp bạn chuẩn bị đủ các kiến thức và kỹ năng liên ngành trước khi bước vào ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao này.
Nghệ thuật biểu diễn bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như: diễn xuất, khiêu vũ, lồng tiếng, sân khấu thể chất, sân khấu âm nhạc, thiết kế âm thanh và video kỹ thuật số. Các khóa học thuộc ngành này đều chú trọng rèn luyện khả năng biểu diễn trực tiếp hoặc qua các phương tiện kỹ thuật số trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Ở bậc đại học, hầu hết các văn bằng nghệ thuật biểu diễn đều kéo dài 3-4 năm, nhưng điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào nơi bạn học. Các trường thường cấp bằng cử nhân nghệ thuật (BA), hoặc ít phổ biến hơn là cử nhân nghệ thuật biểu diễn (BPA).
[Tham khảo: Các trường nghệ thuật và thiết kế hàng đầu năm 2022]
3. Sinh viên ngành Nghệ thuật biểu diễn phải học những gì?
Ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung hoặc là dựa trên thực hành (bao gồm rất nhiều hoạt động thực tế ngay từ ngày đầu tiên) hoặc là học thuật (kết hợp đào tạo thực tiễn với phân tích nền tảng của chủ đề). Do đó, việc giảng dạy trong suốt chương trình có thể sẽ được thực hiện thông qua sự kết hợp của các hội thảo và bài giảng thực tiễn, tuy nhiên điều này sẽ khác nhau giữa các trường đại học.
Nhiều trường đại học cũng cho phép sinh viên áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn, đây là cơ hội tuyệt vời để phát triển các kỹ năng liên quan đến công việc sau này của sinh viên. Điều này sẽ giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi sau khi tốt nghiệp.
Hầu hết các ngành nghệ thuật biểu diễn đều cung cấp một lượng kiến thức bao quát về nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi sinh viên lựa chọn ra một chuyên ngành cụ thể. Một số trường đại học chỉ giảng dạy 1 trong 3 ngành nghệ thuật biểu diễn chính – âm nhạc, khiêu vũ và kịch.
[Tham khảo: 6 điều cần có trong hồ sơ du học nước ngoài]
4. Sinh viên ngành Nghệ thuật biểu diễn cần phải trau dồi những kỹ năng gì?
Mỗi trường dạy về nghệ thuật biểu diễn đều có những yêu cầu học tập khác nhau đối với sinh viên. Một số trường ưu tiên những sinh viên đã có kinh nghiệm học về một ngành tương tự hoặc có liên quan ở cấp THPT. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng chấp nhận những sinh viên chưa từng học bất kỳ môn nghệ thuật biểu diễn nào trước đây.
Hầu hết các sinh viên rất có thể phải tham gia một buổi trình diễn thử để thể hiện tài năng của họ. Các trường đại học thường sẽ cung cấp thông tin về hình thức thi tuyển cũng như cách thức đăng ký, cùng với những gì sinh viên nên chuẩn bị. Sinh viên có thể được yêu cầu biểu diễn một mình, biểu diễn theo nhóm hoặc cả hai.
Nhìn chung, sinh viên ngành Nghệ sĩ biểu diễn được trau dồi kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, được tạo cơ hội và nâng cao kiến thức sáng tạo thông qua việc đi làm thực tế hoặc tham gia vào các dự án tình nguyện. Nếu bạn có thể làm những điều này trước khi đăng ký vào trường, hồ sơ của bạn sẽ trông thật ấn tượng, thể hiện rõ niềm đam mê đối với ngành của bạn. Mặc dù phần lớn các công việc này không được trả lương, trừ khi bạn may mắn, nhưng chúng đều cực kỳ có giá trị vì vừa thể hiện sự quan tâm của bạn vừa cho phép bạn học hỏi từ các chuyên gia trong ngành.
5. Sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật biểu diễn học ra trường làm gì?
Các công việc liên quan trực tiếp đến ngành Nghệ thuật biểu diễn bao gồm: diễn viên, nghệ sĩ quần chúng, vũ công, nhà trị liệu âm nhạc và đạo diễn nhà hát.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng sẽ làm đúng ngành. Một số công việc khác mà sinh viên thường theo đuổi còn có: người dẫn chương trình phát sóng, giảng viên, nhà soạn kịch và quản lý sân khấu.
Phần lớn các chuyên gia trong ngành này đều làm việc theo hợp đồng ngắn hạn hoặc tự do luân chuyển giữa các công việc khác nhau và các lĩnh vực khác nhau. Do cách thức hoạt động của ngành, nhiều cơ hội việc làm đến từ hình thức truyền miệng hơn là quảng cáo. Công việc có thể được tìm thấy thông qua lời giới thiệu của bạn bè, tham gia các buổi thử giọng, hợp tác với các nghệ sĩ khác hoặc thậm chí là tổ chức các buổi biểu diễn của riêng bạn.
Tiền lương phụ thuộc phần lớn vào vai trò và quy mô công việc của bạn, vì thế rất khó tính toán chính xác. Ví dụ, tiền lương của một diễn viên sân khấu phụ thuộc rất nhiều vào quy mô của nhà hát.
Một số sinh viên khác lại đi theo con đường sự nghiệp tiếp thị, quan hệ công chúng và báo chí. Kiran Bird, một người quản lý tài khoản PR, cho biết cô tốt nghiệp bằng BA về kịch nghệ và triết học tại Royal Holloway University đã dẫn đến sự nghiệp của cô ấy bây giờ như thế nào. “Tôi đã học kịch nghệ và triết học, rèn luyện được rất nhiều kỹ năng cơ bản mà tôi có thể sử dụng trong công việc hàng ngày của mình ở bộ phận PR; cách giao tiếp của tôi cũng được cải thiện đáng kể. Hàng ngày tôi gặp gỡ rất nhiều bạn bè khác nhau, tìm hiểu về các hình thức sân khấu và cách thể hiện khác nhau đã giúp ích cho công việc của tôi rất nhiều. Đôi khi PR cũng đòi hỏi đầu óc sáng tạo và khả năng phân tích, đây chính là lúc tôi sử dụng kỹ năng tư duy phản biện mà tôi đã học được trong triết học.”
[Tham khảo: Sinh viên tốt nghiệp nên tiếp tục học cao học hay xin việc làm?]
5. Có những người nổi tiếng nào từng theo học ngành Nghệ thuật biểu diễn?
Nhiều diễn viên nổi tiếng trên khắp thế giới hiện nay đã theo học một lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cụ thể tại trường đại học. Kristin Chenoweth, nữ diễn viên và ca sĩ người Mỹ, người gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực sân khấu ca nhạc, điện ảnh và truyền hình và từng đoạt giải Tony, đã theo học Oklahoma City University. Meryl Streep từng học kịch tại Yale University và Tom Hanks học sân khấu tại California State University.
Diễn viên hài Matt Lucas và David Walliams cũng học nghệ thuật biểu diễn tại University of Bristol. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người không xuất hiện trên sân khấu hoặc màn ảnh rộng, bằng nghệ thuật biểu diễn cũng có thể mở ra cánh cửa cho những vai diễn thành công không kém.
Nữ công tước xứ Sussex, Meghan Markle cũng học sân khấu tại Northwestern University trước khi trở thành một nữ diễn viên thành công và sau đó trở thành thành viên của Hoàng gia Anh.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)