Sẵn sàng du học – “Tự sát có mặt khắp mọi nơi” – tác giả Young-ha Kim đang đề cập tới xã hội Hàn Quốc hiện đại trong bài báo của mình trên tờ The New York Times. Đây được xem là “tai họa của Hàn Quốc” khi rất nhiều người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính đều tự sát với tỷ lệ rất cao, trong đó đáng lo ngại nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Lo lắng bao trùm
Một học sinh trung học Hàn Quốc đã quyết định nói ra sự căng thẳng và tra tấn tinh thần mà cậu phải trải qua như sau:
“Hầu hết học sinh trung học Hàn Quốc phải trải qua điều tương tự hàng ngày, đó là địa ngục. Thậm chí nếu bạn còn học lớp 1, sự căng thẳng và cạnh tranh giữa những học sinh là rất lớn. Vì ai cũng muốn có một chỗ trong trường đại học nên hệ thống giáo dục đã trở thành một nơi cạnh tranh về lực học trong học sinh.
Tôi không chắc chắn và lo lắng về tương lai của mình. Tôi có thể vào trường đại học mà mình lựa chọn không? 20 năm sau tôi sẽ ra sao? Tôi có tìm được việc làm không? Tôi chỉ muốn cánh cửa địa ngục (học kỳ) mở sớm để tôi có thể đi qua thật nhanh. Tôi vẫn còn 2 năm nữa.
Trước tiên, tôi không hiểu những người tự sát, nhưng bây giờ tôi bị suy sụp và đã nghĩ về tự sát vài lần mỗi ngày.”
Không ngạc nhiên tỉ lệ tự sát trong thanh thiếu niên Hàn Quốc cao nhất thế giới khi mà khối lượng bài vở là nguyên nhân chủ yếu.
Thông thường, học sinh được khuyến khích học ở trường 12 giờ mỗi ngày thay vì thời gian học điển hình từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi tới các kỳ thi, đa số các em chỉ ngủ 4 giờ một đêm do lịch học kín mít.
Sau giờ học ở trên lớp từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, các em thường vội đi về nhà để ăn nhanh và sẵn sàng vào lớp học buổi tối tại các trường học tư nhân. Thông thường phải quá nửa đêm các em mới về đến nhà và lúc này chỉ còn vài giờ để ngủ trước khi một ngày mới lại bắt đầu.
Ở Hàn Quốc, có một câu nói nổi tiếng là: “Nếu bạn ngủ 3 giờ mỗi đêm, bạn có thể vào một trường đại học tốt nhất, nếu bạn ngủ 4 giờ mỗi đêm, bạn có thể vào một trường đại học khác, nếu bạn ngủ 5 giờ mỗi đêm, đặc biệt là vào năm cuối trung học thì hãy quên việc đỗ bất kỳ trường nào học nào đi!”.
Áp lực trong khi thi
Học sinh 19 tuổi Lee Yeon-soo đã kể về những điều mà một học sinh phải trải qua khi chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
“Đây là kỳ thi về cơ bản sẽ xác định cuộc đời của bạn. Chúng tôi đã học để tham dự kỳ thi này ngay từ khoảnh khắc bước vào trường tiểu học. Đó là 12 năm học tập nhằm mục tiêu làm tốt trong kỳ thi đại học.
Bước vào phòng thi, có rất nhiều căng thẳng. Khi kỳ thi bắt đầu, thời gian trôi đi rất nhanh và bạn sẽ không biết điều gì đang diễn ra. Trong thời gian thi nghe ngoại ngữ, các chuyến bay bị hoãn, giờ làm việc của mọi người cũng thay đổi nên trên đường không có xe cộ đi lại khi chúng tôi đi thi và điều này khiến tôi cảm thấy cả nước đang thay đổi giờ giấc vì kỳ thi nên tôi lại càng cảm thấy áp lực.
Hầu hết học sinh đều làm tồi tệ hơn trong kỳ thi thật so với thi thử vì có quá nhiều áp lực. Thậm chí những học sinh làm bài tốt khi thi thử cũng có thể làm rất dở trong kỳ thi thật vì vấn đề tâm lý.
Những học sinh không làm tốt trong kỳ thi này sẽ phải học thêm một năm nữa để thi lại. Khoảng 20% học sinh sẽ làm việc này, có người thậm chí thi 3 lần.
Khi kỳ thi kết thúc, bạn cảm thấy như mình bị mất phương hướng. Nó giống như là bạn đang ở cuối chương cuối cùng của cuộc đời mình. Tôi thực sự cảm thấy mình lạc đường khi thi xong. Đây có lẽ là điều mà tôi hướng tới sau 12 năm học tập và tôi đã đến chỗ này rồi, việc tiếp theo sẽ là gì?
Hàn Quốc có một căn bệnh, đó là bệnh ‘bận’. Người lớn luôn luôn bận làm và học sinh lúc nào cũng bận học. Họ không có cuộc sống bên ngoài việc học. Trường học đã trở thành một nhà tù”.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ước tính 90% số người tự sát năm 2016 đều mắc chứng bệnh liên quan đến stress. Hàn Quốc vốn nổi tiếng có môi trường làm việc và học tập căng thẳng, mọi người thường làm việc và học tập đến đêm khuya.
Điều đáng lo ngại là Hàn Quốc có tỷ lệ trẻ em tuổi từ 10-19 tự sát cao nhất thế giới. Hầu hết các vụ tự sát này đều liên quan tới căng thẳng trong học tập. Trẻ em Hàn Quốc dành hơn 16 giờ mỗi ngày ở trường và các lớp học thêm. Tất cả đều chạy đua để vào được 3 trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc vốn có tỷ lệ chọi rất cao. Danh giá của gia đình thường được gắn liền với trường đại học mà con em họ theo học và nhiều học sinh đã tự sát vì áp lực này.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo GDTĐ