SSDH – Khi đi làm sẽ không có ai đứng đó chỉ tay cho bạn là từng tuần phải học cái gì, dành bao nhiêu thời gian cho mỗi kĩ năng. Những bản course outline biến mất, và các cử nhân mới ra trường, kể cả sinh viên chuyên ngành tiếng Anh đều cảm thấy họ quên tiếng Anh từng ngày
Có rất nhiều người bạn của tôi hay than phiền rằng khi rời khỏi giảng đường đại học, việc học tiếng Anh của họ đã bị chững lại. Lý do đơn giản là vì họ đã quen với việc cứ mỗi tuần lại bỏ ra ít nhất 2 tiếng đồng hồ để lên lớp học một buổi học chỉ chuyên về tiếng Anh. Lịch học được lên từ trước, cố định và có người thúc ép học hành cũng như có mục tiêu thi cử rõ ràng, có phải bất cứ ai đều đã từng trải qua thời sinh viên giống như vậy?
Có một số đã cố gắng cải thiện tình trạng trên bằng cách đăng ký một lớp học buổi tối để duy trì ít nhất 3 buổi học/ tuần hoặc tham gia một câu lạc bộ tiếng Anh vào các ngày chủ nhật. Tất cả những giải pháp như thế thường chỉ kéo dài được 2 đến 3 tháng khi khóa học ngắn hạn kết thúc hoặc do các câu lạc bộ tự tan rã.
Có giải pháp nào khác không, như chúng ta tự học mỗi ngày ngay trong giờ làm việc?
Tôi thử đưa ra 2 gợi ý xem các bạn văn phòng có áp dụng được không nhé? Nếu áp dụng được, mỗi chúng ta có thể tiếp cận môi trường tiếng Anh mỗi ngày và không bị phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh khác. Không giờ học cố định cụ thể, không gò bó không gian lớp học, không áp lực điểm số…
1. Nếu bạn có một tập giấy nhớ vàng?
Với cá nhân tôi, việc đọc tin trên các trang báo mạng Việt Nam là cách khởi động một ngày làm việc mới rất hiệu quả. Một vài đồng nghiệp của tôi thì thích đọc báo vào cuối ngày để cập nhật tin trước khi ra về. Khoảng 5’ đọc tít là tôi nắm qua được trong mấy ngày gần đây có những tin gì đáng chú ý.
Sau đó, tôi dành 10’ để đọc qua một số trang báo tiếng Anh xem các tin có liên quan và ghi lại một số từ mà theo tôi là dễ nhớ, dễ liên hệ. Hiển nhiên là tôi không viết mỗi từ không vì như thế rất khó nhớ nếu mỗi ngày bạn đều viết thêm từ mới.
Một mảnh giấy, 3 bản tin (có khi chỉ là đọc tít và phần lead bôi đen để nắm ý chính) là tôi có thể chép ra 5 câu tiếng Anh kèm 5 từ mới. Mỗi một từ mới gắn với một ngữ cảnh cụ thể sẽ rất dễ nhớ.
Nếu bạn nào thấy đọc tin tức hơi khó (đặc biệt các bạn mới học) thì nên tìm các ebook kiểu graded reader sẽ có mức chia hạng cho bạn. Điển hình như mấy sách level thấp sẽ là các truyện thiếu nhi có tranh. Đọc mấy truyện này vừa tăng hiểu biết về văn hóa các nước nói tiếng Anh vừa nhẹ nhàng, giải trí sau một ngày làm việc. Bạn đọc đầu giờ cũng được nhưng có thể câu truyện bạn đọc sẽ khiến bạn xao nhãng nên tốt nhất là học với phương pháp này vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối ngày.
2. Nếu máy bạn có tai nghe?
Tôi đưa ra gợi ý này sẽ khiến nhiều người không có điều kiện nghe cảm thấy phiền lòng. Tuy vậy, trong điều kiện văn phòng thì kĩ năng nghe là kĩ năng dễ lên nhất, đặc biệt với ai đang cố gắng học phần phát âm.
Kinh nghiệm của tôi khi làm các bài thi nghe rất đơn giản: nghe rõ từ. Mà để làm được như vậy thì phải nhớ rõ 44 âm và nghe qua từ đó rồi. Hiển nhiên là có thể đoán từ mới nhưng theo cá nhân tôi, tốt nhất các nguồn nghe của mình nên có một bản tape script. Còn nếu không có tape script thì nên nghe kiểu tắm ngoại ngữ, thả cho máy phát bao nhiêu tùy ý.
Miễn là:
- Sếp bạn không mắng vì bạn đeo tai nghe suốt ngày.
- Bạn biết nghe chừng mực, đừng nghe quá to hay quá lâu làm ảnh hưởng tai.
Tôi chỉ gói gọn trong 15’ thôi vì tôi không có điều kiện để cắm tai nghe suốt ngày. Tôi dành 15’ nghỉ trưa để xem một bản tin về môn thể thao tôi yêu thích hoặc nghe một bài hát kiểu with lyric (có phụ đề lời bài hát) trên youtube. Về cơ bản tôi thấy những clip mình xem không có quá nhiều từ mới nên tôi thấy việc nghe khá thoải mái.
Tóm lại, với chỉ 15’ mỗi ngày tôi không đưa ra những lời khuyên quá xa vời. Chọn level hợp lý với bản thân và có những mục tiêu rõ ràng trong việc học bất kì ai cũng có thể duy trì môi trường tiếng Anh ở mức độ đơn giản. Việc mỗi ngày được tiếp cận tiếng Anh sẽ khiến chúng ta thấy thoải mái, gạt bỏ được tâm lý rằng mình đang ngày càng kém tiếng Anh.
Vũ Quân (SSDH) – Theo ucan