Jackie Kennedy và câu chuyện về một biểu tượng nữ quyền

0

Sẵn sàng du học – 300 trang sách của Bản lĩnh Jackie Kennedy sẽ thuật lại tường tận cuộc đời của vị Đệ nhất Phu nhân nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, như một biểu tượng thực sự của nữ quyền.

Nhưng đó là một thứ nữ quyền không ồn ào, không bạo lực và cũng không có sự thỏa hiệp nào trên hành trình mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.

Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis, là vợ của Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy, và Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1963.

Bà được tất cả giới nữ, không phân biệt màu da chủng tộc trên khắp hành tinh ca tụng và hâm mộ. Bởi Jacqueline đã là chứng nhân cho một thời kỳ đầy biến cố của lịch sử Mỹ thập niên 1960, thời kỳ “vùng lên” của chị em với lòng tự tôn, phong cách, sự thanh lịch đã thể hiện lý tưởng về Nữ quyền theo một cách rất khác: tự do lựa chọn và can đảm làm điều mình muốn.

Đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân

Jacqueline đi từ vai trò chỉ như một tấm vé thông hành giúp ngài Thượng nghị sĩ đào hoa tiến gần hơn tới chiếc ghế Tổng thống, cho tới một người bạn đời mà John F. Kennedy phải bày tỏ sự hàm ơn công khai vì sự có mặt của Jackie trong cuộc đời ông.

Tất cả, không tự nhiên mà đến, đó là cả một chặng đường đấu tranh kiên gan bền bỉ với sức mạnh xuất phát từ tình yêu dành cho người đàn ông của mình.

Jackie không chọn đóng vai kẻ bị hại với những khổ đau xuất phải từ người chồng đào hoa đến nỗi một cuộc hôn nhân cũng không tài nào chấm dứt được những cuộc chinh phạt chăn gối của chàng.

Chính bà là người đã chọn Kennedy, như bà tin rằng Jack-Jackie là những cái tên sinh ra để dành cho nhau, bà biết mình muốn một gia đình hạnh phúc nên sẽ làm mọi thứ để giữ được điều mình muốn.

Một người phụ nữ không chỉ biết gìn giữ phẩm hạnh và lòng tự tôn – ngay cả trong những thời điểm mềm yếu cũng như bị tổn thương sâu sắc nhất – mà còn biết cách bảo vệ danh dự cho cả chồng mình, đó chính là nữ quyền.

Không cần phải gồng mình để mặc cho vừa một chiếc áo quá rộng với bản thân, không vì áp lực bên ngoài mà phải tuân phục trước khuôn mẫu Đệ nhất phu nhân mà người Mỹ vốn đã quen thuộc (theo kiểu madame Roosevelt đáng kính hay “ngoại” Mamie Eisenhower già nua cũ kỹ), Jackie Kennedy thổi một làn gió mới vào bầu không khí chính trường Mỹ với phong cách của một tiểu thư mang học thức và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Âu châu.

Bà là một người ý thức sâu sắc, thậm chí ám ảnh về hình ảnh cá nhân của mình và thấu hiểu được tầm quan trọng của các biểu tượng đối với chính trị: “Tôi không hiểu tại sao một người đàn ông có thể làm mọi thứ cho một tấm phiếu bầu, lại không chịu cố gắng để tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ”.

Trong đám tang của JFK, Jacqueline Kennedy đã không bỏ sót bất kỳ một chi tiết mang tính biểu tượng nào – mà theo bà sẽ khắc ghi vĩnh viễn hình ảnh của chồng mình vào tâm trí công dân Mỹ và công dân toàn cầu – trong đó, bao gồm cả bộ trang phục mà bà mặc trên người, cả những vệt máu trên mặt mà bà đã từ chối lau đi để “thế giới thấy điều chúng đã làm với chồng tôi”, đó chính là nữ quyền.

Jackie Kennedy - biểu tượng của nữ quyền nước Mỹ.

Jackie Kennedy – biểu tượng của nữ quyền nước Mỹ.

Trong đoạn băng ghi âm lịch sử với Arthur M. Schlesinger,vào năm 1963, bốn tháng sau chuyến đi định mệnh ở Dallas, góa phụ Kennedy đã bày tỏ quan điểm của mình về những gì đã xảy ra và những biến động chính trị mình trải qua.

Nữ quyền ở Jacquline Kennedy là không ngần ngại thể hiện chính kiến của mình, dù có thể khiến công chúng và những nữ nhân “tiến bộ” nổi đóa.

Tượng đài ư? Góa phụ quốc dân ư? Bà đủ can đảm để gạt bỏ hết những thứ đó qua một bên, một lần nữa, để đấu tranh đạt được điều bà thực sự muốn.

Lần này là sự an toàn, đảm bảo cho bà và các con. Bà tái hôn với tỷ phú người Hy Lạp Aristole Onassis. Bà không sống cho kỳ vọng của người khác. Bà đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người vợ và hơn thế nữa, đã khiến cho cả thế giới không thể lãng quên sự nghiệp của chồng bà.

Đấu tranh bảo tồn di sản văn hóa Mỹ

Góa bụa lần thứ hai, cầm trong tay món tiền thừa kế hàng chục triệu USD, phu nhân của chúng ta dư sức sống vương giả cả đời. Nhưng không, bà quyết định đi làm. Jackie trở thành biên tập viên cho một nhà xuất bản, đầu tiên với Viking và sau đó là Doubleday.

Tiếp đó là trở thành đầu tàu của các cuộc đấu tranh bảo tồn di sản văn hóa và ngăn chặn các chính sách xây dựng làm ảnh hưởng tới các công trình cộng đồng của nước Mỹ.

Văn hóa của nước Mỹ là thứ luôn ám ảnh bà, từ khi còn là Đệ nhất phu nhân. Với tầm nhìn và trực giác nhạy bén của một người phụ nữ, Jackie Kennedy biết nếu có một thứ gì mà nước Mỹ cần ở thời điểm đó, mà với khả năng, uy tín và vị thế của một Đệ nhất phu nhân có thể mang lại được, thì đó chính là văn hóa.

Jackie cũng chính là người ngăn chặn thành công việc phá bỏ Ga Trung tâm và việc xây dựng một công trình sẽ đổ bóng xuống công viên Trung tâm ở New York.

Và chính người phụ nữ đã từng nói rằng “phụ nữ quá nhạy cảm để làm chính trị”, hai mươi năm sau đã trở thành một người vận động tích cực cho Emily’s List – một hội đồng chính trị hỗ trợ các ứng cử viên nữ tham gia tranh cử, đó chính là Nữ quyền!

Cuốn Bản lĩnh Jackie Kennedy.

Cuốn Bản lĩnh Jackie Kennedy.

Biểu tượng của nữ quyền thật sự

Nữ quyền là thứ nằm trong tay những người phụ nữ biết rõ mình muốn gì và không ngần ngại đấu tranh để có được điều mình muốn, dù đó là một chiếc ghế trong chính trường, một công việc ngoài xã hội, hay một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống như một người nội trợ đảm đang, giúp đỡ và truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác.

Như Jacqueline Kennedy đã làm trong suốt cuộc đời bà. Dù ở cương vị nào, một cô sinh viên yêu thể thao thích cưỡi ngựa, một người vợ người mẹ, một Đệ nhất phu nhân hay một nhà hoạt động xã hội, Jackie Kennedy đều khiến mọi phụ nữ cảm thấy bản thân mình “liên quan” ít nhiều với những gì bà phải trải qua, những gì bà phải đối mặt, những giọt nước mắt, những nỗi đau thầm kín và những ao ước hạnh phúc giản đơn.

Và hơn hết, Jacqueline Bouvier còn là biểu tượng của Nữ quyền thật sự. Không hề có một tấm băng rôn biểu ngữ hô hào “Giải phóng phụ nữ” nào trong toàn bộ cuộc đời Jackie, chỉ thấy tình yêu, những quyết định lịch sử, phong cách lịch lãm trở thành biểu tượng vượt thời gian… đã truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn thế giới. Một thứ Nữ quyền không ồn ào, không bạo lực, nhưng đồng thời cũng không có sự thỏa hiệp nào trên hành trình mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.

“Đấng tối cao đã tặng cho bà những thiên khiếu tuyệt vời, nhưng Người cũng gán cho bà quá nhiều nỗi thống khổ. Người phụ nữ đã sống qua hai vụ ám sát và mất đi hai đứa con sơ sinh, người đã goá bụa hai lần và tự nguyện gánh vác hình ảnh quốc gia trên vai đã để lại ký ức về một Đệ nhất phu nhân mẫu mực và kín đáo, điều mãi mãi chinh phục hậu thế.”Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton

“Jackie đích thực là một người Phụ Nữ với tất cả ý nghĩa tròn vẹn của danh từ thiêng liêng này. Hạnh phúc lẫn khổ đau, say mê và lạc lối, hờn ghen rồi tha thứ, bảo thủ lẫn cởi mở, gương mẫu và nổi loạn, mềm yếu mà cứng rắn, khiêm nhường nhưng quyết liệt… chính sự giao thoa không tưởng giữa những sắc thái đối lập đã giữ quý bà Kennedy ở lại rất lâu trong tâm trí của hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới.” dịch giả Nguyễn Bùi Quốc Dũng

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply