SSDH – Phía sau cánh cửa của “trường đại học trong mơ” Stanford là mảng khuất mà theo như Huyền Chip “mọi người mặc định là ai cũng phải tỏ ra mình vui vẻ hạnh phúc, cho dù bên trong lòng có mệt mỏi chán chường đến đâu”. Cái này được gọi là “hội chứng con vịt”.
Trở thành người dạy, được nhận vào chương trình thạc sĩ tại Stanford
Giành học bổng toàn phần của ĐH Stanford danh tiếng, Huyền Chip đang là sinh viên năm ba ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính tại đây. Cô gái Việt từng bị “ném đá” là nói dối đã chứng minh năng lực tại ngôi trong hàng đầu thế giới. Ở Stanford, một năm có ba quý học thay vì hai kỳ và Huyền Chip trở thành trợ giảng ngay từ năm đầu tiên.
Đến nay cô đã tự tin đứng trên bục giảng được 6 quý. Huyền cho biết, từ tháng 1/2017, cô sẽ trở thành người dạy chính (chịu trách nhiệm hoàn toàn cho một khoá học, bao gồm cả việc lên giáo án, đứng lớp và chấm bài) của một khóa nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Stanford. 9X Việt cũng vừa nhận thông báo, cô đã được nhận vào chương trình thạc sĩ của trường.
“Điều đó có nghĩa là mình có thể học đại học và thạc sĩ cùng lúc, hoàn thành chương trình đáng lẽ là 6 năm trong vòng 4 năm. Khi mình được nhận vào Stanford, trường cam kết hỗ trợ tài chính cho 4 năm. Nếu mình hoàn thành chương trình thạc sĩ trong vòng 4 năm đấy thì coi như mình được học thạc sĩ miễn phí.
Stanford là một trường rất hào phóng. Thường thì một khi sinh viên đã được nhận vào trường, sinh viên sẽ không phải lo lắng về mặt tài chính”, Huyền Chip cho hay.
Từ vị trí trợ giảng, Huyền Chip sẽ chính thức dạy một khóa nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở ĐH Stanford, Hoa Kỳ từ tháng 1/2017.
Khởi đầu muộn hơn và học với nhiều bạn bè thua nhiều tuổi, Huyền thường nhận được câu hỏi rằng “cảm giác” thế nào. Nhưng với cô, câu hỏi đúng hơn sẽ là học với nhiều người giỏi hơn tôi như thế cảm giác ra sao? Bởi lẽ, phần lớn những người Huyền gặp ở Stanford đều rất thông minh, chín chắn, và có thể dạy Huyền nhiều. “Khi tôi tập trung vào phát triển bản thân, những điều như tuổi tác, giới tính, quốc tịch thực sự không tạo nên nhiều sự khác biệt”, Huyền nói.
Sau hơn 2 năm học tập tại Stanford, Huyền Chip tự nhận mình đang thay đổi, “cá tính không còn quá quan trọng” với Huyền Chip của hiện tại. Cô đang tập trung hoàn thiện mình, sửa sai sót, học và làm thất tốt, không gây phiền phức và dành nhiều thời gian cho những người quan trọng với mình thay vì mải rong ruổi mà bỏ quên gia đình, bạn bè.
Stanford “nhào nặn” thành người tử tế hơn
Với những trải nghiệm ở ngôi trường đại học top đầu thế giới, cô gái Việt đã viết nên cuốn sách mang tên “Giấc mơ Mỹ: Đường đến Stanford”. Cuốn sách không phải là câu chuyện về Huyền Chíp mà là câu chuyện về những người cô gặp ở Stanford.
Khi được hỏi “Stanford” đã “nhào nặn” Huyền Chip ra sao? Huyền đáp, ở Stanford, về một số khía cạnh, thì khá đồng bộ. Ví dụ, phần đông sinh viên trong trường đến từ gia đình có điều kiện, được giáo dục bài bản từ nhỏ nên họ rất chín chắn, lịch thiệp, và tốt bụng: “Mình quan sát cách mọi người ở đây đối xử với nhau và luôn ngạc nhiên vì sự tử tế của mọi người. Stanford, nếu nhào nặn mình, thì mình hy vọng nhào nặn để mình trở nên tử tế hơn”.
Cô gái Việt tâm sự, học ở một ngôi trường như Stanford, cô thấm thía dần cái sự nhỏ bé của bản thân.
Tuy nhiên, phía sau những điều tưởng chừng rất tốt, rất chất lượng, rất hàng đầu vẫn là những mảng tối. Và Huyền đã đem điều đó vào trang sách của mình. Miêu tả một cách khá chân thực cuộc sống ở đây, với nhiều cái không phải là màu hồng như mọi người vẫn nghĩ về một ngôi trường danh giá, Huyền có một nỗi sợ rằng vì mình miêu tả những mảng tối của môi trường giáo dục ở đây thật quá mà nhiều phụ huynh sẽ cấm không cho con đi học ở Mỹ nữa.
“Mình muốn chia sẻ những câu chuyện đó với mọi người, bởi ở Việt Nam chúng ta hay nhắc đến giấc mơ du học, nhưng phần lớn chỉ nhắc đến chuyện bảng xếp hạng, học phí, chuyên ngành mà ít khi nói về cuộc sống trong môi trường đại học của Mỹ thật sự là như thế nào”, Huyền Chip chia sẻ.
“Không hạnh phúc ở Stanford là một cái tội. Tôi là một kẻ tội đồ”
Theo Huyền, những điều tốt đẹp, hoàn hảo mà mọi người vẫn nhắc đến về ngôi trường này chỉ là bề nổi. Bản thân Huyền cũng chịu áp lực, mệt mỏi thực sự bởi vì mọi người xung quanh quá giỏi.
“Mình có cảm giác như cho dù mình có cố gắng đến đâu cũng thể nào làm được như họ. Áp lực này ảnh hưởng đến đời sống tinh thần trong trường rất nhiều. Điều này càng tệ hơn khi Stanford ở California và có văn hoá “hạnh phúc”, Huyền hé lộ.
Tức là ở đây, mọi người mặc định là ai cũng phải tỏ ra mình vui vẻ hạnh phúc, cho dù bên trong lòng có mệt mỏi chán chường đến đâu. Cái này được gọi là “hội chứng con vịt”.
Cũng giống như một con vịt khi bơi nhìn thật ung dung thong thả. Nó nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ, như thể không có gì trên thế gian này có thể làm cho nó ưu phiền. Nhưng phải nhìn xuống dưới mặt hồ mới thấy chú vịt đó đang phải nỗ lực như thế nào. Nó đạp chân điên cuồng giữ cho mình nổi. Sinh viên Stanford cũng thế.
Nhìn bên ngoài, ai cũng rạng ngời với nụ cười tươi rói. Gặp nhau, câu hỏi đầu tiên sẽ là “How are you?” và câu trả lời duy nhất có thể được chấp nhận là “I’m doing great. How about you?”.
Không ai biết rằng đằng sau những khuôn mặt rạng ngời đó là những đêm mất ngủ, những ngày bỏ ăn, những cuối tuần khóa mình trong phòng khóc rấm rứt. Phòng chăm sóc sức khỏe tâm lý của trường luôn quá tải.
“Làm sao mà ai đó có thể buồn khi ở trong một môi trường hoàn hảo như thế này chứ? Thời tiết nắng ấm. Phong cảnh xinh đẹp. Nơi chúng tôi ăn, học, ngủ, nghỉ cũng là nơi mà mỗi ngày hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đến chỉ để tham quan, chụp ảnh. Ba năm liền, trường tôi đứng đầu danh sách những ngôi trường mơ ước cho cả phụ huynh và học sinh nước Mỹ. Không hạnh phúc ở Stanford là một cái tội. Tôi là một kẻ tội đồ”, Huyền Chip bộc bạch.
“Tuần cuối cùng trước khi thi cuối quý, một bầu không khí u ám bao kín trường. Một sinh viên năm cuối đã tự tử. Hai tuần trước khi tốt nghiệp, cậu chọn cách tự tử. Một thông điệp được gửi đi khắp trường: “Hãy quan tâm đến bạn bè của bạn, rất có thể họ đang cần được giúp đỡ”.
Stanford là một môi trường khắc nghiệt. Tất cả chúng tôi được mặc định là những người chiến thắng. Tất cả chúng tôi bị áp lực phải chứng tỏ bản thân. Mỗi giây, mỗi phút hít thở bầu không khí của ngôi trường này là mỗi giây, mỗi phút chúng tôi phải chiến đấu”, cô gái Việt ở ngôi trường bậc nhất thế giới hé lộ.
Nguồn: Dân Trí