Hướng dẫn cách viết đơn xin học và thư giới thiệu khi du học

0

SSDH – Google, qua bạn bè, facebook, forum, networking… để tìm các thứ liên quan đến Học bổng du học: Phân tích và thống kê tình hình các năm của học bổng (A), yếu tố quan trọng nhất của Học bổng du học đó là gì, những người đã đăng ký thành công Học bổng du học đó có hồ sơ và đơn đăng ký ra sao…

 

Thế nào được gọi là đã tìm hiểu về trường và học bổng định đăng ký?

 

Về cơ bản, có nghĩa là bạn đã lục tung website của các trường lên, biết được yêu cầu đầu vào là những gì, giấy tờ được yêu cầu là cái gì. Nhiều bạn hỏi rằng thấy các giấy giờ cần nộp (requried documents) trên web phải bao gồm các thứ a,b,c, nhưng mình thiếu thứ a hay thiếu thứ b thì có được không. Đã gọi là “required documents” thì các bạn cứ thế mà chuẩn bị cho đầy đủ, các bạn viết mail hỏi trường những thứ đó họ không trả lời cho thì cũng đừng giận. Một điều nữa là hãy đọc kỹ mục “Eligibility” (tính phù hợp) của từng Học bổng du học, xem mình có thoả mãn tất cả các điều kiện họ nêu không, để tránh mất thời gian đăng ký và bị loại ngay từ vòng gửi xe. Nhiều bạn đăng ký những Học bổng du học mà họ ghi rõ ràng là chỉ dành cho EU/EEA, thế mà cứ đâm đầu vào đăng ký?

 

Hướng dẫn cách viết đơn xin học và thư giới thiệu khi du học

Hướng dẫn cách viết đơn xin học và thư giới thiệu du học SoPs, LoRs

 

Khi bạn tìm hiểu về trường, xin đọc cả mục FAQs (Frequently asked questions) nữa, các câu hỏi mà bạn thắc mắc đa phần là nằm ở đấy. Một số trường hợp bạn không thỏa mãn điều kiện nào đó trong mục Eligibility mà vẫn được đăng ký, thì cứ đọc mục FAQs là có. (Nếu người khác tìm được thông tin bạn cần trên website của trường, mà bạn không tìm được, thì bạn không phù hợp để đăng ký Học bổng du học).

 

Để tìm hiểu một cách chi tiết hơn thì như sau:

 

Google, qua bạn bè, facebook, forum, networking… để tìm các thứ liên quan đến Học bổng du học: Phân tích và thống kê tình hình các năm của học bổng (A), yếu tố quan trọng nhất của Học bổng du học đó là gì, những người đã đăng ký thành công Học bổng du học đó có hồ sơ và đơn đăng ký ra sao… Để đạt được điều này thì ngoài các kênh thông tin trên, bạn có thể vào xem trong khoa trong trường bạn đăng ký có mục Alumni (Cựu sinh viên) không, đọc xem có anh chị Việt Nam nào không, đọc bài của họ xem có thu được thông tin gì không (họ học trường nào ra, làm về cái gì, v.v…).

 

Nếu mà tìm được địa chỉ liên lạc của họ thì quá tuyệt vời rồi. Nếu tìm được thì chịu khó liên lạc với họ để hỏi kinh nghiệm, nhưng phải nhớ là hỏi những câu hỏi thông minh. Hãy thể hiện mình là người có chuẩn bị, có tìm hiểu, đừng có cái gì cũng hỏi, không ai đủ kiên nhẫn và nhiệt tình để trả lời cho bạn các vấn đề cỏn con. ​

 

Sắp xếp thông tin: đối với mỗi trường hay mỗi học bổng bạn định đăng ký, hãy tạo một Folder (Tệp) riêng biệt tương ứng trên Bookmark của bạn, rồi mỗi khi đọc đến các thông tin quan trọng như là điều kiện đăng ký, hạn nộp, v.v… tất tần tật liên quan đến trường hay học bổng du học đó, hãy lưu tất cả vào tệp trên. Làm như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bạn.

 

Về đơn xin học và thư giới thiệu (SoPs, LoRs)

 

Ngoài các yếu tố không thể thay đổi như là GPA, trường học, các thành tích, phần thưởng…, thì các bạn chỉ còn có thể trông chờ vào SoPs, LoRs để tăng cơ hội được học bổng. Vậy thì viết làm sao thật hay, thật thuyết phục, làm sao để nổi bật giữa vô vàn các lá thư ứng tuyển khác, là vấn đề mà bạn nào cũng quan tâm.

 

Để có được LoRs hay, thì bạn nên tính trước ít nhất 1 năm. Tại sao tôi lại nói như vậy? Nghĩa là trong quá trình học, bạn đã phải tự chọn cho mình những người giới thiệu (Referee) tiềm năng, người mà có khả năng viết LoR hay cho bạn, hoặc bạn có thể xin chữ ký một cách dễ dàng. Sau đó thì tìm cách tiếp cận những người giới thiệu tiềm năng này, thể hiện bản thân của bạn, sao cho người đó có ấn tượng tốt về bạn, và HIỂU BẠN LÀ AI.

 

Ví dụ trong trường hợp của tôi: học kỳ 1 năm 3 tôi đã để ý và chọn ra được 2 người giới thiệu tiềm năng cho mình. Sau khi đã lựa chọn như vậy, tôi bắt đầu thể hiện mình: tôi cố gắng đăng ký các khóa học mà có 2 vị này giảng dạy, cố gắng hỏi họ các câu hỏi trên lớp, thi cố gắng đạt điểm cao. Đặc biệt hơn, kỳ mùa hè năm 3 tôi đã chọn một người trong số họ làm người hướng dẫn (supervisor) đợt thực tập của tôi (và tôi còn được vị này chọn làm trưởng nhóm nữa). Vì thế, mặc dù 2 người giới thiệu của tôi không hề có tiếng tăm, nhưng thư giới thiệu mà họ viết cho tôi thì phải nói là tuyệt vời!!!

 

Lên kế hoạch và viết đơn xin Học bổng du học

 

Tới quá trình viết, kinh nghiệm của mọi người và cách viết thì rất nhiều rồi, ở đây tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc viết SoPs và LoRs: Tùy theo yêu cầu và tiêu chí của từng học bổng mà viết SoPs + LoRs sao cho người đọc thấy mình phù hợp với tiêu chí của Học bổng du học đó nhất. Thực hiện vòng tuần hoàn Đọc – Viết – Sửa, tức là đầu tiên đọc những bài mẫu để học cách viết của họ, tìm ý tưởng, sau đó bắt tay vào viết; viết xong thì nhờ mọi người sửa và bản thân mình sửa. Cứ lặp đi lặp lại như vậy đến khi nào có được một bản ưng ý thì thôi.

 

Khi viết thì lập dàn ý các ý cần viết trước (theo kiểu gạch đầu dòng), sau đó phát triển lên thành một bài hoàn chỉnh. Cố gắng trả lời hết các câu hỏi mà học bổng đó yêu cầu, cố gắng cân bằng các ý, và liên kết các ý với nhau.

 

Trong SoPs hãy cố gắng đề cập nhiều nhất có thể đến những gì không có trong các nội dung khác. Ví dụ đừng nói nhiều về phần thưởng hay thành tích học tập mà họ có thể thấy trong CV của bạn, hãy nói về những thứ như là bạn đã làm được những gì liên quan đến ngành học mình đang định đăng ký (Quá khứ), tại sao bạn lại muốn học cao lên về ngành này (Hiện tại), học xong nó thì bạn đạt được cái gì theo dự định (Tương lai).

 

Trong LoRs thì hãy chia các đặc điểm của mình ra để viết (Hãy nêu ví dụ cụ thể, tránh việc viết một cách chung chung), và các LoRs thi thoảng giao nhau ở một hay hai đặc điểm nào đó, để hội đồng thấy được tất cả các điểm mạnh trong con người mình.

 

Cách làm của bản thân tôi khi viết SoP, LoRs: download các tài liệu hướng dẫn cách viết và thu thập một vài mẫu của những người đã đăng ký thành công các loại học bổng, sau đó in ra, rồi ngồi đọc và phân tích các mẫu câu hay, ý hay (dùng bút đánh dấu), cuối cùng là áp dụng vào bài của chính mình với những ví dụ cụ thể của chính mình.

 

Chuẩn bị xong hồ sơ và gửi hồ sơ đi coi như bạn đã hoàn thành phần lớn công việc của mình, nhưng “công việc hậu trường” thì cũng quan trọng và không thể thiếu sót. Gửi hồ sơ đi, bạn phải liên lạc với trường để hỏi xem họ đã nhận được hồ sơ chưa, hồ sơ có thiếu sót gì không, để kịp thời bổ sung.

 

Liên lạc với trường như thế nào cho hiệu quả?

 

Rất nhiều bạn phàn nàn về việc email hỏi trường mà mãi không thấy trả lời, tạo nên tâm lý lo lắng và không yên tâm. Xin lưu ý với các bạn rằng, thời điểm đăng ký hồ sơ rất nhiều, và các thí sinh email cho trường rất kinh khủng, nên họ không trả lời hết cũng là điều dễ hiểu. Ở đây tôi đăng lại kinh nghiệm mà mình đã viết trên diễn đàn để chia sẻ với các bạn (đối với các trường ở các nước khác cũng áp dụng tương tự):

 

“Để các trường nhanh chóng phản hồi khi mình liên hệ hỏi han, kinh nghiệm của tớ là: mail hỏi họ tầm 7h-8h sáng (giờ bên họ) hoặc tầm 14h-15h (giờ bên họ). Lúc đó là lúc họ bắt đầu làm việc ca sáng (or ca chiều), bạn mail tầm đó thì sẽ vào Inbox của họ ở trang đầu tiên, là cái mà họ nhìn thấy đầu tiên khi vào hòm thư. Tất nhiên đó là suy đoán của riêng cá nhân mình, nhưng mình đã áp dụng cách này khá ổn và họ sẽ mail lại luôn trong ngày, hoặc cùng lắm là ngày hôm sau.”

 

Các bạn có thể vào đây để xem chênh lệch thời gian.

 

Thêm 1 lời khuyên nữa là tiêu đề của email, nếu rõ ràng và “hấp dẫn” 1 tý thì họ sẽ chú ý hơn. Ví dụ bất kể hỏi cái gì, mình cũng để chủ đề là :”Did you receive my application package?”, hơi củ chuối 1 tý nhưng mà được việc. Các công đoạn như vậy coi như xong, giờ thì chỉ còn chờ đợi mà thôi. Lưu ý trong giai đoạn này vẫn nên giữ liên lạc với trường, để họ có yêu cầu gì mình còn đáp ứng ngay.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Kênh Tuyển Sinh

 

Share.

Leave A Reply