Học ngành Tâm lý học ra trường làm gì?

0

SSDH- Tâm lý học là ngành nghiên cứu về tâm trí và hành vi của con người, mang đến cơ hội khám phá những câu hỏi chưa có lời giải đáp về não bộ, chẳng hạn như cách thức hoạt động của bộ não khi bị căng thẳng, cách bộ não học ngôn ngữ, cách bộ nhớ ghi nhớ sự thật hoặc bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của bộ não như thế nào. Trong thời gian học tâm lý học, bạn có thể chọn học chuyên sâu vào các lĩnh vực tâm lý học cụ thể như sức khỏe, lâm sàng, giáo dục, nghiên cứu, nghề nghiệp, tư vấn, thần kinh, thể dục thể thao, và pháp y.

1. Bạn có thể làm gì với tấm bằng Tâm lý học trên tay?

Bạn có thể trở thành nhà tâm lý học, nhà trị liệu tâm lý, nhân viên xã hội, nhà tư vấn, nhà tâm lý học giáo dục, quản lý nhân sự, giáo viên, hoặc tham gia nghiên cứu và truyền thông.

Hầu hết các công việc này chỉ yêu cầu bằng cử nhân đại học, nhưng một số vị trí chuyên môn cao lại đòi hỏi loại bằng cấp cao hơn. Đối với các ngành nghề tâm lý học không yêu cầu học lên cao học, bạn thường sẽ được đào tạo tại chỗ để đảm bảo cho sự liên tục thăng tiến trong sự nghiệp của mình.

2. Nghề nghiệp ngành tâm lý học phổ biến

Với tấm bằng tâm lý học, bạn có thể theo đuổi sự nghiệp trong cả lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, tùy thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Có rất nhiều nhiều lĩnh vực để lựa chọn như: chăm sóc sức khỏe công cộng và tư nhân, giáo dục, hỗ trợ sức khỏe tâm thần, công tác xã hội, trị liệu và tư vấn. Những vị trí công việc khả dụng có thể là tư vấn, nghiên cứu, điều trị hoặc trị liệu.

Ngoài ra còn có một số vị trí ít phổ biến hơn cho sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học, bao gồm các công việc trong lĩnh vực truyền thông và các ngành công nghiệp sáng tạo khác. Tổng quan về những nghề nghiệp điển hình và không điển hình này với bằng tâm lý học được nêu dưới đây.

[Tham khảo: Học bổng chuyên ngành tâm lý học trên toàn thế giới]

3. Nghề nghiệp ngành tâm lý học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và trị liệu

  • Chartered psychologist (tạm dịch: nhà tâm lý học điều lệ)

Bằng việc học lên cao học và được đào tạo kĩ lưỡng, bạn có thể đạt được trình độ chuyên môn của một nhà tâm lý học điều lệ. Ở vị trí chuyên môn cao này, bạn sẽ làm việc với tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân và khách hàng. Công việc thường ngày của bạn là phân tích hành vi, suy nghĩ và cảm xúc để hiểu rõ hơn và đưa ra lời khuyên về một số hành động và/hoặc các vấn đề tâm lý. Là một nhà tâm lý học điều lệ, bạn có thể lựa chọn chỉ chuyên sâu về một số lĩnh vực như: tâm lý nghề nghiệp, tâm lý giáo dục, thể thao và sức khỏe tâm thần.

(Lưu ý: Nếu bạn muốn trở thành bác sĩ tâm thần – bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần – bạn cần phải có bằng y khoa)

  • Nhà trị liệu tâm lý

Nhà trị liệu tâm lý sẽ làm việc với các cá nhân, các cặp vợ chồng, các nhóm hoặc gia đình để giúp họ vượt qua các vấn đề tâm lý, bao gồm các vấn đề liên quan đến tình cảm và các mối quan hệ, căng thẳng và thậm chí là nghiện hút.

Tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên sâu mà bạn học cũng như sở thích cá nhân, bạn có thể chọn tro nhà trị liệu trở thành nhà trị liệu tâm lý bằng một số phương pháp như: hành vi nhận thức, liệu pháp phân tâm học và tâm động học, cũng như liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp kịch, liệu pháp tâm lý nhân văn và tích hợp, liệu pháp tâm lý thôi miên và liệu pháp trải nghiệm.

  • Nhân viên xã hội

Nhân viên xã hội thường làm việc với những người đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống; bao gồm các nhóm đối tượng như trẻ em hoặc người già, người khuyết tật và nạn nhân của tội phạm và quấy rối. Vai trò của nhân viên xã hội là bảo vệ những người này khỏi bị tổn hại và cung cấp hỗ trợ để cải thiện tình hình của họ. Nhân viên xã hội có thể làm việc trong trường học, gia đình, bệnh viện hoặc các cơ quan công cộng khác và sẽ có xu hướng chuyên làm việc với trẻ em và gia đình, hoặc người già neo đơn.

  • Nhà tư vấn

Với tư cách là một nhà tư vấn, bạn sẽ tham gia vào việc giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc sống và trải nghiệm của họ thông qua việc khám phá cảm xúc. Bạn sẽ làm việc trong một môi trường bí mật và phải chăm chú lắng nghe khách hàng của mình. Những đặc điểm chính của nhà tư vấn bao gồm khả năng lắng nghe, đồng cảm, tôn trọng và kiên nhẫn, cũng như phân tích các vấn đề đang diễn ra để giúp thân chủ đối phó tốt hơn với tình huống của họ và giúp hỗ trợ họ đưa ra lựa chọn. Giống như tâm lý trị liệu, tư vấn thường là một hình thức trị liệu nói chuyện và có thể bao gồm các lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, sức khỏe, lạm dụng, phục hồi chức năng, giáo dục, sức khỏe tâm thần, hướng nghiệp và nhi khoa.

[Tham khảo: Du học Ý ngành Tâm lý học (University of Padova)]

4. Nghề nghiệp ngành tâm lý học trong lĩnh vực giáo dục

Sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý quan tâm đến lĩnh vực giáo dục có một số lựa chọn khác nhau. Cũng như trị liệu giáo dục, tâm lý giáo dục và công tác xã hội trong giáo dục, sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể trở thành giáo viên tiểu học, trung học hoặc đại học. Ngoài ra, họ có thể làm việc trong các dịch vụ xã hội để hỗ trợ việc học tập của mọi lứa tuổi hoặc trong khu vực nhà tù để hỗ trợ các phạm nhân trẻ tuổi.

Để trở thành một nhà tâm lý học giáo dục, bạn sẽ cần có trình độ như bất kỳ nhà tâm lý học nào (bằng thạc sĩ và đào tạo chuyên sâu). Đây là một vị trí liên quan đến sự phát triển của những người trẻ tuổi trong môi trường giáo dục, với mục đích tăng cường nhận thức và giải quyết các vấn đề xã hội và tình cảm hoặc những khó khăn trong học tập của họ.

Để dạy tâm lý học, tùy thuộc vào cấp độ bạn chọn, bạn sẽ cần thêm bằng sư phạm. Nhưng với sự nghiệp trong giáo dục đại học hoặc cao đẳng, bạn có thể sẽ cần một bằng cấp cao hơn, chẳng hạn như bằng thạc sĩ và/hoặc tiến sĩ. Ở bậc đại học, bạn có thể vừa giảng dạy và vừa thực hiện nghiên cứu.

5. Nghề nghiệp ngành tâm lý học trong lĩnh vực nghiên cứu

Công việc ngành tâm lý học trong mảng nghiên cứu thường có trong các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức công cộng và tư nhân hoặc trong các trường đại học. Ở trường đại học, công việc này mang tính chất khácnhưng có xu hướng kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Công việc nghiên cứu trong các lĩnh vực khác thậm chí còn rộng hơn, đóng góp vào việc phát triển chính sách của chính phủ hoặc các vấn đề quan trọng đối với các ngành. Bạn cũng có thể làm việc cho các tổ chức từ thiện hoặc tổ chức phi lợi nhuận, tiến hành nghiên cứu để giúp giải quyết những thách thức như rối loạn ngôn ngữ, tổn thương não, sự phát triển của trẻ em hoặc tác động của thuốc hợp pháp và bất hợp pháp đối với sức khỏe tâm lý.

6. Nghề nghiệp ngành tâm lý học ít phổ biến

Là một sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học ở cấp độ cử nhân, có hàng nghìn cơ hội dành cho bạn ngoài lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe nếu bạn biết tìm kiếm ở đâu. Điều này là do các kỹ năng đa dạng mà bạn có được từ bằng cấp của mình, cũng như sự công nhận rộng rãi về những lợi thế của việc có chuyên môn về phân tích tâm lý. Nói chung, sinh viên tốt nghiệp tâm lý học có thể làm việc trong mọi lĩnh vực của xã hội, bao gồm truyền thông, tư pháp hình sự và phục hồi chức năng, quảng cáo, kinh doanh và quản lý, thể thao, cơ quan công quyền và cả lĩnh vực pháp lý. Một số nghề nghiệp ít điển hình hơn với bằng tâm lý học được nêu dưới đây.

  • Công việc truyền thông đại chúng và quảng cáo

Đây không phải là lựa chọn của đa số sinh viên tốt nghiệp tâm lý học, nhưng công việc truyền thông rất đa dạng, với nhiều cơ hội để áp dụng các kỹ năng có được từ một tấm bằng tâm lý học. Sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể truyền đạt những hiểu biết quý giá về hành vi của con người, cũng như cung cấp khả năng phân tích vấn đề, kỹ năng lắng nghe, cân nhắc trước khi phản hồi và hành động với cả sự đồng cảm và lý trí. Do đó, các vị trí truyền thông khác nhau như quản lý, sản xuất, lập kế hoạch và viết lách đều nằm trong tầm tay của sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học.

[Tham khảo: Review ngành học Truyền Thông]

  • Công việc nhân sự và truyền thông nội bộ

Trọng tâm của tâm lý học là việc hiểu mọi người và cách họ suy nghĩ, rất phù hợp với các vị trí nhân sự và truyền thông nội bộ. Những vị trí này, ở cả lĩnh vực công và tư nhân, có thể thuộc nhiều mảng như đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên, phát triển nghề nghiệp, đào tạo, tuyển dụng, PR, bảng lương và truyền thông nội bộ.

  • Công việc kinh doanh và quản lý

Nhờ ý thức sâu sắc về cách xử lý cả dữ liệu và con người, công việc kinh doanh và quản lý là một lựa chọn phù hợp khác dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học. Mặc dù cần phải được đào tạo thêm và tích lũy kinh nghiệm làm việc trước khi đảm nhận vai trò quản lý, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, quảng cáo hoặc phát triển kinh doanh trước khi thăng tiến.

Ngoài ra, bằng tâm lý học cũng có thể nền tảng vững chắc cho sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, pháp lý, quản lý chính phủ và nghiên cứu thị trường.

Người dịch: Thu Huyền (theo TopUniversities)

Share.

Leave A Reply