Mẹo đọc một quyển sách Tiếng Anh khó

0

SSDH – Mặc dù bạn đã có khá nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng đọc nhưng đôi khi có những quyển sách làm bạn lúng túng. Có thể là do chủ đề của cuốn sách khá mới mẻ với bạn nhưng cũng có thể là do từ ngữ được sử dụng mang tính học thuật cao.

 

duhoc2009129

Ảnh minh họa

 

1. Đầu tiên là bạn phải tìm nơi để đọc sách, đó là nơi mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để đọc. Nói cách khác, đó là nơi bạn đọc “vào” nhất. Vậy thì đó là nơi nào. Mỗi người có một nơi đọc sách ưa thích khác nhau. Người thì cảm thấy thoải mái nhất khi ngồi trên bàn học bên cạnh cửa sổ của mình, có người lại chỉ có thể đọc sách khi ở trong thư viện, có người lại thích ngồi trên bãi cỏ hay ngồi ở trên ghể đá cạnh hồ, thậm chí có người còn cảm thấy thoải mái nhất khi được ngồi trên cây để đọc sách. Nói tóm lại là sở thích của mỗi người khác nhau vì vậy bạn hãy tuỳ theo sở thích của mình mà chọn nơi đọc sách lý tưởng nhất cho mình. Nhưng đa số mọi người không thể đọc được nếu nơi đó quá ồn ào, còn một số người thì khả năng tập trung cao đến nỗi họ đọc và nghiên cứu được ở khắp mọi nơi. Nơi đọc sách cực kỳ quan trọng nhất là khi bạn đọc một cuốn sách khó, vì một khi bạn đã không thể tập trung thì bạn sẽ không hiểu gì hết và đương nhiên là bạn sẽ không muốn tiếp tục đọc nữa mà muốn quẳng cuốn sách đó đi ngay và như thế thì nói gì đến các bước tiếp theo. Vì vậy, điều đầu tiên phải làm là chọn một chỗ ngồi đọc sách tốt đã nhé.

 

2. Thứ hai là hãy luôn mang theo quyển từ điển khi bạn đọc sách. Vì đây là một cuốn sách khó nên chắc chắn sẽ có nhiều từ bạn không hiểu nghĩa, lúc đó quyển từ điển sẽ phát huy tác dụng. Thêm vào đó, nếu bạn có thể kiếm được những tài liệu tham khảo liên quan đến cuốn sách thì cũng nên mang theo khi đọc sách vì chúng sẽ rất hữu dụng đấy, vì nếu có thuật ngữ hoặc dẫn chiếu nào không hiểu thì bạn có thể dùng tài liệu tham khảo này để đối chiếu.

 

3. Bạn nên nhìn qua phần mục lục để xem cấu trúc của cuốn sách như thế nào và cách tác giả sắp xếp nội dung ra sao. Bạn cũng nên đọc cả phẩn giới thiệu của cuốn sách nữa vì phần này sẽ cho bạn biết một vài ý cơ bản của cuốn sách, trong phần này tác giả thường nêu ra một vài ý quan trọng như những thông tin nào sẽ có trong cuốn sách, phương pháp và quy mô của nghiên cứu và tại sao những thông tin này lại quan trọng.

 

4. Đừng bao giờ để cuốn sách làm bạn cảm thấy nản lòng. Cho dù chán đi chăng nữa thì bạn cũng hãy cố gắng đọc hết cuốn sách để ít nhất thì bạn có thể hiểu được cuốn sách nói về cái gì, các nhân vật chính là ai, chuyện gì đã xảy ra với họ, những chuyện quan trọng đã xảy ra trong bối cảnh nào, v.v. Kỹ năng này được gọi là kỹ năng skimming mà Global Education đã có dịp giới thiệu với các bạn, nhưng bạn cũng nên cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Khi bạn đã đọc qua một lượt cuốn sách rồi thì ít nhất bạn cũng hiểu cuốn sách đó muốn viết về cái gì và tác giả đã cố gắng ra sao để hoàn thành cuốn sách đó. Như thế thì khi đọc lại cuốn sách và những tài liệu liên quan đến cuốn sách bạn sẽ không cảm thấy nó quá khó nữa.

 

5. Nếu cuốn sách đó là của bạn thì bạn nên dùng bút highlight để đánh dấu những ý, những câu hoặc những từ quan trọng. Còn nếu trong trường hợp bạn muốn giữ cho cuốn sách của mình vẫn còn y như mới thì bạn có thể cẩn thận ghi notes những ý quan trọng vào một tờ giấy khác đừng quên kèm theo số trang. Để dễ tìm thì bạn có thể đánh dấu những phần, những chương bạn không hiểu để sau đó quay lại đọc những phần này một cách kỹ hơn.

 

6. Nếu bạn cảm thấy mỏi mắt khi đọc thì tốt nhất là hãy dừng đọc một lúc để cho mắt có thời gian thư giãn và dành thời gian này để suy nghĩ về cuốn sách, sắp xếp lại các ý mình vừa đọc theo một trình tự logic nhất định. Viết ra những câu hỏi, những băn khoăn thắc mắc mà bạn có (cho đến lúc bấy giờ) về nội dung, nhân vật, tác giả, hoàn cảnh, v.v.

 

Nếu các định nghĩa vẫn còn quá khó hiểu đối với bạn thì bạn nên dùng biểu đồ hình cây để phân loại lại các ý, dùng hình ảnh hoặc màu sắc để minh hoạ cho các ý quan trọng. Bạn cũng có thể cùng nói chuyện với các bạn của mình về cuốn sách này. Hãy nói lên suy nghĩ và cảm xúc của bạn khi đọc cuốn sách.

 

Những cuộc nói chuyện như thế sẽ rất hữu ích vì bạn không những có thể hiểu thêm được nội dung trong sách mà còn có thêm một cách nhìn mới về một vấn đề vì mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một sự vật, sự việc.

 

7. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng đọc quá lâu vì như thế bạn sẽ nản và không muốn đọc tiếp nữa. Thêm vào đó, nếu bị ngắt quãng một thời gian dài thì khi đọc lại cuốn sách bạn sẽ chẳng nhớ nỗi mình đã đọc đến đâu rồi. Thậm chí bạn còn quên luôn cả một vài chi tiết quan trọng về nội dung cuốn sách nữa cơ. Có khi bạn còn quên luôn là tại sao mình phải đọc cuốn sách đó nữa ấy chứ. Vậy nên bạn hãy cố gắng đọc liên tục để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhé.

 

8. Khi bạn đã đọc hết một lượt cuốn sách bạn nên dành thời gian để đọc lại nó một lần nữa để hiểu sâu hơn về một vấn đề mà bạn đã hiểu trong lần đọc trước và hiểu những vấn đề mà bạn chưa hiểu. Nếu bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết thì khi đọc lại bạn hãy thử kể lại câu chuyện đó cho người khác. Cách này vừa giúp bạn ghi nhớ lại cốt truyện lâu lại vừa có thể thực hành kỹ năng nói. Một điều bạn nên chú ý là khi đọc lại cuốn sách bạn hãy cố dành nhiều thời gian để đọc những đoạn văn, những chương mà bạn không hiểu và đã bỏ qua trong lần đọc đầu tiên. Sau đó, hãy tìm ra mối liên kết giữa phần bạn đang đọc và phần bạn đã đọc.

 

9. Nếu sau khi sử dụng tất cả những cách trên mà bạn vẫn không hiểu được cuốn sách nói gì thì bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn. Họ sẽ trả lời cho bạn mọi thắc mắc về cuốn sách và những băn khoăn của bạn. Nhưng nên nhớ, những câu hỏi của bạn phải thật cụ thể, đừng bao giờ hỏi những câu chung chung, vì như thế giáo viên sẽ hiểu rằng bạn chưa từng đọc kỹ cuốn sách mà đã vội vã hỏi họ. Giáo viên sẽ hiểu rằng bạn là người ỷ lại và lười suy nghĩ nên họ sẽ không giúp bạn đâu. Giáo viên còn có thể sẽ đưa ra cho bạn những cách đọc sách hữu ích khác để bạn đỡ “vất vả” hơn với cuốn sách tiếp theo.

 

10. Lưu ý rằng, khi đọc một cuốn sách khó thì bạn cần phải có ít nhất là những thứ sau đây: thời gian, từ điển, bút viết, bút highlight, giấy, cái đánh dấu trang sách và cả sự kiên nhẫn nữa. Bạn hãy cố gắng chuẩn bị đầy đủ những thứ đó trước khi bắt đầu đọc để không cảm thấy chán nản khi đọc vì khi cần những vật dụng cần thiết thì cứ phải chạy đi tìm.

 

Trên đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn có thế đọc hết một cuốn sách khó mà không cảm thấy nản lòng. Hy vọng kỹ năng đọc của bạn càng ngày càng tiến bộ!

 

Trung Nguyễn

Share.

Leave A Reply